Cây Si

Nếu ai đã từng đặt chân đến làng quê hoặc sân đình thì đều được tận hưởng bóng mát từ tán cây si mang lại. Tán lá si rộng và to che mát cho những người dân lao động giải lao, trò chuyện sau những giờ làm việc vất vả. Cây si cũng được coi là nguồn vật chất và tinh thần của người dân nơi đây.

I. Tổng quan

Tên thường gọi:Cây Si
Tên gọi khác:Cây gừa, cây cừa
Tên tiếng anh:Chinese Banyan, Malayan Banyan, Indian Laurel, Curtain fig
Tên khoa học:Ficus microcarpa L
Họ thực vật:Cây si thuộc họ Moraceae (Dâu Tằm)
Nguồn gốc xuất xứ:Cây có nguồn gốc từ các nước Đông Nam Á và Australia
Nơi sống:Cây si thường mọc hoang ở những nơi đất ẩm như: Ở ven đường, ven suối, ven rừng thứ sinh
Phân bố:Cây mọc nhiều ở các nước: Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma, Trung Quốc, Ấn Độ… Ở Việt Nam cây mọc nhiều ở các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ dọc từ miền Bắc vào đến miền Trung
Gồm các loại cây:Cây si lá to (cây si vàng) và cây si lá nhỏ (cây si trắng)
Cây Si
Cây Si còn có tên gọi khác là cây Gừa

II. Đặc điểm

  • Hình dáng bên ngoài: Cây si là cây thân gỗ cao to, tán lá rộng xum xuê, thân cây có nhiều bạnh gồ ra, trên cành cây có rất nhiều các sợi rễ mọc ra mỏng manh, buông rủ xuống bay rung rinh trong gió. Cây càng trưởng thành thì các sợi rễ này càng to, dài và đâm xuống lòng đất, đây cũng được coi là rễ phụ của cây si giúp cây bám chắc hơn không bị quật đổ bởi gió bão.
  • Kích thước: Cây si mọc tự nhiên có thể cao đến 25 – 30m, đường vanh khoảng 2 – 3m tương đương với sải tay của ba người ôm.
  • Cành: Cây si phân nhiều cành nhánh, cành thấp to và ngang, các cành ngang thường mọc ra những sợi rễ nhỏ tua tủa buông rủ xuống, cành càng cao càng nhỏ dần
  • Lá:  Lá của cây si có hình trái xoan, hai mặt lá đều nhẵn bóng màu xanh đậm dày và cứng, mép lá nguyên. Các lá xếp so le nhau, chiều dài khoảng 5 – 10cm, rộng khoảng 2 – 4cm, chóp lá hơi nhọn đôi khi tù. 
  • Quả: Cây si ra hoa từ tháng 4 – 5 và cho quả chín từ tháng 6 – 7 hàng năm. Quả si ra thành từng chùm ở ngọn cành to hoặc ngọn cành nhánh, quả có hình cầu không có cuống, quả màu xanh khi non và chuyển màu hồng khi già, khi chín rộ quả si chuyển màu đỏ tím.

III. Công dụng và ý nghĩa

1. Ý nghĩa

Mỗi loại cây đều có những đặc điểm, ý nghĩa khác nhau và cây si cũng vậy. Cây si là một trong bốn loài cây tứ linh sung – sanh – đa – si, trồng bốn loại cây này trong nhà sẽ mang lại nhiều điều may mắn, phát tài, phát lộc, mọi sự đều được như mong muốn của gia chủ.

2. Tác dụng

  • Tác dụng trang trí làm cảnh

Cây si thường được trồng nhiều trong khuôn viên nhà vườn, cạnh đền chùa, miếu mạo, ven đường làng, đường phố, công viên, ven bờ hồ…cây có tán lá to, rộng xum xuê để tạo bóng mát. Hơn nữa giúp hấp thụ các khí thải độc hại phát ra từ các loại phương tiện giao thông  từ đó làm giảm ô nhiễm môi trường không khí. 

Thân và cành cây si thường mềm dẻo, dễ uốn nắn, lá si sáng bóng mướt nên rất ưa chuộng làm cây bonsai, loại cây này mang ý nghĩa như ý – cát tường nên có giá thành cao và bán rất chạy trên thị trường cây cảnh hiện nay. 

Cây si cũng được trồng trên những hòn non bộ với bề mặt đá gồ ghề, tạo điểm bám cho rễ cây với những dòng nước chảy nhân tạo rất đẹp mắt. 

