Cây hoa mộc lan đã có mặt tại Pháp và được trồng rộng rãi ở các nước châu Âu từ rất nhiều năm về trước, hiện nay được lai ghép thành khá nhiều chủng loại khác nhau có màu sắc hoa hoa đẹp. Tên của loài hoa làm ta liên tưởng đến người nữ anh hùng võ nghệ kiệt xuất của Trung Quốc. Phải chăng tên gọi của loài hoa là sự tưởng nhớ, tri ân cho vị hùng đó? Hãy cùng tìm hiểu để nắm rõ thông tin về cây nhé.
I. Giới thiệu về cây Mộc lan
- Tên thường gọi: Cây mộc lan
- Tên gọi khác: Mộc hương hoa, Bạch ngọc lan, Ngọc lan hoa, Mộc niên, Mộc giáng hương
- Tên khoa học: Magnolia soulangeana hay Saucer Magnolia
- Họ thực vật: Là loài thực vật thuộc họ Mộc Lan (Magnoliaceae)
- Nguồn gốc xuất xứ: Cây có nguồn gốc từ Châu Âu, Pháp chúng sống phổ biến ở các nước ôn đới và cận nhiệt đới
- Tuổi thọ: Sống rất lâu năm
- Nơi sống: Cây mộc lan thường mọc ở những nơi có đất đai màu mỡ hoặc đất tạp, mọc ở độ cao từ 700 – 1000m so với mực nước biển.
- Phân bố: Trên thế giới, cây mộc lan có nhiều ở châu Âu chủ yếu là Pháp. Còn ở châu Á, cây mọc nhiều ở các tỉnh Giang Tây, Triết Giang… (Trung Quốc).
- Màu sắc của hoa: Mộc lan có nhiều chủng loại hoa và mang nhiều màu sắc khác nhau: trắng, vàng, hồng tím, hồng cánh sen
- Thời gian nở hoa: Mộc lan nở hoa vào mùa xuân
- Bao gồm các loại cây:
- Sao mộc lan (Star Magnolia) có nguồn gốc từ Nhật Bản
- Hoa mộc lan Loebner: là sự giao thoa giữa Magnolia kobus và Magnolia stellata
- Hoa mộc lan Yulan (Magnolia denudata): đây là loài cây nhỏ gọn, đẹp nhất, hoa màu trắng ngà hoặc trắng kem

II. Đặc điểm của cây Mộc lan
- Hình dáng bên ngoài: Cây hoa mộc lan là cây thân gỗ, dáng thẳng đứng, có ít cành nhánh chủ yếu là nhánh nhỏ, vỏ cây màu nâu hoặc màu trắng tùy vào từng giống cây.
- Kích thước: Nếu để cây sinh trưởng tự nhiên có thể cao tới 20 – 30m, tạo bóng mát rất tốt.
- Lá: Lá cây mộc lan hình bầu dục, to bản, dày, màu xanh đậm đầy sức sống, mặt trên lá thường bóng bẩy, mặt dưới được bao phủ bởi một lớp lông tơ mịn màu trắng hoặc xanh. Mép lá nguyên, các lá thường mọc so le nhau, khi mùa đông đến lá già rụng cũng là lúc hoa bắt đầu khoe sắc.
- Hoa: Hoa mộc lan có nhiều chủng loại giống cũng như nhiều màu sắc và kích cỡ khác nhau to, nhỏ và vừa. Đối với loại hoa to, đường kính có thể lên tới 12-15cm khi hoa nở hết. Hình dáng của hoa rất ngộ nghĩnh có khoảng 9 – 12 lớp cánh khum vào giống như hai bàn tay úp lại, tạo nét độc đáo cho loài hoa này. Hoa mộc lan được lai tạo ra khá nhiều màu sắc từ hồng, trắng, vàng, tím nhạt, đỏ, hoa nở rất bền màu nên rất thích hợp để chưng tết.
