Các bệnh ở Heo nái (lợn nái) mang thai và sau khi sinh

Việc chăn nuôi heo nái thành công quyết định nhiều đến năng suất và lợi nhuận của mỗi cơ sở, trang trại chăn nuôi heo trong cả nước. Chính vì vậy, bạn cần tìm hiểu và nắm rõ được các bệnh thường gặp ở heo nái mang thai và sau khi sinh để có thể kịp thời phát hiện và khắc phục nhanh chóng.

1. Heo nái là gì?

Heo nái hay còn gọi là lợn nái theo miền Bắc, là những con heo cái khỏe mạnh, thân hình cân đối, nhiều vú, không bệnh, không khuyết tật, được nuôi và chăm sóc kỹ lưỡng để đẻ con.

Heo nái
Heo nái là những con heo cái khỏe mạnh, thân hình cân đối

Việc nuôi heo nái (lợn nái) đòi hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm cao, khó hơn nuôi lợn thịt, tuy nhiên lợi nhuận và lãi suất thu về sau mỗi đợt sinh thường rất cao.

2. Các bệnh thường gặp ở heo nái khi mang thai và sau sinh

Sau đây là một số bệnh heo nái thường mắc phải trong quá trình mang thai hoặc sau sinh.

2.1 Bệnh sảy thai

Đây là bệnh thường gặp ở heo nái (lợn nái) mang thai và là vấn đề hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của heo nái cũng như kinh tế của người nuôi.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc heo nái bị sảy thai như:

  • Cúm heo
  • Bệnh giả dại
  • Bệnh tai xanh
  • Viêm nhiễm và các bệnh do ký sinh trùng gây ra
  • Một số nguyên nhân khác: Thiếu chất dinh dưỡng; Điều kiện chăm sóc, chuồng trại, thức ăn và nước uống kém, không vệ sinh, ô nhiễm; Một số trường hợp do ít được tiếp xúc với heo đực,…
Heo nái trước khi sinh
Giai đoạn mang thai là lúc heo nái có nhiều sự thay đổi về cơ địa

Hiện tượng thường thấy nhất ở bệnh sảy thai heo nái đó là chảy máu nhiều ở âm đạo. Chính vì thế, trong quá trình heo nái mang thai mà có các biểu hiện như ăn ít, chán ăn, ốm sốt, người nuôi cần thường xuyên kiểm tra vùng kín để kịp thời phát hiện bệnh.

Một điều cần chú ý là khi heo nái mắc bệnh tai xanh thì tỷ lệ bị sảy thai thường sẽ khá cao. Hoặc nếu không sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của heo con sau sinh.

Giai đoạn mang thai là lúc heo nái có nhiều sự thay đổi về cơ địa và cũng là thời điểm tốt cho vi khuẩn xâm nhập gây bệnh. Do đó, người chăn nuôi cần hết sức chú ý đến việc vệ sinh chuồng trại thường xuyên, tẩy uế liên tục.

Đồng thời cũng nên bổ sung thức ăn dinh dưỡng, nước uống sạch sẽ, đầy đủ để heo nái luôn khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt và cho ra đời lứa con sắp sinh năng suất cao.

2.2 Bệnh sót nhau

Đây là bệnh thường gặp sau khi heo nái vừa đẻ con xong. Sót nhau là tình trạng sau khi heo con đã được đẻ ra tầm 10 – 60 phút mà nhau thai vẫn chưa được đẩy ra ngoài hoặc đẩy ra không hết.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thường là do heo nái đẻ quá nhiều con trong một lứa hoặc heo nái già đã đẻ nhiều lần dẫn đến tử cung co bóp kém, khó đẩy được hết nhau thai ra ngoài sau khi sinh. Hay những con heo nái bị mắc bệnh viêm niêm mạc tử cung cũng sẽ làm cho nhau bị dính lại, không ra hết.

Bên cạnh đó, những con heo nái ít vận động ở giai đoạn cuối thai kỳ, béo hoặc gầy quá mức hay thiếu khoáng và canxi trong khẩu phần ăn hàng ngày cũng là nguyên nhân làm giảm sự co bóp tử cung lúc sinh, từ đó dẫn đến sót nhau.

Nhiều trường hợp là do sự can thiệp thiếu kỹ thuật, kinh nghiệm của chủ nuôi hoặc người đỡ đẻ khiến nhau thai chưa ra hết đã vội vàng kéo làm bị đứt và sót lại.

Do đó, sau quá trình heo nái sinh xong, chủ nuôi cần thường xuyên kiểm tra các biểu hiện của heo mẹ để kịp thời phát hiện. Sẽ rất dễ nhận biết nếu heo mẹ luôn có dịch sẫm màu tiết ra từ cơ quan sinh dục, có thể lẫn máu hoặc các mảnh nhau vụn.

