Cây Đác

Tuy là loại cây rừng tự nhiên nhưng cây Đác lại cho hạt vô cùng ngon và bổ dưỡng, được dùng thường xuyên trong bữa ăn hàng ngày đối với người dân vùng núi. Hạt Đác không chỉ dùng trong ẩm thực mà còn có công dụng chữa bệnh rất hiệu quả.

I. Giới thiệu về cây Đác

  • Tên thường gọi: Cây Đác
  • Tên gọi khác: Cây Đoác, cây búng báng, cây dừa núi..
  • Tên tiếng anh:  Arenga pinnata
  • Tên khoa học: Arenga saccharifera Labill
  • Họ thực vật: Cây thuộc họ Cau (Arecaceae)
  • Nơi sống: Cây đác mọc tự nhiên ở các khe núi, chân đồi núi ẩm ở khu vực miền Bắc 
  • Nguồn gốc, xuất xứ: Cây có nguồn gốc ở khu vực Đông Nam Á
  • Tuổi thọ: Là cây sống rất lâu năm
  • Phân bố: Cây đác cũng mọc trải dài từ Bắc (Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang…) vào Nam, nhiều nhất là ở Nha Trang – Khánh Hòa. Trên thế giới, cây mọc nhiều ở các khu rừng nhiệt đới ở Malaysia, Indonesia, Philippines…
Cây Đác
Cây đác mọc tự nhiên ở các khe núi, chân đồi núi ẩm ở khu vực miền Bắc

II. Đặc điểm của cây Đác

  • Hình dáng bên ngoài: Nhìn bề ngoài thì cây đác rất giống với cây dừa, chỉ khác ở chỗ là quả đác nhỏ mọc nhiều như chùm cau. Lõi cây đác màu trắng ăn rất ngon, có chứa nhiều tinh bột.
  • Kích thước: Cây đác trưởng thành cao khoảng 10 – 15m, đường kính thân khoảng 40 – 50cm.
  • Lá: Lá cây đác to và dài xẻ hình lông chim giống như lá dừa, đầu cuống lá có bẹ to ôm lấy thân cây. Mặt dưới lá màu trắng bạc, mặt trên màu xanh đậm, cuống lá dài khoảng 2 – 3m dẻo và chắc.
  • Hoa: Hoa của cây đác là hoa lưỡng tính, hoa đực có rất nhiều nhị khoảng 70 – 80 nhị hoa, hoa cái  có 3 lá đài nằm phía bên trên quả. Cuống hoa khá dài, hình trụ tròn, màu xanh giống màu sắc của quả, nhai có vị ngọt, chứa rất nhiều nước.
  • Quả: Quả đác có hình tròn nhỏ khi non màu xanh lá cây đến khi già chín chuyển màu xanh dương (giống quả cọ) được mọc chi chít chung trên cùng một cuống dài khoảng 30 – 50cm buông xuống thân cây. 
  • Hạt: Hạt đác là loại hạt nhỏ màu trắng trong, bóng nhìn bề ngoài rất giống hạt Thốt nốt, khi ăn có vị ngọt, dẻo và dai, màu trắng giống như thạch dừa. 

III. Tác dụng của cây Đác

1. Tác dụng trong ẩm thực

Theo nhiều công trình nghiên cứu về hạt đác đã chứng minh, hạt có giá trị dinh dưỡng khá cao. Cụ thể trong hạt đác có các loại dinh dưỡng sau: chất đạm, chất béo ở dạng không bão hòa, chất xơ, chất khoáng (sắt, kali, magie, canxi, natri và photpho…) cung cấp nguồn năng lượng dồi dào cho cơ thể. 

Các chất dinh dưỡng đó không chỉ cung cấp nguồn năng lượng cho cơ thể mà còn được chế biến thành nhiều món ăn ngon, làm mát cơ thể và bổ dưỡng.  Bạn có thể ăn hạt đác tươi mà không cần chế biến hoặc xay sinh tố làm sữa chua, nấu chè, nấu thạch ăn dai và dẻo như thạch dừa, lõi của cây đác màu trắng mềm dùng để nấu canh, kho rất hấp dẫn và lạ miệng.

Tác dụng của cây đác
Trong hạt đác có các loại dinh dưỡng như chất đạm, chất béo ở dạng không bão hòa, chất xơ, chất khoáng cung cấp nguồn năng lượng dồi dào cho cơ thể.

2. Tác dụng chữa bệnh

Theo đông y, hạt đác có vị ngọt, tính mát nên có công dụng thanh nhiệt, giải độc, hỗ trợ điều trị một số triệu chứng như: tiểu buốt, tiểu rắt, nước tiểu đỏ…

3. Tác dụng khác

Trong hạt đác có lượng Canxi khá cao nên dùng loại thực phẩm này thường xuyên để bù lượng canxi thiếu hụt trong cơ thể và phòng tránh bệnh về xương, khớp như: loãng xương, đau xương khớp…

Bổ sung năng lượng nhanh khi bị mất nước và điện giải do có chứa nhiều khoáng chất.

