Cây dừa cạn là cây thân thảo nhỏ mềm, cây rất đa dạng về chủng loại và màu sắc hơn nữa cây còn là vị thuốc quý trong hỗ trợ và điều trị bệnh ung thư. Đây là vị cứu tinh và giúp kéo dài tuổi thọ cho người mắc ung thư máu.
I. Giới thiệu về cây Dừa cạn

II. Đặc điểm của cây Dừa cạn
- Hình dáng bên ngoài: Dừa cạn thuộc loại cây thân thảo, nhỏ nhắn, mọc thẳng đứng, khi khứa thân cây chảy ra chất nhựa mủ màu trắng. Vỏ thân cây thay đổi theo quá trình phát triển của cây, cây còn non vỏ cây có màu xanh nhạt, khi trưởng thành chuyển màu ánh tím, có nhiều lông mềm, ngắn.
- Kích thước: Cây chỉ cao chừng 50 – 80cm.
- Lá: Lá dừa cạn có dạng hình ô van thuôn dài hoặc hình bầu dục xanh đậm, bóng, nhẵn. Gân giữa màu trắng và nổi to, các gân chéo nhỏ hơn, lá mọc đối xứng nhau, cuống lá ngắn.
- Hoa: Hoa dừa cạn là dạng hoa lưỡng tính, mọc theo chùm, mỗi chùm chỉ có 2 hoa nở ra từ nách lá hoặc ngọn cành. Hoa có năm cánh xếp liền kề với nhau, ở giữa các cánh là tâm hoa màu đậm hơn, cánh hoa thì tùy vào từng chủng loại cây mà có màu sắc khác nhau nhưng chủ đạo là các màu như đỏ, hồng, tím, trắng.
- Cành: Cây dừa cạn không phân cành mà chỉ mọc lên các nhánh nhỏ từ gốc rễ của cây mẹ.
- Quả: Quả dừa cạn thường kết quả đôi, cứ 2 hoa là kết 2 quả, quả to, vỏ màu đen, bên trong chứa nhiều hạt nhỏ có thể đến 18 – 20 hạt. Hạt có hình trứng màu nâu nhạt.
III. Tác dụng của cây Dừa cạn
1. Tác dụng trong trang trí, làm cảnh
Cây dừa cạn hay mọc theo bụi, thân cây nhỏ, dáng thẳng đẹp nên thường trồng làm cảnh dọc theo lối ra vào cổng trường học, trong công viên tạo thành thảm hoa, ven bờ hồ. Do cây có nhiều chủng loại và nhiều màu sắc nên tạo không gian đẹp và lãng mạn cho những ai thích đi dạo.
Ngoài ra, cây dừa cạn rủ còn được trồng trong chậu cảnh treo cạnh cửa sổ, ban công hoặc trên sân thượng làm cho ngôi nhà của bạn luôn tràn ngập sắc hoa.
2. Tác dụng chữa bệnh
Theo đông y cây dừa cạn có vị hơi nhặng đắng, tính mát có tác dụng hoạt huyết, giảm phù thũng, hạ huyết áp, giải độc lợi tiểu (dùng trong trường hợp nước tiểu đỏ và ít)
Ngoài ra cây dừa cạn còn là vị thuốc rất quý để phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư máu. Kết hợp với các loại thuốc khác điều trị bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, rối loạn giấc ngủ.
Lưu ý: Cây dừa cạn là vị thuốc quý nhưng bên cạnh đó cây cũng có độc tính khá cao nên chống chỉ định hoàn toàn với phụ nữ có thai và cho con bú.

IV. Cách trồng và chăm sóc cây Dừa cạn
1. Cách trồng cây
- Nhân giống và Chọn giống
Cây dừa cạn chủ yếu được nhân giống bằng cách gieo hạt. Chọn hạt giống to đều, chắc mẩy để gieo, hoặc có thể mua hạt giống tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp có uy tín chất lượng tránh mua phải hàng nhái kém chất lượng khi gieo hạt nảy mầm kém.
Bạn cũng có thể mua sẵn cây con ở trang trại giống, chọn cây lá xanh tốt thân cây không bị tổn thương dập nát, rễ cây màu trắng hoặc vàng nhạt (nếu rễ thâm đen là cây bị thối rễ). Búp cây mập và nhiều búp.
- Cách gieo hạt
Nếu là mùa đông nên ngâm hạt trong nước ấm khoảng 2 giờ sau đó vớt ráo . Bỏ hạt vào trong khăn dày ủ đến khi nứt nanh là đem gieo.
Nếu không có đất vườn rộng có thể gieo theo số lượng ít vào trong khay, thùng xốp, chậu hay bất cứ thứ gì nhà bạn có. Có thể dùng đất thịt hoặc dùng hỗn hợp trấu ải + xơ dừa + một chút cát phù sa để gieo hạt.
Trước khi gieo rắc lớp mỏng phân chuồng rồi vằm đều với đất, dùng que nhỏ để húng lỗ gieo, húng thưa để khi đánh cây con được dễ dàng tránh làm đứt rễ các cây khác. Sau khi bỏ hạt xong lấp đất mỏng lên hạt và đợi đến ngày nảy mầm.
Tính từ lúc gieo hạt đến lúc đánh cây con đi trồng khoảng tầm 30 – 40 ngày tuổi, đánh cây nhẹ nhàng tránh làm hư hỏng cây.
Đối với cây con thì cách trồng cũng rất đơn giản, nếu trồng trong chậu cảnh lót nhẹ lớp phân vi sinh rồi đánh cây con đã ươm trước đó đặt xuống chậu. Sau đó vùi nhẹ đất tránh dập nát cây con, vùi quá bầu rễ khoảng 2cm.
2. Cách chăm sóc cây
Giai đoạn ươm cây nên để cây ở nơi râm mát, tránh ánh mặt trời soi đến hoặc để dưới tán cây to tránh làm héo cây non.
Sau khi ươm hoặc trồng cây con nên tưới luôn để đất và cây ẩm và tưới cây. Sau khi trồng cây con khoảng chừng 3 – 5 ngày pha thuốc siêu rễ tưới định kỳ 2 lần cách nhau khoảng 5 ngày.
Khi thời tiết nắng nóng hoặc hanh khô kéo dài, tưới đều đặn ít nhất 1 lần/ngày và tưới thêm vi lượng để tăng sức đề kháng cho cây giúp kháng sâu bệnh tốt. Tưới cây vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.
Khi cây chuẩn bị ra hoa lúc này là lúc cây cần nhiều nước và dinh dưỡng nhất. Thời điểm này cần bón thêm phân chuồng để hoa nở được lâu chậm tàn.
3. Một số bệnh hại ở cây dừa cạn
Cây dừa cạn hay bị nấm thân hoặc thối rễ, đôi khi cũng có sâu ăn lá. Biện pháp phòng ngừa là cắt tỉa cây bị nấm, nhổ bỏ cây bị thối rễ tránh lây lan sang cây khác.
Cây dừa cạn là cây hoa đồng thời cũng được sử dụng làm cây thuốc nên tránh dùng thuốc bảo vệ thực vật khi có sâu bệnh, chỉ bắt sâu bằng tay khi có sâu bệnh hại cây.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây dừa cạn rất dễ dàng, ai cũng có thể tự trồng được. Nếu yêu thích loài hoa này hãy trồng cây ngay tại nhà để sử dụng khi cần thiết nhé.