Cây Chanh

Quả chanh là thứ quả được dùng nhiều trong các bữa ăn hàng ngày. Tuy chanh có vị chua nhưng lại là món gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn, và các bộ phận của cây chanh cũng có nhiều tác dụng rất bất ngờ mà ít người biết đến.

I. Tổng quan về cây chanh

Tên thường gọi: Cây chanh
Tên tiếng anh: Lemon tree
Tên khoa học: Citrus aurantifolia
Họ thực vật: Rutaceae (Họ cam chanh)
Nguồn gốc xuất xứ: Cây có xuất xứ từ Đông Nam Á, sau đó lan truyền ra nhiều khu vực trên thế giới
Nơi sống: Cây chanh thường trồng ở ruộng cạn, đồi núi thấp..
Phân bố: Ở nước ta, cây chanh được trồng nhiều khắp từ Bắc vào Nam.
Tuổi thọ: Cây sống lâu năm
Thời gian nở hoa: Hoa chanh chính vụ là hoa nở tháng giêng, tháng hai, đối với cây chanh tứ mùa hoa thường nở quanh năm.
Màu sắc của hoa: Hoa chanh màu trắng khi nở vào mùa hè, màu tím khi nở vào mùa đông.
Bao gồm 8 loại giống cây chanh như sau:
  • Giống cây chanh ta: Là cây giống được trồng từ rất lâu đời, lá và vỏ quả có mùi thơm đặc trưng. Vỏ, lá, tầm gửi của cây chanh ta thường được dùng để làm thuốc, lá, quả dùng làm gia vị cho các món ăn.
  •  Giống chanh tứ mùa (chanh tứ quý, chanh chùm, chanh dây): Là cây cho năng suất cao nhất.
  • Giống cây chanh đào (chanh lõi hồng): Giống chanh này cũng được dùng làm thuốc.
  • Giống cây chanh không hạt:
  •  Giống cây chanh Cẩm Thạch: Vỏ quả chanh giống màu đất.
  •  Giống cây chanh Đỏ: Cây xuất xứ từ Úc, chủ yếu trồng để làm cảnh.
  •  Giống cây chanh Vàng Úc: Xuất xứ từ Úc, là cây chanh cảnh.
  • Giống cây chanh Sunrise: Cây có xuất xứ từ Úc, trồng làm cảnh. 
Cây chanh
Cây chanh sống lâu năm, thường trồng ở ruộng cạn, đồi núi thấp..

II. Đặc điểm của cây chanh

  • Hình dáng bên ngoài: Cây chanh tứ mùa là cây thân gỗ nhỏ, thân phân chia thành nhiều cành nhánh từ gốc lên ngọn, tán lá xòe xum xuê nếu được chăm sóc tốt.
  • Kích thước: Cây chanh trưởng thành nếu được chăm sóc đúng cách có thể cao 4 – 5m, đối với cây chanh tứ mùa thường bấm ngọn hãm chiều cao khoảng 3m để dễ thu hái.
  • Cành: Thân và cành chanh tứ mùa thường có nhiều gai sắc nhọn, cành chồi càng to, mập thì gai càng dài khoảng 5cm, gai ở các cành nhánh nhỏ và ngắn hơn.
  • Lá: Lá chanh thuộc dạng lá đơn, mọc so le, có hình trái xoan hoặc hình trứng hơi nhọn về phía đuôi lá. Lá non mỏng màu xanh lá mạ, lá già dày, cứng hơn màu xanh đậm hơn, kích thước dài x rộng khoảng  (5 – 10 x 3 – 5cm). Mép lá có răng cưa nhưng khoét hơi nông. Vào mùa đông lá chanh có hiện tượng vàng lá sinh lý và chỉ rụng những lá già.
  • Hoa: Hoa chanh nói chung đều có 5 cánh rời, có từ 20 – 25 nhị trên một hoa xếp thành vòng tròn ở gốc cánh hoa, trong tâm nhị là quả non đang hình thành. Hoa ra ở kẽ lá hoặc ở ngọn cành, ra theo chùm hoặc theo dây dài suốt theo chiều dài của cành. Mùa hè  hoa chanh thường là hoa màu trắng, khi nở vào mùa đông hoa có màu phớt tím hoặc tím, hoa nở quanh năm.
  • Quả:  Quả chanh có nhiều hình dạng khác nhau, tùy vào giống chanh nhưng chủ yếu có hình cầu, vỏ chanh non thường sần sùi, quả càng to vỏ càng nhẵn dần và mọng nước. Khi quả chanh đã mọng không thu hái kịp thời vỏ quả chuyển màu hung  vàng, khi chín rộ đổi màu vàng rực (màu vàng cam). Khi bóc vỏ quả chanh ra có nhiều múi khoảng 10 – 12 múi, tép nhỏ mọng nước có vị chua gắt, bên trong các màng múi có chứa hạt.
  • Hạt: Quả chanh càng to lại càng ít hạt trung bình khoảng 5 – 8 hạt, hạt có hình elíp nhọn ở  hai đầu, khi ăn có vị đắng.
Xem thêm:  Các loại cây trồng trong công viên phổ biến nhất hiện nay

