Hồi là cây đặc sản của vùng Tây Bắc nước ta được chuyên canh chủ yếu ở hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng. Đây là nơi đây có khí hậu và thổ nhưỡng mát mẻ phù hợp để cây sinh trưởng và cho chất lượng hoa tốt nhất.
Hoa hồi có hương thơm đặc biệt được dùng phổ biến trong chế biến ẩm thực và làm thuốc chữa bệnh và được bán với giá thành khá cao, tạo nguồn thu nhập khá giả cho người trồng vườn. Sau đây Canhdien.com sẽ giới thiệu chi tiết về cách trồng và chăm sóc loài cây đặc sản này nhé.
I. Giới thiệu về cây Hồi
Tên thường gọi: Cây hồi
Tên gọi khác: Cây đại hồi, Bát giác hương, Đại hồi hương, Hồi sao, Hồi 8 cánh..
Họ thực vật: Cây thuộc họ Hồi (Illiciaceae)
Nơi sống: Cây hồi thường mọc tự nhiên hoặc được trồng rộng rãi ở vùng đồi núi ẩm mát có lớp thực bì dày.
Nguồn gốc xuất xứ: Cây hồi là cây bản địa của khu vực Đông Nam Á nhất là vùng Đông Bắc của Việt Nam và Nam Trung Quốc
Phân bố: Cây được nhân giống rộng rãi hầu hết khắp châu Á và một số nước xứ lạnh phương Tây. Ở Việt Nam, hầu hết khu vực miền núi Đông Bắc Bộ từ các tỉnh Cao – Bắc – Lạng – Thái – Tuyên – Hà đều trồng loại cây này nhưng chất lượng kém hơn so với cây trồng ở tỉnh Lạng Sơn.
Tuổi thọ: Sống rất lâu năm
Màu sắc của hoa: Hoa hồi có màu hồng thẫm
Thời gian nở hoa: Cây hồi ra hoa vào tháng 3 – 5 hàng năm
Cây Hồi được trồng hầu hết ở khu vực miền núi Đông Bắc Bộ
II. Đặc điểm của cây Hồi
Hình dáng bên ngoài: Cây hồi là cây thân gỗ từ loại nhỏ đến nhỡ, thường xanh quanh năm, vỏ màu nâu xám, cành lá dài, tán rộng xum xuê xanh mướt.
Kích thước: Cây trưởng thành cao từ 10 – 15m, đường kính từ 15 – 25cm.
Cành: Cây hồi phân cành nhiều, cành gốc to thẳng, dài tạo cho cây có bộ tán rộng giúp tạo bóng mát rất tốt.
Lá: Lá cây hồi mọc cách quanh thân và cành cây giống như dạng so le, thường mọc tập trung ở đầu cành. Lá hình trái xoan thuôn dài, dày, cứng, giòn, chóp nhọn, mép nguyên, mặt trên màu xanh đậm và màu xanh nhạt ở dưới mặt lá.
Hoa: Hoa hồi thường mọc đơn hoặc mọc từ 2 – 3 bông từ kẽ lá ở đầu cành, thân cành, thậm chí cả những nhánh nhỏ. Hoa màu hồng thẫm, có 5 lá đài màu trắng, viền cánh màu hồng, cuống ngắn, bắt đầu ra hoa từ tháng 2 – 4 hàng năm.
Quả: Quả hồi có dạng cánh kép gồm 8 cánh nhọn xếp thành hình ngôi sao, đôi khi có quả ít cánh hoặc nhiều cánh hơn. Đường kính mỗi quả từ 2 – 3cm, khi còn non màu xanh lục, khi già chuyển màu nâu sẫm. Bên trong mỗi cánh là một hạt hình trứng nhỏ như hạt đậu, màu nâu, nhẵn bóng, cây cho thu hoạch quả vào tháng 9 – 10.
Hoa hồi có hương thơm đặc biệt hấp dẫn là gia vị không thể thiếu trong nền ẩm thực cả phương Đông lẫn phương Tây từ rất nhiều năm về trước.
Quả hồi được phơi, sấy khô tán bột là một trong những thành phần của gia vị Ngũ vị hương dùng làm gia vị cho các món thịt hầm, gia vị ướp cho món nướng, nấu nước dùng cho các món phở.
Hoa cũng được dùng trong công nghệ sản xuất rượu và là nguyên liệu trong sản xuất bánh kẹo, nước ngọt cho hương vị thơm ngon và giúp kích thích tiêu hóa.
