Xương rồng là cây có sức sống rất mạnh mẽ nên mới sống tốt trong môi trường sa mạc nắng nóng khắc nghiệt mà rất ít loài có thể trụ được. Họ này có khoảng hai nghìn loài nhưng chỉ có một số loài có thể dùng được làm thức ăn, làm thuốc trị bệnh. Bài viết sau đây sẽ nói rõ hơn về công dụng của loài này nhé.
I. Tổng quan về cây Xương rồng
- Tên thường gọi: Cây xương rồng ông
- Tên gọi khác: Xương rồng ba cạnh, Xương rồng ba chia, ba khía.
- Tên khoa học: Euphorbia antiquorum L.
- Họ thực vật: Cây thuộc họ Thầu Dầu – Euphorbiaceae
- Nơi sống: Cây mọc tự nhiên ở các vùng cát khô cằn, nắng nóng thậm chí là hoang mạc.
- Phân bố: Do tác động của động vật, chim chóc và con người cây đã được nhân giống, sinh trưởng và phát triển ở khắp các nước trên thế giới. Ở Việt Nam, cây mọc tự nhiên rất nhiều trên các bãi đất cằn bỏ hoang, nương rẫy hoặc các bãi cát ven biển ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận…
- Nguồn gốc, xuất xứ: Cây có nguồn gốc từ châu Mỹ
II. Đặc điểm của cây Xương rồng ông
- Hình dáng bên ngoài: Xương rồng ông là cây thân thảo, khi thân gốc già hóa gỗ. Thân cây càng già càng phân nhiều cành nhánh, cây nhỏ, mọng nước, có 3 cạnh lồi, mỗi cạnh đều có gai lởm chởm màu xanh lục, đôi khi có những u lồi trên thân to nhỏ không đều. Khi bẻ cây có chất nhựa mủ trắng ở toàn thân cây.
- Kích thước: Cây mọc tự nhiên có thể cao tới 20 mét, đối với cây trang trí có rất nhiều kích cỡ từ 20cm, 50cm, 80cm, 1m, 1,5 – 1,6m.
- Lá: Lá cây xương rồng ông thường nhỏ, dày, mọc trên những cạnh lồi của cành, hình bầu dục, cùng màu với thân cây hầu như rụng rất sớm hoặc tiêu biến thành gai.
- Hoa: Hoa xương rồng là hoa lưỡng tính mọc thành cụm ở vị trí lõm của cạnh lồi, hoa hình phễu màu đỏ hoặc vàng, lá bắc hình vảy, rất nhiều nhị hình thoi, mỗi nhị là một hoa đực. Bao phấn có hình cầu, nhụy nổi lên ở giữa trung tâm chính là hoa cái.
- Quả: Quả xương rồng nhỏ khi non màu xanh lục, hình cầu hơi nhọn ở đầu cuống khi chín chuyển màu đỏ.
III. Ý nghĩa và tác dụng của cây Xương Rồng Ông
1. Ý nghĩa
Cây xương rồng ông có đặc điểm là thân có 3 cạnh, mọng nước, ưa sống trong môi trường đất cát khô cằn, sỏi đá, hoang mạc và khí hậu nắng gió, khô hạn. Ấy thế mà cây lại có sức sống mãnh liệt, dẻo dai và bền bỉ.
Điều đó thể hiện ý chí kiên cường, mạnh mẽ, nhẫn nại, chịu đựng của con người luôn biết vượt qua mọi trở ngại và khó khăn để vươn lên mạnh mẽ, không phụ thuộc hay dựa dẫm vào ai.
Bên ngoài vỏ cây xương rồng ông thì xù xì, gai góc như vậy nhưng bên trong thân cây lại chứa nhiều nước, cũng giống như người đàn ông bên ngoài thì có vẻ mạnh mẽ, cứng rắn nhưng trong thâm tâm lại mềm mỏng, yếu đuối, nhẹ nhàng và giàu tình cảm.
Trồng được cây xương rồng phải khá lâu năm mới nở hoa nhưng khi nở được chính là kết quả của một khởi đầu đầy gian nan, thử thách và bền bỉ trong môi trường sống vô cùng khắc nghiệt nhưng cây vẫn đơm hoa kết trái và đó là một kết thúc có hậu.
Trong tình yêu cũng vậy, hoa xương rồng được ví như sự chung thủy, sinh sau nở muộn nên chỉ muốn âm thầm, lặng lẽ dõi theo và luôn muốn vượt qua mọi rào cản, sóng gió để đi đến một tương lai tốt đẹp.
Ý nghĩa của cây xương rồng ông giữa đời thường đẹp là thế và ý nghĩa trong phong thủy còn mạnh mẽ hơn nhiều. Thân hình xù xì, gai góc, rất có uy lực nên được coi là vật bảo vệ cho gia chủ tránh khỏi tà ma, điềm gở, tai ương mang đến bình an, may mắn cho gia đình chủ nhân.
