Hoa Lan Hoàng Nhạn

Cây lan Hoàng Nhạn thuộc chi lan Giáng Hương, đây là nhóm lan đơn thân thường mọc ở các vùng núi đất có độ cao thấp và trung bình của các tỉnh miền Trung, Nam bộ và dãy Trường Sơn. Chi này có khoảng trên dưới 20 loài, riêng ở Việt Nam có 8 loài. Để biết thêm chi tiết chi tiết về cây, hãy theo dõi bài viết nhé. 

I. Giới thiệu về cây

  • Tên thường gọi: Cây lan Hoàng Nhạn
  • Tên gọi khác: Cây Giáng hương quế nâu
  • Tên khoa học:  Aerides Odorata X Houlletiana
  • Họ thực vật: Cây thuộc họ Phong Lan
  • Nơi sống: Cây thường mọc ký sinh trên các thân cây cổ thụ tươi hoặc khô trên các vùng núi ẩm ướt.
  • Nguồn gốc, xuất xứ: Cây có nguồn gốc ở các nước Đông Nam Á
  • Tuổi thọ: Tuổi thọ của cây khá cao nếu sống trong rừng tự nhiên
  • Phân bố: Cây phân bố hầu hết ở khu vực nhiệt đới châu Á, nhiều nhất là khu vực Đông Nam Á như: Việt Nam, Campuchia, Thái lan…
Hoa lan hoàng nhạn

II. Đặc điểm của cây

  • Hình dáng bên ngoài: Lan Hoàng Nhạn là cây lan đơn thân ngắn to và mập. Thân cây màu xanh trơn hoặc đôi khi có chấm tím, khi mọc ở nơi có nhiều nắng lá cây có  xu hướng ngả vàng và thân cây thường tím nhạt.
  • Kích thước: Cây Hoàng Nhạn có kích thước trung bình khoảng 20 – 40cm, có một số cây lâu năm thân có kích thước khủng nhất là 0,9 – 1m.
  • Lá: Lá của cây lan hoàng nhạn chỉ dài khoảng một gang tay (chừng 15 – 17cm), đối với cây kích thước khủng, lá có thể dài đến 20 – 40cm. Lá dày nhưng khá mềm, bề rộng khoảng 2 – 4cm.
  • Hoa: Hoa Hoàng nhạn có màu vàng hoặc nâu vàng được mọc ra từ các kẽ lá, trên cùng một vòi hoa dài khoảng 20 – 30cm buông rủ xuống. Cây thường ra hoa vào tháng 4 hoặc tháng 8 nên một số địa phương còn gọi là cây hoàng nhạn tháng 4 và hoàng nhạn tháng 8. 
Tìm hiểu về cây hoa lan hoàng nhạn
Thân cây màu xanh trơn hoặc đôi khi có chấm tím

III. Ý nghĩa và tác dụng của cây lan Hoàng Nhạn

1. Ý nghĩa

Tất cả các loài hoa phong lan đều thể hiện ý nghĩa rất tốt đẹp trong cuộc sống, hoa thể hiện sự phong lưu, giàu sang, thanh nhàn và không kém phần quý phái. Cây lan hoàng nhạn cũng vậy, với sắc vàng pha tím thủy chung đã làm người yêu hoa phải say đắm mỗi khi nhìn ngắm nó.

Cây hoa lan hoàng nhạn - ý nghĩa
Tất cả các loài hoa phong lan đều thể hiện ý nghĩa rất tốt đẹp trong cuộc sống

Hoa hoàng nhạn tuy không rực rỡ chói chang như loài hoa khác nhưng lại mang đến sự giản dị, đằm thắm, thủy chung và luôn tạo cảm giác an tâm cho người đối diện.

2. Tác dụng

Cây lan hoàng nhạn thường được trồng trong giỏ, chậu treo để trang trí ở những nơi thoáng khí, mát mẻ nhưng vẫn phải đủ ánh sáng. Những nơi treo giỏ thích hợp nhất là tiền sảnh, hiên nhà, ban công, cửa sổ… Giúp tạo sự sang trọng, tinh tế cho không gian nhà bạn, ngoài ra cây còn được treo ở  văn phòng, quán cà phê, cửa hàng,…

Ngoài việc trang trí, nhiều người còn chọn cách trồng và chăm sóc lan hoàng nhạn để giao thương buôn bán tạo thu nhập cho người chơi cây. 

