Chùm hôi là loài cây rừng rất quý bởi cây có công dụng chữa vô số các loại bệnh trên cơ thể người. Các bộ phận của cây còn được dùng để chiết xuất lấy tinh dầu có công dụng rất hiệu quả. Bài viết sau đây sẽ nói rõ hơn về công dụng của chùm hôi nhé.
I. Giới thiệu về cây Chùm hôi
- Tên thường gọi: Cây chùm hôi
- Tên gọi khác: Cây kim sương, cây chùm hôi trắng, Ớt rừng
- Tên khoa học: Micromelum falcatum (Lour.)
- Họ thực vật: Cây thuộc họ Cam (Rutaceae)
- Tuổi thọ: Cây sống lâu năm
- Nơi sống: Cây chùm hôi thường mọc tự nhiên dưới tán rừng thưa, núi đá vôi thuộc khu vực miền núi phía Bắc.
- Nguồn gốc xuất xứ: Cây có nguồn gốc ở khu vực Đông Nam Á (tên gọi cũ là Đông Dương)
- Phân bố: Cây phân bố chủ yếu từ vùng núi khu vực nam Trung Quốc chạy dài đến Ấn Độ đến các nước Đông Nam Á, Australia, Indonesia,… Ở Việt Nam, chùm hôi thường mọc ở đồi núi thấp của tỉnh Hà Tây, Hòa Bình, Cao Bằng, Thanh Hóa, Lạng Sơn…

II. Đặc điểm của cây Chùm hôi
- Hình dáng bên ngoài: Chùm hôi là cây thân gỗ nhỡ, vỏ cây, cành có màu xám trắng, nhẵn, riêng ở cành non có lông mịn.
- Kích thước: Cây trưởng thành có thể cao từ 15 – 20m
- Lá: Lá cây chùm hôi là dạng lá kép mọc so le, có từ 7 – 9 lá chét hình mũi mác chóp nhọn, lá màu lục hơi ngả vàng, mép lá hình răng cưa uốn lượn. Gân lá lồi lên, hai mặt của các lá chét đều có lông tơ mịn bao phủ.
- Hoa: Hoa chùm hôi thường mọc thành chùm ở đầu cành, hoa màu trắng hoặc vàng nhạt có 5 cánh nhẵn cong trĩu xuống, đài hoa hình trứng có nhiều lông mịn. Mùa hoa chùm hôi từ tháng 1 – 3 háng năm.
- Quả: Quả chùm hôi khá nhỏ tầm quả xoan có hình trứng, vỏ nhẵn, khi non màu xanh lục khi chín chuyển màu vàng cam và chín rộ đổi màu đỏ đậm. Bên trong quả có 2 – 3 ngăn, mỗi ngăn chứa 1 hạt. Mùa thu hoạch quả vào tháng 9 – 10 hàng năm.

III. Tác dụng của cây Chùm hôi
Chùm hôi là một vị thuốc đông y rất quý được dùng rộng rãi trong y học cổ truyền. Các bộ phận của cây được dùng làm thuốc là rễ và lá, rễ thu về cần rửa sạch, băm mỏng, phơi hoặc sao khô vàng vỏ.
Theo đông y, rễ và lá cây chùm hôi có vị đắng, cay, tính ôn (ấm) có tác dụng tiêu tán ứ, giãn cơ gân, giảm đau, hoạt huyết, giải độc có hiệu quả rất tốt.
- Lá sao vàng, thơm dùng để trị cảm mạo, sốt. Lá tươi giã nát đắp vào vết rắn cắn và các vết thương nhiễm trùng hay vết bọ ngứa đốt.
- Rễ sao khô sắc uống chữa đau họng do viêm, ho hen, tức ngực đau dạ dày và chứng kinh nguyệt không đều. Rễ ngâm rượu nặng khoảng 35 – 450 C xoa bóp cũng làm giảm chứng đau, tê bại, co quắp chân tay do phong thấp. Xoa bóp ngoài da làm tan máu tụ bầm tím do bị đòn đau, do ngã.
- Lá, hoa, vỏ và quả được đun chiết xuất lấy tinh dầu bôi ngoài da.
- Thân và cành dùng làm củi đun.
IV. Cách trồng và chăm sóc cây chùm hôi
1. Cách trồng cây
- Nhân giống
Cây chùm hôi là cây khá dễ trồng và chăm sóc, cây được nhân giống bằng cách gieo hạt và chiết cành.
- Thời vụ trồng
Thời điểm trồng thích hợp từ tháng giêng đến tháng tám hàng năm, tránh trồng vào mùa lạnh cây kém sinh trưởng thậm chí chết cây con.
- Đất trồng
Cây chùm hôi không kén chọn đất có thể trồng bất cứ loại đất nào nhưng đất cần độ ẩm cao và mát mẻ và không thể thiếu độ màu mỡ.
Phát dọn cỏ sạch sẽ, để lại cây cỏ xung quanh hố trống để tạo độ ẩm cho đất vừa làm giảm lượng cỏ mọc trên hố trồng.
Nếu trồng trên đất bằng phẳng cần làm luống cao khoảng 50cm, mỗi luống là một hàng cây. Cây cách cây là 3 – 4m, hàng cách hàng là 5m, trồng với khoảng cách rộng để tiện chăm sóc, giúp cây thông thoáng và giảm lượng sâu bệnh hại cây.
Hố trồng cây chùm hôi phải được đào với kích thước tối thiểu là 30 – 30 x 30cm, mỗi hố cần bón lót khoảng 3 – 5kg phân chuồng hoai mục, 0,5kg phân Lân hạt chậm tan trước trước khi trồng.
- Cách trồng
Sau khi đã chuẩn bị được giống cây chùm hôi ta tiến hành trồng luôn. Trước tiên gỡ bỏ túi nilon bọc bầu rồi đặt cây giống xuống hố và lấp đất nhỏ và mịn xuống hố. Lưu ý là không nên ấn chặt đất làm nghẹt rễ khiến cây con sinh trưởng kém.
Sau đó cắm cọc cố định cây lại giúp thân cây không bị nghiêng đổ do gió bão. Nếu sau trồng mà bị nắng gắt, cần phải có biện pháp che chắn cho cây con hợp lý tránh chết nắng.

