Cây Trúc Nhật là cây thân thảo, sống lâu năm, chịu được mọi điều kiện thời tiết đặc biệt là chịu bóng rất tốt. Cây thường xanh quanh năm và toát lên vẻ điềm đạm, thanh mảnh, nhã nhặn, cây luôn tạo cảm giác thư thái, an tâm cho người sở hữu nên cây là lựa chọn hàng đầu cho nội thất nhà ở hoặc văn phòng.
I. Tổng quan cây trúc nhật

II. Đặc điểm của cây Trúc Nhật
- Hình dáng bên ngoài: Cây trúc nhật thường mọc thành búi, thân cây mảnh dài, mềm, ít phân nhánh, trên thân có nhiều đốt (lóng) dài, ngắn to, nhỏ không đều. Các đốt này chia cây ra làm rất nhiều đoạn ngắn, bao quanh các đốt này là các bẹ lá.
- Kích thước: Cây cao khoảng 50 – 100cm và được phân chia ít nhánh nhỏ.
- Lá: Lá mọc đối đôi khi mọc chụm ba xếp vòng quanh thân cây, lá Trúc Nhật thuôn dài hơi bầu ở đoạn giữa lá, chóp nhọn, lá mềm và xanh bóng quanh năm. Trên mặt lá có các đốm mờ tròn, nhỏ màu xanh đậm, gân lá mờ chỉ lộ rõ gân chính giữa, mép lá không có răng cưa. Lá có bẹ ôm sát lấy các đốt ở trên thân cây, khi các bẹ lá già thì rụng dần và nhường chỗ cho các bẹ non phát triển để tiếp tục chu kỳ sinh trưởng của cây. Lá trúc nhật khi trưởng thành chuyển màu vàng nhạt.
- Hoa: Hoa trúc nhật có dạng chùm gồm nhiều bông hoa nhỏ kết hợp lại, cùng chung một cuống vươn dài ra từ ngọn cây. Cánh hoa xếp thưa và mỏng màu vàng nhạt đôi khi có màu trắng sữa.
- Quả: Quả trúc nhật có hình tròn, mọng nước, có màu xanh khi còn non và đổi màu vàng khi chín rụng. Nhưng rất hiếm thấy quả của cây trúc nhật.
III. Ý nghĩa và tác dụng của cây trúc nhật
1. Ý nghĩa của cây trúc nhật
Cây trúc nhật với đặc trưng là thân nhỏ, thẳng đứng, dẻo dai lá xanh quanh năm tượng trưng cho tính tình thẳng thắn, trung thực, sức khỏe dẻo bền. Do vậy những người yêu và chơi cây trúc nhật là những người luôn có tâm hướng thiện sẽ mang lại điều may mắn, tốt đẹp về sau.
2. Tác dụng của cây
Cây trúc nhật có dáng nhỏ nhắn, thanh nhã, giản dị nên thích hợp với nhiều cách thiết kế và nhiều không gian khác nhau nên thường được người chơi cây ưa chuộng. Cây có thể dùng làm cây xanh ngoại thất hoặc nội thất nhà ở hoặc nội thất văn phòng đều được.
Có thể đặt chậu cây ở cạnh các cửa sổ để cây được ngày ngày đón ánh nắng mặt trời giúp cây quang hợp tốt. Cũng có thể đặt ở 2 bên cầu thang lên xuống, trước cửa nhà giúp cho ngôi nhà luôn có màu xanh tươi mát.
Cây trúc nhật cũng như bao cây cảnh nội thất khác đều có tác dụng điều hòa, thanh lọc không khí rất tốt, giúp hấp thụ tối đa các khí thải từ các vật gia dụng như: Mùi sơn tường nhà, bàn ghế, mùi thức ăn…
Cây trúc nhật cũng có thể dùng để trưng trong ngày tết, làm quà biếu trong các dịp khai trương, quà tặng tân gia cùng với những lời chúc may mắn, bình an thì thật mang nhiều ý nghĩa.
IV. Vị trí đặt cây trong nhà
Cây trúc nhật nên đặt ở phòng khách cạnh bàn nước, bàn làm việc hoặc đặt ở nơi linh thiêng như: Cạnh bàn thờ tổ tiên để hút các khí độc thải ra từ hương thắp, nến hoặc đèn dầu, tạo không khí nơi thờ cúng trong lành, mát mẻ hơn.
