Nói đến cây hoa đào là nói đến loại cây cảnh chơi Tết rất đẹp, hoa nở đúng dịp tết làm cho không khí xuân thêm rộn ràng và ý nghĩa. Hoa đào cũng là nguồn cảm hứng để viết lên những vần thơ, điệu nhạc xuân rất hay và sôi động. Quả đào có hương vị ngọt mát, chứa nhiều dinh dưỡng và có công dụng rất tốt, được sử dụng khá nhiều trong đông y.
I. Giới thiệu về cây Hoa đào
- Tên thường gọi: Cây hoa đào
- Tên khoa học: Prunus persica
- Nguồn gốc xuất xứ: Cây có nguồn gốc từ khu vực miền Trung và Đông Bắc Trung Quốc
- Tuổi thọ: Sống lâu năm
- Phân bố: Cây hoa đào được trồng rộng rãi ở khắp châu Á, châu Mỹ, châu Âu
- Màu sắc của hoa: Hoa đào có màu hồng đỏ, màu hồng nhạt và màu trắng
- Thời gian nở hoa: Cây thường nở hoa vào mùa xuân
- Gồm các loại cây:
- Đối với cây hoa đào cảnh: Đào phai (hoa hồng nhạt), đào bích (hoa hồng đỏ), đào bạch (hoa trắng hồng)
- Đối với cây đào ăn quả: Có loại Đào trơn (còn gọi là Du đào hoặc Xuân đào) và Đào lông
II. Đặc điểm của cây Hoa đào
- Hình dáng bên ngoài: Cây đào là cây thân gỗ nhỏ, vỏ cây xù xì màu nâu nhạt, thân cây phân chia rất nhiều cành nhánh nhỏ tạo nên bộ tán xòe rất đẹp.
- Kích thước: Cây hoa đào trưởng thành cao khoảng 8 -10m, đường kính gốc có thể đến 30cm.
- Lá: Lá cây đào có hình mũi mác chóp nhọn, nếu trồng nơi đất giàu dinh dưỡng lá có thể dài đến 10 – 15cm, bề rộng chỉ khoảng 3 – 5cm. Lá màu xanh lục, thô ráp, thường rụng lá hàng loạt vào mùa khô chỉ để lại nguyên cành trơ trụi.
- Hoa: Hoa đào thường có từ 5 cánh trở lên, cánh hoa mỏng manh, xinh đẹp màu hồng đậm, phớt hồng hoặc trắng tùy từng loại cây. Hoa nở ra từ những mắt lá trước khi lá mọc lên, khi hoa nở rộ nhìn toàn cây có màu hồng mang vẻ đẹp rất thơ mộng.
- Quả: Cây hoa đào cảnh cũng có quả nhưng không ngọt mà còn có vị chát. Còn cây đào ăn quả thì ngược lại, có hai loại là Đào trơn (vỏ đỏ khi chín) và Đào lông (vỏ chỉ hơi đỏ hoặc vàng và có lông tơ mềm). Loại đào này có vị ngọt thanh, quả to, bên trong lớp thịt màu vàng hoặc trắng là một hột cứng, có thể ươm giống từ hạt này.
III. Ý nghĩa và tác dụng của cây Hoa đào
1. Ý nghĩa phong thủy
Theo truyền thuyết Trung Hoa thì cây Đào đã xuất hiện cách đây hàng triệu năm về trước, chỉ có các vị tiên trên Thiên Đình mới được ăn quả để trường sinh bất lão. Do đó, người Trung Hoa thường coi quả đào là một tứ quả vô cùng quý giá và đặt ở nơi rất trang trọng.
Đối với văn hóa Việt Nam, hoa đào được ví như một cô gái xinh đẹp, mỏng manh, yếu ớt cần được che chở và bảo vệ, được thể hiện qua câu thành ngữ “Phận liễu yếu đào tơ”.