Trường hợp khó biết hơn, đòi hỏi người nuôi cần quan sát kĩ và tỉ mỉ như sau khi sinh heo mẹ luôn không yên tĩnh, bị đau và hay có biểu hiện rặn. Đôi khi chúng sẽ bị sốt, uống nhiều nước hơn bình thường và không cho con bú.

Ngay khi phát hiện heo nái bị sót nhau, cần thụt sửa, đặt kháng sinh, tiêm thuốc Oxytocin dưới da để kích thích co bóp tử cung giúp đẩy nhau ra hết. Tiếp đó, rửa tử cung heo nái trong ba ngày liên tục bằng thuốc tím nồng độ 0,1% hoặc nước muối 0,9%.

Quá trình heo nái mang thai ngoài việc giữ vệ sinh chuồng trại, cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho heo mẹ, cũng cần chú ý đến không gian sống đủ rộng để heo có thể vận động tốt, tăng sức khỏe lúc sinh.

2.3 Bệnh sốt sữa

Heo nái thường bị sốt sữa chủ yếu do sót nhau thai. Khi nhau ở trong tử cung sẽ tiết ra hoocmon follienlia, dẫn đến ức chế sự phát sinh của hoocmon prolactine, việc này khiến cho tuyến vú không phát triển được gây sốt sữa;

Một số nguyên do khác cũng gây ra sốt sữa ở heo nái như viêm nhiễm trùng tử cung và vú, hay sự mất cân đối về hành phần và giá trị dinh dưỡng, đặc biệt là đạm, khoáng và canxi trong thức ăn.

Các bệnh thường gặp ở heo nái mang thai
Cần chú ý đến không gian sống đủ rộng để heo có thể vận động tốt, tăng sức khỏe lúc sinh.

Chủ nuôi cần quan sát và tìm hiểu xem heo nái bị sốt sữa do đâu để có thể có phương án khắc phục kịp thời phù hợp nhất.

  • Do sót nhau thai: Có thể tiêm một số dung dịch sau:
    • Gluconat canxi 10% tiêm tĩnh mạch với liều 20ml/con .
    • Oxytocin tiêm tĩnh mạch với liều 10 – 20 UI/con .
    • Ergotin tiêm bắp với liều 0,3 – 0,5mg/con.
  • Do thiếu canxi: Dùng dung dịch Gluconat canxi 10% tiêm tĩnh mạch với liều 20 – 40ml/con.
  • Do thiếu vitamin C: Tiêm 200ml nước cất cộng với 5ml vitamin C/con/ngày. Khi lợn đã trở lại trạng thái bình thường nhưng sữa vẫn ít, chủ nuôi có thể tiêm dung dịch Thyrosin 1 lần/ngày với liều 1ml/con/ngày.

2.4 Bệnh viêm tử cung

Viêm tử cung cũng là một trong các bệnh heo nái thường mắc phải trong quá trình mang thai hoặc sau khi sinh.

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bệnh này là do heo đực bị viêm niệu quản lây cho heo cái. Với trường hợp thụ tinh nhân tạo, có thể do dụng cụ gieo tinh, thụ tinh không được sát trùng tốt, đúng yêu cầu hay quá trình thụ tinh làm mạnh khiến tử cung heo cái bị xước, xây xát, từ đó hình thành ổ viêm.

Nguyên nhân gián tiếp có thể kể đến như chuồng trại bẩn, không đảm bảo vệ sinh, không khử khuẩn đúng quy trình trước khi đưa heo nái về chuồng. Bên cạnh đó, việc thiếu kinh nghiệm từ người đỡ đẻ hay việc sót nhau thai lâu ngày cũng dẫn đến việc heo nái bị viêm tử cung.
hai biểu hiện chính của bệnh này đó là:

  • Ở mức độ nhẹ: Xuất hiện dịch nhầy lỏng, lợn cợn, có mùi tanh từ tử cung của heo nái sau khi sinh từ 12 – 24 tiếng. Heo có thể bị sốt nhẹ.
  • Ở mức độ nặng: Heo nái có thể sốt đến 40 – 41 độ C, tử cung có mủ đặc màu vàng đục, lẫn máu, tanh hôi và bệnh kéo dài từ 3 – 4 ngày. Nếu không chữa trị kịp thời thì heo mẹ nếu quá yếu sẽ chết, heo con bú sữa từ mẹ sẽ bị tiêu chảy và chết dần. Trường hợp những con heo mẹ được chữa khỏi cũng không nên dùng nuôi heo giống.

Khi phát hiện heo nái bị viêm tử cung, cần điều trị ngay bằng cách pha 1 muỗng cà phê muỗi với 2 lít nước đun sôi để nguội hoặc thuốc tím 0,70/00 để thụt rửa tử cung heo liên tục trong 3 ngày với mỗi ngày 2 ­- 3 lần.

