Cây đinh lăng là cây dược liệu rất quý đối với nền y học cổ truyền, có thể kết hợp với nhiều vị thuốc khác nhau chữa được nhiều bệnh khác nhau. Bên cạnh đó, cây cũng có giá trị kinh tế cao khi cây đạt trên 20 năm tuổi và được thương lái thu mua với giá thành rất cao. Nhưng phải là giống đinh lăng lá nhỏ (hay còn gọi là đinh lăng lá nếp), dưới đây là giới thiệu về cây lá nhỏ.
I. Giới thiệu về cây Đinh lăng
Tên thường gọi: | Cây đinh lăng |
Tên gọi khác: | Cây gỏi cá, cây nam dương sâm, đinh lăng lá nhỏ |
Tên khoa học: | Polyscias fruticosa |
Họ thực vật: | Cây đinh lăng thuộc họ Ngũ gia bì (Araliaceae) |
Nguồn gốc xuất xứ: | Cây có nguồn gốc từ Quốc đảo Polynesia, quốc đảo thuộc châu Úc nằm trên các đảo Thái Bình Dương |
Tuổi thọ: | Cây sống lâu năm |
Màu sắc của hoa: | Hoa nhỏ màu trắng |
Bao gồm các loại cây: | Có 7 loại cây đinh lăng: Đinh lăng lá nhỏ (đinh lăng lá nếp): Là cây có giá trị dược liệu cao nhất, các cây còn lại chỉ có tác dụng trồng làm cảnh. Đinh lăng lá to (đinh lăng tẻ) Đinh lăng lá kim (lá nhuyễn) Đinh lăng lá ráng Đinh lăng lá tròn (đinh lăng lá quạt) Đinh lăng viền bạc Đinh lăng lá răng |
II. Đặc điểm cây Đinh lăng
- Hình dáng bên ngoài: Cây đinh lăng lá nhỏ thuộc dạng cây thân bụi, trên thân cây có các vết sần sùi do các lá to già úa, rụng xuống và để lại sẹo, thân cây không có gai, màu nâu xám.
- Kích thước: Cây đinh lăng lá nhỏ cao từ 1 – 2 m.
- Lá: Cây đinh lăng lá nhỏ thuộc dạng lá kép lông chim, lá nhỏ xẻ nhiều lần, chiều dài lá khoảng 20 – 40cm mọc cách, lá thường xẻ dài ngắn hoặc nhọn hoặc tù không đều. Lá xanh bóng, cuống lá to và dài có hình tròn màu xanh đậm hoặc đôi khi đỏ tía. Đầu của cuống bè ra ôm lấy thân cây tạo thành bẹ lá, khi bẹ lá này rụng đi tạo thành sẹo to trên thân cây.
- Hoa: Hoa cây đinh lăng lá nhỏ thường ra theo chùm, chùm hoa có hình chùy nhỏ màu xanh nhạt hoặc trắng xám. Hoa phân bố nhiều ở ngọn cây và các cành tán.
- Quả: Quả đinh lăng dẹt, hình trứng, màu trắng bạc.
III. Ý nghĩa và tác dụng của cây Đinh lăng
1. Ý nghĩa của cây đinh lăng
Cây đinh lăng kiểng được rất nhiều người lựa chọn trồng ở trước cửa nhà, hoặc đặt cây ở phòng khách. Cây có nguồn năng lượng sống dồi dào mang lại không gian sống xanh, trong lành cho gia chủ. Cây cũng mang ý nghĩa phong thủy rất đặc biệt, cây giúp ngăn chặn tà khí độc, điềm xấu, điềm gở vào gia chủ, giúp giữ tài lộc không bị thất thoát và cây được coi là “thần giữ của” cho gia chủ.
2. Tác dụng
- Giá trị ẩm thực
Nhiều địa phương hay dùng lá non của cây đinh lăng lá nhỏ có nhiều răng cưa để ăn kèm với món gỏi cá hoặc khi gói nem cũng có thể cho thêm vài cọng lá đinh lăng khi ăn nem sẽ bùi hơn.
Lá đinh lăng kho với cá lóc hoặc cá diêu hồng cũng là món ăn bổ dưỡng mà dân dã được rất nhiều gia đình miền Nam ưa chuộng.
Lá đinh lăng còn được dùng làm gia vị cho một số món canh hoặc món xào giúp cho món ăn thêm ngon và hấp dẫn.
Bên cạnh đó, củ của cây đinh lăng còn được các quý ông dùng để ngâm rượu.
- Tác dụng chữa bệnh
Các bộ phận của cây đinh lăng lá nhỏ thường được dùng để làm thuốc là rễ và lá. Lá cây thường được phơi khô sắc uống hoặc phơi khô tán bột dùng để chữa các chứng ho, tắc tia sữa làm thông tia và lợi sữa, chữa viêm đại tràng, suy nhược cơ thể. Chính vì vậy mà cây đinh lăng lá nhỏ được coi là “cây sâm của người nghèo” bởi công dụng chữa bách bệnh của nó, không mất quá nhiều chi phí để mua cây.