III. Công dụng của cây chanh 

Cây chanh được trồng rải rác khắp đất nước và quả cũng có rất nhiều công dụng. Dưới đây là một số công dụng của một số bộ phận của cây chanh. 

 1. Tác dụng ẩm thực

Lá chanh thường được dùng để chế biến thức ăn, dùng làm gia vị để ăn với thịt gà và ốc. Nước cốt chanh dùng làm nước chấm thịt, rau, ngoài ra nước chanh cũng được dùng để pha chế nước giải khát. 

2. Tác dụng chữa bệnh

Lá chanh thường dùng để đun cùng với các loại lá khác để tắm xông giúp giải cảm rất tốt. 

Rễ chanh và tầm gửi chanh sao khô dùng để sắc uống chữa các chứng ho do thời tiết. 

Vỏ quả chanh vắt bớt nước  ngâm cùng với mật ong để súc miệng, súc họng khi ho do lạnh ở người lớn tuổi.

Nước chanh có nhiều vitamin C nên có tác dụng thanh nhiệt, tiêu thực, chống nôn thường dùng để pha uống khi ngộ độc rượu, làm giảm căng thẳng thần kinh (stress), 

3. Tác dụng làm đẹp

Quả chanh ép lấy tinh dầu dùng để xóa các vết thâm do mụn, trứng cá để lại, giúp làm đẹp da. 

4. Tác dụng khác

Tinh dầu chanh, nước chanh còn được dùng để sản xuất ra các loại dầu như: Dầu gội đầu, dầu rửa bát..

Ngoài ra, cây chanh còn được trồng trong sân vườn để làm cây ăn quả, trồng làm kinh tế, làm cảnh, tạo không gian xanh cho sân vườn.

Tìm hiểu về cây chanh
Cây chanh có tác dụng làm cảnh rất đẹp

IV. Cách trồng và chăm sóc cây chanh

Cây chanh được nhân giống bằng phương pháp chiết cành, ghép cành và gieo hạt. Phương pháp gieo hạt hiện nay không dùng vì cây trồng từ phương pháp này lâu bói quả, thân cây quá cao và  nhiều gai. Dưới đây là hướng dẫn cách trồng và chăm sóc cây chanh tứ mùa ghép cành, mắt ghép là mắt chanh, gốc ghép là gốc cây bưởi hoặc gốc cây chấp (cây chúc).

Xem thêm:  Cây Cỏ Ngũ Sắc

1. Cách trồng cây

  • Chọn giống

Chọn cây giống chanh ghép có phẩm chất tốt, cây giống phải sạch sâu bệnh. Cây con cao khoảng 50 – 60cm, lá xanh tốt, bộ rễ màu vàng hoặc màu trắng đẹp, thân cây không bị tổn thương, trầy xước.