Bên cạnh đó cần hạ sốt cho heo nái bằng Analgine, Arthricidine; Tiêm kháng sinh liên tục trong 3 – 5 ngày bằng Amoxi 15% (1ml/10kg trọng lượng), Linspec (1 cc/10kg trọng lượng).

Kết hợp kháng viêm cho heo nái bằng Ketovet, Tolfen và tiêm Oxytocin ngày 1 lần để tử cung co bóp tống sản dịch ra, đồng thời kích thích tạo sữa với liều lượng 30­40UI/nái.

Để phòng tránh việc heo nái bị viêm tử cung, trước hết cần chú ý giữ gìn và vệ sinh chuồng trại thật sạch sẽ, đồng thời cần sát trùng các dụng cụ và tay người đỡ đẻ đúng tiêu chuẩn.

2.5 Bệnh viêm vú

Biểu hiện thường thấy ở những con heo nái bị viêm vú là vú bị sưng đỏ, sờ vào nóng, các vú không đều nhau. Trường hợp heo nái bị viêm vú nặng có thể sốt đến 40,5 – 42 độ C, chán ăn, không cho con bú sữa, sữa bị vón cục ở những vú viêm,…

Sau khi sinh, nếu heo nái bị sót nhau, viêm tử cung thì cũng rất dễ mắc bệnh viêm vú, bởi lúc này cơ thể heo mẹ yếu, tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ xâm nhập gây bệnh.

Một nguyên nhân nữa dẫn đến viêm vú ở heo nái là do heo mẹ tiết nhiều sữa nhưng heo con bú không hết gây ứ đọng, hay heo mẹ cho bú lệch bên,…

Bên cạnh đó, việc chuồng trại không vệ sinh, không được sát trùng, sát khuẩn liên tục cũng là nguyên do dẫn đến nhiều bệnh ở heo nái, trong đó có viêm vú.

Việc lây lan viêm vú sang các vú lành diễn ra rất nhanh, do đó, chủ nuôi cần phải theo dõi sát sao tình trạng heo khi sinh để nhanh chóng phát hiện bệnh.

Nếu heo nái chỉ viêm vú nhẹ, chủ nuôi có thể dùng nước đá rửa và chườm ở đầu vú viêm để giảm sưng đỏ và đau. Xoa bóp nhẹ nhàng 2 – 3 lần/ngày bằng tay để vú mềm dần; vắt vú bị viêm 4 – 5 lần/ngày cho hết sữa để tránh việc lây lan từ vú viêm sang vú lành.

Trường hợp viêm vú nặng, phải dùng một số loại thuốc đặc trị như:

  • Tiêm Penicilin với liều 10.000 UI/kg thể trọng xung quanh vú 2 lần/ngày; Streptomycin với liều 10mg/kg thể trọng
  • Bơm Terramycin vào vú viêm qua lỗ tiết sữa. Vắt hết sữa trong vú viêm trước khi bơm và dùng mỡ Penicillin, mỡ Terramycin bôi ở vú viêm cho đến khi khỏi.

Bạn có thể phòng tránh bệnh viêm vú cho heo nái bằng cách: Vệ sinh, khử khuẩn chuồng trại thật sạch sẽ trước và sau khi chúng sinh. Thu dọn cẩn thận hết nhau thai, tránh để heo mẹ ăn phải. Bố trí heo con bú đều các vú và bấm răng nanh không để làm tổn thương vú mẹ trong quá trình bú. Giảm lượng đạm trong khẩu phần ăn của heo mẹ

2.6 Bệnh bại liệt sau sinh

Đây là căn bệnh thường xảy ra với những heo nái đã đẻ nhiều lần và đẻ nhiều con. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là khi mang thai, heo mẹ không được cung cấp đầy đủ canxi và phốt pho mà phải lấy từ các chất dự trữ trong cơ thể từ xương.

Điều đó dẫn đến heo nái mẹ dần yếu đi, khó khăn trong việc đi lại, tập tễnh,… lâu dần bị bại liệt.

Để có thể hạn chế tình trạng bại liệt sau sinh của heo nái, chủ nuôi cần cung cấp thức ăn có chứa nhiều canxi và phốt pho cho heo, cho chúng tắm nắng và vận động thường xuyên.

Bên cạnh đó, hãy cung cấp vitamin D bằng cách pha trộn vào thức ăn hoặc cho uống với liều lượng 2ml/con/ngày trước khi sinh khoảng 1 tháng nhé.

3. Chăm sóc và nuôi dưỡng heo nái khi mang thai và sau sinh

3.1 Trong quá trình mang thai

  • Chăm sóc

Luôn giữ gìn chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, đầy đủ ánh sáng, có nắng chiếu vào, chuồng nền hoặc sàn cách đất. Chuồng cần đảm bảo mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.