Bên cạnh đó cây còn ngăn cản, xua đuổi tà độc không cho xâm nhập vào các nơi linh thiêng của gia đình. Bảo vệ và mang lại cho gia đình sự may mắn, bình an.

V. Cách trồng và chăm sóc cây
Cây trúc nhật thường nhân giống bằng phương pháp tách bụi hoặc giâm cành, nhưng tách bụi là hay dùng hơn cả.
1. Cách trồng cây
Đất trồng: Dùng đất thịt hoặc đất pha cát có sẵn trong vườn nhà hoặc có thể mua bầu đất có sẵn, sau đó trộn phân vi sinh (Quế Lâm hoặc Văn Điển) tùy ý trộn với đất trước khi trồng khoảng 15 ngày.
Cách chọn con giống và cách trồng:
- Đối với tách bụi: Chọn cây mẹ khỏe mạnh rồi đào cả cây mẹ lên, bỏ hết đất bẩn rồi dùng dao tách cây con ra khỏi cây mẹ và trồng vào bầu đã chuẩn bị sẵn. Vùi, nén chặt đất để rễ cây không bị khô héo, tưới nước cho cây luôn sau khi trồng.
- Đối với giâm cành: Chọn cây bánh tẻ không sâu bệnh, thân thẳng không bị trầy xước sau đó cắt cây cách đốt khoảng 2 – 3cm nhúng gốc vừa cắt vào dung dịch thuốc siêu ra rễ rồi đem trồng vào bầu đất chuẩn bị sẵn. Vùi đất nén chặt cho cây không bị đổ ngã.
2. Cách chăm sóc cây
Tưới nước cho cây mỗi tuần khoảng 3 – 4 lần, lượng nước tưới nhiều hay ít phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, hanh khô tưới nhiều, ẩm ướt không nên tưới tránh làm thối rễ cây.
Nhiệt độ: Trúc nhật có khả năng chịu nhiệt, chịu hạn rất tốt, nhiệt độ thấp dưới 10 độ và cao trên 38 độ cây vẫn sống được. Nhưng để cây sinh trưởng tốt nhất nên ổn định ở nhiệt độ từ 20 – 35 độ.
Ánh sáng: Nếu đặt cây trúc nhật trong nhà nên đặt gần cửa sổ để cây được đón ánh nắng thường xuyên, nếu đặt xa cửa sổ nên thắp bóng đèn led để chiếu sáng cho cây giúp cây không bị còi cọc do thiếu ánh sáng.
Đất trồng: Thay đất định kỳ 6 tháng hoặc mỗi năm 1 lần để tránh chặt, chai đất hoặc chua đất do bón phân nhiều.
Phân bón: Nên dùng các loại phân chuyên dùng cho cây cảnh, cũng không cần phải dùng phân đủ các yếu tố đa vi lượng như là cây ăn quả. Mỗi năm có thể bón 3 – 4 lần phân, chủ yếu bón phân hạt lâu tan để tránh tưới nhiều nước gây xót phân.
Cắt tỉa cây: Cắt tỉa thường xuyên nhặt bỏ các bẹ lá già vàng hoặc lá bị bệnh cho cây thoáng sạch tránh sâu bệnh hại cây. Khi cây quá chiều cao phải bấm cây sát đất bỏ đi để nhường chỗ cho cây con phát triển.
3. Các bệnh hay gặp trên cây trúc nhật
Cây trúc nhật ít khi bị sâu bệnh, nếu có cũng chỉ là các loại Rệp xanh hoặc rệp đen. Vì là cây nội thất nên không nên quá lạm dụng thuốc trừ rệp hóa học gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
Cách đơn giản nhất là thường xuyên kiểm tra cây, nếu có hiện tượng sâu bệnh thì nên bắt sâu, bắt rệp, rồi lau lá cho sạch hoặc đem chậu ra nắng cho cây quang hợp tốt.
Cây trúc nhật là cây nội thất ít sâu bệnh, rất dễ trồng và chăm sóc nên được nhiều người chơi cây lựa chọn bởi những tác dụng và ý nghĩa tốt đẹp mà cây trúc nhật mang lại.