Cây Mít

Cây mít được trồng rất phổ biến và gần gũi với người dân ở vùng nông thôn nước ta. Ngoài cây mít ta, hiện nay người ta đã lai ghép ra nhiều giống mít mới có chất lượng thơm ngon hơn và cho năng suất cao. Bộ phận có giá trị nhất là cùi (thịt) mít, đây là món ăn vặt ưa thích của nhiều người. 

I. Giới thiệu về cây mít

  • Tên thường gọi: Cây mít
  • Tên tiếng anh: Jackfruit
  • Tên khoa học: Artocarpus heterophyllus
  • Họ thực vật: Cây mít thuộc họ Dâu tằm (Moraceae)
  • Nguồn gốc xuất xứ: Cây có nguồn gốc từ Ấn Độ 
  • Nơi sống: Cây thường mọc tự nhiên ở vùng đồng bằng, vùng núi trên khắp cả nước từ Bắc đến Nam
  • Tuổi thọ: Cây mít có tuổi thọ khá cao trên 30 năm
  • Thời gian nở hoa: Hoa mít thường nở  chính vụ vào tháng giêng, đối với các loại cây giống mới thường ra hoa quanh năm (mít tứ mùa).
  • Màu sắc của hoa: Hoa mít màu vàng 
  • Gồm các loại cây: Mít Ta (có 2 loại là mít Dai và mít Mật), mít Thái, mít quả dài, mít không hạt, mít Tố nữ, mít ruột đỏ, mít nghệ cao sản,…
Cây mít
Cây mít có tuổi thọ khá cao trên 30 năm

II. Đặc điểm của cây mít

  • Hình dáng bên ngoài: Cây mít thuộc dạng cây thân gỗ to và chắc, vỏ màu xám đen xù xì ở các cây già tuổi, tán lá dày  và rậm rạp.
  • Kích thước: Cây trưởng thành có thể cao tới 20m, đường kính thân có thể đến 50 – 60cm.
  • Lá: Lá mít dày, to bản hình bầu dục, lá già màu xanh đậm, lá non nhạt màu hơn. Lá mít không rụng ồ ạt theo mùa như cây xoan và  cây lát mà chỉ rụng lá già úa.
  • Hoa: Hoa mít khi chưa nở màu vàng  nhạt, hoa đơn giản chỉ là 2 cánh úp vào nhau, hoa cái kết thành quả khi hoa bung nở đã có quả to chừng ngón tay cái. Còn hoa đực nở ra nhị hoa phát tán rồi rụng đi gọi là Dái mít (ăn được nhưng hơi chát). 
  • Cành: Cành cây mít khá to cứng chắc ít khi bị đổ gãy do gió mạnh.
  • Quả: Quả mít thường có nhiều kích thước quả, có loại quả to trên 20 kilôgam/ 1 quả và có nhiều hình dáng khác nhau như: loại quả tròn, quả dài, hình bầu dục do nhiều loại giống khác nhau. Vỏ quả có nhiều gai chi chít khi non gai mít dày có màu xanh hơi ngả vàng nhạt, khi chín màu đậm hơn và gai thưa hơn.
  • Bên trong vỏ là lõi mít, có chứa rất nhiều múi màu vàng tươi hoặc màu đỏ tùy từng giống mít, múi (thịt) là phần ngon nhất của quả mít. Trong múi là hạt, hạt thường dùng để phơi khô rồi luộc ăn rất bùi và ngậy có hương vị giống như hạt Dẻ rừng. 
Xem thêm:  Cây Bạch Tuyết Mai

III. Tác dụng của cây mít

Các bộ phận của cây mít có rất nhiều tác dụng, có thể kể đến từng bộ phận có các tác dụng như sau: 

  • Lợi ích dinh dưỡng:

Cùi (thịt múi mít) có hàm lượng dinh dưỡng khá cao như:  đường tự nhiên, vitamin nhóm B, chất xơ…rất tốt cho sức khỏe nhưng cũng không nên ăn quá no, quá nhiều hoặc không nên ăn khi đang đói.

Cùi mít thường được sấy khô làm mít sấy hoặc trộn với các nguyên liệu khác để làm bánh.

1. Tác dụng trong trang trí, làm cảnh

Cây mít cá dáng cao, thân cành dài, tán lá rộng và chùm quả chi chít trên cành đó là những ưu điểm nổi bật giúp cho cây thu hút sự chú ý của người chiêm ngưỡng. Ngoài ra, cây còn có tác dụng tạo bóng mát rất tốt và làm giảm ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn tạo cho môi trường trong lành và yên tĩnh hơn.

2. Tác dụng chữa bệnh

Theo kinh nghiệm dân gian ông cha ta thường dùng lá mít để đun nước uống cho sản phụ sau sinh thiếu sữa, giúp sữa bài tiết nhiều và đặc hơn.

Nhựa mủ trắng của mít (khi bẻ lá) có vị chát nên hay dùng để tưa lưỡi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khi bị nấm miệng.

