Cây Nguyệt Quế

Hầu hết chúng ta đều biết, cây nguyệt quế là biểu tượng của sự chiến thắng, đỗ đạt đem lại vinh quang cho gia đình, dòng họ hoặc cho nơi mà họ được dạy dỗ, đào tạo. Do đó nhiều người yêu cây đã bất chấp giá cả để mua được cây về trưng trong nhà với ước muốn học hành đỗ đạt, sự nghiệp hanh thông, thăng quan tiến chức.

I. Tổng quan

Tên thường gọi:Cây nguyệt quế
Tên gọi khác:Cây nguyệt quất
Tên khoa học:Muraya paniculata
Họ thực vật:Cây thuộc họ cam Rutaceae
Nguồn gốc xuất sứ:Cây có nguồn gốc từ châu Á
Nơi sống:Cây Nguyệt Quế thường mọc hoang ở đồi núi hoặc các khu rừng nhiệt đới ở miền Bắc, ở thung lũng, nơi đất  ẩm mát
Tuổi thọ:Cây thường sống lâu năm
Màu sắc của hoa:Nguyệt quế có hoa màu trắng giống như hoa cam, hoa bưởi
Thời gian nở hoa:Hoa nguyệt quế thường nở vào đầu mùa xuân
Gồm các loại cây:Cây nguyệt quế có 3 loại cây:  Cây nguyệt quế lá to Cây nguyệt quế lá nhỏ Cây nguyệt quế thân xoắn (đây là loại cây có giá trị kinh tế và thẩm mỹ cao)
Cây nguyệt quế
Hoa nguyệt quế thường nở vào đầu mùa xuân

Hiện nay rất nhiều người đang nhầm lẫn giữa cây nguyệt quế xuất xứ từ châu Á (tên khoa học là: Muraya paniculata) và cây nguyệt quới xuất xứ từ vùng Địa trung Hải (Laurus nobilis L). Đây là hai loại cây khác hẳn nhau, hãy đọc để biết phân biệt cây nguyệt quế hoa trắng có nguồn gốc từ châu Á nhé.

II. Đặc điểm

  • Hình dáng bên ngoài: Cây nguyệt quế tự nhiên là loài cây thân gỗ nhỡ, thân thẳng, tán rộng xum xuê, khi non vỏ cây nhẵn có màu xanh nhạt, cây già vỏ đổi màu xám hoặc nhiều cây màu vàng nhạt, cây cổ thụ vỏ xù xì, nhiều gân guốc hơn. 
  • Kích thước: Cây nguyệt quế trưởng thành cao khoảng 6 – 10m, đối với cây trưng trong nhà chiều cao chỉ khoảng 1 – 2m.
  • Cành: Cây nguyệt quế thường phân chia nhiều cành nhánh từ gốc lên, cành gốc dài hơn tạo thành tán rộng, càng lên ngọn cành ngắn và nhỏ hơn tạo thành lùm cây tròn xoe nhìn từ xa rất đẹp mắt.
  • Lá: Lá nguyệt quế hình bầu dục nhỏ như lá quất mọc xen kẽ nhau, chồi lá non màu xanh lá mạ, lá già màu xanh đậm hơn, dày hơn, mép lá không răng cưa.
  • Hoa: Hoa nguyệt quế màu trắng, mùi rất thơm, thường ra theo chùm khoảng 5 – 10 bông hoa trên một chùm. Mỗi bông hoa gồm có 5 cánh, đài hoa màu xanh, có khoảng 10 vòi nhị, và 1 bầu nhụy hình cầu, khi cánh hoa rụng, nhụy phát triển thành quả. Hoa chủ yếu nở vào mùa xuân, nếu dùng thuốc kích thích dòng sinh học cây sẽ cho hoa rải rác quanh năm.
  • Quả: Quả nguyệt quế nhỏ như quả quất hoặc nhỏ hơn, hình cầu hoặc hình trứng, khi non màu xanh đậm, khi quả chín chuyển màu vàng cam. Quả mọng nước, bên trong có múi như chanh và có nhiều hạt nhỏ.

