Cây Hoa Oải Hương

Hoa oải hương có mùi thơm nồng nàn và quyến rũ nên được rất nhiều người ưa chuộng, chủ yếu là người phương Tây. Cây đã được trồng rất rộng rãi từ những năm thuộc thế kỷ 13, 14 và được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, bài viết dưới đây sẽ làm sáng tỏ những công dụng đó.  

I. Giới thiệu về cây Hoa oải hương

  • Tên thường gọi: Cây hoa oải hương
  • Tên gọi khác: Cây hoa Lavender
  • Tên khoa học: Lavandula angustifolia
  • Họ thực vật: Cây thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae)
  • Tên tiếng anh: Có rất nhiều tên gọi tùy theo từng vùng, lãnh thổ khác nhau nhưng đa số đều gọi chung là: Common lavender, true lavender, narrow-leaved lavende
  • Nguồn gốc xuất xứ: Cây hoa oải hương có nguồn gốc ở vùng Địa Trung Hải từ thời Hy Lạp cách đây hàng nghìn năm về trước.
  • Nơi sống: Cây oải hương thường mọc ở những đồi núi đá có địa hình dốc và khô ở Hy Lạp và khu vực miền trung nước Ý. 
  • Phân bố: Người La Mã cổ đại đã gieo trồng nó ở khắp các nước châu Âu và các nước lân cận mà họ đi đến, trong đó miền Nam nước Pháp là một trong những nơi có nhiều oải hương nhất thế giới. Ở Việt Nam hoa oải hương được trồng ở vùng có khí hậu lạnh Đà Lạt (Lâm Đồng), Sapa (Lào Cai).
  • Màu sắc của hoa: Hoa oải hương có màu tím
Cây Hoa Oải Hương
Cây Hoa Oải Hương còn có tên gọi khác là Hoa Lavender

II. Đặc điểm của cây Hoa oải hương

  • Hình dáng bên ngoài: Cây hoa oải hương là cây thân thảo mềm, nhỏ nhắn màu xanh đậm, bao quanh thân cây được phủ bởi 1 lớp lông tơ khá mềm mại, vỏ cây dẹt tạo thành nhiều góc cạnh.  Cây thường mọc thành búi, khóm trông rất 
  • Kích thước: Cây có chiều cao trung bình khoảng 20 – 50cm, có loại cao hơn khoảng chừng 1m. 
  • Lá: Lá cây oải hương nhỏ, màu xanh đậm, chúng mọc đối xứng nhau và chia tách thành nhiều nhánh, trên mặt lá có lớp lông rất mềm, mịn.
  • Hoa: Hoa oải hương được mọc trên cùng một cuống khá dài khoảng 50 – 60cm màu xám trắng. Những bông hoa được đính liên tục tạo thành những vòng tròn quanh cuống hoa, tạo thành các tầng hoa trên cuống. Sắc tím của hoa tạo thành những mảng màu tuyệt đẹp và mùi hương của chúng cũng đủ làm mê đắm lòng người. 

III. Ý nghĩa và tác dụng của cây Hoa oải hương

1. Ý nghĩa

Hoa oải hương là loài hoa mang ý nghĩa rất đặc biệt không chỉ trong tình yêu mà còn trong nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống. Chúng luôn mang lại sự bình yên, ngọt ngào, may mắn và hạnh phúc. 

 Đối với những đôi đang yêu, thì hoa oải hương được coi là “bùa” gắn kết hai tâm hồn lại dù xa mặt nhưng không cách lòng. Sắc tím của hoa là biểu trưng cho sự chờ đợi và không thể thiếu sự nghi ngờ nhưng đó là những thứ gia vị không thể thiếu trong tình yêu.  

2. Tác dụng

  • Tác dụng trong trang trí, làm cảnh

Hoa oải hương có màu tím rất đẹp và thơ mộng, chúng thường mọc theo bụi thấp nên thường được chọn trồng để trang trí nội thất hoặc ngoại thất đều được. Nếu trang trí nội thất nên trồng chậu trang trí cho phòng khách, phòng ngủ, ban công nhưng cần đặt chậu nơi gần cửa sổ thoáng khí.  

Nếu trang trí ngoại thất, có thể trồng hoa oải hương ngoài sân vườn, dọc hai bên cổng vào nhà, các góc sân cũng là vị trí khá đẹp để trồng cây hoặc trồng điểm cho các cây ăn quả khác trong sân vườn.  Vừa tạo điểm nhấn lại vừa xua đuổi những côn trùng có hại cho cây ăn quả.

Bên cạnh đó, các khách sạn, nhà hàng ăn uống, công viên và các khu du lịch cũng lựa chọn trồng cây hoa oải hương để tạo cảnh quan cho nơi trồng cây thêm đẹp và thu hút được nhiều khách chiêm ngưỡng.

  • Tác dụng chữa bệnh

Đã từ lâu, cây hoa oải hương đã được dân gian biết đến và sử dụng như một loại thuốc trị bệnh rất hiệu quả nhờ chiết xuất tinh dầu của nó. 

