Kinh Nghiệm Mở Đại Lý Thức Ăn Chăn Nuôi

Ở nước ta hiện nay, ngày càng có nhiều đại lý kinh doanh thức chăn nuôi được mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu chăn nuôi cho các trang trại, cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm khắp cả nước. Do đó, trong bài viết hôm nay, chúng tôi sẽ chia sẻ với bạn những kinh nghiệm cùng các bước để mở đại lý cùng những điều kiện, thủ tục cần có. Hãy cùng đọc nhé!

1. Điều kiện kinh doanh thức ăn chăn nuôi

Để có thể bắt đầu mở đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi, bạn cần phải đáp ứng đủ các điều kiện sau theo Nghị định số 39/2017/NĐ-CP về quản lý thức ăn chăn nuôi như sau:

  • Thứ nhất, bạn cần phải có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  • Thứ hai, đại lý của bạn phải có hợp đồng mua bán với các nhà sản xuất, cung cấp.
  • Thứ ba, cần có cửa hàng, địa chỉ kinh doanh, biển hiệu và số điện thoại rõ ràng, cụ thể.
  • Thứ tư, có nơi bày bán và bảo quản thức ăn chăn nuôi đảm bảo vệ sinh, chất lượng theo quy định của pháp luật. Cụ thể:
    • Tại nơi bày bán và trong kho, sản phẩm thức ăn chăn nuôi phải được để riêng biệt, cách xa phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng như các loại hóa chất độc hại khác,…
    • Cần có đầy đủ các trang thiết bị để bảo quản thức ăn chăn nuôi phù hợp với hướng dẫn của nhà sản xuất, nhà cung cấp.
  • Cuối cùng, các sản phẩm thức ăn chăn nuôi phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thú y theo quy định và được phép lưu hành theo pháp luật.
Điều kiện kinh doanh thức ăn chăn nuôi
Nơi bày bán và bảo quản thức ăn chăn nuôi đảm bảo vệ sinh, chất lượng theo quy định của pháp luật.

2. Thủ tục mở đại lý thức ăn gia súc

Để chuẩn bị được đầy đủ và chính xác các loại giấy tờ cũng như các bước đăng ký mở đại lý thức ăn gia súc, hãy tham khảo những hướng dẫn sau đây nhé.

2.1 Hồ sơ đăng ký kinh doanh thức ăn chăn nuôi

Bạn cần chuẩn bị những loại giấy tờ sau:

  • Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp kinh doanh thức ăn chăn nuôi.
  • Đối với Công ty TNHH hai thành viên, cần có bản danh sách các thành viên tham gia. Còn đối với Công ty cổ phần thì cần chuẩn bị danh sách các cổ đông sáng lập.
  • Dự thảo điều lệ doanh nghiệp đối với các loại hình doanh nghiệp.
  • Bản sao có công chứng một trong các giấy tờ sau của các thành viên công ty như: Chứng minh nhân dân, hộ chiếu còn hiệu lực, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc các tài liệu tương đương khác.
  • Đơn đăng ký thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành ở Việt Nam.
  • Bản chính hoặc bản sao có công chứng hợp đồng mua bán sản phẩm thức ăn chăn nuôi từ nhà sản xuất.
  • Bản sao của một trong những loại giấy chứng nhận sau: ISO, GMP, HACCP của cơ sở sản xuất.
  •  Bản kết quả thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng, vệ sinh an toàn của sản phẩm theo tiêu chuẩn được các cơ quan có thẩm quyền công nhận.
  • Mẫu nhãn của sản phẩm có xác nhận của nhà cung cấp hoặc nhà nhập khẩu.
Xem thêm:  Tập Tính Sinh Học Của Trâu Bò

2.2 Trình tự đăng ký

Thực hiện theo các bước sau:

  • Bước 1: Bạn cần đến cơ quan có thẩm quyền về đăng ký kinh doanh để nộp hồ sơ.
  • Bước 2: Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền sẽ đưa cho bạn giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ. Và trong vòng 3 ngày, bạn sẽ nhận được thông báo về tính hợp lệ cũng như những giấy tờ còn thiếu và cần bổ sung trong hồ sơ đăng ký.
  • Bước 3: Nếu hồ sơ thiếu bạn cần nhanh chóng bổ sung các giấy tờ cần thiết. Còn nếu hợp lệ thì sau 3 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ, bạn sẽ nhận được giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh/doanh nghiệp.

