“Chơi Lan cảnh” hiện nay đang là xu thế nổi lên rầm rộ ở nhiều vùng miền trên cả nước. Không chỉ ở thành thị mà còn len lỏi đến từng ngõ ngách ở các vùng nông thôn hẻo lánh. Những mầm lan bé nhỏ cũng được đội cái giá “ảo” lên hàng chục triệu đồng. Địa lan cũng vậy, được giới chơi Lan săn lùng ráo riết bởi giá trị “siêu khủng” của nó.
I. Giới thiệu về cây Địa Lan
- Tên thường gọi: Cây địa lan
- Tên khoa học: Cymbidium hybrid
- Họ thực vật: Thuộc họ Phong lan (Orchid
- Nguồn gốc xuất xứ: Cây địa lan có nguồn gốc từ miền tây nam Trung Quốc
- Tuổi thọ: Cây sống lâu năm
- Màu sắc của hoa: Hoa địa lan gồm các chủng màu như: Đỏ, vàng, xanh, trắng, tím
- Thời gian nở hoa: Hoa địa lan thường nở từ tháng 2 – 4 hàng năm
- Gồm các loại cây: Cây địa lan vàng, địa lan trắng, địa lan tím

II. Đặc điểm của cây Địa Lan
- Hình dáng bên ngoài: Địa lan là loài cây bụi thân thảo sống khá lâu năm, phân nhiều nhánh nhỏ tạo thành lùm cây.
- Kích thước: Địa lan trưởng thành cao tới 1,5m.
- Lá: Lá cây địa lan có chừng 6 – 8 lá mọc đơn chồng lên nhau. Mỗi lá dài từ 50 – 80cm, bề rộng khoảng 3 – 5cm có màu xanh đậm và nhọn về phía chóp lá.
- Hoa: Hoa địa lan là dạng hoa bướm, cấu tạo của hoa rất đơn giản chỉ có 3 cánh hoa, 3 đài hoa và 1 nhị cái. Những bông hoa nhỏ thường nở trên cùng một cuống hoa có thể dài tới 1m. Hoa thường nở gần như đồng loạt và có độ bền trên 1 tháng sau đó mới tàn.
- Thân: Thân cây địa lan dài hay ngắn có đốt hay không là phụ thuộc vào độ tuổi của cây, trên thân có đoạn phình to, là nơi dự trữ nước của cây.
- Rễ: Rễ cây địa lan là loại rễ chùm phát triển khá nhanh, rễ to và mềm có màu xám hoặc màu của cây gỗ khô mục.
III. Tác dụng của cây Địa Lan
Cây địa lan được trồng chủ yếu để làm cảnh, trang trí nội thất cho ngôi nhà hoặc căn phòng thêm sang trọng. Chậu cây bày trí thích hợp ở những nơi thoáng rộng, hành lang, đại sảnh khách sạn, phòng họp…Nơi có nhiều người qua lại để sau những giờ làm việc căng thẳng ngắm hoa cũng giúp xả stress nhanh chóng. cạnh cửa sổ hoặc nơi có nhiều ánh sáng để tôn lên vẻ đẹp của hoa.
Ngoài ra, có thể chọn chậu địa lan có kích thước nhỏ đặt trên bàn làm việc, phòng ngủ, bên cạnh cửa sổ, bàn trà hoặc nơi có nhiều ánh sáng điện để tôn lên vẻ đẹp của hoa.
IV. Cách trồng và chăm sóc cây Địa Lan
1. Cách trồng
- Chậu trồng
Chọn chậu sao cho phù hợp với loại cây trồng, đối với địa lan lá dài và ít nhánh thì chọn chậu cao, nhỏ. Nếu giống địa lan lá ngắn và nhiều nhánh thì chọn chậu thấp, to hơn một chút.
Vệ sinh chậu trước khi trồng địa lan để tránh mầm bệnh còn lưu lại trên chậu nếu là chậu cũ. Nếu là chậu mới chỉ dùng nước sạch rửa qua rồi úp chậu cho khô ráo nước.
- Cây giống
Có thể tách mầm địa lan nhỏ từ chậu cũ, chọn nhánh nhỏ nhưng khỏe mạnh cứng cáp, không sâu bệnh. Nên tách ít nhất 2 nhánh trở lên, cắt bỏ rễ già, lá vàng úa, lá rách.
