Hạt điều là mặt hàng được bày bán ở khắp chợ, siêu thị trên cả nước, chúng có giá trị dinh dưỡng khá cao cùng với đó là giá thành cũng khá đắt đỏ. Hạt điều có điểm đặc biệt là hạt không nằm trong quả như những loại quả khác, để biết chúng nằm ở vị trí nào, hãy cùng tìm hiểu trong bài nhé.
I. Giới thiệu về cây Hạt Điều
- Tên thường gọi: Cây hạt điều
- Tên gọi khác: Cây Đào lộn hột
- Tên khoa học: Anacardium occidentale
- Họ thực vật: Thuộc họ Đào
- Nguồn gốc xuất xứ: Cây điều có nguồn gốc từ vùng Đông Bắc Brazil
- Nơi sống: Cây điều mọc tự nhiên ở các vùng có khí hậu nhiệt đới.
- Phân bố: Cây được trồng rộng rãi ở khắp thế giới. Tại Việt Nam, điều được trồng nhiều ở các tỉnh vùng Đông nam bộ như: Bình Phước, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh…Hiện nay Việt Nam được coi là nước xuất khẩu điều lớn nhất thế giới.
- Tuổi thọ: Cây điều là cây công nghiệp chủ lực lâu năm tuổi thọ cao lên tới 40-50 năm tuổi, cây thường cho năng suất ổn định trong giai đoạn từ 10 đến 20 năm sau khi trồng.
- Màu sắc của hoa: Hoa điều có màu vàng hoặc trắng có vằn đỏ, đôi khi hoa có màu hồng đẹp.

II. Đặc điểm của cây Hạt Điều
- Hình dáng bên ngoài: Cây điều là cây thân gỗ cỡ nhỡ, khi cây chưa có quả nhìn giống cây Bàng. Vỏ cây màu xám trắng, sần sùi, có nhiều mủ chảy ra khi vỏ cây bị tổn thương.
- Kích thước: Cây điều có kích thước khá cao có từ 6 – 8m, nếu không bấm ngọn hãm chiều cao có thể cao tới cả 10m.
- Lá: Lá điều thuộc dạng lá đơn hình trứng, thường mọc so le tập trung ở đầu cành. Lá to, dày và dài, lá to nhất đạt kích thước từ 10 – 20cm, bề rộng từ 5 đến 10cm, cuống lá ngắn. Mép lá nguyên với những đường gân nổi lên khá rõ rệt, chồi lá non có màu xanh lục (lá mạ), búp non màu đỏ hồng, lá già màu đậm hơn.
- Hoa: Hoa điều thường nhỏ ra theo chùm có hình chùy, cụm hoa màu trắng. Hoa điều có cả hoa đơn tính và hoa lưỡng tính trên cùng một cây, hoa cái có 5 cánh màu trắng, có từ 8 – 10 nhị đực và 1 nhụy cái. Cây điều sau khi trồng 3 năm trồng mới trổ hoa, thời gian ra hoa thường kéo dài khoảng 3 tháng.
- Cành: Cành cây điều thường vươn cao và dài cùng với bộ lá to nên tạo tán khá rộng, tán tròn xòe như chiếc ô. Nếu sai nhiều quả tán cây cong trĩu xuống đất, nhìn khá đẹp mắt.
- Quả: Quả điều có hình hơi cong như quả thận, màu nâu khi chín màu tím, quả thường đính ở đáy của cuống. Phần cuống khá dài và phình to ra nhanh, to hơn rất nhiều lần so với quả điều. Cuống có màu vàng, đỏ, xanh do nhiều lứa tuổi khác nhau, do đó mọi người thường lầm tưởng đó là quả điều thật khi chín.
- Hạt: Hạt điều nằm trong quả có hình thận, khi vỏ khô xát vỏ ra hạt điều có màu vàng nhạt.
III. Tác dụng của cây Hạt Điều
Cây điều ngoài tác dụng làm cây bóng mát ra thì quả điều giả và hạt điều đều có tác dụng rất tốt đối với đời sống con người.
Quả giả của cây điều (cuống quả) rất giàu vitamin C, có thể ăn tươi khi chín hoặc ép lấy dịch ủ men rượu (dùng để xoa bóp chữa đau nhức chân tay), lên men làm nước giải khát.
Quả điều thật qua sơ chế sấy khô, vỏ sẽ tự bong ra đó là hạt điều. Hạt điều là sản phẩm có giá trị cao, cách sử dụng rất đa dạng, có thể rang muối làm món ăn vặt hàng ngày hoặc dùng tươi để sản xuất bánh kẹo.
Ngoài ra, hạt điều có khá nhiều thành phần dinh dưỡng đặc biệt là chất béo, thường dùng để ép lấy tinh dầu, vỏ hạt sau khi ép dầu thường tái sử dụng làm chất đốt.

