Cây Sake

Cây sake là cây rất xa lạ đối với người dân miền Bắc bởi cây không thích hợp với điều kiện tự nhiên ở nơi này. Nhưng hương vị của nó lại rất quen thuộc và được nhiều người ưa chuộng bởi vị ngọt và hương thơm giống mùi bánh mỳ của nó.

I. Giới thiệu về cây Sake

Tên thường gọi: Cây Sake
Tên gọi khác: Cây Bánh Mì
Tên khoa học: Artocarpus altilis
Họ thực vật: Cây thuộc họ Dâu tằm – Moraceae
Nguồn gốc xuất xứ: Cây có nguồn gốc từ bán đảo thuộc phía Tây Nam Thái Bình Dương và châu Đại Dương
Nơi sống: Cây Sake thường mọc ở những nơi đất cát bờ sông, bờ biển nơi có khí hậu nắng nóng
Phân bố: Hiện nay cây Sake có mặt ở nhiều nơi trên thế giới như châu Phi, châu Á: Đảo Sumatra, Giava của Indonêxia, Malayxia, Việt Nam…
Màu sắc của hoa: Hoa nở có màu vàng
Gồm các loại cây: Có hai loại cây sake là sake có hạt và sake không hạt
Cây Sake
Cây Sake có tên gọi khác là cây bánh mì

II. Đặc điểm của cây Sake

  • Hình dáng bên ngoài: Sake là loại cây thân gỗ lớn, phiến lá to, tán lá rộng, nhiều tầng và xanh tươi quanh năm.
  • Kích thước: Chiều cao khi trưởng thành từ 15 – 20m, đường kính thân cây khoảng 40 – 60cm.
  • Thân: Thân cây sake thẳng đứng, lớp vỏ cây màu nâu xám, phân chia thành nhiều cành nhỏ dài. Các cành phân chia theo tầng tạo thành từng tầng, lớp tán rất đẹp mắt. Vỏ cây khi bị khứa hoặc bị chặt có nhựa màu trắng sữa chảy ra. 
  • Lá: Lá sake khá to, chia thành nhiều thùy khoảng 5 – 10 thùy nhọn, cuống to mập gần giống như lá đu đủ. Mặt trên lá có màu xanh đậm, bóng còn mặt dưới màu hơi  nhám, mỗi thùy lá là những đường gân trắng nổi rõ. Lá non có màu xanh đậm, dày, bóng khi lá già chuyển màu nâu như lá khô, khi lá rụng thường rụng cả cuống tạo thành sẹo trên thân và cành cây. 
  • Hoa: Trên cây sake hoa cái và hoa đực thường ra riêng cụm, cụm hoa đực nhỏ, có một nhị  màu vàng thường nở trước. Cụm hoa cái có hình cầu lúc nụ hoa có màu xanh non mọc thẳng đứng, khi nở ra hoa có màu vàng. Thời gian thụ phấn chỉ khoảng 2 – 3 ngày nếu quá hạn vẫn được thụ phấn nhưng không đậu quả.  
  • Quả: Quả sake to như quả bưởi hình cầu hoặc hình trứng, vỏ ngoài nhiều mắt gai nhọn gần giống quả mít, nhưng không có múi, bên trong lõi chứa tinh bột màu trắng, có hạt hoặc không hạt. Ở nhiều nơi trên thế giới  như châu Phi còn dùng quả sake như một món ăn hàng ngày để chống đói. 
Xem thêm:  [Phong thuỷ] Những loại hoa không nên cắm trên bàn thờ

III. Tác dụng của cây Sake

1. Tác dụng trong trang trí, làm cảnh

Cây sake có hình dáng đẹp, phiến lá to, tạo nhiều tầng tán rộng nên rất thích hợp trồng để làm cảnh trang trí, tạo bóng mát ở những nơi như: Ven đường phố, sân vườn biệt thự, khu nghỉ dưỡng, khu đô thị, trường học, bệnh viện, công viên, khu du lịch miệt vườn…Bên cạnh đó, cây sake có màu hoa vàng đẹp rực rỡ, đây là điểm nhấn thu hút  du khách dừng chân nghỉ mát và ngắm hoa.

2. Tác dụng chữa bệnh

Trong Đông y, sake là cây được xem  là vị thuốc có khả năng chữa trị được nhiều bệnh, hầu như các bộ phận của cây đều có công dụng chữa bệnh khi được kết hợp với nhiều loại thuốc điều trị nguyên nhân và thuốc điều trị triệu chứng.

Lá sake được dùng kèm với các loại thuốc khác bằng cách đun tươi hoặc phơi khô sắc uống để ngăn ngừa và chữa trị các bệnh như: Viêm gan gây vàng da, bệnh gout, bệnh đái tháo đường tuýp 2, sỏi thận, ổn định huyết áp…

Vỏ cây sake tươi dùng để đun nước uống có tác dụng tiêu viêm, tiêu độc, sát trùng, thường  dùng để trị bệnh ghẻ lở, viêm da ngứa rất hiệu quả. 

Bên cạnh đó, rễ Sake có tác dụng chữa các chứng ho, hen suyễn, đun nước ngậm chữa viêm  răng, viêm lợi…

3. Tác dụng  ẩm thực

Quả  sake có chứa đến 70 – 80% tinh bột, khi ăn vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành đường. Do đó người dân Ấn Độ thường dùng quả tươi bóc vỏ, thái lát mỏng cho lên chảo rán với mỡ hoặc cho thêm chút bơ tạo nên mùi vị giống như bánh mì rán. Từ đó có tên gọi là cây bánh mì, sake cũng được dùng để làm nguyên liệu cho các món khác cũng rất thơm ngon và hấp dẫn. 