Dao cắt cũng phải là dao sắc được lau khô và sát trùng trước khi cắt. Cắt cả phần đất và phần rễ rồi dùng sơn nước xịt lên hai bên vết cắt để chống nhiễm bệnh cho cả hai búi cây địa lan.
- Đất trồng
Giá thể trồng địa lan gồm nhiều loại để bạn lựa chọn:
- Đất bùn ao để khô đập thành cục nhỏ + Xơ dừa, trấu mục đã qua xử lý + phân vi sinh.
- Đất hoặc cát phù sa mịn ven sông + gỗ mục bẻ nhỏ đã qua xử lý không có côn trùng gây hại + phân vi sinh.
- Xỉ than + cát đen mịn hoặc trộn lẫn thêm xơ dừa, trấu để tăng độ tơi xốp + phân vi sinh.
Cách trồng
Cho các phần giá thể dạng cục to lót xuống đáy chậu, rồi đến phần nhỏ hơn vào ⅓ chậu rồi đạt mầm địa lan xuống. Giữ cho mầm thẳng đứng và đỏ nốt phần giá thể mịn vào chậu, ấn nhẹ nhàng không vùi quá mặt bầu rễ 3 – 4cm.
Tưới nước dạng phun sương rồi đem chậu địa lan vào nơi ẩm mát và có ánh sáng nhẹ.
Nên trồng địa lan vào mùa xuân từ tháng giêng đến tháng ba là đẹp nhất, bởi đây là thời điểm nắng ấm, là mùa cây cối đâm chồi nảy lộc. Nếu trồng đúng quy cách địa lan sẽ nảy mầm rất nhanh.
2. Cách chăm sóc
Cách trồng địa lan khá phức tạp và chăm sóc như thế nào để cây sinh trưởng tốt lại còn khó hơn nữa. Thực chất việc chăm sóc địa lan là giúp chúng phát triển tốt trong môi trường luôn cân bằng các yếu tố như: Nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và phân bón.
- Nhiệt độ
Tất cả các loài lan nói chung đều phải được ươm hoặc trồng trong nhà kính có điều hòa nhiệt độ hoặc nhà lưới. Nhiệt độ thích hợp là từ 20 – 30 độ C, địa lan cũng vậy chịu nóng kém ngược lại chịu rét rất tốt.
Đối với ngày nắng nóng nếu không có điều kiện phòng mát nên để cây ở nơi gần máy lạnh, khi thời tiết mát mẻ hơn thì di chuyển ra ngoài.
- Độ ẩm và nước
Nước rất cần cho sự sinh trưởng của tất cả các loài thực vật, thiếu nước địa lan sẽ kém phát triển. Đối với ngày thời tiết hanh khô, độ ẩm không khí thấp nên tưới dưới dạng phun sương đều đặn mỗi ngày 1 lần vào sáng sớm hoặc tối mát. Độ ẩm thích hợp để cây sinh trưởng tốt là khoảng 50 – 60%, nếu trời mưa mát không cần tưới.
- Ánh sáng
Địa lan cũng rất cần ánh sáng tự nhiên để quang hợp. Ánh nắng gắt trực tiếp thường có tia tử ngoại nên không thích hợp cho địa lan, nên ánh sáng tán xạ qua khe lưới hoặc tán xạ qua các lùm tán cây là tốt nhất cho cây.
- Phân bón
Phân bón rất cần cho sự phát triển của cây, nhưng bón thế nào cho hợp lý để cây địa lan không bị ngộ độc phân bón là rất khó. Bạn nên chọn loại phân chậm tan có đầy đủ các yếu tố đa và trung vi lượng để bón hoặc dùng chất điều hòa sinh trưởng. Không nên dùng quá nhiều loại phân làm ngộ độc đất.
Nếu trồng theo quy cách như trên thì chỉ cần tưới nước là đủ và mỗi năm chỉ nên cho 1 lần phân (dùng 1 trong 2 loại kể trên).
Ngoài ra, có thể dùng đỗ tương nghiền nhỏ ngâm nước tưới hoặc rắc khô đều được. Khoảng 2 – 3 năm thay đất 1 lần vì đã cạn kiệt dinh dưỡng.
Cây địa lan là loài khó trồng và chăm sóc, nếu không theo dõi sát cây có thể bị nhiễm một số loại ký sinh trùng như: Bào tử nấm, rệp, bệnh thán thư, ghẻ…Nếu bạn đã thực hiện đúng quy trình như trên thì đảm bảo cây luôn sinh trưởng tốt và có tuổi thọ lâu dài.