IV. Cách trồng và chăm sóc cây Hạt Điều
1. Cách trồng cây
Cây điều được nhân giống từ hạt hoặc chiết cành và ghép cành, đối với cách ghép cành là nhanh và hiệu quả nhất do cây giống khỏe, nhanh ra hoa.
- Đất trồng
Cây điều thường ưa sống ở vùng có khí hậu khô nóng nên không không quá kén chọn đất, chỉ cần có nguồn nước ngọt là có thể trồng được cây điều. Tuy nhiên cũng phải đảm bảo không trồng ở nơi đất bị ngập mặn, có rãnh thoát nước tốt, tầng đất canh tác sâu, có mạch nước ngầm.
Đối với đất đồi núi có độ dốc cao, cần làm mặt bằng trước khi trồng cây điều, có thể cuốc hạ bậc thang để cây trồng không bị đổ ngã và không bị rửa trôi khi bón phân.
- Cách trồng
Mật độ thích hợp để trồng cây là: Hàng cách hàng 7 – 9m, cây cách cây là 5 – 6m bởi cây điều cao và có tầng tán rộng. Nên trồng theo hướng mặt trời mọc để cây nhận được nhiều ánh sáng nhất.
Hố trồng: Cuốc hố trồng với kích thước khoảng 30 x 30 x 30cm. Nếu là đất đã qua canh tác các loại cây dài ngày khác, cần cho vôi bột để khử chua đất và một số côn trùng có hại trong đất. Để ủ cho ải đất khoảng 1 tháng mới lót phân để trồng cây điều, có thể dùng phân vi sinh hay phân chuồng (phân trâu, bò đã ủ hoai mục) để lót, mỗi cây nên lót khoảng 0,5 – 1kg phân.
Cách trồng cũng rất đơn giản, chỉ cần đảo tơi đất đã ủ phân sẵn, xé túi bầu, đặt cây và giữ cho cây thẳng đứng, vun đất lấp không quá mặt bầu 3cm. Cắm cọc cố định cây tránh gió làm đổ ngã, nếu trồng nơi nắng gắt nhiều giờ trong ngày phải che chắn cho cây điều hợp lý.
2. Chăm sóc cây điều
Sau khi trồng cây điều cần được chăm sóc bằng các loại phân bón điều hòa sinh trưởng và theo dõi thường xuyên để tránh sâu bệnh hại cây.
Việc tưới nước cũng phải có chế độ hợp lý thì cây điều mới tồn tại lâu dài. Mỗi ngày nên tưới ít nhất một lần đối với cây ở nơi có bóng râm, đối với cây trồng nơi thoáng nắng phải tưới 2 lần để tạo độ ẩm để cây con nhanh bén rễ.
Vào khoảng 2 – 3 năm đầu có thể trồng xen lẫn các cây họ đậu để tăng độ tơi xốp đất và tạo mùn cho đất. Làm cỏ và vun gốc cho cây điều tránh bị bật gốc khi gió to.
Khi cây đã tạo tán nhiều cần cắt tỉa thường xuyên để cây quang hợp tốt, tránh sâu bệnh và để cây tập trung nuôi dưỡng thân và lá.
Phân bón: Tùy theo tuổi của cây mà bón phân với lượng khác nhau, trung bình bón khoảng 0,5 kg cho một gốc đối với cây khoảng 3 – 5 năm tuổi. Đối với cây trưởng thành bón gấp đôi, cứ 3 tháng bón một lần.
Ngoài ra, có thể bón thêm phân chuồng mỗi năm ít nhất một lần để cung cấp hữu cơ cho cây điều giúp cây chắc quả.
Phòng bệnh: Cây điều là cây lâu năm nên cũng có khá nhiều sâu bệnh hại cây vào từng thời điểm sinh trưởng và cũng không khó để tận diệt chúng.
Sâu xanh, rệp nhện đỏ, nhện trắng, vàng, gié hại lá và quả: Dùng Monifos + Sạch nhện Cali phun vào lúc sáng sớm lặng gió.
Nấm, ghẻ quả và lá, thối rễ: Sử dụng hỗn hợp (Metalaxyl + Mancozeb) tưới gốc hoặc phun lên lá 10 ngày sau phun nhắc lại. Nếu thối rễ nặng kết hợp tưới Trichoderma để trừ nấm bệnh.
Cây điều cũng có những loại sâu bệnh giống như cây Cam, Chanh nên có thể áp dụng các thuốc này để phòng trừ bệnh. Việc trồng cây không quá khó nhưng để chăm sóc được cây điều tốt, sai quả nhiều nhiều và tuổi thọ cao thì đó là việc rất khó. Vì vậy cần tham khảo nhiều để áp dụng tốt hơn những kỹ thuật chăm sóc vườn cây, để đón mùa bội thu nhé.