Cây Điên Điển

Nếu ai đã từng đặt chân đến vùng sông nước Nam bộ thì đều biết cây điên điển, cây mọc hoang ở ven đường, ruộng, sông. Các bộ phận của cây được người dân thu hái để làm món rau ăn hàng ngày, làm thuốc chữa bệnh ngoài da như: Mụn nhọt rất hiệu quả.

I. Giới thiệu về cây Điên điển 

Tên thường gọi: Cây điên điển
Tên gọi khác: Cây điền thanh thân tía, điền thanh bụi, muồng rút…
Tên tiếng anh: Sesban River bean
Tên khoa học: Sesbania sesban
Họ thực vật: Là một loài cây thuộc họ Đậu – Fabaceae
Nguồn gốc xuất xứ: Cây có nguồn gốc ở vùng châu Á nhiệt đới
Nơi sống: Cây hoang dại mọc theo bờ sông, bờ ruộng nước
Phân bố: Cây điên điển phân bố nhiều ở các nước Myanma, Thái Lan, Lào…Ở nước ta cây mọc nhiều ở các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, Hậu Giang, Long An…
Tuổi thọ: Cây điên điển là cây hàng năm hoặc lâu năm…
Màu sắc của hoa: Hoa có màu vàng tươi
Cây điên điển
Cây điên điển còn gọi là cây điền thanh thân tía, điền thanh bụi, muồng rút…

II. Đặc điểm của cây Điên điển

  • Hình dáng bên ngoài: Cây điên điển là cây thân thảo hóa gỗ, cây có thể mọc cây đơn hoặc mọc thành bụi.
  • Kích thước: Cây điên điển trưởng thành cao từ 4-5 m, tán cây xòe rộng từ 2–3 m, rễ ăn sâu xuống lòng đất khoảng 70  – 100cm.
  • Cành: Cành và thân cây điên điển nhẵn, không có gai, vỏ cây có màu xanh hoặc đỏ tía, bên trong lõi xốp màu trắng
  • Lá: Lá  cây điên điển là dạng lá kép hình lông chim, dài nhưng hẹp. Các cặp lá được sắp xếp đối xứng nhau ở hai bên cuống lá. Lá mọc so le nhau, mặt trên lá màu xanh đậm, mặt dưới lá màu nhạt hơn. 
  • Hoa: Hoa điên điển mọc thành chùm từ nách lá, hoa màu vàng tươi. Mỗi chùm hoa có khoảng 8 – 10 hoa to, nếu không quen mùi cảm thấy rất khó chịu. Các cánh hoa cong, có tai nhỏ hơi sắc nhọn. Thời gian thu hoạch hoa vào tháng 8 – 9.
  • Quả: Quả điên điển dài khoảng 10 – 20cm hình trụ buông thõng xuống dưới đất. Quả màu xanh nhạt, nhẵn giống quả đậu đũa. Trong quả chứa nhiều hạt khoảng chừng 30 – 40 hạt  hình trụ nhỏ màu nâu hoặc đen, thu quả già vào tháng 10 – 11.
Xem thêm:  Cây Hoa Oải Hương

III. Tác dụng của cây Điên điển 

1. Giá trị ẩm thực

Hoa điên điển được người dân đồng bằng sông Cửu long xem là một loại rau không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày. 

Lá và hoa dùng để nấu canh, hoa được chế biến ra nhiều món như: làm bánh, xào, nấu canh, nấu lẩu, ăn sống… 

2. Tác dụng chữa bệnh

Lá điên điển sắc uống giúp giảm đau, sổ giun rất hiệu quả. Ngoài ra, lá điên điển giã nát lấy nước uống, bã để đắp vào chỗ sưng đau, mưng mủ, trị đinh nhọt áp-xe rất tốt.

Bên cạnh đó, dùng hạt điên điển thường xuyên giúp làm dịu cơn đau, se thắt các vết thương hở, điều hòa kinh nguyệt ở phụ nữ, trị tiêu chảy cấp, giảm sưng đau, phù nề. 

