Cây Hoàn Ngọc Trắng tuy chỉ là cây mọc dại trong rừng nhưng lại mang ý nghĩa tốt và có công dụng chữa bệnh rất hiệu quả. Bởi ngày nay vấn nạn thực phẩm bẩn, rau củ quả nhiễm hóa chất ngày càng nhiều và con người sẽ là trung tâm hứng chịu hậu quả đó. Biểu hiện là những căn bệnh truyền nhiễm cấp tính, hiểm nghèo, nan y… Hiểu rõ vấn đề đó, cây hoàn ngọc đã và đang được sử dụng triệt để trong việc phòng và chữa bệnh. Xem thông tin để hiểu thêm về công dụng của cây nhé.

I. Giới thiệu về cây Hoàn Ngọc Trắng
- Tên thường gọi: Cây Hoàn Ngọc
- Tên gọi khác: Cây Xuân hoa, cây Nhật nguyệt, cây Con khỉ, cây Thần tượng linh
- Tên khoa học: Pseuderanthemum (Wall) Radlk
- Họ thực vật: Cây thuộc họ Ô Rô (Acanthaceae)
- Nơi sống: Cây thường mọc hoang ở cả vùng núi hay đồng bằng từ Bắc vào Nam.
- Nguồn gốc, xuất xứ: Có nguồn gốc ở châu Á
- Tuổi thọ: Cây sống lâu năm
- Bao gồm các loại cây: Có hai loại cây hoàn ngọc đó là cây hoàn ngọc trắng (lá xanh) và cây hoàn ngọc đỏ (búp non màu đỏ tía).
II. Đặc điểm của cây Hoàn ngọc trắng
- Hình dáng bên ngoài: Hoàn ngọc là cây thân thảo mọc thành bụi dày, thân cành có nhiều đốt, các khớp đốt có xu hướng nhô to hơn đoạn giữa. Toàn cây màu xanh lục khi già thân cành hóa gỗ màu nâu xám và cứng.
- Kích thước: Cây có độ cao từ 1-3m hoặc dài hơn nếu chúng bò trên hàng rào.
- Lá: Lá hoàn ngọc trắng có hình mũi giáo, mọc đối nhau màu xanh lục, kích thước lá dài từ 10 – 15 cm, rộng chỉ từ 5 – 7cm khi non lá không có vị khi già có vị đắng. Lá cây thường xanh tốt quanh năm không rụng lá theo mùa chỉ thay lá gốc già úa.
- Hoa: Hoa cây hoàn ngọc là hoa lưỡng tính, có hình dáng giống chiếc chuông: ống hoa dài, hoa có 6 cành nhỏ, màu trắng pha tím, thường mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành.