  •  Thời vụ trồng

Cây chanh nói chung có thể trồng được quanh năm nhưng để trồng cây với quy mô lớn cho mục đích kinh doanh thì nên trồng từ tháng giêng đến tháng tám. Nếu trồng vào mùa đông  bộ rễ cây sẽ kém phát triển. 

  •  Mật độ trồng

Đối với đất đồi nên trồng dày với mật độ cây cách cây khoảng 3 – 4m, hàng cách hàng là 4m. 

Đối với đất ruộng bằng phẳng khoảng cách cây cách cây từ 4 – 5 m, hàng cách hàng là 5m. Vì đất ruộng ẩm, rễ cây phát triển nhanh hơn, tán rộng hơn nên phải trồng thưa hơn. 

  • Đất trồng

Trước khi trồng cây chanh nên dọn cỏ sạch sẽ, cày bừa cho tơi đất, đánh rãnh xung quanh ruộng hoặc cứ hai hàng cây trồng đào một rãnh thoát nước sâu khoảng 30cm, rộng khoảng 50cm để tránh ngập úng khi mưa dài ngày. Có thể đắp mô cao thêm khoảng 30cm để cây không bị thối rễ. 

Đào hố trồng cây chanh với kích thước 30 x 30 x 30cm sau đó rắc vôi bột xử lý mầm bệnh trong đất  khoảng một tháng. Rồi lót phân chuồng mục hoặc tro trấu đốt trộn đều với đất ủ thêm khoảng 15 ngày là đem cây trồng.

Nếu trồng trên đất đồi khô nên tưới nước cho đất ẩm trước khi trồng. Nếu đất ruộng đã đủ độ ẩm thì không cần tưới.

  •  Cách trồng

 Rạch xé bầu đất và đặt cây giống chanh xuống hố đã ủ lót phân ủ sẵn, đặt thẳng cây rồi vùi đất tơi xốp nhẹ nhàng ấn xung quanh bầu cây. Không nên lấp đất quá cao, chỉ lấp quá mặt bầu khoảng 2 – 3cm. Đối với cách trồng cành chiết nên đặt cành nằm nghiêng  theo cành nhánh ít hay nhiều. 

2. Cách chăm sóc cây

  • Tưới nước

 Cần tưới nước luôn sau khi trồng cây chanh đối với đất đồi khô hạn, nếu trồng vào khoảng thời  gian nắng nóng nên dùng biện pháp che phủ cho cây tránh héo chết do nắng. Khi cây hồi phục trở lại nên gỡ bỏ vật che chắn để cây hấp thụ ánh sáng giúp sinh trưởng nhanh. 

Những ngày sau đó tưới ít nhất mỗi ngày một lần vào lúc sáng sớm hoặc lúc chiều mát. Ngày râm mát không nên tưới vì cây chanh non cũng chưa cần quá nhiều nước. 

Khi cây chanh non ra lớp chồi mầm đầu tiên bắt đầu bón thúc, có thể bón bằng phân bón rễ hoặc bón lá đều được. Có thể tưới phân nước Siêu Rễ để kích thích ra rễ nhiều hơn, rễ to và nhiều rễ tơ hơn giúp hấp thụ dinh dưỡng nhanh hơn. Tưới vào gốc cây 2 lần,  mỗi lần cách nhau 5 – 10 ngày.

  • Phân bón
Xem thêm:  Cây Mai Chiếu Thủy

Nếu có cỏ mọc quanh gốc cần xới cỏ, đảo đất làm đất tơi xốp hơn, khi ra mầm đợt hai bón thúc lần 2 bằng phân hữu cơ. Có thể dùng các loại phân như sau: Nitex (16 – 16 – 8) hoặc  Quế Lâm. Nếu đất giàu dinh dưỡng thì giảm lượng phân xuống còn một nửa, khi cây chanh to hơn nên bón tăng lượng phân lên. 