Xem thêm:  Hoa Lan Kiếm Lô Hội

Nhiều nơi còn dùng quả sake để kho thịt gà, hầm xương heo, sake kho với thịt ba chỉ. Quả sake cũng được dùng để nấu chè ăn rất thơm và béo ngậy.

4. Tác dụng khác

Gỗ sake cứng chắc cũng được dùng trong ngành xây dựng, khai thác và chế biến lâm sản hoặc làm củi đun. Ngoài ra, cây sake còn được trồng thành rừng với mục đích phủ xanh đồi núi trọc, chống xói mòn, sạt lở đất.

Thông tin về cây Sake
Cây Sake có tác dụng chữa bệnh và trang trí sân vườn

IV. Cách trồng và chăm sóc cây Sake

1. Cách trồng cây

  • Nhân giống và chọn giống

Cây sake được nhân giống bằng cách gieo hạt và chiết cành, phương pháp chiết cành được sử dụng nhiều hơn do cây con sinh trưởng nhanh và cho năng suất cao hơn. Dưới đây là hướng dẫn cách trồng cây sake bằng phương pháp chiết cành.

Chọn cành giống sake to vừa phải và phải là cành gốc, nếu là cành ngọn sẽ ra quả kém hơn. Cành lá xanh tốt, không bị vàng lá, rễ mọc ít nhất khoảng 4 – 6 sợi rễ có màu sắc trắng hoặc vàng nhạt là đạt tiêu chuẩn cành giống tốt, nếu rễ bị đen hoặc ít rễ khi trồng cây sẽ kém phát triển.

  • Đất trồng

Cây sake thích hợp trồng nơi đất cát và khí hậu ấm nóng nên tránh trồng cây ở những vùng có khí hậu lạnh, mưa nhiều.

Đất trồng cây sake cần được cày ải, đập nhỏ đất, sau đó cuốc hố trồng với kích thước 30 x 30cm, rắc ít vôi bột để khử chua đất khoảng nửa tháng rồi mới trồng. Nên trồng cây nơi có nhiều ánh sáng, đất thiên về phần cát sỏi nhiều hơn có thể cho thêm vỏ trấu và xơ dừa mục cho tơi xốp đất. Trước khi trồng sake lót phân vi sinh để khi cây bén rễ là có luôn dinh dưỡng để hút. 

  • Hướng dẫn cách trồng

Sau khi đã chọn được cành giống và chuẩn bị đất trồng nên tiến hành trồng ngay, bới nhẹ hố đất đã ủ phân sẵn, đặt cành giống sake nhẹ nhàng rồi vùi đất xung quanh bầu, nén chặt tránh bị gió lay đổ. Chỉ nên vùi đất quá mặt bầu khoảng 2 – 3cm, không lấp quá dày làm rễ kém phát triển.

Xem thêm:  Hoa Lan Hoàng Thảo Vôi

Nếu trồng trên đất ruộng bằng phẳng phải khơi rãnh thoát nước sâu khoảng 30cm, rộng khoảng 50cm, tránh ngập úng cho cây.

Khoảng cách giữa các cây là 6 – 8m, hàng cách hàng là 8 – 10m, tránh tán cây chạm nhau.

2. Cách chăm sóc cây

Sau khi trồng cây sake cần tưới nước luôn cho cây, nếu ngày nắng nóng nên tưới mỗi ngày một lần đến khi cây ra chồi mầm.

Sau khi trồng khoảng 5 – 7 ngày pha thuốc kích thích ra rễ tưới vào gốc định kỳ hai lần cách nhau 5 ngày. 

Khi cây ra lớp chồi mầm lần hai có thể bón thêm phân vi lượng cho cây kết hợp cào cỏ, vun gốc để rễ hấp thụ dinh dưỡng tốt nhất. 

Cây càng to thì càng tăng lượng phân bón lên, khi cây ra quả cần bổ sung thêm lân NPK và ít nhất mỗi năm bón một lần phân chuồng hữu cơ để cây phát triển tốt và chắc quả đem lại năng suất và giá thành cao.

Bên cạnh đó, cần cắt tỉa tạo tán, hãm chiều cao sao cho hợp lý để cây vừa thoáng sạch sâu bệnh, vừa dễ thu hái quả.

Cây sake cũng như nhiều loại cây ăn trái khác đều hay gặp các bệnh như: Thối rễ, vàng lá do nấm, ghẻ nhám, thối quả, sâu đục thân, rệp  ăn búp non…Các bệnh này thường nhanh khỏi nếu phát hiện sớm và phun kịp thời. 

Có thể dùng các thuốc phòng trừ sâu bệnh cho cây sake như sau: 

  • Vàng lá, thối rễ, ghẻ nhám, thối quả do nấm: Dùng nấm Timan hoặc các nhóm thuốc có gốc đồng để phun và phải phun riêng một loại không được kết hợp tránh kết tủa thuốc. Phun hai lần cách nhau 5 – 7 ngày.
  • Sâu đục thân: Dùng Bassa hoặc Reagant bơm thuốc vào lỗ thủng (đường vào của côn trùng).
  • Sâu, rệp ăn búp non: Dùng Reagant 3.6 hoặc Monifos phun ướt toàn cây.

Tổng hợp toàn bộ bài là những thông tin cần biết về cây sake, loài cây ưa nắng gió nhưng lại cho trái ngọt có tác dụng rất tốt đối với con người trong cuộc sống thường ngày. Hãy cùng trồng cây để thưởng thức hương vị của loài cây tên gọi là bánh mì này nhé.

5/5 - (5 bình chọn)
Về Kim Chung

Xin chào, Mình là Chung. Hi vọng rằng với những nội dung chia sẻ về Trồng trọt, chăn nuôi và làm vườn sẽ giúp các bạn phát triển nông nghiệp tốt nhất.

Viết một bình luận