3. Kinh nghiệm, các bước để mở đại lý thức ăn chăn nuôi

Cũng như bất kể ngành nghề nào, trước khi muốn mở đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi, bạn cũng cần có những tìm hiểu kỹ càng về luật, thị trường, nhà phân phối cũng như số vốn và giá bán lẻ. Cụ thể như sau:

3.1 Nghiên cứu thị trường, đầu ra cho sản phẩm

Cũng như tất cả các ngành kinh doanh khác, trước khi muốn mở đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi, trước hết bạn cần phải nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thị trường, chắc chắn đầu ra cho sản phẩm sắp bán của mình.

Bạn cần phải trả lời được các câu hỏi sau:

  • Đối tượng khách hàng bạn hướng tới là ai? Các trang trại lớn hay các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ?
  • Thương hiệu thức ăn chăn nuôi nào được sử dụng nhiều hiện nay và được người dân tin dùng?
  • Nơi bạn định mở đại lý có gần trang trại, cơ sở hay hộ chăn nuôi nào không? Đã có đại lý hay cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi nào trong khu vực đó chưa?
Kinh nghiệm mở đại lý thức ăn chăn nuôi
Tìm hiểu kỹ thị trường, chắc chắn đầu ra cho sản phẩm sắp bán của mình.

Sau khi xác định được đối tượng khách hàng, nhãn hiệu được nhiều người mua dùng, bạn cũng cần đầu tư và tìm hiểu thêm về các kiến thức liên quan đến thú y, dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm,… 

Đây sẽ được coi là ưu thế giúp bạn thời gian đầu có thể tiếp cận nhiều với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, qua đó tư vấn, giới thiệu sản phẩm của mình cũng như tìm được nguồn bán hàng. Vì các trang trại lớn sẽ rất khó để có thể bán sản phẩm, do họ sẽ liên kết trực tiếp với các nơi sản xuất thức ăn chăn nuôi.

3.2 Nắm rõ luật kinh doanh

Để có thể kinh doanh và phát triển đại lý một cách thuận lợi, bạn cũng cần nắm được các quy định cũng như các luật liên quan được Nhà nước ban hành để không làm điều đi trái với pháp luật.

Một số điều cần lưu ý khi muốn kinh doanh thức ăn chăn nuôi mà bạn cần biết để tránh vi phạm, làm trái luật, đó là:

  • Phải có đầy đủ giấy phép kinh doanh được cấp bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
  • Địa chỉ, biển hiệu kinh doanh, số điện thoại rõ ràng, cụ thể, tránh mập mờ. Có thông tin của người chủ đại lý.
  • Có đầy đủ hợp đồng mua bán, nhập sản phẩm với các bên cung cấp.
  • Đảm bảo có các giấy tờ chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm, đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy,…
  • Các giấy tờ kê khai và đóng các loại thuế liên quan đúng quy định pháp luật.

3.3 Tìm nhà phân phối, đăng ký làm đại lý

Bước tiếp theo trong quá trình mở đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi là bạn cần tìm được nhà phân phối sản phẩm cho mình. Và trong rất nhiều các nhà sản xuất trên thị trường, bạn cần có sự tìm hiểu kỹ lưỡng, chắt lọc để có thể chọn ra được nơi cung cấp uy tín, phù hợp với nhu cầu của mình.

Khi chọn được nhà cung cấp chất lượng thì bạn không những có thể nhập được các sản phẩm tốt, đảm bảo mà còn nhận được rất nhiều hỗ trợ về mặt đào tạo kiến thức, tư vấn thông tin sản phẩm cũng như cách bảo quản; hỗ trợ cách quảng cáo, giới thiệu sản phẩm đến khách hàng,… 

Xem thêm:  Đặc Điểm Sinh Học Của Gà

Thậm chí nhiều nhà cung cấp còn hỗ trợ vốn mở đại lý ban đầu cho người dân có nhu cầu. Song để nhận được những điều trên, nhiều khi bạn cần phải đạt được những chỉ tiêu bán hàng theo tháng hoặc theo quý,… 

Đó cũng có thể sẽ trở thành áp lực đối với những người mới bắt đầu kinh doanh, vì vậy, bạn cần phải có sự tính toán chi tiết, cẩn thận trước khi đồng ý làm đại lý cho bất cứ bên nào.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần phải tìm được các nguồn khách hàng cho đại lý của mình. Đây là điều rất quan trọng nếu bạn muốn bán được hàng và thu được lợi nhuận.