Lưu ý: Không nên dùng phân hóa học bón cho cây chanh vì phân sẽ làm trai, cứng đất rễ kém phát triển và khi bón nhiều có thể gây ngộ độc cho cây và đất. 

Khoảng một năm sau khi trồng nếu được chăm sóc đúng cách là cây chanh bắt đầu cho thu hoạch lứa quả đầu tiên nhưng với số lượng ít. Lúc này cây còn non mà đã sai quả cần phải bổ sung thêm nhiều loại phân khác như: vi lượng, khoáng, kali..để cây phát triển tốt nhất.

  •  Tỉa cành tạo tán

Tỉa cành là công việc cần làm thường xuyên trong quá trình chăm sóc cây. Để cây chanh được thông thoáng, quang hợp tốt, sạch sâu bệnh hại cây sẽ cho năng suất chất lượng nông sản cao.

Tỉa cành tạo tán cho cây sao cho ở phần gốc, thân cây đều có thể nhận được ánh sáng. Tỉa bỏ những cành tăm, cành yếu hay mọc trong gầm cây (sát đất) hoặc những chồi non trong thân phát triển quá nhiều để tập trung nuôi những cành đang nuôi quả..

  • Phòng trừ sâu bệnh hại

Thường xuyên theo dõi vườn cây để tìm ra sâu bệnh hại cây cũng như có hướng xử trí kịp thời. Cũng như các cây khác cùng họ như: Cam, bưởi, quýt nên cây chanh cũng thường gặp các loại sâu bệnh hại như nhau như: Ghẻ quả, thối quả, nhện trắng, nhện đỏ ăn quả, ăn lá, rệp ăn búp non, thối rễ, xì mủ gốc.

  • Bệnh ghẻ quả, thối quả:  Do nấm gây ra nên dùng thuốc: Cacbenzim, Timan pha theo nồng độ hướng dẫn trên bao bì.
  • Nhện trắng và nhện đỏ:  Dùng Sulux và Komite hoặc Kamai pha như hướng dẫn.
  • Rệp, bọ trĩ: Dùng Monifos  hoặc Reagant pha theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
  • Xì mủ gốc: Dùng Ridomil Gold pha đặc bôi vào thân cây, gốc nơi có mủ chảy ra, bôi đến khi chảy nhựa trắng trong là khỏi bệnh.
  • Thối rễ: Dùng Nấm Alimet để phun tưới vào gốc tưới xung quanh bán kính của tán.

Trên đây là những chia sẻ về cách trồng và chăm sóc cây chanh, cây cũng dễ trồng nhưng không hề dễ chăm sóc. Cây không chịu được úng và cũng không chịu được khô hạn, vì thế cần phải có chế độ chăm sóc thích hợp để tuổi thọ của cây được cao hơn. Chúc các bạn có vụ mùa bội thu!

5/5 - (3 bình chọn)
Về Kim Chung

Xin chào, Mình là Chung. Hi vọng rằng với những nội dung chia sẻ về Trồng trọt, chăn nuôi và làm vườn sẽ giúp các bạn phát triển nông nghiệp tốt nhất.

1 bình luận về “Cây Chanh”

  1. Cảm ơn ban. Mình muốn hỏi cây chanh ghép mắt trên thân cây chủ là cây bưởi. Mình mua và chăm sóc cây lên tốt, nhưng lá ra đợt đầu tiên là lá bưởi, mình đã cắt các cành ra la bưởi. Hiện giờ cây cho lá như cây chanh nhưng lá to, cứng, cành có gia dài và nhọn như gai bưởi, cứng. Ngắt lá thì mùi hương không thuần là hương của chanh mà pha lẫn mùi lá bưởi. Mình đã bỏ qua khâu nào nhỉ. Mình trồng gia đình thôi, có 2 cây. Mà nản quá.

    Trả lời

Viết một bình luận