Ông cha ta có câu “Lòng vả cũng như lòng sung” quả đúng như vậy, hai loài cây này có mối tương quan đặc biệt cả về nghĩa đen và nghĩa bóng. Cây sung cũng vậy là loài cây thân gỗ mọc hoang dại nhưng lại có tác dụng rất tích cực đối với đời sống tâm linh của con người. Các bộ phận của cây cũng được dùng để làm thuốc, chế biến thành những món ăn lạ miệng mà dân dã.
I. Giới thiệu về cây Sung
Tên thường gọi: | Cây Sung |
Tên gọi khác: | Cây tụ quả dong, ưu đàm thụ |
Tên khoa học: | Ficus racemosa |
Họ thực vật: | Cây thuộc họ Moraceae – Dâu tằm |
Nguồn gốc xuất xứ: | Cây sung có xuất xứ từ các nước châu Á nhiệt đới |
Nơi sống: | Cây thường mọc hoang những nơi đất ẩm như: Ven ao, hồ, sông, suối, ven rừng hoặc trong rừng sinh thái ẩm ướt quanh năm |
Phân bố: | Cây sung xuất hiện nhiều ở khu vực châu Á nhất là tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc và ở một số nước nhiệt đới khác như Việt Nam, Ấn độ, Nepal,…. |
Tuổi thọ: | Sống lâu năm |
Thời gian nở hoa: | Cây sung thường ra hoa vào tháng 5 – tháng 7 |
II. Đặc điểm của cây Sung
- Hình dáng bên ngoài: Cây sung là cây thân gỗ nhỡ, vỏ cây màu trắng hoặc xám, nhẵn, tán lá rộng xum xuê.
- Kích thước: Cây sung trưởng thành có chiều cao khoảng 25 – 30m, đường kính thân cây khoảng 50 – 60cm.
- Cành: Cành sung ở dưới gốc to và già hơn có nhiều u cục xù xì, cành ngọn nhỏ và ngắn dần. cành sung thường mềm, dai dễ uốn nắn nên cũng được trồng làm cây sung bonsai. Kích thước cây sung bonsai khoảng 1 – 2m.
- Lá: Lá sung có hình trứng hoặc hình mũi mác nhưng dài và nhọn ở hai đầu. Kích thước lá dài khoảng 10 – 12cm, rộng khoảng 5 – 6cm, khi còn non lá có màu xanh lá mạ và có lông tơ bao phủ, khi lá già chuyển màu xanh đậm và có những u cục trên mặt lá, bên trong u cục thường rỗng. Mép lá không răng cưa, cuống lá ngắn chừng 1 – 2cm. Cây sung thường rụng lá vào mùa đông.
- Hoa: Hoa của cây sung thường ra theo cụm, ra từ những cành già, thân cây hoặc ngọn cành. Hoa đực có cánh đài nhẵn, có 2 – 3 nhị đực, hoa cái có cánh dính vào nhau ở gốc, bầu nhụy có hình trái xoan với các ống hoặc sợi nhụy đính ở bên.
- Quả: Quả sung thường mọc theo chùm, hoa mọc ở đâu thì quả ra ở đó, quả non có màu xanh nhạt, khi chín tới có màu nâu đỏ và khi chín rộ quả sung chuyển màu đỏ thẫm. Quả có hình cầu bẹp ở đáy quả, cuống quả ngắn khoảng 1cm và hơi chum lên giống như núm vú. Quả ra rải rác quanh năm nhưng thu hoạch quả chín nhiều nhất là từ tháng 12 – 3 âm lịch.
III. Ý nghĩa và tác dụng của cây Sung
1. Ý nghĩa phong thủy
Trong dịp tết Nguyên Đán thì quả sung là thứ quả không thể thiếu trên các bàn thờ tổ tiên của các gia đình người Việt. Quả sung có hình dáng tròn trĩnh được đặt cúng tổ tiên với mong muốn cho năm mới có sức khỏe dẻo dai, sung túc, no đủ, trọn vẹn, may mắn, công thành danh toại đến với gia chủ.
2. Tác dụng
- Tác dụng trong trang trí, làm cảnh
Thân cây sung to, thẳng, dáng đẹp với những chùm quả sai trĩu trít, tán lá rộng xum xuê nên thích hợp trồng làm cảnh, bóng mát ở trong công viên, quanh bờ hồ, khu nghỉ dưỡng, sân vườn biệt thự… để lọc khói bụi trong không khí trả lại bầu không khí thoáng đãng, trong lành.
Cây sung cũng được trồng dọc theo các lề đường phố, vỉa hè hoặc trồng trong bệnh viện để hấp thụ khí thải phát ra từ các phương tiện giao thông. Hơn nữa có cây xanh cũng giúp làm giảm tiếng ồn ở nơi đông người và đem lại không gian trong lành, mát mẻ cho các bệnh nhân đang điều trị bệnh.
Bên cạnh đó, chậu cây sung bonsai cũng được sử dụng nhiều để trưng trong các dịp lễ tết.