Hoa hồi có hương thơm đặc biệt hấp dẫn là gia vị không thể thiếu trong nền ẩm thực cả phương Đông lẫn phương Tây
2. Tác dụng chữa bệnh
Quả hồi sau khi phơi khô (có tên tiếng anh là Fructus Anisi Stellati) được chưng cất lấy tinh dầu hồi (Oleum Anisi Stellati) có màu vàng nhạt mùi thơm và thành phần chủ yếu là anethol (80-90%). Ngoài ra còn có a-pinen, d-pinen, l-phellandrene, safrole, terpineol, limone.
Theo đông y, quả hồi có vị cay, ngọt, tính ôn và có mùi thơm đặc biệt nên rất dễ sử dụng. Quả khô dùng để tán bột uống hoặc để nguyên quả nướng cháy trên than củi rồi sắc nước có tác dụng làm thuốc gây trung tiện, giảm đau, giảm co bóp dạ dày, đại tràng, kích thích tiêu hóa đều đặn tránh táo bón.
Tinh dầu hồi khi thoa lên da có tác dụng kháng khuẩn, diệt trừ một số loại côn trùng, nấm bệnh xâm nhập vào cơ thể qua đường da. Tinh dầu này cũng được ứng dụng trong y học để làm thuốc sát khuẩn ngoài da, điều trị bệnh nấm da, viêm da, ghẻ lở.
Bên cạnh những tác dụng cho con người và ứng dụng trong y học, hoa hồi cũng được dùng trong ngành sản xuất, pha chế thuốc trừ sâu có nguồn gốc thảo mộc. Mang lại hiệu quả diệt chấy, rận, rệp và một số loại ký sinh trùng ký sinh trên da ở gia súc.
IV. Cách trồng và chăm sóc cây Hồi
1. Cách trồng cây hồi
Nhân giống
Cây hồi được nhân giống chủ yếu từ hạt, ngày nay có thêm các biện pháp nhân bằng cách ghép cành cho cây con khỏe mạnh và mang đầy đủ đặc tính tốt từ cây mẹ.
Quả hồi sau khi phơi khô đã được tách vỏ, chỉ lấy hạt ngâm trong nước ấm khoảng 20 – 300 C đối với mùa đông lạnh và ngâm nước lã đối với mùa hè. Ngâm nước khoảng 12 – 24 giờ rồi vớt ra để ráo hạt rồi mới ủ kín cho hạt nảy mầm. Sau khoảng 2 – 3 ngày ủ là hạt nứt nanh là đem gieo.
Đất ươm hạt cây hồi cần được cày bừa kỹ, dọn sạch cỏ dại, bón lót phân chuồng hoai mục hoặc nếu không, có thể dùng phân hữu cơ sinh học để đảo trộn với đất rồi mới ươm hạt. Nếu đất đã qua canh tác nhiều năm cần xử lý bằng rắc vôi bột hoặc cộng thêm thuốc diệt kiến, mối, nấm trong đất.
Nếu ươm ngoài luống đất thì phải rạch hàng rồi bỏ mỗi hạt cách nhau từ 10 – 20cm, nếu ươm trong bầu, cần chọn loại bầu nhỏ có đường kính khoảng 5 – 10cm, đóng đất và bầu rồi đặt mỗi bầu 1 – 2 hạt rồi dí xuống sâu khoảng 2cm. Sau khi gieo hoặc ươm phải để bầu vào nơi mát mẻ có ánh nắng, làm mái che bằng lưới đen hoặc phủ lá cây, rơm rạ lên luống để giảm tác động của nắng gắt.
Sau khi hạt lên mầm phải gỡ bỏ vật che để mầm lá cây quang hợp, tưới nước thường xuyên mỗi ngày một lần. Nên tưới bằng vòi oroa để tránh bị dập nát mầm con, khi cây đạt chiều cao từ 20 – 30cm cần phun ác loại thuốc trừ sâu, nấm để phòng bệnh trước khi trồng đất sản xuất mới.
Thời vụ trồng
Sau khi phun thuốc cần cách ly ít nhất khoảng 1 tháng rồi mới trồng. Có thể trồng cây hồi vào bất cứ mùa nào trong năm từ tháng một đến tháng 8 nhưng trừ những tháng mùa đông vì cây con thường sinh trưởng kém, thậm chí ngừng sinh trưởng.
