Cây lan Hoàng Thảo Vôi là loài lan đa thân thuộc chi Hoàng thảo, tuy không nổi tiếng bằng các loài khác cùng chi nhưng hoa vẫn toát lên được vẻ đẹp và giá trị riêng của nó. Là loài ưa nắng, dễ chăm sóc, cùng Canhdien.com tìm hiểu chi tiết về cây nhé
Hoa Lan Hoàng Thảo Vôi

I. Giới thiệu về Cây Lan Hoàng Thảo Vôi
- Tên thường gọi: Cây lan Hoàng Thảo Vôi
- Tên khoa học: Dendrobium cretaceum
- Họ thực vật: Cây thuộc họ Phong Lan – Orchidaceae
- Nơi sống: Cây thường mọc thành khóm bám trên thân cây cổ thụ hoặc vách đá ẩm ướt trong rừng thưa nhiệt đới.
- Nguồn gốc, xuất xứ: Hoàng thảo vôi được tìm thấy trong các khu rừng nguyên sinh ở khu vực châu Á.
- Tuổi thọ: Cây sống lâu năm
- Phân bố: Cây phân bố rộng rãi khắp các tỉnh miền núi phía Bắc trở vào đến miền Trung như: Lào Cai, Thái Nguyên, Hòa Bình, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An và một số tỉnh miền Trung Tây Nguyên như Lâm Đồng…
II. Đặc điểm của Cây Lan Hoàng Thảo Vôi
- Hình dáng bên ngoài: Thân cây Hoàng thảo vôi to, mập mạp có màu xanh hơi ngả vàng. Trên thân có nhiều mắt lõm rõ ràng ở các đốt trên thân và có lớp màng màu trắng bạc bao phủ kể cả toàn bộ các mắt lõm, các mắt này có hình tam giác chính là chỗ bật vòi hoa sau này.
- Kích thước: Cây có chiều cao trung bình khoảng 30 – 50cm
- Lá: Lá hoàng thảo vôi có hình mũi giáo, chóp nhọn, lá khá dày và mọng nước dài khoảng 7 – 10 cm, bề rộng 2.5 – 4 cm.
- Hoa: Hoa hoàng thảo vôi khá to có 5 cánh, có nhiều lông ở cánh và lưỡi. Nếu nhiều ánh sáng hoa sẽ có màu hồng đậm hoặc tím, nếu thiếu ánh sáng hoa sẽ có màu hồng nhạt. Họng của hoa to, tròn mở rộng màu trắng như vôi, trong họng có đường gân màu hồng. Hoa có mùi thơm giống hoa nhài, thơm nồng vào buổi sáng và trưa đến buổi chiều dịu dần. Thời điểm ra hoa khoảng tháng 3-4 dương lịch, rất sai hoa và độ bền khoảng 15 – 20 ngày.

III. Tác dụng của Cây Lan Hoàng Thảo Vôi
Hoàng Thảo Vôi có mặt hoa rất đẹp, khá sai hoa, mùi thơm đặc biệt nên được rất nhiều người săn đón bởi vẻ đẹp độc đáo riêng của nó.
Lan Hoàng thảo vôi được trồng để trang trí chủ yếu ngoại thất, sân vườn bởi cây thường ưa nắng. Có thể trồng trong chậu treo ngoài ban công, hành lang, tiền sảnh…tạo điểm nhấn cho ngôi nhà thêm sinh động và gần gũi với thiên nhiên hơn.
Ngoài ra, cây còn được ghép trên thân cây to có bộ tán thưa để trang trí tiểu cảnh sân vườn giúp đa dạng loài và thêm phần thu hút hơn.
IV. Cách trồng và chăm sóc Cây Lan Hoàng Thảo Vôi
1. Cách trồng cây
Hoàng thảo Vôi là loại phong lan ưa nắng, dễ trồng, thường được nhân giống bằng cách tách mầm. Có thể trồng chậu, ghép vào bảng dớn, ghép lên thân cây hoặc khúc gỗ đều sinh trưởng rất tốt.
- Thời điểm trồng
Thời điểm tốt nhất để trồng cây lan hoàng thảo vôi hoặc ghép từ tháng 12 – 2 âm lịch đúng vào thời gian ngủ nghỉ của cây sẽ không làm cây bị chột.
- Giá thể trồng gồm
Xơ dừa, vỏ thông, bảng dớn, khúc gỗ… tất cả đều phải được xử lý bằng cách ngâm nước vôi trong khoảng 2 – 3 ngày rồi để khô ráo mới ghép.
- Giống cây
Bạn có thể mua giống cây Hoàng thảo vôi có bán sẵn tại các vườn lan hoặc mua cây lan từ những người đi rừng về. Giống cây sau khi lấy về phải được cắt bỏ lá úa, dập nát, tách mầm nhỏ khoảng từ 2 – 4 mầm . Sau đó xử lý bằng Ridomil gold pha xịt trực tiếp lên toàn bộ thân cây, để khô từ 2 – 3 ngày mới trồng hoặc ghép.
- Cách trồng lan hoàng thảo vôi trong chậu
Có rất nhiều loại chậu thích hợp để trồng lan như: chậu đất nung, chậu nhựa đen, chậu nan gỗ… Nên chọn loại nào khi trồng sẽ tạo được độ thông thoáng cao nhất.
Trước tiên đặt vài mảnh xốp xuống đáy chậu, cho xơ dừa xuống, tiếp tục là lớp vỏ thông lót mỏng, rồi đặt mầm lan hoàng thảo vôi đã được cố định bằng que tre nhọn cắm chặt xuống tới lớp xốp để giữa cho cây thật chắc không bị nghiêng đổ.
Đổ tiếp chỗ vỏ thông còn lại vào chậu, dàn đều cho mặt chậu luôn phẳng phiu giúp dễ tưới rồi treo lên nơi thoáng mát gần ánh sáng tự nhiên.
- Cách ghép cây lan hoàng thảo vào bảng dớn
Chuẩn bị bảng dớn có móc treo sẵn phù hợp với kích thước mầm cây và thanh kẽm uốn thành chữ U, có thể ghép 2 hay 3 mầm lan hoàng thảo vôi tùy ý. Lấy mầm lan đặt vào bảng dớn, quay mặt lá và mắt ngủ ra bên ngoài, cho ít rêu khô phủ lên bộ rễ rồi dùng thanh kẽm chữ U gim lại cho chắc chắn.
- Cách ghép vào khúc gỗ, lũa và thân cây tương tự như nhau:
Tất cả các giá thể đã được xử lý rồi ghép mầm lan hoàng thảo vôi vào gỗ, dùng 1 hoặc 2 dây rút bằng nhựa thít lại, đến khi bộ rễ cây lan đã mọc lan rộng thì cắt dây nhựa. Có thể ghép thêm dớn hoặc rêu lên phủ lên phần rễ để có thêm độ bám nhưng phải để thoáng gốc, không được phủ vào sát gốc lan.