Chung quy lại, chưng cây đào ngày tết mang đến cho ngôi nhà thêm vượng khí, xua đuổi tà ma, điềm dữ. Đem đến cho gia chủ cái tết đoàn viên, sum vầy, bình an, may mắn, phát tài, phát lộc trong năm mới.
2. Tác dụng
Quả đào là loại trái cây có vị thơm ngọt và giàu vitamin và chất khoáng khi ăn tươi giúp cho làn da khỏe đẹp, tươi tắn. Đây cũng là mặt hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế khá cao, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
- Tác dụng trong trang trí, làm cảnh
Cùng với cành mai vàng là biểu tượng mùa xuân phương Nam thì cành đào lại mang nét đặc trưng của cái tết miền Bắc. Những chậu cây hoa đào thường được đặt ở những vị trí trang trọng và thoáng đãng nhất trong nhà hoặc ngoài sân mỗi khi tết đến.
Bên cạnh đó, cây đào cũng được trồng nhiều ở sân vườn biệt thự, tòa thị chính, vườn hoa, công viên, khu du lịch, khu đô thị nhà máy, xí nghiệp,…Để tạo không khí xuân đang đến ở khắp mọi nơi cũng như tạo cảnh quan đẹp cho nơi trồng cây.
3. Tác dụng chữa bệnh
Trong đông y, hoa đào có vị đắng, tính bình, không có độc chủ trị các chứng bệnh ở kinh tâm, can, phế và vị. Có công dụng hoạt huyết, thông kinh lạc, lợi tiểu, nhuận tràng, thường dùng để chữa kinh nguyệt không đều, hay đau bụng kinh, viêm đại tràng (kiết lỵ), tắc nghẽn mạch máu…
Bên cạnh đó, hoa đào cũng được sử dụng để điều hoà chức năng hô hấp, làm giảm ho, tiêu đờm.
Lá đào cũng được dùng đun tắm chữa viêm da ngứa loét, ghẻ, đun tắm hàng ngày đến khi khỏi bệnh.
IV. Cách trồng và chăm sóc cây Hoa đào
1. Cách trồng cây
Cây đào được nhân giống chủ yếu bằng phương pháp gieo hạt, ghép mắt và chiết cành. Phương pháp ghép cành là chủ yếu, có thể ghép nêm, ghép chữ Z tùy ý, thời điểm ghép là từ tháng giêng đến tháng 9. Không ghép từ tháng 10 trở đi vì vào mùa đông trời lạnh sẽ làm mầm sinh sinh trưởng kém.
- Chọn giống
Chọn giống cây đào có thân thẳng, không bị tổn thương ở phần rễ, thân, lá cây mới sinh trưởng tốt. Đối với cành chiết, chọn cành có bộ lá xanh tốt, rễ mọc từ 3 – 4 rễ trở lên, cành không to cũng không nhỏ quá. Đối với cách gieo hạt, chọn hạt giống đảm bảo chắc khỏe, không bị nấm mốc, ươm đủ thời gian đợi nảy mầm là đem gieo.
- Đất trồng
Mật độ trồng cây đào ăn quả: Hàng cách hàng là 5 – 7m, cây cách cây là 4 – 5m. Đối với cây đào cảnh có thể trồng dày hơn khoảng 2 – 3m để tiết kiệm diện tích.
Đất trồng cây đào chủ yếu là loại đất nâu đen, đất đỏ thịt, đất pha cát ở miền Bắc. Không nên trồng trên đất đã bị nhiễm độc thuốc trừ cỏ làm cây không sinh trưởng được.
Đất trồng phải thoát nước tốt, nếu đất bằng phẳng phải đắp mô cao khoảng 20 – 30cm và khơi rãnh thoát nước khi mưa dài ngày.
Hố trồng có kích thước vừa phải, bón lót phân chuồng hoai mục trước khi trồng khoảng 30 ngày để phân và đất được ải mục.