Đất trồng
Cây hồi ưa đất ẩm mát nên cần chọn đất trồng cho phù hợp, đất trồng là chất đất thịt màu mỡ, tầng canh tác dày, độ pH từ 6 – 7. Đất ẩm hoặc nơi gần nơi có nước tưới, nếu đất bằng phẳng phải làm rãnh thoát nước, nếu trồng đất đồi có thể trồng xen bằng các loại cây như cỏ Lạc để giữ đất chống xói mòn.
Quy cách hố trồng cây hồi: hàng cách hàng 7m, cây cách cây 5m bởi đây là cây có tán rộng, sống lâu năm nên cần trồng thưa để dễ dàng cho việc chăm sóc và thu hoạch.
Lót phân vi sinh hoặc phân chuồng ủ hoai cho mỗi hố khoảng 1 – 2 kg đảo đều với đất rồi đợi phân ải mới trồng.
Có thể trồng cây hồi vào bất cứ mùa nào trong năm từ tháng một đến tháng 8 nhưng trừ những tháng mùa đông vì cây con thường sinh trưởng kém
2. Cách chăm sóc cây hồi
Nước
Sau khi trồng, tưới nước luôn cho cây để tạo độ ẩm cho đất và cây giúp phục hồi nhanh hơn. Tưới thường xuyên mỗi ngày một lần, khi mưa ẩm ngưng tưới tránh thối rễ.
Cây hồi non từ khi mới trồng đến khi được 7 – 8 năm tuổi cần ít nước hơn ở giai đoạn trên 10 năm tuổi bởi cây đang trong giai đoạn sinh trưởng chưa phải nuôi dưỡng hoa và quả. Qua thời gian này, cây hồi bước vào giai đoạn trưởng thành nên chế độ nước tưới cần đảm bảo đầy đủ và đúng thời kỳ. Cây già dặn cứng cáp giúp khả năng chống chịu thời tiết xấu tốt hơn.
Cây hồi trưởng thành cần nước vào những thời kỳ sau: chuẩn bị ra hoa, chuẩn bị kết quả và trước khi thu hoạch.
Ánh sáng
Giai đoạn đầu khi mới trồng cây hồi không nên để cây dưới ánh nắng gắt, phải có vật che chắn đến khi cây hồi phục hoàn toàn, cứng cáp mới thích nghi được ánh sáng trực tiếp. Vào giai đoạn cây bắt đầu bói quả trở đi là lúc cây bắt đầu có nhu cầu nhiều ánh sáng.
.Phân bón
Năm đầu mới trồng cây nên dùng các loại phân bón rễ dạng nước như: Siêu rễ, AH pha nước tưới định kỳ cứ 15 ngày một lần từ lần 3 trở đi tưới thưa dần.
Khi cây bắt đầu bói quả, lượng phân bón hàng năm tăng lên khoảng 1kg/1 cây, có thể dùng các loại phân NPK 15 – 5 – 9, Đầu trâu 15 – 15 – 15 + TE. Bón xa gốc khoảng 20cm hoặc kỳ công hơn có thể cuốc đất chôn phân để rễ ăn dần. Thường xuyên làm cỏ vun đất tạo điều kiện tốt nhất có cây sinh trưởng, nhổ bỏ những cây còi cọc và sâu bệnh không đủ tiêu chuẩn để nuôi quả.
Phòng bệnh cho cây hồi
Cây hồi cũng có một số loại sâu bệnh hại cây như: Nhện trắng (hại làm đen nhám quả), bệnh thán thư, nấm hồng, đốm nâu, cháy lá… Những bệnh này có thể trị được hoàn toàn nhờ vào các loại thuốc hóa học và sinh học.
Cách phòng tốt nhất là phát quang vườn cây, tỉa cây cho thoáng không để quá nhiều tán làm nơi trú ngụ cho côn trùng và nấm bệnh gây hại.
Quả hồi là loại quả dùng làm gia vị cho các món ăn thêm thơm ngon và hấp dẫn và chúng còn được dùng làm thuốc chữa bệnh rất hiệu quả. Bên cạnh đó, việc trồng rừng hồi cũng mang lại lợi ích rất tốt, chúng được ví như lá phổi xanh cho nhân loại.
4.3/5 - (3 bình chọn)
Về Kim Chung
Xin chào, Mình là Chung. Hi vọng rằng với những nội dung chia sẻ về Trồng trọt, chăn nuôi và làm vườn sẽ giúp các bạn phát triển nông nghiệp tốt nhất.