Để bán được nhiều sản phẩm, bạn cần tìm và liên hệ được với càng nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng như các trang trại lớn càng tốt. Điều này sẽ phụ thuộc vào thương hiệu và chất lượng sản phẩm, giá bán cùng khả năng am hiểu, tư vấn của bạn với mỗi khách hàng để có thể làm ăn với họ.

3.4 Chuẩn bị vốn

Dù là kinh doanh mặt hàng nào thì tiền vốn cũng là vấn đề không thể thiếu. Và với kinh doanh thức ăn chăn nuôi, bạn cần xác định phải chuẩn bị số tiền vốn khá lớn để có thể nhập hàng số lượng nhiều và đảm bảo hàng luôn có sẵn, đủ cung cấp cho khách hàng.

Đồng thời, bạn cũng cần xác định phải có đủ tiền xoay vòng trong trường hợp các đối tác, chủ hộ chăn nuôi chưa kịp thanh toán tiền hàng ngay hay chỉ thanh toán một phần. Điều này là không thể tránh khỏi khi bạn muốn hợp tác lâu dài với khách hàng lớn, đối tác lâu năm.  

3.5 Định giá bán lẻ

Giá bán cũng là một yếu tố giúp khách hàng tìm đến và lựa chọn đại lý của bạn. Tuy nhiên, theo như tìm hiểu, bạn không nên giảm giá hoặc bán giá quá rẻ so với sản phẩm cùng loại ở các cửa hàng khác. Mà giá bán nên cạnh tranh, không chênh lệch nhiều dẫn đến phá giá.

4. Có nên kinh doanh thức ăn chăn nuôi không?

Có nên kinh doanh thức ăn chăn nuôi hay không, câu trả lời phụ thuộc rất nhiều vào bản thân người có ý định kinh doanh.

Bất kỳ ngành nghề nào cũng sẽ có những rủi ro, khó khăn sẽ gặp phải trong quá trình kinh doanh, phát triển. Và với việc kinh doanh thức ăn chăn nuôi cũng vậy.

Thời gian đầu bạn có thể sẽ không tìm được nguồn khách hàng, không bán được nhiều sản phẩm. Làm lâu hơn có thể bạn sẽ gặp tình trạng đối tác, khách hàng quen không trả hết tiền hàng, thậm chí chạy tiền do chăn nuôi thất bại, dịch bệnh khiến gia súc, gia cầm chết hàng loạt, không bán được nên không có tiền trả,…

Đại lý thức ăn chăn nuôi
Bất kỳ ngành nghề nào cũng sẽ có những rủi ro, khó khăn sẽ gặp phải trong quá trình kinh doanh, phát triển.

Hay nhiều khi bạn sẽ rơi vào tình trạng nguồn cung cấp sản phẩm bị thiếu, không đủ hàng để giao cho khách. Hàng nhập về kém chất lượng, quá hạn, bị nhà cung cấp lừa,…

Để có thể đối mặt và giải quyết những vấn đề trên đòi hỏi người kinh doanh phải có những kiến thức, sự am hiểu về sản phẩm, thị trường, có số vốn lớn cũng như cần nắm được những luật cơ bản liên quan đến lĩnh vực của mình.

Chỉ khi bạn trang bị đầy đủ những điều trên và không ngại đối mặt với khó khăn thì bạn hoàn toàn nên kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Bởi Việt Nam là một nước nông nghiệp và chăn nuôi chiếm một phần quan trọng trong nền kinh tế nước ta. Do đó, kinh doanh thức ăn chăn nuôi sẽ không bao giờ bị hết thời.

5. Lưu ý khi mở đại lý cấp 1 thức ăn chăn nuôi

5.1 Đại lý cấp 1 là gì?

Đại lý cấp 1 hiểu đơn giản là cửa hàng kinh doanh được nhập hàng trực tiếp từ nhà sản xuất mà không cần phải qua bất kỳ nhà phân phối trung gian nào khác. Đại lý cấp 1 là nơi giúp các sản phẩm từ công ty được phân phối và tiếp cận đến tay khách hàng rộng rãi hơn. 

