Phong lan Hồng sắc có màu hoa tím rất đẹp, tươi sáng và mùi thơm nồng nàn quyến rũ thoang thoảng của mùi hương quế. Bởi vậy, cây còn được gọi với cái tên là Phong lan Quế tím, cây đứng hàng đầu trong chi Giáng hương. Đây là loài rất được ưa chuộng trang trí hiện nay bởi giá thành hợp lý, màu sắc trẻ trung, dễ pha trộn với các loài cây cảnh khác tạo nên không gian tươi mát và sinh động hơn.
Hoa Phong Lan Quế Tím

I. Giới thiệu chung về cây lan Quế tím
- Tên thường gọi: Cây phong lan quế tím
- Tên gọi khác: Hồng sắc, Giáng hương lá dày
- Tên khoa học: Aerides crassifolia Parish
- Họ thực vật: Cây thuộc họ Phong Lan (Orchidaceae)
- Nơi sống: Hầu hết các loài lan rừng đều sống phụ sinh trên thân cây hoặc vách đá trong rừng thưa ẩm miền Bắc, miền Trung – Tây Nguyên.
- Nguồn gốc, xuất xứ: Là loài bản địa của khu vực Đông Nam Á.
- Tuổi thọ: Cây sống rất lâu năm
- Phân bố: Cây phân bố rộng rãi khắp các nước châu Á như: Lào, Thái lan, Philippin, Việt Nam…
- Thời gian nở hoa: Hoa lan quế tím thường nở khoảng 2 lần trong năm đó là mùa xuân – hè khoảng tháng 3 – 4 và khoảng mùa thu tháng 8 – 9.
- Màu sắc của hoa: Hoa có màu phớt hồng hoặc tím đậm
II. Đặc điểm của cây Phong Lan Quế Tím
- Hình dáng bên ngoài: Phong lan quế tím là loài lan đơn thân, mập và ngắn màu xanh đậm nếu đủ dinh dưỡng, nếu dinh dưỡng kém và thừa ánh sáng lá thường vàng và cứng hơn.
- Kích thước: Đối với cây lâu năm thân có thể cao từ 1 – 1,2m, trung bình từ 20 – 50cm.
- Lá: Lan quế tím thường dày, cứng, ngắn, màu xanh lục với lá non khi là già chuyển màu phớt tím và có nhiều chấm bi và những đường vân tím trên mặt lá.
- Hoa: Hoa lan quế tím thường mọc chung trên một ngồng (cuống), số lượng bông hoa trên mỗi ngồng thường ít chỉ từ 10 – 15 hoa nhưng, số lượng ngồng thì rất nhiều trên những cây lâu năm. Mỗi thân mầm có thể có từ 2 – 3 ngồng hoa mọc ra từ kẽ lá, hoa màu phớt hồng hoặc tím đậm do khí hậu của từng vùng, độ bền của hoa kéo dài từ 10 – 15 ngày.

III. Tác dụng của cây Phong Lan Quế Tím
1. Tác dụng làm cảnh, trang trí
Đối với vùng nông thôn hoặc thành thị có không gian diện tích rộng thì việc trang trí những giò lan quế tím ở vị trí nào là vấn đề không khó bởi có diện tích sân vườn rộng và thoáng mát.
Có thể treo những giò lan ở những vị trí như: phòng khách, mái hiên, cột nhà gỗ, hành lang, tiền sảnh… hoặc bất cứ vị trí nào có bóng mát như: treo vào gốc cây to nào đó miễn là khoe ra được sắc đẹp của hoa.
Đối với khu đô thị không có diện tích sân vườn, có thể tận dụng mọi vị trí trong nhà như: phòng khách, bếp ăn, phòng ngủ, khung cửa sổ, ban công, sân thượng… để trưng hoa vừa tô đẹp cho ngôi nhà lại vừa giúp lọc bụi bẩn rất hiệu quả.
2. Giá trị về kinh tế
Hầu hết các cây lan rừng đều có giá trị kinh tế thấp, chỉ mất vài trăm nghìn là bạn đã có thể mua được một giò lan nở hoa rất đẹp. Giá thành tuy rẻ nhưng độ đẹp không kém phần sang trọng với các loài hoa khác, quan trọng nhất là thú chơi lan đem lại cho tinh thần luôn thoải mái, lạc quan, thư giãn và thêm yêu thiên nhiên hơn.