Rễ đinh lăng có tính mát, vị ngọt, hơi đắng có tác dụng thông kinh hoạt lạc, bồi bổ khí huyết, tăng cường sự dẻo dai, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Rễ đinh lăng có chứa nhiều saponin có tác dụng giống như nhân sâm, nhiều sinh tố B1, 20 loại axit amin cần thiết cho chuyển hóa của cơ thể, do đó dùng rễ đinh lăng thường xuyên còn giúp tăng cường tuần hoàn não, chống căng thẳng.
- Tác dụng trong trang trí, làm cảnh
Cây đinh lăng cũng là một loại cây cảnh quen thuộc với nhiều gia đình Việt Nam, cây được trồng nhiều ở xung quanh vườn nhà, đền chùa, miếu hay vườn thuốc nam của trạm xá, bệnh viện để làm bóng mát hoặc làm cảnh.
IV. Cách trồng và chăm sóc cây Đinh lăng
1. Cách trồng cây
- Cách chọn giống
Cây đinh lăng nhân giống rất dễ dàng bằng giâm cành, chọn cành giống đinh lăng bánh tẻ để cây ra rễ và mầm khỏe hơn. Chặt cây ra thành nhiều đoạn ngắn khoảng 30cm tránh làm dập vỡ hai đầu đoạn. Để cành ra rễ đều đẹp hơn nên nhúng đoạn gốc xuống dung dịch siêu rễ khoảng 15 phút trước khi trồng.
- Đất trồng
Đinh lăng lá nhỏ có thể trồng được trên nhiều loại đất nhưng cây lại chịu khô hạn kém, do đó phải đảm bảo đủ độ ẩm để cây sinh trưởng nhanh hơn.
Nếu giâm cành trong bầu nên chọn đất nâu đen hoặc đất đỏ thịt pha lẫn ít cát, rồi cho ít phân chuồng hoặc phân vi sinh vừa có tác dụng cải tạo và làm tơi xốp đất. Ủ đất bầu khoảng 15 ngày là tiến hành trồng.
- Kỹ thuật trồng cây
Cắm cành đinh lăng giống vào bầu đất đã được chuẩn bị sẵn, cắm sâu khoảng 10cm rồi tưới nhỏ giọt luôn vào bằng nước sạch, để vào chỗ râm mát.
Sau khi cắm khoảng chừng 30- 45 ngày là cây ra rễ, để cho cây cứng cáp ươm trong bầu khoảng 3 tháng là đem trồng nơi đất mới.
Ở nơi đất mới, nếu là ruộng nước phải tháo cạn nước, để đất khô sau đó cày bừa nhỏ tơi đất, đánh rãnh sâu 30cm. Rạch luống sâu khoảng 15cm, hàng cách hàng 2m, cây cách cây là 1m rồi lót phân chuồng với tỷ lệ 300kg/1 hecta đất. Cắm đoạn gốc đinh lăng thẳng hoặc nghiêng tùy ý, rồi vùi chặt đất.
2. Cách chăm sóc cây
Nếu trồng cây đinh lăng vào ngày nắng phải tưới nước luôn sau khi trồng, những ngày sau đó 2 ngày tưới 1 lần tưới lúc sáng sớm hoặc chiều mát, nếu nắng gắt phải có biện pháp che chắn cây con hợp lý.
Sau khi trồng khoảng 5 ngày pha thuốc siêu rễ tưới vào gốc tưới ít và tưới nhắc lại sau 5 ngày tiếp theo. Khi cây ra đợt chồi mầm đầu tiên cần bón thêm super lân hoặc các loại phân vi lượng để nuôi mầm và kích thích đợt chồi tiếp theo.
Thường xuyên theo dõi vườn cây, nếu cây có hiện tượng héo rũ cây xem cây bị thối rễ hay do úng nước và có biện pháp xử lý kịp thời. Không để lây lan ra cây khác, nếu thối rễ do nấm thì dùng Alimet 80wp pha với nồng độ nhẹ tưới vào đất chỗ gốc cây bị bệnh sau khi đã nhổ bỏ cây bệnh.
Khi cây sinh trưởng thành búi, phải thường xuyên tỉa bỏ lá già, vàng úa, tỉa cành tăm để gốc cây được thoáng sạch sâu bệnh.
Một năm nên bón 2 lần phân lân hữu cơ và 1 lần phân chuồng để cây đủ dinh dưỡng cây sinh trưởng nhanh.
Khoảng năm thứ ba trở đi nếu được chăm sóc tốt mới cho thu hoạch lá làm thuốc, còn thu hoạch củ để ngâm rượu phải trên mười năm.
Trên đây là tổng hợp những thông tin cần thiết về cây đinh lăng lá nhỏ (lá nếp), nếu bạn có kế hoạch trồng cây nên tìm hiểu kỹ về cây lá nếp này nhé. Tránh mua phải loại cây không có giá trị dược liệu và mất thời gian chăm sóc.