Xem thêm:  Chó Ăn Phải Bả Bao Lâu Thì Chết

Do đó, đại lý cấp 1 thường nhận được những chiết khấu rất ưu đãi cũng như các hỗ trợ khác từ phía công ty. Nhưng bù lại, đại lý cấp 1 cần phải đảm bảo chất lượng và doanh số bán hàng theo chỉ tiêu hàng tháng hoặc hàng quý.

5.2 Những lưu ý khi mở đại lý cấp 1 thức ăn chăn nuôi

  • Để có thể trở thành đại cấp 1 thức ăn chăn nuôi đòi hỏi bạn cần có số vốn lớn, có nhân lực, có kho xưởng, có cửa hàng trưng bày sản phẩm cũng như phải có phương tiện vận chuyển phù hợp.
  • Hãy tìm hiểu thật kỹ về công ty và các sản phẩm của công ty mà bạn muốn đại lý.
  • Trước khi ký kết bất kỳ giấy tờ gì liên quan đến vấn đề mở đại lý, bạn cần đọc thật kỹ các điều khoản, chính sách của công ty, mức chiết khấu cùng doanh số cần đạt được mỗi tháng hoặc mỗi quý,… Đồng thời phải thảo luận và thống nhất rõ ràng trên giấy tờ về việc chia lợi nhuận để tránh các tranh chấp phát sinh sau này.
  • Tiếp đó, cũng như khi kinh doanh các mặt hàng khác, khi mở đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi, bạn cũng cần phải tuân thủ và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
  • Ngoài chất lượng, giá cả sản phẩm thì thái độ và cách bán hàng của nhân viên cũng là yếu tố quan trọng giúp giữ chân khách hàng.
Những lưu ý khi mở đại lý thức ăn chăn nuôi
Đại lý cấp 1 là nơi giúp các sản phẩm từ công ty được phân phối và tiếp cận đến tay khách hàng rộng rãi hơn.

Do đó, trước khi mở đại lý cấp 1, bạn cần phải đào tạo, hướng dẫn đội ngũ nhân viên có kinh nghiệm, kiến thức sâu về sản phẩm cũng như sự nhiệt tình, chuyên nghiệp khi tư vấn cho khách.

  • Cuối cùng, để có thể mở đại lý cấp 1 thành công cũng như phát triển lâu dài, bạn cần phải có niềm đam mê, sự nghiêm túc, quyết tâm trong công việc, cũng như phải xác định bản thân có đủ khả năng xử lý các tình huống phát sinh khác.

Những câu hỏi thường gặp

  • Mở đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi cần những gì?

Để có thể mở một đại lý thức ăn chăn nuôi, trước hết bạn cần phải có số vốn lớn, có sự tìm hiểu, nghiên cứu thị trường cũng như đầu ra sản phẩm thật chi tiết, tỉ mỉ.

Tiếp đó, bạn cần phải nắm được những quy định, những điều luật liên quan đến lĩnh vực này để không vi phạm trong quá trình kinh doanh. Đồng thời phải tìm được nhà sản xuất phù hợp, đăng ký làm đại lý cũng như định giá bán lẻ cho các sản phẩm của mình khi ra thị trường.

  • Chi phí để mở đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi là bao nhiêu?

Không có một mức tiền nhất định nào cho việc mở đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Chi phí mở phụ thuộc nhiều vào việc bạn muốn kinh doanh theo hình thức nào, như là: tổng đại lý, đại lý độc quyền, đại lý cấp 1, đại lý cấp 2,…

Nhưng có một điều chắc chắn đó là để mở đại lý, bạn sẽ cần phải có một số vốn rất lớn, khoảng 200.000.000 đồng trở lên, để có thể nhập hàng cũng như luôn có sẵn một lượng hàng nhất định trong kho, có vốn xoay vòng khi đối tác nợ tiền hàng chưa trả,…

Hi vọng tất cả những chia sẻ, kinh nghiệm của chúng tôi trong bài viết này sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ nét và cụ thể hơn về việc mở đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Và nếu bạn đang có ý định mở đại lý thì hãy chuẩn bị thật kỹ càng mọi thứ từ các giấy tờ thủ tục cho đến vốn nhé. Chúc các bạn thành công.

5/5 - (5 bình chọn)
Về Dương Giang

Với tình yêu và kinh nghiệm, sự hiểu biết trong lĩnh vực cây cảnh, cây xanh, làm vườn...Mình hi vọng sẽ cùng bạn xây nên những khu vườn diệu kỳ, cây cối phát triển khỏe mạnh.

Viết một bình luận