2. Cách chăm sóc cây chùm hôi
- Tưới nước
Sau khi trồng cần tưới đủ nước cho cây chùm hôi nhất là ngày nắng gắt và mùa hanh khô, tưới ít nhất 1 lần/ngày vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối, những ngày râm mát, mưa nhỏ không cần tưới.
Khoảng 10 ngày sau khi trồng, pha nước sạch với thuốc Vua ra rễ tưới vào gốc khoảng 500ml/1 cây, tưới ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau 10 – 15 ngày để rễ ra đều và cây khỏe mạnh hơn.
Cây cần cung cấp nhiều nước trong thời điểm cây chùm hôi chuẩn bị ra hoa và đậu quả, quả đang lớn, lúc này nên tưới vòi tóe nhỏ tránh làm hại hoa sẽ kém đậu quả.
- Phân bón
Khi cây chùm hôi còn non khoảng 1 – 2 năm đầu chỉ cần tưới các loại phân dạng lỏng là đủ. Khi cây trưởng thành hơn bắt đầu ra hoa nên dùng phân lân hữu cơ dạng viên bón gốc rồi lấp đất để cây hấp thụ dần.
Khi cây chùm hôi đã đậu quả nên dùng thêm các loại phân bón chứa nhiều vi lượng và khoáng để cây đủ dinh dưỡng nuôi hoa và quả. Các loại phân có thể dùng như: Ogen, DAP, Nitex, Nông gia.. Bón vào các thời điểm như: sau khi đậu quả, chuẩn bị thu hoạch và sau khi thu hoạch và cắt tỉa cây.
- Kỹ thuật cắt tỉa, tạo tán
Cây chùm hôi nếu được chăm sóc tốt chỉ sau 2 năm là có thể thu hoạch làm thuốc nam. Để có chất lượng tốt nhất nên để tuổi thọ cây khoảng 3 năm trở lên mới thu hoạch, lúc này cây mới có giá trị dược liệu tốt nhất.
Thời điểm này cây chùm hôi đã to, nhánh dài cần phải cắt tỉa những nhánh tăm, kém chất lượng, tỉa bỏ lá gốc vàng úa để thoáng cây tránh sâu bệnh xâm nhập.
- Phòng trừ sâu bệnh
Cây chùm hôi là cây dược liệu nên hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật sẽ gây hại đến người dùng thuốc. Nếu có các loại côn trùng hay sâu hại nên dùng cách thủ công để bắt sâu, bắt sâu chủ yếu vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối thời điểm này sâu hoạt động mạnh nhất.
Chùm hôi là cây dược liệu rất quý đối với ngành y học cổ truyền, nhưng hiện nay số lượng cây rừng tự nhiên thì đã bị phá bỏ nhiều. Do đó, cần gây trồng với số lượng lớn để đáp ứng đủ nhu cầu cho ngành bào chế dược liệu.