Ngoài ra, hạt đác còn có chức năng điều chỉnh huyết áp và giúp tiêu hóa tốt

Thân cây đác thường to và dày, cứng chắc được đục làm máng nước, xẻ đóng bể chứa nước.

 Ruột cây đác đặc ruột, được cấu tạo bởi nhiều sợ trải dài xuyên suốt chiều dài của thân cây có đặc điểm là dai và mềm nên dùng để bện dây thừng.

Ruột (lõi) của thân đác được lọc lấy tinh bột, phơi khô (gọi là bột báng). Bột này được dùng làm thực phẩm như nấu chè, làm bánh…

Cây đác có thân hình cao ráo, lá to, xòe rộng còn được trồng làm cây cảnh, bóng mát tạo không gian mát mẻ cho nơi trồng cây.

Lá cây đác cứng và không thấm nước cũng được dùng để đan lát hoặc bện thành những phên mỏng để che chắn mưa gió, chập 2 – 3 lớp dày làm mái nhà…

IV. Cách trồng và chăm sóc cây Đác

1. Cách trồng cây

Cây đác là cây rừng tự nhiên nhưng rất khó trồng và chăm sóc bởi khi mang cây về nhà trồng thường không hợp với khí hậu và đất đai như ở trong rừng.

Cây đác được nhân giống bằng cách gieo hạt nhưng rất khó ươm và thời gian ươm rất lâu dài mới mọc mầm. Bạn có thể đánh những cây con từ những hạt tự nảy mầm nhưng phải cuốc cả đất và rễ không làm đứt rễ cây con.

Khi di chuyển một đoạn đường dài cần bó buộc bầu đất cẩn thận, đến nơi cần giâm cây đác chừng 1 – 2 tháng để cây khỏe mạnh, cứng cáp, thích nghi tốt với môi trường rồi mới trồng nơi thích hợp. Trong thời gian giâm cây phải dùng phân bón kích thích rễ dạng bột pha hoặc dạng lỏng hoặc phân bón lá để cây hấp thụ nhanh  và nhanh hồi phục.

Chọn chỗ trồng thích hợp nhưng phải có chất đất ẩm mát, gần nước, đào hố to gấp đôi so với kích thước của bầu cây đác. Lót phân chuồng hữu cơ hoai mục hoặc phân vi sinh rồi trộn đều với đất trước khi trồng.

Sau khi đã đủ thời gian giâm, cây đác đã hồi phục hoàn toàn thì tiến hành di chuyển bầu cây đến hố trồng. Cắt bỏ bầu giâm, nhấc bầu cây xuống hố, chọn đất tơi mịn để lấp bầu và ấn chặt tránh gió lay đổ. Tưới nước ngay sau khi trồng để làm chặt đất lại không để bốc hơi nước nhanh.

Trồng cây đác
Cây đác được nhân giống bằng cách gieo hạt nhưng rất khó ươm và thời gian ươm rất lâu dài mới mọc mầm

2. Cách chăm sóc cây đác

Tưới nước thường xuyên mỗi ngày, lượng nước tưới nhiều hay ít tùy vào kích thước cây to hay nhỏ và được trồng ở nơi đất khô hay ẩm ướt. Trung bình tưới 2 – 3 lít nước/1 cây vào mỗi sáng sớm hoặc chiều tối mát. Nước tưới là nước sạch ở ao hồ, sông suối, nước vo gạo, rửa rau..nhưng không dính hóa chất tẩy rửa, đặc biệt lưu ý không dùng nước mặn để tưới cây. Đối với cây đác trưởng thành, nếu khô hạn dài ngày có thể tưới mỗi ngày từ 15 – 20 lít nước.

Sau khi trồng 7 – 10 ngày dùng Vi lượng hoa kỳ pha nước tưới giúp cây sinh trưởng nhanh về chất và lượng, tưới nhắc lại lần 2, lần 3 sau 7 – 10 ngày tiếp theo. Nếu để cây sinh trưởng tự nhiên phải mất từ 8 – 10 năm mới ra quả, trong quá trình chăm sóc nếu muốn cây phát triển nhanh phải dùng đến các loại phân kích thích sinh trưởng nhưng không nên lạm dụng quá nhiều.

Thường xuyên cào cỏ, vun xới đất giúp tơi  và thông thoáng đất, tỉa cành, bẹ lá sạch sẽ không để côn trùng trú ngụ trên cây, chỉ để lại từ 4 – 5 lá.

Cây đác là cây rừng tự nhiên nên thường rất ít khi bị sâu bệnh hại cây, nếu có chỉ là loài sâu đục thân ăn lõi, nhẹ thì cây vẫn sống được nhưng yếu khi sâu ăn hoàn toàn lõi lá cây vàng dần rồi chết hẳn. Bệnh này chữa dễ nhưng vì vỏ cây rất cứng không thể tìm thấy lỗ sâu để bơm thuốc trừ sâu nên cây thường chết mà không có dấu hiệu rõ ràng.

Cây đác có công dụng rất tốt đối với con người, do vậy hãy trồng và chăm sóc cây thật tốt để bảo vệ môi trường cũng như để sử dụng chúng mỗi ngày nhé.

5/5 - (3 bình chọn)