Cây mắc ca là cây chủ lực của khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên, nơi đây có khí hậu và thổ nhưỡng ôn hòa nên cây cho năng suất và giá trị rất cao. Hiện nay hạt mắc ca được bán rất nhiều trên thị trường bởi công dụng rất tốt của nó, hãy tìm hiểu xem hạt có tác dụng gì nhé!
I. Giới thiệu về cây Mắc ca
- Tên thường gọi: Cây mắc ca
- Họ thực vật: Cây thuộc họ Proteaceae
- Tên tiếng anh: Macadamia, Australia nut hoặc Queenland nut
- Nguồn gốc xuất xứ: Cây có nguồn gốc từ Châu Đại Dương (Úc)
- Tuổi thọ: Sống lâu năm
- Phân bố: Cây mắc ca được trồng nhiều Australia, còn ở Việt Nam cây được trồng nhiều ở các tỉnh vùng núi Ba Vì (Hà Nội), Sơn La, Lào Cai, Gia Lai, Đắc Lắc, Lâm Đồng..
- Màu sắc của hoa: Cây cho hoa có màu hồng hoặc trắng
- Thời gian nở hoa: Hoa nở rộ từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau (có khi kéo dài đến tháng 4)
- Gồm các loại cây: Cây mắc ca gồm hai loài là:
- Loài vỏ trơn (Macadamia integrifolia Maiden & Betche)
- Loài vỏ sần (Macadamia tetraphylla L. Johnson).
- Cách phân biệt thứ hai là dựa vào số lá trên các đốt thân:
- Loài vỏ trơn: trên mỗi đốt thân thường có 3 lá
- loài vỏ sần thường có 4 lá trên mỗi đốt thân.

II. Đặc điểm của cây Mắc ca
- Hình dáng bên ngoài: Mắc ca là cây thân gỗ thẳng đứng, tán lá dày, rậm rạp xanh mướt quanh năm.
- Kích thước: Cây có thể cao tới 18 – 20m, đường kính tán khá rộng có thể đến cả chục mét.
- Cành: Cành cây mắc ca thường phân chia rất nhiều cành nhánh, cành gốc dài và to tạo nên bộ tán rộng và dày đặc.
- Lá: Lá mắc ca là dạng lá đơn, mọc cách lá hình mũi mác thon dài và nhọn màu xanh đậm, tùy từng loài cây mà có loại lá khác nhau, có loại lá mép nguyên, loại lá mép răng cưa.
- Hoa: Cuống hoa mọc ra từ kẽ lá, ngọn cành, cuống dài khoảng 20 – 30cm trên cuống là những chùm hoa màu trắng hoặc màu hồng, hoa nhiều nhưng tỷ lệ đậu trái rất ít.
- Quả: Quả mắc ca là dạng quả hạch vỏ cứng có hình dáng giống quả đào hoặc có hình tròn khi còn non thường nhọn ở rốn quả. Vỏ quả biến đổi màu theo từng giai đoạn phát triển, quả non màu xanh, khi già màu nâu và chín chuyển màu nâu sẫm và khô nứt vỏ. Khi quả khô nứt sẽ tự dụng xuống đất, bên trong lõi là hạt màu trắng sữa.
III. Tác dụng của cây Mắc ca
1. Giá trị dinh dưỡng
Khoa học đã chứng minh trong hạt mắc ca có chứa rất nhiều calo, trong đó chứa hơn 75% chất béo không bão hòa đơn, chỉ chứa 1 gam đường tự nhiên, vitamin B6, sắt và chất xơ rất tốt cho cơ thể.
Chế độ ăn có chứa hạt mắc ca mỗi ngày sẽ ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh Tim mạch như: cao huyết áp, xơ vữa động mạch, tăng mỡ máu.
Ngoài ra, ăn một lượng nhỏ hạt mắc ca mỗi ngày cũng rất tốt cho bệnh đường ruột và bệnh Đái tháo đường tuýp 2.
Bên cạnh đó, hạt mắc ca chỉ chứa 1 gam đường tự nhiên nên đây là món ăn lý tưởng cho người béo phì muốn giảm cân.