III. Công dụng và ý nghĩa

1. ý nghĩa

Theo quan niệm của người Á Đông thì cây nguyệt quế mang lại ý nghĩa về tinh thần rất to lớn. Cây là biểu tượng của sự chiến thắng, đỗ đạt thành tài, do đó trưng cây trong nhà sẽ mang lại nhiều điều may mắn cho gia chủ.  Con đường học hành, thi cử đạt được kết quả cao, sự nghiệp luôn thăng quan tiến chức, kinh doanh buôn bán thuận lợi. 

Cây nguyệt quế còn mang nguồn năng lượng vô hình lớn giúp xua đuổi tà ma, xua đuổi điềm xấu, gở, xui xẻo trong cuộc sống mang lại mọi điều may mắn cho gia chủ.

2. Tác dụng

Do cây nguyệt quế có ý nghĩa rất lớn nên nhiều dòng họ có con cháu hiếu học trên khắp đất nước ta đã lựa chọn trồng cây để làm cảnh trong khuôn viên của nhà thờ họ.  Để khuyến khích con cháu chăm ngoan, học giỏi, những ai đã đoạt giải ở các cuộc thi về tri thức ở các cấp khác nhau đều được ghi danh và được tặng vòng kết hoa nguyệt quế. Đó là phần thưởng lớn về tinh thần giành cho những người nỗ lực hết mình để chiến thắng.

Cây nguyệt quế còn được trồng làm cảnh ở nhiều nơi như: Sân vườn, trường học, công viên, khu di tích, văn miếu, quanh các tượng đài…

Ngoài việc trồng để làm cảnh, bóng mát cây còn được trồng với mong muốn tôn thờ,  tri ân những vị anh hùng, vị tướng đã góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang cho đất nước. 

Cây nguyệt quế cũng được cắt tỉa thành cây bonsai có hình dáng bắt mắt, được đặt ở vị trí thoáng rộng trong phòng khách vừa có tác dụng hút bụi bẩn vừa tạo không gian xanh trong nhà.

Tìm hiểu về cây nguyệt quế
Cây nguyệt quế được trồng với mong muốn tôn thờ,  tri ân những vị anh hùng, vị tướng đã góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang cho đất nước

IV. Cách trồng và chăm sóc

1. Cách trồng cây

  • Nhân giống và chọn giống

Cây nguyệt quế được nhân giống bằng 4 phương pháp phổ biến sau đây:

  • Gieo hạt: Chọn hạt giống chắc mẩy, không bị mốc trước khi gieo phải được ngâm nước, vớt ráo rồi ủ cho nứt nanh mới gieo.
  • Chiết cành: Chọn cây mẹ to, khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, chọn cành vừa phải không quá to để cây giống sinh trưởng tốt.
  • Ghép cành: Cần lựa chọn gốc ghép mọc thẳng, gốc to chừng ngón tay trỏ, không bị biến dạng và sâu bệnh. Chọn mắt ghép là chồi cành tơ không dùng chồi thân (chồi không quá non hoặc quá già).
  • Giâm cây: Đào cả gốc rễ cây, chặt bỏ đoạn ngọn để lại khoảng 2 – 3m chiều cao thân, chặt bỏ những rễ dài, rễ to, nhỏ đem về giâm. Qua quá trình chăm sóc đặc biệt cây sẽ ra rễ mới, từ đó đâm chồi nảy lộc. 
  • Đất trồng

Cây nguyệt quế không kén chọn đất nên rất dễ trồng và chăm sóc, chỉ cần chân đất ẩm là đủ, còn đất cằn nghèo dinh dưỡng có thể cải tạo được bằng nhiều cách khác nhau.

