Hoa cúc là loại hoa đa dạng về màu sắc và chủng loại, hoa thường giản dị, mộc mạc nhưng mang ý nghĩa rất tốt đẹp. Ở nước ta họ cúc có khoảng trên 200 loài khác nhau, phổ biến nhất là hai loại cúc cảnh là cúc hoa vàng và cúc hoa trắng. Sau đây Canh Điền sẽ chia sẻ thông tin về cây cúc có công dụng làm thuốc nhé..
I. Giới thiệu về cây cúc
- Tên thường gọi: Cây hoa cúc
- Tên gọi khác: Cam cúc hoa, Bạch cúc hoa, hoàng cúc, cúc điểm vàng
- Tên tiếng anh: Flox Chrysanthemi (tên gọi của hoa cúc sấy khô)
- Tên khoa học: Chrysanthemum sinense Sabine.
- Họ thực vật: Cây thuộc họ Cúc Asteraceae hoặc Compositae
- Nguồn gốc xuất xứ: Hầu hết các loài hoa cúc đều có nguồn gốc từ Hy Lạp
- Tuổi thọ: Cây có tuổi thọ ngắn chỉ khoảng 1 – 2 năm
- Phân bố: Hoa cúc thuốc được trồng nhiều ở các trang trại sản xuất và chế biến thuốc đông y. Đối với hoa cúc cảnh được trồng rộng khắp mọi miền trên cả nước, trong đó có làng hoa nổi tiếng Nhật tân (Hà Nội), Hưng Yên, Đà Lạt, Đồng Tháp…
- Thời gian nở hoa: Hoa cúc thường nở vào khoảng tháng 6 – 9, đối với cây cúc cảnh thường nở quanh năm
- Màu sắc của hoa: Có hai màu hoa chủ đạo là màu vàng và màu trắng
- Gồm các loại cây: Có rất nhiều loại cúc thuốc như: Cúc hôi (hoa vàng có mùi hắc)… và một số loài cúc cảnh như: Cúc vạn thọ, cúc họa mi..Ngày nay hoa cúc được lai tạo ra nhiều màu như: cúc hoa đỏ, hoa tím…

II. Đặc điểm của cây cúc
- Hình dáng bên ngoài: Cây hoa cúc là cây thân thảo dạng bụi, thân cây có nhiều lông mềm, sờ có cảm giác nhặm và ngứa.
- Kích thước: Cây cúc trắng (Chrysanthemum sinense) có chiều cao khoảng 1,2 – 1,4m, cây cúc vàng (Chrysanthemum Indicum) có kích thước thấp hơn chỉ khoảng 50 – 90cm.
- Lá: Tùy từng loài mà lá cây cúc có nhiều dạng khác nhau, có loài dạng lá đơn hoặc lá kép, mọc đối hoặc mọc cách. Lá có màu xanh đậm, hình trứng xẻ thùy sâu, mặt dưới lá có nhiều lông trắng mềm. Khi cây già toàn bộ cành, lá, vàng úa rồi khô dần thành màu nâu.
- Hoa: Hoa cúc là dạng hoa lưỡng tính, được kết hợp bởi rất nhiều hoa nhỏ có dạng cánh hoa có kích thước nhỏ và dài chúng được gọi là tia hoa. Các tia hoa cùng nằm chung trên một đĩa hoa hay đài hoa có chứa noãn khi già phát triển thành hạt.
- Cành: Cây cúc phân thành nhiều cành thẳng đứng, cành giòn dễ bẻ gãy, trên thân cây và cành có các gờ rãnh và có nhiều lông mao trắng bao phủ. Cây non lông mềm hơn và cứng nhặm khi cây già.
- Quả: Quả của cây cúc là dạng quả bế không có hạt và nứt nẻ khi quả già, chỉ nhân giống được từ hạt ở hoa khi hoa rụng cánh.
III. Ý nghĩa và tác dụng của cây cúc
1. Ý nghĩa
Theo phong tục của người Việt, vào các dịp tết, rằm hay các ngày giỗ của dòng họ, giỗ trong gia đình thường có bó hoa cúc trắng để thắp hương bàn thờ tổ tiên. Hoa cúc tuy giản dị, mộc mạc nhưng chân thành. Do đó cắm hoa cúc với nhiều màu sắc cũng là để tôn kính ông bà, cha mẹ đồng thời điểm tô cho ngôi nhà thêm ấm áp và rực rỡ sắc màu.
Hơn nữa, dùng hoa cúc cúng bái tổ tiên cũng là để tôn thờ những người đã khuất và mong rằng ở thế giới bên kia các linh hồn sẽ được chở che và không bị lạc lõng.
2. Tác dụng
- Tác dụng trong trang trí, làm cảnh
Cây hoa cúc được trồng rất phổ biến ở trên khắp cả nước, cây cho hoa thơm và màu sắc sặc sỡ. Chúng được trồng với mục đích làm cảnh trong khuôn viên vườn nhà, cổng vào nhà ở, trường học, công viên,vườn thuốc nam của bệnh viện, vườn hoa quanh vòng xuyến giao thông…Chúng rất được ưa chuộng do giá thành phải chăng và hoa cũng bền màu, lâu tàn.