2. Lợi ích về kinh tế
Đây là loại hạt đem lại giá trị kinh tế rất cao, một kilôgam hạt mắc ca thành phẩm có giá dao động từ 300- 400 nghìn VNĐ. Đây còn là mặt hàng xuất khẩu mang lại lợi nhuận cao cho cả người làm vườn và thương lái, hơn nữa cây lại có tuổi thọ cao nên những vùng kinh tế chủ lực đang mở rộng thêm diện tích canh tác.
3. Những lợi ích khác
Ngoài những tác dụng trên, hạt mắc ca còn được sấy khô để làm nhân bánh kẹo, nấu chè và chiết xuất lấy dầu để để làm mỹ phẩm.

IV. Cách trồng và chăm sóc cây Mắc ca
1. Cách trồng cây
- Tiêu chuẩn chọn giống cây
Cây mắc ca thường được nhân giống bằng phương pháp ghép cành và chiết cành, cả hai phương pháp này đều cho cây sinh trưởng nhanh nhưng ghép cành vẫn là cách đơn giản và thao tác nhanh nhất.
Khi trồng nên chọn cây mắc ca giống khỏe mạnh, lá xanh tốt, không bị sâu bệnh, cao từ 30 – 50cm, không bị tổn thương hay dập nát nhất là ở bộ phận rễ.
- Thời vụ trồng
Ở các vùng chuyên canh cây mắc ca khu vực Tây Bắc thường trồng vào đầu mùa xuân đến mùa thu từ tháng giêng đến tháng 8 âm lịch, tránh trồng vào mùa đông cây sinh trưởng kém. Đối với khu vực Tây Nguyên thường trồng vào mùa mưa từ tháng 5 trở đi đến tháng 1 năm sau, thời điểm này lượng mưa dồi dào giúp cây cối phát triển tươi tốt giảm chi phí chăm tưới.
- Đất trồng
Cây mắc ca thích hợp trồng trên đất bazan và đất đồi núi đá ẩm mát, trước khi trồng phải dọn sạch cỏ dại, cày băm đất tơi xốp giúp bộ rễ bám sâu.
Đào hố trồng cây mắc ca với kích thước vừa phải khoảng 30 x 30 x 30cm, hàng cách hàng là 7m, cây cách cây là 5m. Nếu đất đã qua canh tác cần phải rắc vôi để khử chua đất để trống khoảng 2 tháng rồi mới lót phân để trồng.
Lượng phân lót cho mỗi hố trồng cây mắc ca tối thiểu khoảng 0,5 – 1kg/1 hố trồng, có thể dùng phân chuồng hoai mục hoặc phân vi sinh để lót không nên dùng phân lân NPK gây xót rễ làm chết cây con.
- Kỹ thuật trồng
Chọn thời điểm mát mẻ như buổi sáng hoặc chiều mát để trồng cây mắc ca tránh cây không bị héo. Cách trồng rất đơn giản xé bỏ túi bầu nilon nhẹ nhàng đặt cây xuống chính giữa hố, giữ cho cây thẳng đứng rồi lấp đất lại sau đó cắm cọc cố định cây tránh gió đổ. Sau khi trồng tưới nước luôn, tưới từ trên lá xuống để tạo độ ẩm cho đất.
2. Cách chăm sóc cây
Sau khi trồng nếu tiện nước mỗi ngày nên tưới 1 lần đối với nơi thường hay bị nắng gắt, khô hạn, có thể dùng cây cỏ khô để che bớt phần gốc rễ để tránh bốc hơi nước. Những ngày sau đó tưới giãn dần khoảng 2 – 3 ngày mới tưới 1 lần cho đến khi cây mắc ca hồi phục hẳn.
Sau khoảng 20-30 ngày kiểm tra lại xem có cây mắc ca bị chết nên trồng dặm lại ngay cho kịp lứa, cây bị đổ nghiêng cần kéo nắn lại cho thẳng đứng nếu không sẽ tạo cho cây có dáng xấu ảnh hưởng đến việc chăm sóc và thu hái.