Ngoài ra, cây si cũng được trồng ở bờ ao, bờ hồ với bộ rễ chùm và các rễ phụ ăn sâu xuống lòng đất, chống sạt lở rất tốt. 

  • Tác dụng chữa bệnh

Dân gian hay dùng bài thuốc từ lá và rễ của cây si để chữa bệnh, các bộ phận này có vị đắng, tính mát có tác dụng giải độc, lợi tiểu, thanh nhiệt, tiêu viêm rất hiệu quả. Lá và rễ cây thu về rửa sạch, chặt ngắn, phơi hoặc sao khô sắc uống. Thường dùng trong trường hợp cảm sốt cao, đau nhức mình mẩy chân tay, làm tan vết bầm tím do ngã hay bị đòn đau. 

Một số địa phương còn dùng lá cây si giã nát vắt lấy nước uống và bã đắp lên vết thương trầy xước hoặc nốt mụn nhọt,  chữa ho và cắt cơn hen.

Tìm hiểu về cây Si
Ngoài tác dụng làm bóng mát, lá của cây Si còn dùng để chữa bệnh

IV. Cách trồng và chăm sóc

1. Cách trồng cây

  • Nhân giống và chọn giống

Cây si được nhân giống bằng phương pháp gieo hạt hoặc giâm cành, sau khi gieo hạt khoảng ba tháng là cây con đủ điều kiện trồng. 

Chọn những cây si con cao khoảng 20 – 30cm, thân mập mạp, không tổn thương trầy xước phần vỏ, lá xanh bóng, không bị sâu bệnh. 

  • Đất trồng và cách trồng

Cây si là cây mọc hoang nên dễ thích nghi với điều kiện ngoại cảnh, cây trồng được trên mọi loại đất. Nếu muốn cây sinh trưởng nhanh nên trồng trên đất màu mỡ, giàu dinh dưỡng, tầng canh tác dày khoảng 2m. 

Có thể trồng cây si ngoài đất làm bóng mát hoặc trồng trong chậu làm cây bonsai, nếu là cây bonsai cần phải dùng đất tốt, chăm sóc, cắt tỉa kĩ hơn. Dưới đây là kĩ thuật trồng cây si trong chậu cảnh.

Cho đất trồng có thể dùng đất đỏ hoặc đất đen đều được vào ⅓ chậu cảnh, rồi cho phân vi sinh lót và trên mặt chậu là lớp đất mỏng.  Cuốc hố nhỏ phù hợp với kích thước bầu cây, đặt cây con xuống rồi vùi đất chặt, có thể cắm cọc cố định cho cây si không bị đổ do gió. 

2. Chăm sóc cây

Sau khi trồng nên tưới luôn cho cây si và đất trồng luôn được ẩm mát. Cây non nên chỉ để chậu cây trong bóng râm, đến khi cây cứng cáp mới cho ra ánh sáng với cường độ nhẹ để cây thích nghi dần, khi cây đã quen với môi trường thì cho chậu cây ra nắng hoàn toàn. 

Những ngày sau đó nếu nắng khô lâu dài nên tưới nước ít nhất mỗi ngày một lần đến khi cây si ra mầm non đầu tiên. Lúc này có thể dùng các loại phân bón lá hoặc bón rễ pha tưới cho cây, để kích thích ra nhiều mầm lá. 

Đối với cây si bonsai  phải chăm sóc kĩ hơn kể từ khâu phân bón hay cắt tỉa cành nhánh sao cho hợp lý và tạo được dáng đẹp. Khi cành nhánh còn non có thể dùng dây buộc vít tạo  cành ngang sao cho đẹp mắt. 

Khi cây ra nhiều tán cần tỉa bỏ những cành tăm, lá vàng dưới gốc cho cây si thông thoáng và kết hợp nhổ cỏ, vun xới đất vào gốc, thường xuyên kiểm tra gốc thân và rễ cây  xem có bị xì mủ, thối rễ hay không để có phương án xử lý bệnh kịp thời. Nếu được chăm sóc tốt cây si sinh trưởng rất nhanh và rất ít bị sâu bệnh.

Trên đây là tổng hợp những thông tin về cây si, cây dễ trồng và chăm sóc cũng không quá khó, nếu bạn yêu các loại cây trong bộ tứ linh này hãy sưu tập ngay nhé.

5/5 - (5 bình chọn)