- Tác dụng chữa bệnh
Theo đông y, cây hoa cúc có vị đắng, ngọt, tính bình chủ trị các chứng bệnh ở các kinh: Can, tỳ, phế, thận. Hoa cúc phơi hoặc sao khô có tác dụng chữa các chứng cảm mạo có sốt, giai đoạn đầu các bệnh truyền nhiễm như: Sởi, thủy đậu, làm dịu các nốt ban chẩn…
Dùng trà hoa cúc thường xuyên có tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, giải độc, chữa các bệnh đường hô hấp: Hen phế quản, viêm họng, viêm phổi…
- Tác dụng khác
Nụ và hoa khô của cây cúc ngoài việc dùng để làm thuốc chữa bệnh ra còn dùng để ướp trà uống.
Hoa cúc tươi có màu sắc rực rỡ thường dùng để thờ cúng tổ tiên, thần linh trong các dịp lễ tết, giỗ chạp..trong văn hóa của người Việt ta.
Một số địa phương còn trồng hoa cúc để lấy phấn hoa nuôi ong mật, ngoài mật ong Bạc hà ra thì mật ong hoa Cúc cũng là món hàng có giá thành khá cao.

IV. Cách trồng và chăm sóc cây Cúc
1. Cách trồng cây
Cây hoa cúc là cây rất dễ trồng và chăm sóc, cây thích nghi rất tốt với điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Do vậy, mà cây được trồng khắp mọi nơi kể cả xứ nóng hay lạnh kể cả chất đất nghèo dinh dưỡng nhất.
- Nhân giống và chọn giống
Cây hoa cúc được nhân giống bằng phương pháp gieo hạt và giâm cành. Cần chọn cây giống từ cây mẹ còn tơ, khỏe, không sâu bệnh, độ tuổi từ 8 tháng đến 1 tuổi.
Cắt thành từng đoạn ngắn khoảng 20 – 30cm, rồi cắm đoạn gốc xuống xô thuốc kích thích ra rễ đã được pha sẵn khoảng chừng 15 phút trước khi trồng. Làm được như vậy tỷ lệ ra rễ cao hơn so với cây không cắm.
- Đất trồng và cách trồng
Chọn vị trí trồng hoa cúc thích hợp, rạch đất sâu khoảng 15cm, đập đất cho tơi nhỏ rồi rắc phân chuồng hoai mục trộn đều với đất ủ cho ải đất để khoảng 30 ngày sau đó mới trồng.
Bạn cũng có thể ươm bằng hạt hoặc ươm cành hoa cúc vào bầu trước cho cành giống khỏe mạnh, ra nhiều mầm con rồi mới đem trồng nơi đất mới, như vậy cây sẽ sống hoàn toàn.
Cách trồng: Cuốc hố đã ủ phân sẵn, cắm cành hoa cúc đã ra rễ nhẹ nhàng xuống sâu khoảng 15cm tránh làm đứt rễ cây. Mỗi cành cách nhau khoảng 20 -30cm, vùi đất nhỏ tơi và ấn nhẹ rồi tưới nước cho chặt đất tránh để khe hở sẽ làm héo phần cành dưới đất.
2. Cách chăm sóc cây
Tưới nước sạch là khâu quan trọng nhất, tưới mỗi ngày một lần cho đến khi nảy mầm.
Nếu cành cắm bị héo khô cần thay thế bằng cách khác.
Sau khi trồng cây cúc khoảng 10 – 15 ngày cành vẫn tươi thì pha phân vi lượng tưới vào gốc, tưới hai lần mỗi lần cách nhau khoảng 7 – 10 ngày..
Thường xuyên nhổ cỏ gốc và vun đất tránh xói mòn đất làm trơ rễ cây, làm cây hấp thụ dinh dưỡng kém.
Các loại phân bón hay dùng: Có thể dùng phân vi sinh , phân đa trung vi lượng, bạn có thể bón rồi lấp đất để phân không bị bốc hơi khi nắng và bị rửa trôi khi mưa. Bạn cũng nên bón ít nhất mỗi năm một lần phân chuồng để tạo mùn hữu cơ cho đất nhé.
Cây hoa cúc cũng hay gặp một số bệnh như: Sâu ăn lá, nấm, phấn trắng hại thân cây. Chỉ cần theo dõi vườn hoa thường xuyên là bạn có thể phòng trừ sâu bệnh được kịp thời. Đối với các loại sâu khi có với mức độ ít thì bắt bằng tay, nếu mức độ nhiều thì dùng Reasgant 3.6 EC + thuốc dòng nấm Man xanh hoặc Timan 80WP pha theo nồng độ hướng dẫn. Để có hiệu quả tốt nên phun vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát đúng lúc sâu hoạt động mạnh sẽ diệt hoàn toàn sâu hại.
Để có một vườn hoa cúc đẹp rực rỡ, bạn cần chăm sóc đúng kỹ thuật như trên để kéo dài tuổi thọ cho cây nhé. Vì cây hoa hay cây cảnh cũng được coi là người bạn đồng hành mỗi khi có niềm vui hay nỗi buồn, mỗi khi ngắm hoa là những lúc tâm hồn được thư thoải mái nhất.