Tác dụng và cách chăm sóc Cây Sương Sâm

Sương sâm là loài cây dây leo mọc dại rất nhiều trong tự nhiên, đã được dùng từ rất lâu đời để làm thuốc chữa bệnh. Hiện nay loại lá này còn được dùng làm một số món ăn vặt trong mùa hè giúp thanh nhiệt rất tốt. Để biết thêm chi tiết về đặc điểm, công dụng của cây cùng đọc bài viết nhé.

Cây sương sâm
Cây sương sâm phân bố hầu hết các nước ở vùng Đông Nam Á

I. Tổng quan về cây Sương Sâm

  • Tên thường gọi: Cây Sương Sâm
  • Tên gọi khác: Cây Sâm nam, Lá mối, dây xanh leo, dây xanh ba nhị, xanh tam. 
  • Tên khoa học: Tiliacora triandra
  • Họ thực vật: Cây thuộc họ Tiết dê hay họ Biển bức cát –  Menispermaceae
  • Nơi sống: Cây thường mọc trong rừng, trên núi đá vôi có độ cao 300m so với mực nước biển.
  • Nguồn gốc, xuất xứ:  Sương sâm là cây bản địa của khu vực Đông Nam Á.
  • Phân bố: Cây sương sâm phân bố hầu hết các nước ở vùng Đông Nam Á, nhiều nhất chủ yếu ở các nước Thái Lan, Campuchia, Việt Nam và Lào.
  • Bao gồm các loại cây: Có hai loại cây sương sâm là cây sương sâm lông và sương sâm trơn.

II. Đặc điểm của cây Sương Sâm

  • Hình dáng bên ngoài: Sương sâm là loại cây thân leo, bò lên cây khác hoặc hàng rào. Có một loại thân và lá có lông mịn còn một loại khác không lông hay còn gọi là sương sáo lá mịn.
  • Kích thước: Cây mọc tự nhiên thường leo rất cao không giới hạn khi không có vật để bám thì dây có thể bò ngược xuống.
  •  Lá: Lá sương sâm non màu xanh lục, lá già đậm hơn giống hình trái tim dài 6 – 12cm , rộng 4 – 6 cm, cuống dài 5 – 10 mm.
  • Hoa: Hoa mọc thành cụm từ kẽ lá hay ngọn của các nhánh dây ở cả dây non và thân cây già. Hoa cũng có lông mịn, màu vàng hoa đực và hoa cái riêng biệt, hoa đực có từ 5 – 6 cánh, nhị 3,  hoa cái có 6 cánh hoa, 8 – 9 lá noãn. Mùa hoa từ tháng 1 – 2.
  • Quả: Quả sương sâm là dạng quả hạch mềm, màu đỏ dài 7-10 mm, rộng 6 – 7 mm, mùa quả chín từ tháng 6 – 7.
Tìm hiểu về cây sương sâm
Lá sương sâm non màu xanh lục, lá già đậm hơn giống hình trái tim dài

III. Tác dụng của cây Sương Sâm

1. Tác dụng ẩm thực

Ở Việt Nam, lá sương sâm được dùng để nấu thạch và chế biến rau ăn hàng ngày. Lá bánh tẻ và ngọn non dùng để xào, nấu canh hay luộc đều được ăn rất bổ mát trong mùa hè.

Không chỉ ở nước ta mà một số nước trong khu vực Đông Nam Á cũng đã biết dùng loại lá này. Trong nét văn hóa ẩm thực của các người anh em láng giềng thì lá sương sâm được dùng để làm một món lẩu chua bao gồm măng, ớt…kèm với một số gia vị và thịt hoặc cá.

Mách nhỏ cách làm thạch từ lá sương sâm nhé: Bạn cần xay hoặc giã nát một lượng lá tươi sương sâm với một lượng nước lọc nhất định, sau đó lọc sạch và để khoảng một đến hai giờ, chất nước này sẽ kết đông lại và có màu xanh lá cây.

Người ta thường ít dùng sương sâm trơn hơn là sương sâm lông, do thạch không được mịn và ngon bằng.

2. Tác dụng chữa bệnh

Loại cây này đã được dân gian truyền tai nhau sử dụng từ lâu đời để làm thuốc, lá và rễ cây sương sâm có thể dùng tươi nguyên chất hoặc phơi khô đều được.

Theo như trong đông y, sương sâm có tính lạnh, vị đăng đắng nên thường được sử dụng như một loại dược liệu có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, giải độc, lợi tiểu. Những người mắc các bệnh như: gan, dạ dày, tiêu chảy, kiết lỵ, cao huyết áp thì nên sử dụng loại dược liệu này.