 Để cây nguyệt quế được sinh trưởng trong điều kiện tốt nhất nên chọn đất cát pha có độ PH từ 5 – 7 cộng với xơ dừa mục cùng với trấu mục rồi đảo đều nhau. 

Trước khi trồng cây nguyệt quế có thể bón lót thêm phân bò hoặc phân gà ủ mục hoặc nếu không có, có thể dùng phân vi sinh lót trước khi trồng. 

  • Cách trồng

Sau khi đã chuẩn bị được giống cây và đất trồng cây nguyệt quế ta nên trồng luôn, đối với cành chiết và cây ghép thì dùng xẻng đào hố nhỏ phù hợp với bầu cây rồi đặt cây và vùi đất quá mặt bầu 2 – 3cm, nén chặt đất xung quanh bầu. Dùng cây que cắm cọc và cố định cây lại tránh gió đổ.

Đối với phương pháp gieo hạt nguyệt quế: Cần cày bừa làm nhỏ đất, lên luống cao khoảng 30cm, rộng 1m, chiều dài tùy ý. Luống cách luống khoảng 20cm, trước khi gieo phải rắc phân chuồng lên mặt luống rồi vằm đều với đất, xoa phẳng mặt luống rồi gieo. Gieo thưa đều hết mặt luống, gieo xong dùng lưới che hoặc phủ rơm rạ lên để giữ ẩm cho đất và hạt, sau khoảng 10 – 15 ngày là hạt lên mầm. 

Đối với phương pháp giâm cây nguyệt quế thì chỉ có những người sành cây cảnh mới có thể làm được vì cây lúc này đang trong tình trạng bị thương tổn cần phải có chế độ chăm sóc rất đặc biệt để cây được hồi phục tốt nhất.

2. Cách chăm sóc

Sau khi gieo, trồng cây nguyệt quế ở trong chậu hay ngoài đất đều cần phải tưới luôn để cây được tươi mát, nếu gặp nắng gắt phải có biện pháp che chắn cẩn thận tránh héo chết cây con.

Sau khi trồng cây nguyệt quế khoảng 5 – 7 ngày lúc này cây đã bắt đầu bén rễ, cần pha thuốc siêu ra rễ pha với nồng độ khuyến cáo trên bao bì. Tưới vào gốc cây, tưới nhỏ giọt, tưới 2 lần mỗi lần cách nhau 5 – 7 ngày. 

 Khi cây nguyệt quế ra đợt chồi mầm đầu tiên, cần bón thêm các loại phân bón lá để chồi to khỏe hơn và chuẩn bị ra đợt chồi mới. 

Nếu trồng cây nguyệt quế trong chậu cứ khoảng 3 – 5  tháng là đất hết dinh dưỡng, lúc này cần phải thay đất, chỉ thay một nửa phần đất, nửa còn lại xới đảo đều và cho phân chuồng hoai mục vào và đổ thêm đất mới.

Nếu không có các loại phân chuồng bỏ thường xuyên có thể dùng đậu tương (đậu nành) nghiền mịn để bón cho cây. Cứ khoảng 3 tháng bón một lần, bón ít một và tưới thêm nước vo gạo cây sẽ sinh trưởng rất tốt.  

Cây nguyệt quế ưa mát nên cần chú ý tưới nhiều nước cho cây, tưới đẫm khoảng 3 – 5 ngày mới cần tưới lại. 

Nhiệt độ thích hợp để cây nguyệt quế sinh trưởng tốt là từ 13°C – 38ºC, nhiệt độ thấp hoặc cao quá làm cây ngừng sinh trưởng và có thể chết cây. Do đó nhiệt độ thích hợp nhất từ 20 ºC – 30ºC..

Khi đã nắm rõ được các kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ở trên, bạn đã có thể tự tin trồng cho mình cây mới và chỉ cần bớt chút thời gian chăm tưới là bạn đã có cây nguyệt quế đẹp, trổ hoa quanh năm rồi đấy.

5/5 - (2 bình chọn)