IV. Cách trồng và chăm sóc cây lan Hoàng nhạn

1. Cách trồng cây

  • Giá thể trồng cây lan Hoàng nhạn

Giá thể trồng cây lan hoàng nhạn như sau: có thể dùng khúc gỗ, lũa, dớn, rêu, đất nung, vỏ thông… Có thể dùng kết hợp hoặc dùng riêng từng loại nhưng tất cả phải được xử lý sạch khử trùng trước khi đem vào trồng lan.

  • Cách trồng:

– Cây lan hoàng nhạn dược nhân giống bằng cách tách mầm và gieo hạt nhưng ít khi làm bởi thời gian chăm bón rất lâu dài.

– Chọn giỏ treo, cho giá thể vào giỏ phù hợp với kích thước của cây lan hoàng nhạn. Nếu ươm cây con nên sử dụng các chậu sứ nhỏ, nếu muốn trồng mầm cây trưởng thành thì dùng các loại gỗ, lũa hoặc rêu giúp giữ ẩm tốt hơn.

– Trước khi tách mầm, nên tưới đẫm nước vào cây mẹ giúp rễ cây mềm hơn, dễ tách mầm hơn. Khoảng 20 – 30 phút sau, bạn bắt đầu dùng dao sắc đã khử khuẩn để cắt từng mầm non của  cây lan hoàng nhạn ra rồi bôi thuốc liền sẹo vào vết cắt của cả cây mẹ và mầm non.

– Phun thuốc phòng Nấm bệnh, bắt sâu hoặc côn trùng ăn hại trên búp non hoặc kẽ lá nếu có như: sên…, rồi để 1 – 2 ngày mới bắt đầu ghép vào giá thể. Dùng móc treo giỏ cây lên vị trí thích hợp.. 

– Nếu ghép cây vào gỗ, lũa nên chọn chậu có kích thước to để tránh bị lung lay hoặc va đập mạnh. Ghép toàn bộ rễ cây bám vào gỗ theo hình dạng dễ nhìn và đẹp mắt.

2. Cách chăm sóc cây

  • Độ ẩm

Cây lan hoàng nhạn thường ưa ẩm nên hãy đặt cây ở nơi thoáng mát, độ ẩm từ 60 – 80%.Nếu thời tiết hanh khô độ ẩm không khí thấp  bạn có thể tưới 2 lần để tăng độ ẩm cho cây.

Hoa lan hoàng nhạn - chăm sóc
Cây lan hoàng nhạn thường ưa ẩm nên hãy đặt cây ở nơi thoáng mát,
  • Nước tưới

 Đối với cây ghép vào gỗ, lũa mỗi ngày nên tưới 1 lần để cây giữ được độ ẩm, trong thời tiết nắng nóng hơn bạn có thể tưới 2 lần để cây lan hoàng nhạn luôn đủ nước.

 Đối với cây trồng trong chậu: mỗi ngày tưới 1 lần nhưng lượng nước ít hơn so với cây ghép vào gỗ.

  • Phân bón cho cây lan hoàng nhạn.

Phân bón thường dùng chủ yếu là phân bón lá xịt trực tiếp lên lá và thân cây, ngoài ra có thể dùng phân dạng viên tan chậm nhưng cung cấp dinh dưỡng lâu dài. 

Khi mới trồng hoặc ghép cây, bạn nên để cây dưới lưới đen che nắng cho cây hoàng nhạn. Đến khi bộ rễ cây đã phát triển khỏe mạnh thì gỡ bỏ, chỉ che khi quá nắng gắt. 

Khi muốn kích rễ cây lan thì dùng các sản phẩm sau: Vitamin B1, N3M, SuperThrive…

Khi muốn kích thích cây bung chồi dùng: phân bón lá Đầu Trâu,  Growmore, Acid Humic, tảo biển, Atonik, AH… 

  • Phòng bệnh cho cây lan hoàng nhạn

Thường xuyên theo dõi cây lan nếu có hiện tượng lá thủng, rách có thể có sâu ký sinh trong thân, kẽ lá. 

Sên nhớt cũng là loài hay gặp trong quá trình chăm sóc cây lan nói chung, loài này rất nhỏ  phải dùng nhíp gắp thường xuyên. 

Cây lan hoàng nhạn là loài cây khá dễ trồng, chỉ cần thêm thời gian và chút tỉ mỉ là bạn đã tự trồng và chăm sóc được cây lan mà bạn yêu thích rồi!

5/5 - (1 bình chọn)