Phần rễ của sương sâm còn giúp giảm đau nhức xương khớp, đau họng do viêm nhiễm, liều dùng khi phối hợp với các vị thuốc khác là 15 – 30g dưới dạng thuốc sắc.

Rễ tươi rửa sạch, giã nát, đắp trị đinh nhọt, lở ngứa ngoài da, sưng đau bầm tím do té ngã.

Tác dụng của cây sương sâm
Ở Việt Nam, lá sương sâm được dùng để nấu thạch và chế biến rau ăn hàng ngày

IV. Cách trồng và chăm sóc cây

1. Cách trồng cây

Dây sương sâm rất dễ trồng, sống lâu năm thu hoạch rất lâu mà ít khi phải trồng lại. Có thể trồng bằng củ, bứng cây con để trồng hoặc trồng bằng dây (giâm cành).

Hiện nay nhân dân một số nơi đã trồng hàng trăm hecta và thu hoạch lá Sâm Nam để bán làm thạch sâm quanh năm đặc biệt làm nước giải khát trong  mùa hè. Đây là món quà mà thiên nhiên trao tặng  cho nhân dân vùng nắng hạn, vừa dùng làm nước giải khát, vừa làm thuốc để thanh nhiệt, giải độc.

  • Ngâm hạt giống

Ngâm hạt trong nước mát khoảng 7 – 14 giờ hoặc tốt nhất là trước một đêm, để ráo nước, dùng khăn ủ hạt chờ hạt nứt nanh trắng. Sau đó sẽ tiến hành trồng

  • Đất trồng

Cây sương sâm là một loại cây khoẻ, trồng được trên nhiều loại đất, nơi trồng thoát nước tốt, nhiều mùn, chịu không nắng 25 – 35%.

Cây cần nhiều nước nhưng không chịu được ngập úng nên vùng đất trũng cần phải lên luống để thoát nước, tránh ẩm quá. Để cây phát triển tốt nhất nên chọn loại đất có nhiều mùn và chất dinh dưỡng.

  • Cách trồng

Trồng cây con đã gieo sẵn thành hàng vào bầu đất, sau đó tưới nhẹ để giữ ẩm. Hàng ngày tưới 2 lần vào sáng và chiều mát cho cây.

Trồng và chăm sóc - cây sương sâm
Dây sương sâm rất dễ trồng, sống lâu năm thu hoạch rất lâu mà ít khi phải trồng lại

2. Cách chăm sóc cây Sương Sâm

Tưới nước ngay sau khi trồng để đảm bảo đủ độ ẩm cho hạt giống và đất trồng, tưới đều đặn ngày 2 lầ chon đến khi mầm nhú lên mặt đất.

Khi cây bò dài nên cắm cọc dài khoảng 1,6 – 1,7m để dây leo. Làm giàn từ cây tre, hay có thể làm giàn như trồng khổ qua, dưa leo dây. Chú ý: Quấn ngọn định hướng để giúp dây leo dễ hơn.

Bón cho cây đang thu hoạch bằng phân chuồng ủ hoai + phân NPK: 16-16-8 liều lượng 5kg phân chuồng + 1kg phân NPK: 16-16-8/năm/gốc chia làm nhiều lần trong năm (3 – 5 lần bón). Để bảo đảm vườn luôn xanh tốt, thường xuyên tăng cường bón phân hữu cơ hoại mục, hạn chế bón phân đạm.

Lá sương sâm thường bị các loài rệp, nhện đỏ  ăn hại lá làm xoăn búp lá non, dây sẽ rụt lại và không phát triển. Bệnh này dùng thuốc Komite 25ml pha pha bình 20 lít nước phun vào sáng sớm hoặc chiều mát để diệt tận gốc loài này, phun nhắc lại lần hai nếu còn nhện.

Ngoài ra, còn bị bệnh thối rễ, chết nhanh, nếu đất không được tơi xốp và thoát nước thì bệnh thối rễ có điều kiện phát triển mạnh, gây chết dây hoàn toàn. Dùng Nấm Mancozeb phun kèm với Komite để trị cả hai bệnh.

Trường hợp trồng dày đặc thường bị cháy lá phía dưới, dùng Fe-EDTA tưới nước lá sẽ mọc và xanh trở lại.

Nếu cây sạch bệnh nhưng vẫn còn vàng nên dùng phân hữu cơ sinh học để pha tưới gốc giúp cải thiện bộ rễ, tạo rễ mới giúp giải độc đất và cây sẽ hồi phục nhanh chóng.

5/5 - (1 bình chọn)