3. Tác dụng khác

Gỗ mít là loại gỗ cứng chắc, đường vân đẹp nên được dùng để đóng đồ nội thất gia dụng: giường, tủ, kệ tivi, kệ thờ, bàn ghế…

Xem thêm:  Các loại cây cảnh ưa bóng râm dễ trồng, dễ chăm sóc

Lá mít cũng được dùng để làm thức ăn cho gia súc: trâu, bò, dê, cừu  và một số loài động vật hoang dã như hươu cao cổ…

Tìm hiểu về cây mít
Cùi mít thường được sấy khô làm mít sấy hoặc trộn với các nguyên liệu khác để làm bánh.

IV. Cách trồng và chăm sóc cây

1. Cách trồng cây

  • Nhân giống

Cây mít được nhân giống bằng phương pháp gieo hạt, ghép cành và nuôi cấy mô. Đối với cách chiết cành thì hoàn toàn không được bởi thân cành cây mít có nhiều nhựa, khi khoanh cành nhựa chảy liên tục sẽ làm vết khoanh liền lại dẫn đến cành không thể ra rễ.

  • Thời vụ trồng cây: 

cây mít thì hầu như trồng được quanh năm đối với khu vực phía Nam, chỉ tránh mấy tháng mùa khô hạn nếu có nguồn nước dự trữ có thể trồng được. Đối với khu vực phía Bắc thì không nên trồng vào mùa đông do nhiệt độ hay xuống thấp dưới 10 độ C làm cây ngừng sinh trưởng. 

  •  Mật độ trồng cây: 

Trồng cây mít với mật độ như sau: hàng cách hàng khoảng 7m, cây cách cây khoảng 5m.  Để khoảng cách như vậy sẽ làm cây thông thoáng, giảm sâu bệnh và giúp chăm sóc dễ dàng.

  • Đất trồng

Cây mít không kén chọn đất, chỉ trừ chất đất phèn mặn và đất bị nhiễm độc thuốc diệt cỏ. Đối với chất đất nghèo dinh dưỡng thì cần khử chua đất và bón nhiều lượng phân chuồng hơn bình thường và không được bón phân vô cơ làm chai cứng  đất, cây kém phát triển.  

  • Cách trồng

Cây mít cũng được trồng như rất nhiều loại cây khác, cũng chuẩn bị hố trồng, lót phân rồi sau khi trồng cần tưới nước ngay và che chắn nếu nắng gắt.

Xem thêm:  Các loại cây Hoa Thân Gỗ đẹp mắt dễ trồng

2. Cách chăm sóc cây

  • Nước tưới 

Là khâu quan trọng nhất không thể thiếu đối với cây trồng. phải tưới nước mỗi ngày đối với những ngày nắng gắt hoặc mùa đông thời tiết khô hanh. 

  • Phân bón

Sau khi trồng khoảng 7 – 10 ngày nếu có điều kiện nên tưới phân hữu cơ AH Thanh Hà, tưới vào mỗi gốc cây mít con khoảng 1 – 2 lít nước, tưới nhắc lại 10 ngày sau đó. Những năm tiếp theo khi cây lớn dần thì tưới giảm đi chỉ còn 4 lần/1 năm. 

Ngoài ra, khi cây mít đã to có thể bón thêm các loại phân dạng hạt chậm tan, có thể rắc trên mặt đất hoặc cuốc hố chôn phân đều được. Bón phân cũng tùy thuộc vào độ tuổi của cây và từng thời điểm sinh trưởng, mỗi độ tuổi và mỗi giai đoạn sinh trưởng có chế độ dinh dưỡng khác nhau. 

Đối với cây mít một năm tuổi, số lần bón là  3 lần/ 1 năm, mỗi lần bón khoảng 1,5 kg/ 1 cây. Cây 2 tuổi trở lên bón tăng dần đến khi cây khoảng 3 – 4 năm bắt đầu để nuôi quả là bón phân ở mức tối đa là 3kg/1 lần x 4 lần trong năm. 

  • Phòng trừ sâu bệnh

Cây mít hay gặp một số bệnh hại sau đây: Chảy nhựa (xì mủ thân hoặc gốc), thối rễ, sâu đục thân, mối xông từ gốc rễ lên làm rỗng lõi cây. 

  • Đối với sâu đục thân và mối xông có thể dùng xilanh  hút thuốc sâu Bestox, Bassa bơm vào lỗ đục thủng.
  • Đối với bệnh xì mủ và thối rễ phải dùng Alimet phun tưới đất để ngấm xuống rễ  làm chết các loại tuyến trùng. Cách thứ hai dùng kết hợp Mancozeb + Metalaxyl pha phun theo nồng độ hướng dẫn, phun nhắc lại lần hai sau 7 ngày.

Trên đây là những thông tin về cây mít cách trồng và chăm sóc vô cùng hữu ích nên mọi người hãy lưu tâm nhé, đừng lướt qua bài viết vì có thể bạn đã bỏ lỡ điều gì đó rất thú vị.

5/5 - (2 bình chọn)
Về Kim Chung

Xin chào, Mình là Chung. Hi vọng rằng với những nội dung chia sẻ về Trồng trọt, chăn nuôi và làm vườn sẽ giúp các bạn phát triển nông nghiệp tốt nhất.

Viết một bình luận