Thường xuyên khử khuẩn quanh chuồng, các máng đựng thức ăn, nước uống để tránh nhiễm bẩn, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, gây bệnh cho heo mẹ.

Chăm sóc heo nái sau khi sinh
Luôn giữ gìn chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, đầy đủ ánh sáng, có nắng chiếu vào, chuồng nền hoặc sàn cách đất

Chuồng ở cho heo nái mẹ cũng cần đảm bảo đủ rộng rãi để heo có không gian vận động, nhưng cần yên tĩnh, không xáo trộn đàn.
Lưu ý tiêm phòng đầy đủ cho heo nái mang thai trước ngày dự sinh khoảng 15 ngày theo quy định.

Chủ nuôi cũng cần vệ sinh, tắm chải và xoa bóp bầu vú để kích thích thông tia sữa cho heo nái 1 – 2 lần/ngày. Trước 5 ngày để, không được tắm chải nữa.

  • Chế độ ăn uống

Quá trình mang thai cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết để heo nái mẹ có đủ chất nuôi dưỡng thai và cho ra đời đàn heo con khỏe mạnh, cũng như hạn chế các bệnh lý không đáng có do thiếu chất.

Thức ăn cho heo nái cần chứa đủ vitamin, khoáng chất, canxi,… không bị ôi thiu hay mốc. Nước uống cũng cần đảm bảo là nước sạch, không được để heo mẹ bị khát.

Khẩu phần ăn nhiều hay ít sẽ tùy thuộc vào thể trọng của heo nái béo hay gầy mà tùy chỉnh cho phù hợp.

3.2 Sau khi sinh

  • Chăm sóc

Trước khi cho heo con bú, cần lau rửa mép âm hộ bằng nước muối sinh lý 0.9%, thuốc tím 0.1% và rửa sạch bầu vú.

Thường xuyên quan sát, theo dõi để tránh việc heo mẹ đè chết heo con.

Theo dõi tình trạng sức khỏe heo mẹ như: màu sắc, lượng và mùi dịch hậu sản, kiểm tra thân nhiệt 2 lần/ngày và liên tục trong 3 ngày để tránh trường hợp sốt gây mất sữa.

Cần cho heo mẹ uống nước sạch có pha thêm muối và ăn thức ăn hỗn hợp với số lượng ít để tránh viêm vú và sau đó cho ăn tự do.

Heo nái sau khi sinh
Thường xuyên quan sát, theo dõi để tránh việc heo mẹ đè chết heo con
  • Chế độ ăn uống

Sau khi đẻ, heo nái thường mệt dẫn đến ăn ít hoặc không ăn. Tuy nhiên, chủ nuôi cần cung cấp đầy đủ nước uống để heo mẹ tiết sữa nuôi con. Trung bình heo nái và đàn heo con cần 35 – 50 lít nước/ngày tùy theo điều kiện nhiệt độ và thời tiết.

Định lượng tăng dần lượng thức ăn cho heo nái để tránh dư sữa, thời kỳ nuôi con trung bình khoảng 4.5kg/nái/ngày.

Với heo nái mập thì cần hạn chế thức ăn nếu nuôi ít con. Còn với heo nái gầy, nuôi nhiều con thì nên cho ăn tự do theo nhu cầu, không sẽ dễ bị suy kiệt sâu thời gian nuôi con, chậm động dục lại.

Bên cạnh đó, cũng cần tập ăn sớm cho heo con, tránh tình trạng heo con tăng trưởng chậm lại.

Một số câu hỏi thường gặp

  • Các bệnh phổ biến của heo nái khi mang thai, sau sinh là gì?

Có 6 loại bệnh mà người chăn nuôi cần lưu ý khi nuôi dưỡng chăm sóc heo nái trước và sau sinh: Bệnh sót nhau, Bệnh bại liệt sau sinh, Bệnh sảy thai, Bệnh sốt sữa, Bệnh viêm tử cung, Bệnh viêm vú.

  • Phải chăm sóc heo nái mang thai như thế nào cho tốt?

Cần làm chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, đầy đủ ánh sáng, có nắng chiếu vào, chuồng nền hoặc sàn cách đất. Chuồng cần đảm bảo mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.

  • Heo nái sau sinh cần lưu ý gì để tránh bị bệnh?

Sau khi đẻ, lưu ý đến chế độ ăn uống của heo nái. Ta cần cung cấp đầy đủ nước uống để heo mẹ tiết sữa nuôi con. Trung bình heo nái và đàn heo con cần 35 – 50 lít nước/ngày tùy theo điều kiện nhiệt độ và thời tiết.

Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về các bệnh heo nái thường gặp khi mang thai và sau sinh, hi vọng sẽ hữu ích với bạn. Nếu bạn có những kinh nghiệm khác, đừng ngần ngại chia sẻ với chúng tôi ở phần bình luận nhé.

5/5 - (3 bình chọn)