3. Tác dụng khác

Ngoài tác dụng làm thức ăn và chữa bệnh ra, các bộ phận của cây điên điển còn có nhiều tác dụng khác có thể kể ra như sau: 

  • Thân, cành cây xốp có thể dùng làm nút chai, làm củi đun.
  • Lá dùng làm thức ăn cho gia súc, làm phân xanh để cải tạo đất.
  • Hạt dùng để làm giá giống như giá đỗ.
Tìm hiểu về cây điên điển
Cây điên điển được dùng làm thức ăn và chữa bệnh, ngoài ra còn nhiều tác dụng khác

IV. Cách trồng và chăm sóc cây Điên điển

1. Kỹ thuật gieo trồng

Cây điên điển được nhân giống bằng cách gieo hạt hoặc giâm cành.

  • Đất trồng:

Cây điên điển thường mọc hoang ở các bờ đầm lầy, bờ ruộng nước mặn hoặc nước lợ nên cây chịu úng, chịu chua, mặn rất tốt. Làm sẵn đất phẳng, có thể gieo ở ruộng nước hoặc gieo trên đất gò đều được, lên luống cao khoảng 10cm, làm rãnh thoát nước (đường băng) rộng khoảng 30cm. Rắc phân vi sinh lót trước khi gieo sạ.

  • Chọn giống:
Xem thêm:  Cây Cúc

Hạt giống điên điển sau khi thu hoạch nên phơi khô vừa phải và bảo quản ít nhất khoảng một tháng. Hạt phải được sàng sảy sạch chỉ chọn những hạt chắc mẩy gieo mới nảy mầm tốt.

  • Cách gieo:

Hạt giống điên điển được ngâm nước khoảng 12 giờ sau đó vớt ráo rồi gieo luôn, gieo hạt với khối lượng là 30 – 40kg/1 hecta đất, gieo với mật độ thưa để hạt mọc mầm to đanh cây hơn.

Nếu gieo trên ruộng nước nên tháo nước ngay sau khi gieo tránh ngâm lâu quá làm thối hạt giống.

2. Cách chăm sóc cây

Khi mầm cao khoảng 20cm thì tỉa bỏ những cây yếu, cây mọc với mật độ dày và nhổ cỏ tránh tránh cạnh tranh dinh dưỡng với cây gieo sạ.

Khi cây cao khoảng 50cm thì bón đạm urê với tỷ lệ 100kg/1 hecta, rắc ít một để tránh thừa đạm, khoảng 2 tháng sau nếu thiếu lại bón thêm.

Cây điên điển là loài cây  mọc hoang nên cây thích nghi rất tốt với khí hậu, thổ nhưỡng, cây  có sức đề kháng rất tốt nên ít sâu bệnh hại cây. 

Cây sinh trưởng rất nhanh, không cần quá nhiều công chăm sóc hay đầu tư quá nhiều phân bón, thuốc kích thích ra hoa mà cây vẫn rất sai hoa.

Hiện nay nhiều địa phương đã áp dụng cách trồng cây điên điển trái mùa, nhưng chi phí đầu tư cao hơn, chăm sóc khó hơn, nhưng đổi lại cho thu lợi nhuận cao hơn. 

Xem thêm:  Cây Bùm Sụm

Trên đây là tổng hợp những thông tin hữu ích về cây điên điển, nếu bạn yêu thích món ăn từ loài hoa này hãy lên kế hoạch gieo trồng ngay nhé. Bởi cây không chỉ là những món ăn mà còn là bài thuốc chữa bệnh nữa.

5/5 - (3 bình chọn)
Về Kim Chung

Xin chào, Mình là Chung. Hi vọng rằng với những nội dung chia sẻ về Trồng trọt, chăn nuôi và làm vườn sẽ giúp các bạn phát triển nông nghiệp tốt nhất.

Viết một bình luận