2. Cách chăm sóc cây
Để chăm sóc được cây hoa đào có dáng đẹp và hoa nở nở đúng dịp tết không phải là việc dễ dàng gì, vì vậy cần tìm hiểu và tham khảo kỹ để có cách chăm sóc tốt nhất.
Cây đào thường ưa sáng, chịu lạnh, chịu hạn tốt nhưng sợ ngập úng, nhiệt độ thích hợp để phát triển từ 15 – 35°C. Do đó, cần điều chỉnh các yếu tố trên sao cho hợp lý để cây kéo dài tuổi thọ.
Cần theo dõi thời tiết sát sao, nếu thời điểm gần cuối năm thời tiết nóng thì tuốt lá muộn và ngược lại thời tiết lạnh tuốt lá sớm hơn khoảng nửa tháng. Trung bình vào khoảng trung tuần tháng 11 âm lịch có thể tuốt bớt lá đào ở phần gốc già trước.
Sau khi tuốt lá đào mà thời tiết nắng nóng kéo dài, cần phải làm lưới che và tưới nước lạnh thường xuyên để hãm cây tránh ra hoa sớm. Nếu trời mưa lạnh cũng phải có giàn che và tưới bằng nước ấm khoảng 20 – 30 độ vào quanh gốc để kích thích đào ra nụ đúng kỳ hạn.
- Tạo tán, tạo thế cho cây đào
Việc tạo dáng, thế cho cây cần được tiến hành sau khi tuốt lá vài ngày. Uốn, buộc cành bằng một khung tùy thích đã được tạo kiểu từ trước, cắt bỏ những cành tăm nhỏ hoặc khắc lên thân cây để tạo nên vẻ cổ thụ cho cây đào.
- Bón phân
Sau khi cắt tỉa cành, tưới phân hữu cơ dạng nước cho cây hoặc phân chậm tan rồi vùi đất tránh bốc hơi khi nắng to hoặc rửa trôi khi bị mưa. Ngoài ra, có thể ủ phân bắc trong khoảng 6 tháng cho hoại mục rồi mới bón mỗi năm một lần.
- Hãm cây để kích thích ra hoa đồng loạt
Hãm cây chính là hạn chế sự sinh trưởng và bắt cây chuyển sang giai đoạn mới đó là ra hoa. Hãm cây bằng cách khoanh gốc hoặc bằng cách phủ nilon lên mặt đất ngừng tưới nước.
Cách khoanh: Dùng dao sắc và sạch khứa vào vỏ cây đào ở vùng gốc một hoặc hai vòng cho đứt vỏ, vòng trên cách vòng dưới khoảng 3 – 5cm. Hoặc có thể dùng dây sắt kích thước bằng que tăm để nín gốc, nín từ 2 – 3 vòng tùy vào đoạn thân gốc cao hay thấp. Sau một tuần, nếu lá cây đào chuyển màu từ xanh sang vàng là đạt kết quả. Nếu không đạt có thể khứa hoặc nín sâu hơn một chút đến khi lá chuyển màu thì thôi.
Chỉ hãm những cây còn tơ và khỏe, nếu cố tình hãm những cây già, yếu sẽ làm chết cây. Thời gian hãm vào khoảng từ tháng 8 – 9 âm lịch.
Đến khoảng tháng 11 bắt đầu chăm sóc để hồi phục cây trở lại để kịp ủ nụ vào đầu tháng chạp, khi nở hoa là đúng dịp tết.
Trong thời gian này, nếu thời tiết ấm áp thì sẽ làm hoa đào nhanh nở cần tưới nước lạnh để hãm hoa, nếu lạnh làm nụ lâu nở thì dùng nhiệt để ủ ấm (thắp bóng đèn).
Hoa đào là loài hoa tuyệt đẹp được nhiều người lựa chọn để chưng tết bởi cây mang đến nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Thế nhưng, việc trồng và chăm sóc cây không hề đơn giản, để có cây đào nở hoa đồng loạt và có màu sắc đẹp,bạn hãy tham khảo bài viết nhé.