III. Ý nghĩa và tác dụng của cây Hoàn Ngọc Trắng
1. Ý nghĩa
Không phải ngẫu nhiên mà có cây hoàn ngọc lại có nhiều tên gọi như vậy bởi cây đã gắn liền với câu chuyện cổ tích từ rất lâu đời, câu chuyện sau đây sẽ giải thích vì sao lại có tên gọi là cây Hoàn ngọc và cây con khỉ.
Câu chuyện được truyền miệng rằng: Có một người tiều phu hay vào rừng kiếm củi, một hôm ông bỗng thấy khỉ con bị thương ở vùng bụng, khỉ mẹ đã vặt lá trong rừng để nhai rồi đắp vào vết thương cho khỉ con. Ngày ngày, ông vào rừng đều thấy cảnh tượng đó, kỳ lạ thay chỉ mấy hôm là khỉ con đã khỏi hẳn. Ông thấy loài cây có màu lá xanh bóng khác hẳn với các loài cây khác bền lấy giống cây về làng trồng và kể cho người làng nghe về câu chuyện này và dân gian gọi luôn là cây con Khỉ.
Ngày ấy, trong làng cũng có cậu bé rất nghịch ngợm, trêu đùa, không hiểu bằng cách nào mà cậu và đám trẻ cùng chơi đá vào bìu nhau làm bìu cậu chạy lạc chỗ mất một bên. Thấy vậy, dân làng đã hái lá cây nhai rồi đắp vào bìu vài lần mà bìu cậu đã về đúng chỗ vốn có của nó.
Từ đó, dân làng cũng đặt thêm cho cây tên gọi là Hoàn Ngọc, hoàn có nghĩa là trở lại và ngọc tức là “của quý” của cậu bé. Cái tên thật nhiều ý nghĩa đúng không ạ!
2. Tác dụng chữa bệnh
Từ xa xưa đã có câu: ”Cây hoàn ngọc chữa bách bệnh” chúng ta cùng tìm hiểu xem có đúng không nhé.
Y học hiện đại đã nghiên cứu trong các bộ phận của cây Hoàn ngọc có chứa nhiều thành phần hóa học bao gồm: Sterol, flavonoid, saponin, acid hữu cơ, carotenall, chất kháng viêm, kháng khuẩn (kháng vi khuẩn Gram- và Gram+), kháng nấm (Candida albicans) và ngăn ngừa các gốc tự do hình thành tế bào ung thư.
Theo đông y, cây hoàn ngọc trắng có vị đắng, tính mát nên có công dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, rửa vết thương rất tốt. Bộ phận dùng làm thuốc chữa bệnh là toàn cây, sau khi thu hái về cần rửa sạch, băm nhỏ, phơi khô để bảo quản lâu dài, nếu dùng ngay có thể dùng lá tươi.
Vị thuốc Hoàn ngọc chuyên chủ trị các bệnh về đường tiêu hóa như: Viêm loét dạ dày- tá tràng, rối loạn tiêu hóa, bệnh nhiễm khuẩn đường ruột, trỹ, tiêu chảy, tả, lỵ…
Bên cạnh đó, còn có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh lý ở các cơ quan khác như Thận, tim mạch: viêm đường tiết niệu (tiểu ra máu), đái tháo đường, ổn định huyết áp, hạ mỡ máu và, nhiễm khuẩn da, các mô mềm và các bệnh lý về gan…
Ngoài các công dụng trên còn cây hoàn ngọc còn có công dụng cầm máu ngoài da và ngăn ngừa bệnh ung thư.
Không chỉ chữa bệnh cho con người mà cây hoàn ngọc còn dùng để chữa bệnh cho cả vật nuôi trong nhà như bệnh: Phân xanh, phân trắng, xuất huyết ở ngan, gà, chó, trâu, bò… Có thể giã nát lá tươi vắt lấy nước để cho vật nuôi uống hoặc ngậm, trộn với thức ăn
3. Tác dụng làm cảnh
Cây hoàn ngọc có bộ tán lá xanh bóng mượt và những chùm hoa trắng pha tím khá ưa mắt rất thích hợp trồng để làm cảnh, trang trí cho hàng rào, khuôn viên sân vườn thêm xanh mát. Giúp làm giảm oi nóng của mùa hè và chắn gió khi mùa đông đến và giúp con người thêm yêu thiên nhiên hơn.
IV. Cách trồng và chăm sóc cây Hoàn ngọc trắng

1. Cách trồng cây
Cây hoàn ngọc trắng là cây thuốc quý mọc rất nhiều trong tự nhiên, khi trồng rất dễ sống, dễ chăm sóc, không kén chọn đất và phân bón cũng như thời tiết.
Chỉ cần cắm cành xuống nơi đất ẩm mát là cành sẽ tự ra rễ và phát triển xanh tốt. Hoặc những nhánh cây đổ nghiêng xuống đất mà có độ ẩm thích hợp cây cũng sẽ tự mọc rễ ra từ những đốt thân đó và mọc thêm rất nhiều nhánh mới.
Đối với khu đô thị không gian hẹp có thể tận dụng ban công, sân thượng để trồng cây, dụng cụ trồng là các hộp xốp, khay chậu nhựa, còn đất và phân có thể mua sẵn tại cửa hàng cây cảnh.
2. Chăm sóc
Sau khi trồng, thường xuyên tưới nước cho cây hoàn ngọc mỗi ngày một lần vào buổi sáng hoặc tối mát. Tận dụng tối đa nguồn nước trọng gia đình như: nước vo gạo rất tốt cho cây trồng, nước rửa rau…
Cây rất ưa nước nên vào mùa mưa cây sinh trưởng rất nhanh, nếu thời tiết nắng nóng cần che nắng và giữ độ ẩm, tạo điều kiện tốt nhất cây phát triển.
Khi cây đã bén rễ và mọc thành nhánh dài, cần có chế độ chăm sóc bằng phân bón hữu cơ để cây có đà sinh trưởng mạnh nhất.
Cây hoàn ngọc rất ít khi bị sâu hại lá, cây chỉ bị thối lá khi búi cây quá tốt, rậm rạp thân nằm đè lên nhau làm úa vàng toàn bộ lá gốc.
Cách xử lý rất đơn giản, chỉ cần chặt đốn cây vừa tầm, nhặt bỏ lá rụng, thối úa, chỉ để cây cao quá 2m nếu có bờ rào để cây dựa.
Cây hoàn ngọc có công dụng tuyệt vời như vậy đấy, rất quen thuộc và gần gũi xung quanh chúng ta. Hãy nhân giống hai loại cây đỏ và trắng này nhé bởi chúng đều có công dụng như nhau là giúp chữa bệnh và đem lại sức khỏe tốt cho con người.