2. Cách chăm sóc
Sau khi ghép xong treo cây lên nơi râm mát, thoáng gió và có ánh sáng tự nhiên.
Tưới nước mỗi ngày 1 lần cho ướt đẫm giá thể và mầm lan hoàng thảo vôi, cây vừa mới ghép phải tránh mưa hoàn toàn.
Sau khi trồng cây lan hoàng thảo vôi khoảng 1 tháng các mầm ngủ của cây bắt đầu mọc nhanh, sau 2 – 3 tháng các thân cây già bắt đầu ra nụ cũng là lúc ở gốc các thân mẹ bật lên các chồi non rất nhanh chóng.
Thời điểm này duy trì tưới nước mỗi ngày 1 lần ở mức vừa phải không tưới ướt đẫm. Bón các loại phân chậm tan hoặc phân dê để cây hoàng thảo vôi hấp thụ đủ dinh dưỡng giúp hoa nở đồng loạt và kích thước to đồng đều.
Ngoài phân chuồng còn dùng thêm NPK tổng hợp nhưng phải bón với lượng nhỏ để tránh bị sốc phân. Hết thời kỳ hoa là đến lúc các mầm thân phát triển, lúc này nên tưới nhiều nước và phải bón thêm nhiều loại phân. Giai đoạn này chủ yếu bón các loại phân giàu Đạm như NPK Đầu trâu 30-10-10 hoặc 20-20-20 và B1 cho lan hàng tuần với liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì.
Khoảng đầu tháng 10 dương lịch cây lan hoàng thảo vôi bắt đầu có hiện tượng thắt ngọn, lá bé dần ngọn tròn múp lại, thời điểm này tưới thưa hơn từ 3 – 4 ngày mới tưới một lần. Khi đó nên phun (NPK 10-30-30) để cây phân hóa mầm hoa.
Đầu tháng 12 lá cây gần rụng hết, ngưng tưới nước hoàn toàn cho cây nghỉ, treo cây ra chỗ nhiều nắng và ánh sáng giúp kích hoa.
Đến khoảng đầu tháng 2 dương lịch, những mắt lõm trên thân cây bắt đầu sưng lên chuẩn bị nhú vòi, bắt đầu tưới nước trở lại mỗi ngày một lần. Chỉ tưới vào gốc và phun xịt các loại phân bón giàu Lân và kali để kích hoa mỗi tuần một lần.
Cây lan Hoàng thảo vôi thường bị một số bệnh và côn trùng hại cây như sau: bệnh thán thư, nấm, sên nhớt… Phòng bệnh thường rất dễ dàng chỉ cần phun thuốc phòng nấm bằng một nửa liều so với liều điều trị mỗi tháng một lần và để cây đủ ánh sáng tự nhiên và tránh mưa rào nặng hạt.
Cây lan Hoàng thảo vôi là loài hoa đẹp nhưng khá khó chăm sóc, nếu cung cấp phân hoặc thuốc không đúng lúc cây cần cũng không tốt cho cây. Do vậy, phải tham khảo thật kỹ để có cách chăm sóc đúng nhất từ đó giúp cây cảnh có tuổi thọ lâu hơn.