IV. Cách trồng và chăm sóc cây Phong Lan Quế Tím
1. Cách trồng cây
- Giá thể trồng Lan Quế Tím:
Cách chọn dụng cụ và giá thể trồng lan quế tím cũng giống như các loại lan rừng khác. Dụng cụ bao gồm: giỏ, chậu có móc treo, miếng xốp và que tre vót nhọn buộc cố định mầm lan.
Giá thể trồng lan gồm: xơ dừa chặt vụn, vỏ thông, than củi hoặc xỉ than tổ ong, dớn, gỗ, lũa… tất cả đều phải được xử lý bằng cách ngâm trong nước vôi trong từ 5 – 7 ngày rồi phơi ráo rồi mới trồng hoặc ghép.
- Cách trồng lan quế tím trong giỏ treo:
Cắt tròn miếng xốp đặt vào đáy giỏ giúp làm nhẹ và thông thoáng phần đáy giỏ. Cho giá thể theo từng lớp hoặc có thể trộn đều rồi bốc vào giỏ. Nếu không có đủ tất cả các giá thể trên có thể dùng một hoặc hai loại cũng được.
Lấy mầm lan quế tím buộc que nhọn cố định rồi mới cắm xuyên qua lớp giá thể xuống miếng xốp để giữ cho cây lan luôn vững chắc. Có thể xếp thêm những phần giá thể còn lại lên gốc cây cho đầy đặn nếu còn và treo lên vị trí yêu thích và phải đảm bảo có đủ ánh sáng.
- Cách ghép Lan Quế Tím lên gỗ, lũa:
Dụng cụ ghép gồm: súng bắn ghim, đinh ghim và dây thắt bằng nhựa màu trắng. Nếu không có những vật này có thể làm hoàn toàn thủ công bằng lạt tre hoặc dây dứa, miễn là cố định chắc chắn không bị rơi mầm lan quế tím ra khỏi cây ghép.
Với cách ghép này, cần phải cắt bớt những rễ quá già, đen, thối, cắt bỏ lá úa, dập nát tránh để lây bệnh sang chỗ khác.
Gỗ nên để cả vỏ thô ráp để giúp rễ cây có độ bám tốt hơn, có thể ghép nhiều mầm lan quế tím trên gỗ tùy gỗ to hay nhỏ. Khi ghép phải xếp những mầm lan quế tím so le hoặc xếp đối diện nhau để nhằm mục đích cây lan phát triển thân lá sẽ tỏa đều các hướng.
2. Cách chăm sóc cây Phong Lan Quế Tím
Sau khi vừa mới trồng hoặc ghép xong, muốn cây lan không bị héo có thể pha chậu nước hòa với thuốc B1 để tưới xịt lên thân lá giúp tươi tắn hơn.
Nếu để cây ở nơi mát mẻ thì lượng nước tưới cũng ít hơn so với cây để treo ngoài nắng. Những ngày độ ẩm cao tưới ít hoặc không cần tưới.
Hoa lan quế tím là cây ưa ánh sáng nhưng cũng không nên để cây ngoài nắng mặt trời quá lâu sẽ làm cháy lá. Vì vậy phải có mái che hợp lý đối với cây non tuổi, cây già tuổi thích nghi tốt hơn có thể để ngoài nắng được nhưng tránh nắng gắt từ 370C trở lên.
Cây được hấp thụ ánh nắng tự nhiên và độ ẩm hợp lý sẽ có bộ rễ dài tạo thành bó bám xung quanh gỗ lũa rất là đẹp.
Với cách trồng hoa lan quế tím trong chậu: mỗi ngày tưới phun sương nước sạch hoặc nước vo gạo từ 1 – 2 lần vào buổi sáng sớm hoặc tối mát.
Sau khi trồng từ 7 – 10 ngày có thể dùng phân kích rễ tưới trực tiếp lên thân, lá và rễ cây để tất cả các bộ phận đều hấp thụ được.
Sau khoảng 25 – 30 ngày, tại các cọng rễ chính và thân cây sẽ đâm ra các đầu rễ mới màu trắng và mập mạp. Khi đó, bắt đầu bón phân cho cây, có thể bón thêm thuốc kích mầm cho cây lan quế tím.
Có thể sử dụng phân NPK đầu trâu để phun toàn bộ cây lan từ 1 – 2 tháng 1 lần để cây khỏe mạnh.

3. Phòng bệnh cho cây Lan Quế Tím
Cây phong lan quế tím thường mắc những bệnh hại như: Đốm than (xuất hiện các đốm nâu trên lá, xung quanh đốm lá thường bị vàng), Rệp sáp hại lá…
Các bệnh này thường khá dễ xử lý, đối với bệnh Đốm than có thể dùng hoạt chất Nấm Zineb Bul 80wp phun riêng định kỳ 2 lần cách nhau 5 – 7 ngày. Hoặc nếu không có cũng có thể thay thế bằng Benlat C để trị bệnh Đốm than này.
Với loài Rệp có thể dùng thuốc sinh học Mc Shield để trị, phun theo nồng độ hướng dẫn trên bao bì, nên phun nhắc lại để có hiệu quả tốt nhất.
Trên đây là tổng hợp thông tin, đặc điểm, tác dụng, cách trồng, chăm sóc và phòng bệnh cho cây phong lan quế tím. Hoa nở đẹp và rất bền màu, cách trồng, chăm sóc cũng rất đơn giản như các cây trong họ phong lan khác, nếu yêu mến loài hoa rừng này hãy tự tay trồng ngay nhé.