III. Ý nghĩa và tác dụng của cây Mộc lan
1. Ý nghĩa
Loài hoa mộc lan mang ý nghĩa rất sâu sắc, loài hoa mang tên một nữ anh hùng trẻ đẹp, dáng mảnh mai, mộc mạc, giản dị nhưng lại có võ nghệ cao cường và tấm lòng yêu nước son sắt. Vì cha đã già yếu, nàng đã ghi tên xung phong thay cha đánh giặc, điều đó có thể nói lên lòng hiếu thảo của nàng đối với cha mẹ.
Ngày nay cây hoa Mộc Lan cũng được lai ghép ra nhiều giống mới có đủ loại màu sắc để tượng trưng cho tính cách kiên cường, mạnh mẽ và cũng không kém phần trẻ trung nữ tính. Hơn nữa màu sắc của hoa cũng là biểu tượng của sự may mắn, hy vọng và niềm tin vào cuộc sống.
2. Tác dụng
- Tác dụng trong trang trí, làm cảnh
Cây mộc lan có bộ tán lá to và dày, hoa có màu sắc đẹp nên thường được trồng nhiều ở ven đường phố, công viên, các con đường hoa, khu du lịch… đem đến không gian trong lành, mát mẻ thích hợp để dã ngoại sau những ngày làm việc căng thẳng.
Ngoài ra, cây hoa mộc lan có hình dáng nhỏ gọn cũng được lựa chọn nhiều trong việc bày trí nội thất như hiên nhà, ban công, phòng khách… Để bày tỏ lòng mến khách của gia chủ.
- Tác dụng chữa bệnh
Không những là cây cảnh có hoa đẹp tuyệt vời mà cây mộc Lan (hoa tím) còn một loại thuốc quý, tên gọi đông y của cây là Thiên mục mộc lan. Bộ phận hay dùng để chữa bệnh là nụ hoa, nụ phải được hái vào mùa xuân và phơi khô tránh ẩm mốc.
Theo đông y, nụ hoa mộc lan có vị đắng, tính hàn được quy vào các bệnh ở kinh phế và kinh bàng quang. Có tác dụng chữa ho do phế hư, chỉ khái, giải độc, lợi niệu, thường được dùng để chữa các chứng bệnh ho có đờm dây máu, đinh nhọt độc.
Một số tài liệu nghiên cứu ra rằng, chiết xuất từ hoa mộc lan còn có tác dụng ngăn ngừa ung thư bàng quang và giúp giảm lo âu, căng thẳng tăng cường trí nhớ. Thường dùng để điều trị bệnh Alzheimer cho kết quả khá tốt.
- Tác dụng khác
Thân cây mộc lan có dáng đẹp, có thể tạo dáng vẻ giả cổ thụ nên còn được trồng làm cây bonsai nghệ thuật được rất nhiều người yêu thích.
Gỗ mộc lan cũng là loại gỗ bền, thơm, cứng chắc thường được dùng để sản xuất một số đồ gỗ gia dụng, đồ thủ công mỹ nghệ có giá thành khá cao.
Hoa mộc lan có mùi rất thơm nên được dùng để chiết xuất tinh dầu sản xuất nước hoa.

IV. Cách trồng và chăm sóc cây Mộc lan
1. Cách trồng cây
Cây hoa mộc lan được nhân giống bằng phương pháp chiết cành và ghép cành, cả hai phương pháp đều được sử dụng khá phổ biến.
- Đất trồng
Cây hoa mộc lan có đặc tính là ưa ánh sáng nên khi trồng phải chú ý chọn vị trí trồng có ánh sáng hợp lý, không ẩm ướt quá và cũng không khô hạn quá.
Cần chọn đất tơi xốp, thoát nước tốt, không bị ngập úng lâu ngày để trồng cây mộc lan. Nếu trồng trong chậu, cần chọn chậu cao, to và có đục lỗ thoát nước ở đáy chậu để giúp thoát nước nhanh khi mưa dài ngày.