- Bón phân
Vài ba năm đầu cây mắc ca chưa bói quả thì chỉ nên bón phân NPK dạng thường mỗi năm khoảng 2 – 3 lần. Đến khoảng 5 – 6 năm cây bắt đầu cho quả lúc này cần bón thêm các loại phân đa – trung – vi lượng để cây có đủ dinh dưỡng nhất và quả cũng đạt tiêu chuẩn về dinh dưỡng. Các loại phân nên dùng là Đầu trâu 15 15 15 và 13 13 13, Văn Điển… Bón vào thời điểm sau khi cắt tỉa cây, chuẩn bị ra hoa và sau khi thu hoạch.
- Tỉa cành, tạo tán
Cây mắc ca là cây gỗ lâu năm kích thước cũng rất cao nên cần phải tỉa cành tạo tán sao cho hợp lý giúp cây thông thoáng, giảm sâu bệnh hại cây và giúp cây nhận được nhiều ánh sáng cây sẽ phát triển tốt hơn.
Khi cây mắc ca đạt chiều cao khoảng 1 – 3m, thời điểm này tiến hành tỉa để tạo cành cấp 1 cho cây. Từ cành tỉa đó sẽ cho ra 2 – 3 cành cấp 1. Khi các cành cấp 1 phát triển cứng cáp tiếp tục cắt tỉa thành cành cấp 2-3. Rồi sau mỗi vụ thu hoạch quả cũng nên tỉa bỏ những cành tăm, cành lá bị sâu bệnh để cây được thông thoáng.
- Phòng trừ sâu bệnh
Cây mắc ca là giống cây nhập ngoại khỏe mạnh ít sâu bệnh nhưng khi du nhập vào nước ta có khí hậu nhiệt đới ẩm mưa nhiều cũng không tránh khỏi một số loài sâu, nấm, vi khuẩn hại cây.
Các loại bệnh có thể kể đến là: vàng lá thối rễ, nứt thân xì mủ, thán thư…đây là bệnh chủ yếu do vi khuẩn và nấm có trong đất và các loài bọ trĩ, bọ nhảy hại hoa làm cho hoa héo khi kết quả làm cho mẫu mã quả mắc ca kém màu sắc.
Biện pháp trừ bệnh: dùng các thuốc trị Nấm như Alimet, Mancozeb, Ridomil Gold… để pha phun lên tán lá cây hoặc pha sền sệt để bôi vào gốc và phần rễ nổi lên mặt đất.
Biện pháp phòng bệnh: theo dõi vườn cây mắc ca thường xuyên để phát hiện kịp thời sâu bệnh mới có cách xử lý hiệu quả. Thường xuyên làm sạch cỏ vườn, tỉa thoáng cây, những chỗ trồng dày nên tỉa bỏ.
Đối với các loài bọ hại hoa có thể dùng Monifos pha phun khi mới chớm xuất hiện, phun nhắc lại sau 5 – 7 ngày để diệt hết trứng bọ.
- Thu hoạch hạt Mắc ca
Từ khi trồng cây mắc ca đến năm thứ 6 mới có thể thu hoạch hạt, 5 năm đầu cũng bói quả nhưng chất lượng kém, lượng dinh dưỡng chưa có nhiều. Từ 10 năm trở đi là hạt mắc ca có giá trị dinh dưỡng cao nhất.
Quả mắc ca thông thường tự rụng xuống đất, nếu cây thấp có thể trèo hái quả khi chưa rụng để giúp bảo quản lâu hơn không bị hỏng mốc.
Hạt mắc ca có tác dụng rất tốt cho sức khỏe con người, sử dụng hạt trong khẩu phần ăn hàng ngày sẽ giúp cơ thể ngăn ngừa được nhiều bệnh nguy hiểm. Chính những lợi ích tuyệt vời đó mà hạt mắc ca đã được cả thế giới biết đến và sử dụng.
Bài viết rất hay và chuyên sâu, xin cám ơn tác giả ạ