Tây y đã nghiên cứu, tinh dầu oải hương và những bông oải hương phơi khô có tác dụng an thần, giúp dễ ngủ. Tinh dầu của chúng có tính sát trùng và kháng khuẩn khá mạnh thường được dùng để sơ cứu vết thương trong thời chiến khi mà chưa có nhiều các loại thuốc tân dược.

  • Tác dụng khác

Hơn nữa, hoa oải hương tươi được ướp trong lọ thủy tinh đậy kín trong khoảng thời gian nhất định (khoảng 1 – 2 năm) tạo thành một loại dầu xoa trên da giúp chống khô da, nứt nẻ vào mùa lạnh khô rất tốt. 

 Ngoài ra, hoa oải hương có mùi thơm nồng và giữ mùi khá lâu có thể đến một năm nếu cất giữ cẩn thận nên còn được dùng để pha chế sản xuất nước hoa và tinh dầu thơm có giá thành cũng khá đắt đỏ. 

Bên cạnh đó, tinh dầu oải hương cũng được coi là một loại dầu giúp xua đuổi muỗi, côn trùng, bào tử nấm rất tốt nên còn được dùng để làm túi thơm để trong tủ quần áo hoặc trong phòng kín để tạo mùi thơm.

Tìm hiểu về cây Hoa Oải Hương
Hoa Oải Hương luôn mang lại sự bình yên, ngọt ngào, may mắn và hạnh phúc.

IV. Cách trồng và chăm sóc cây Hoa oải hương

1. Cách trồng cây

Cây oải hương chỉ được nhân giống  bằng gieo hạt, cây ưa khí hậu lạnh khô của mùa thu đông, nhiệt độ thích hợp từ 18 – 25 độ C nên ở nước ta chỉ có một số vùng gieo được loại giống cây này.  

  • Chọn giống

Chọn hạt giống cây oải hương chắc mẩy, không bị mốc và mối mọt rồi ngâm trong nước ấm khoảng 20 – 30 độ trong khoảng 12 – 20 giờ rồi vớt ráo. Để hạt nảy mầm đều tuyệt đối, có thể trộn đều hạt giống với thuốc kích thích nảy mầm rồi mới ủ hạt trong thời gian khoảng 2 – 3 ngày đối với thời tiết lạnh. 

Trước khi gieo nên kiểm tra lại tình trạng hạt giống cây oải hương, nếu hạt không nảy mầm đều hoặc mầm ngắn có thể ủ thêm ngày. Nếu có hạt thối, cần loại bỏ ngay để không lây lan sang hạt khác.

  • Đất gieo

Cây oải hương không kén chọn đất có thể trồng được trên chất đất khô cằn, đất đá dăm, đất pha cát… Để cây sinh trưởng tốt nhất, nên chọn đất giàu dinh dưỡng và tơi xốp, thoát nước tốt vì cây không chịu ẩm ướt.

Đất trồng phải được cày bừa làm nhỏ tơi đất, lên luống cao khoảng 20 – 25cm, rộng khoảng 1m nếu đất bằng phẳng. Rắc phân bò hoặc phân dê để lót trước khi trồng cần trộn đều phân với đất và tưới nước làm ẩm mặt luống để chuẩn bị gieo hạt oải hương.

  • Cách gieo

Rắc hạt oải hương nhẹ nhàng thưa đều trên mặt luống rồi dùng rơm rạ hay vật che chắn nắng làm ẩm đất để đẩy nhanh quá trình nảy mầm. Sau khi gieo khoảng 10 – 15 ngày mới mọc mầm, lúc này nên gỡ hết các vật che chắn để mầm được hấp thụ ánh sáng.

2. Cách chăm sóc cây

Nên tưới luống gieo và tưới cây oải hương trồng nơi đất mới mỗi ngày một lần vào buổi sáng sớm nếu đêm có sương lạnh, ngày nắng hanh. Nếu nồm ẩm không cần tưới hoặc chỉ tưới 3 – 4 ngày một lần tránh để héo rũ cây con.

Cây oải hương cũng không chịu được  ánh nắng gắt nên có thể trồng được dưới tán cây cao và thưa tránh bị cháy lá và hoa làm giảm năng suất.

Khi cây oải hương chuẩn bị ra hoa nên bón các loại phân có đủ các yếu tố đa – trung vi lượng để cây tích lũy đủ năng lượng giúp mầm hoa to mập.

Thường xuyên nhổ cỏ dại và tỉa bỏ những cây oải hương gieo bị dày, còi cọc không có khả năng ra hoa. Sau khi nhổ bỏ kết hợp bón phân chuồng để tăng lượng hữu cơ trong đất và cũng có thể tưới thêm một số loại phân bón lá dạng lỏng để bộ lá bóng mượt. 

Sau mỗi vụ cắt hoa oải hương, nếu chăm sóc phục hồi tốt, cây sẽ xanh tốt trở lại và ra hoa. Ngược lại, nếu để bị sâu bệnh xâm nhập, cây sẽ chết và phải gieo lại vào vụ mới. 

Trên đây là một số thông tin về cây oải hương và cách gieo trồng và chăm sóc,  nếu bạn yêu loài hoa này hãy tự tay chăm sóc để chậu hoa đẹp nhé. Hoa không chỉ để ngắm mà còn có rất nhiều công dụng tốt đối với sức khỏe con người.

5/5 - (5 bình chọn)