Đất trồng cây mộc lan phải là đất sạch không bị nhiễm độc thuốc trừ cỏ, trước khi trồng nên trộn với phân chuồng (phân gà, phân bò, dê) đã ủ ải. Nếu không có phân chuồng có thể thay bằng phân vi sinh để lót trước khi trồng.
- Chọn giống
Chọn cành giống chiết hoặc cành ghép mộc lan to vừa phải, thân và cành thẳng không sâu bệnh, không bị trầy xước. Nếu là cành chiết nên chọn cành có bầu rễ đẹp, rễ trắng hoặc rễ vàng nhạt và có từ 4 rễ trở lên.
- Cách trồng
Nếu trồng trong chậu: cào xới đất trộn đều phân rồi đào hố nhỏ phù hợp với bầu rễ cây mộc lan, xé túi nilon bọc bầu, đặt nhẹ nhàng cành cây xuống hố và vùi đất không quá mặt bầu khoảng 3 cm. Sau khi trồng cắm cọc tre cố định cây lại tránh gió đổ.
Nếu trồng cây mộc lan ngoài đất vườn: cần chọn vị trí trồng thích hợp tùy vào không gian sân vườn nhà bạn, vừa giúp tạo bóng mát và trang trí cho sân vườn. Trồng cây ở một nơi cố định không di chuyển nhiều lần làm ảnh hưởng bộ rễ cây mộc lan.
2. Cách chăm sóc
Cây mộc lan thường ưa khí hậu mát mẻ nên sau khi trồng cần che chắn cho cây tránh nắng gắt làm héo lá và làm tổn thương bộ rễ cây gây hấp thụ dinh dưỡng kém.
Nếu trồng cây mộc lan trên đất có nhiều côn trùng như kiến, mối cần dùng thuốc diệt côn trùng để tránh đục thân rễ cây.
Nước tưới: tưới nước cũng là khâu rất quan trọng, tưới mỗi ngày một lần vào buổi sáng hoặc chiều tối. Nước tưới cây mộc lan là nước sạch hoặc có thể dùng nước vo gạo để tưới. Tuyệt đối không tưới nước phân lợn tươi chưa qua xử lý vì nước phân mặn sẽ làm thối rễ cây mộc lan.
Phân bón: Sau khi trồng khoảng 7 – 10 ngày nên pha phân vi lượng tưới cho cây mộc lan để cây hấp thụ dinh dưỡng nhanh hơn từ đó đẩy nhanh quá trình đâm chồi nảy lộc. Tưới kép (tưới 2 lần) mỗi lần cách nhau khoảng 5 – 7 ngày.
Ngoài ra, có thể bón thêm phân hạt chậm tan khi cây mộc lan có tuổi thọ cao hơn, có rất nhiều loại phân dùng cho cây cảnh như: phân Sông Gianh, Đầu trâu, Quế lâm… Đối với cây bonsai nghệ thuật có thể bón thêm bằng bột đậu tương khô nghiền nhuyễn. Mỗi năm bón ít nhất là hai lần để bổ sung đạm tự nhiên cho cây.
Bên cạnh đó, phân chuồng hữu cơ cũng là loại phân rất tốt và không thể thiếu cho cây trồng. Hàng năm nên bổ sung ít nhất một lần phân cho cây mộc lan để giảm chi phí chăm sóc cây.
Cây mộc lan cũng có một số sâu bệnh hại cây như: sâu cuốn lá, rầy,rệp ăn búp non.. Vì là cây hoa cảnh chưng xung quanh nhà nên hạn chế tối đa phun thuốc trừ sâu tránh làm ảnh hưởng đến con người.
Cây hoa mộc lan cũng như bao loại cây hoa cảnh khác, tưởng dễ trồng và chăm sóc nhưng lại không hề dễ. Nếu bạn đam mê cây cảnh, chỉ cần để ý hơn một chút trong việc chăm sóc và bổ sung lượng chất dinh dưỡng đúng thời kỳ, cây sẽ rất sai hoa và bền màu sắc.