2. Tác dụng
- Tác dụng trang trí, làm cảnh
Cây xương rồng ông thường được trồng để trang trí nội thất, ngoại thất đều rất hợp lý bởi có rất nhiều kích thước để lựa chọn. Nếu trang trí nội thất nên trang trí trên bàn làm việc, phòng ngủ, phòng khách, phòng họp… Đối với ngoại thất nên trang trí ở những nơi như: ban công, sân thượng, tiền sảnh hoặc sân vườn, có thể bày chậu cảnh trên bờ bò sân hoặc cổng vào nhà.
- Tác dụng chữa bệnh
Các bộ phận của cây xương rồng ông thường dùng để chữa bệnh là thân, lá, rễ, nhị hoa và quả. Theo đông y, các bộ phận này có vị đắng, tính hàn, có độc tính nhẹ. Có tác dụng tiêu thũng, sát trùng, thanh nhiệt, giải độc, hành khí, thông tiểu, chống ngứa, tẩy xổ…
Thường được dùng trong các trường hợp sau: Thân và cành cây xương rồng ông chữa các vết bầm tím, sưng đau do đòn, ngã. Viêm da, lở ngứa, mụn nhọt, herpes, đau lưng, thống phong…
Nhựa cây được dùng để làm thuốc tẩy, xổ, chữa xơ gan cổ trướng.
Lá chữa bí đại và tiểu tiện do ứ muối và nước gây ra.
IV. Cách trồng và chăm sóc cây Xương Rồng Ông
1. Cách trồng cây
- Nhân giống và chọn giống
Cây xương rồng ông được nhân giống rất đơn giản bằng cách ươm hạt và giâm cành. Khi ươm hạt cần chọn hạt giống chắc mẩy không mốc thối hoặc mua sẵn tại các cửa hàng cây cảnh. Nếu giâm cành nên chọn các cành, nhánh bánh tẻ để khi giâm cành sẽ có sức sinh trưởng mạnh mẽ.
- Đất ươm và cách ươm
Cây xương rồng ông không kén chọn đất, đất đá, sỏi, cát cằn cỗi cây vẫn sống được. Để cây sinh trưởng tốt nhất nên chọn đất thịt nhẹ hoặc đất cát phù sa đảo đều với phân chuồng hoai mục trước khi đóng bầu ươm hoặc trồng chậu mới.
Có thể ươm cây xương rồng trong bầu đen kích thước từ 11 – 18cm tùy kích thước của mầm định ươm. Cắt nhánh cây bánh tẻ không để dập nát rồi nhúng vào nước khử khuẩn để tránh thối gốc. Cắm đầu cành gốc xuống bầu sâu khoảng 3 – 4cm rồi tưới nước cho đến khi mọc rễ.
- Cách trồng cây trong chậu
Sau khi ươm bầu đã đủ điều kiện kích thước, có thể sang chậu cho cây xương rồng. Chọn chậu đất nung, xi măng, chậu nhựa, chậu gốm có kích thước phù hợp, đóng đất vào ½ chậu, cho phân vi sinh hoặc phân chuồng hoai mục rắc đều hết toàn bộ phần mặt đất trong chậu rồi đặt cả bầu ươm cũ xuống chậu mới. Cuối cùng cho thêm đất vào những kẽ hở còn thiếu đất và nén cho chặt, tưới nước là xong khâu sang chậu.
2. Cách chăm sóc
- Tưới nước
Như chúng ta đã biết, xương rồng thường có nhu cầu nước tưới rất ít nên cũng không cần tưới quá thường xuyên. Chỉ cần tưới nước ngay sau khi ươm bầu hoặc sang chậu để cây nhanh mọc rễ giúp cây hồi phục nhanh hơn.
Những ngày mưa hoặc không mưa nhưng có độ ẩm cao thì không cần tưới nước. Chỉ tưới sau khi đất có biểu hiện khô, nứt nẻ và sau khi bón các loại phân bón.
- Ánh sáng
Xương rồng ông cũng là loại cây ưa sáng nên sau khi trồng phải đặt cây ra đón nắng thường xuyên mỗi ngày để hấp thụ đủ ánh sáng giúp quang hợp. Lưu ý là phải cho cây tắm nắng với cường độ từ nhẹ đến vừa, không để cây dưới nắng gắt.
- Phân bón
Đa số cây xương rồng ông là cây trang trí nội thất và ngoại thất nên không cần bón các loại phân chuồng mà nên bón phân NPK dạng viên, bột để giúp ngôi nhà không bị bốc mùi khi thời tiết ẩm ướt.
- Phòng trừ sâu bệnh
Cây xương rồng ông rất khỏe mạnh, ít bị sâu bệnh hại cây, nếu có cũng chỉ là loài chuột gặm nhấm, rệp sáp. Hoặc do tưới quá nhiều làm thối rễ cây, để cây dưới nắng gắt trong nhiều ngày liền làm cây mất nước nhanh chóng và chết.
Những hiện tượng này có thể phòng được mà không cần phải can thiệp bằng thuốc BVTV để giữ trong lành cho ngôi nhà của bạn.
Xương rồng ông là loài cây cảnh, trang trí mang ý nghĩa hết sức tốt đẹp lại vừa có công dụng chữa bệnh rất hiệu quả, việc chăm sóc cây cũng rất dễ dàng. Nếu là người yêu cây, hãy tự tay trồng và chăm sóc nó để mang lại niềm vui mỗi ngày nhé.