- Tác dụng chữa bệnh
Cây sung cũng góp phần đáng kể trong việc chữa trị một số bệnh, bộ phận thường dùng là quả. Quả sung có vị ngọt mát, chứa nhiều nước, dân gian thường dùng quả sung để dùng khi bị tăng huyết áp, chữa viêm họng, viêm thanh quản gây khàn tiếng, dùng tốt khi bị táo bón hoặc dùng để phòng bệnh tiểu đường và ung thư.
- Tác dụng khác
Quả sung non còn là món ăn rất độc đáo có thể chế biến thành nhiều món như: Ăn sống chấm với muối ớt, dùng làm muối dưa hoặc dùng để kho thịt, kho cá đem đến hương vị thơm ngon mà lạ miệng của cư dân miền núi.
Lá sung dùng để cuốn gỏi ăn với thịt dê, thịt chó luộc hoặc nộm cũng là món đặc sản vừa giàu chất đạm và chất xơ.
Gỗ sung thuộc loại gỗ tạp, chất gỗ mềm nên chỉ dùng làm cốp pha trong ngành xây dựng, cành sung dùng để làm củi đun.
IV. Cách trồng và chăm sóc cây Sung
1. Cách trồng cây
Cây sung trồng được quanh năm nhưng để cây sinh trưởng tốt nhất nên trồng từ mùa xuân đến mùa thu tháng giêng đến tháng 8 hàng năm. Thời điểm này thời tiết nắng ấm và lượng mưa dồi dào sẽ không mất công chăm tưới.
- Đất trồng
Cây sung có thể trồng được trên nhiều loại đất, từ chất đất khô cằn sỏi đá cho tới chất đất phèn chua. Trước khi trồng cây phải rắc vôi bột trước khoảng 20 ngày để khử mầm bệnh trong đất. Sau đó lên luống cao khoảng 30cm, rộng khoảng 1m, làm đất tơi nhỏ, rắc phân chuồng hoai mục lên luống rồi đảo đều với đất, xoa phẳng sẵn mặt luống.
- Nhân giống và hạt giống
Cây sung được nhân giống bằng phương pháp gieo hạt, các phương pháp khác như chiết cành hoặc giâm cành đều không thực hiện được. Vì vỏ cây có nhựa (màu trắng) khi khoanh cành chất nhựa này rỉ ra làm bít tắc vết khoanh làm cành chiết không ra được rễ.
Đối với cách gieo hạt, có thể tự thu hạt giống từ quả chín hoặc có thể mua hạt giống tại các địa điểm bán hạt giống cây sung và cây con giống để gieo hoặc trồng.
Nên ngâm hạt giống cây sung khoảng 30 phút trong nước ấm khoảng 30 độ để hạt giống cây sung được nở to đều, sau đó vớt lên để ráo nước rồi ủ ở nơi kín gió và ấm áp về mùa đông, ủ thoáng mát khi mùa hè. Khoảng 3 – 4 ngày hạt nứt nanh là gieo được.
- Cách gieo
Gieo hạt sung lên luống đất đã chuẩn bị sẵn rồi tưới nước giữ ẩm cho đất, dùng rơm hoặc lá cây khô che mặt luống để giữ ẩm hạt sẽ nhanh mọc mầm hơn. Khoảng 1 tuần mầm sẽ lên khỏi mặt đất.
Những ngày sau đó tiếp tục tưới nước giữ ẩm cho luống đất gieo, khi lên mầm gỡ bỏ hết vật che chắn. Yếu tố ánh sáng cùng với nhiệt độ thích hợp rất quan trọng để cây sung con sinh trưởng nhanh. Khi mầm cây cao khoảng 40 – 50cm có thể đánh cây con ra trồng ở sân vườn hoặc nơi đất mới.
2. Cách chăm sóc cây
Cây sung là cây ưa ẩm nên phải cung cấp đủ nước cho cây, những ngày nắng nóng hoặc mùa hanh khô cần tưới nước nhiều hơn.
Cây sung cần lượng ánh sáng ở mức trung bình nên khi trồng cây con ở nơi đất mới phải được che chắn vào những ngày cao điểm nắng nóng, ánh sáng quá gay gắt cây sẽ héo và chết.
Cây con mới trồng đã được lót phân chuồng, khi cây được 1 tháng tuổi nên tưới bổ sung phân bón rễ cho bộ rễ khỏe mạnh, cây nhanh đâm chồi nảy lộc.
Các loại phân có thể dùng là: Phân vi lượng, lân N-P-K cứ 3 – 4 tháng bón một lần.
Cây sung bắt đầu cho ra quả từ năm thứ 3 trở đi. Khi quả chín sẽ có màu đỏ thẫm có vị ngọt mát. Bắt đầu thu hái quả xanh từ tháng 8 trở đi, tháng 12 – 3 âm lịch quả chín.
Trên đây là tổng quan thông tin về cây sung, cây có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Việc trồng và chăm sóc cũng không quá khó, nếu bạn yêu cây cảnh hãy trồng cây sung ngay nhé để ứng dụng những công dụng của cây cho bản thân và gia đình mỗi khi cần thiết.