Cây chà là hiện nay đang là cây có giá trị kinh tế khá cao, ngoài việc trồng để làm cây cảnh, bóng mát chà là còn cho thu hoạch quả với số lượng khá lớn đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người trồng cây. Quả chà là tuy bé nhỏ nhưng chứa đựng trong nó là vô số chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe và đặc biệt là chứa chất chống lão hóa giúp kéo dài tuổi thanh xuân ở phụ nữ.
I. Giới thiệu về cây Chà là
- Tên thường gọi: Cây chà là
- Tên gọi khác: Cây chà là nam, cây phượng vũ
- Tên tiếng anh: Dwarf date palm, Dattier nail, Dattier sauvage
- Tên khoa học: Phoenix loureiri
- Họ thực vật: Thuộc họ Cau – Arecaceae
- Nguồn gốc xuất xứ: Cây chà là có nguồn gốc từ Châu Phi
- Nơi sống: Cây thường mọc ở những nơi sa mạc khô cằn, nguồn nước ít ỏi
- Phân bố: Từ quê hương Châu Phi sau đó cây được trồng rộng rãi sang các nước Châu Âu và châu Á. Hiện nay, ở nước ta cây chà là cũng được trồng ở nhiều nơi nhưng chủ yếu là vùng đồng bằng sông Cửu long, nhiều nhất là trồng ở Sa Đéc – Đồng Tháp..
- Tuổi thọ: Sống lâu năm
- Màu sắc của hoa: Hoa có màu ánh vàng
- Thời gian nở hoa: Chà là ra hoa vào khoảng tháng 2-3
- Gồm các loại cây: Chà là có 4 loại chính:
-
- Chà là cảnh (Phoenix roebelenii O’Brien)
- Chà là bụi (Phoenix reclinata Jacq)
- Chà là núi (còn gọi là muồng muồng: Phoenix humilis Royle)
- Chà là cứt chuột (còn gọi là Chà là biển: Phoenix paludosa Roxb)

II. Đặc điểm của cây Chà là
- Hình dáng bên ngoài: Chà là là cây thân cột, thẳng to, trên thân có nhiều đầu cuống to, xù xì giống như thân cây cọ
- Kích thước: Cây có chiều cao khoảng 5 – 6m hoặc cao hơn cả chục mét nếu cây có tuổi thọ lâu năm
- Lá: Lá cây chà là thuộc dạng lá kép lông chim, chóp nhọn, dài khoảng 30 – 50cm, bề rộng lá kép chỉ khoảng 5 – 7cm có màu xanh đậm. Các lá kép đều nằm đối xứng trên một cuống lá dài khoảng 2 – 3m, cuống lá có gai dài sắc nhọn, lá cong rủ xuống trông khá đẹp mắt. Khi lá già vàng úa, có thể tự gãy hoặc ở những khu vườn sinh thái nên dùng dao chặt bằng đầu cuống giúp tạo mỹ quan cho khu vườn. .
- Hoa: Hoa chà là thuộc hoa đơn tính, chúng được thụ phấn nhờ gió và côn trùng. Hoa chà là thường ra thành chùm to có màu ánh vàng, chúng mọc tập trung trên cùng một cuống dài khoảng 50cm.
- Quả: Quả chà là thuộc dạng quả hạch mềm, gần giống quả cọ. Khi non có màu xanh lục và khi bắt đầu chín có màu vàng óng, đến khi quả chuyển màu nâu đỏ là chín rộ. Cây cho thu hoạch vào khoảng tháng 10 – 12.
III. Ý nghĩa và tác dụng của cây Chà là
1. Ý nghĩa phong thủy
Cây chà là sống được trên đất nghèo dinh dưỡng, khô cằn cùng với những chùm quả dày đặc, màu vàng óng trên cành. Điều đó thể hiện sức khỏe dẻo dai, trường thọ, con cháu đông vui đầy đàn và mang lại nhiều tiền bạc, sự sung túc, thịnh vượng cho gia chủ. Hơn nữa trồng cây trong nhà còn giúp xua đuổi tà khí, âm khí hại đến gia đình gia chủ.
2. Tác dụng
- Tác dụng phòng ngừa và chữa bệnh
Quả chà là tuy nhỏ nhưng chứa trong nó là rất nhiều thành phần dinh dưỡng giúp cung cấp năng lượng tức thì cho cơ thể. Nó chứa nhiều hàm lượng đường tự nhiên (Glucose, Fructose, Sucrose,..), chất béo không bão hòa (Lipid), chất xơ hòa tan, các chất khoáng (Canxi, magiê, sắt, natri, kali..) và các vitamin nhóm A và B (B1, B6, B12).
Các chất này giúp phục hồi cơ thể nhanh chóng sau khi làm việc mệt nhọc tránh hạ đường huyết, bù lượng điện giải đã mất khi bị Tiêu chảy cấp hoặc trong những ngày nắng nóng.
Quả chà là chứa chất béo không bão hòa (không no) đây là chất béo tự nhiên an toàn cho cơ thể, nên dù có ăn nhiều thì cũng không lo làm tăng đường huyết và tăng mỡ máu.
Quả chà là chứa chất xơ hòa tan nên có tác dụng tăng nhu động ruột giúp người bệnh Táo bón tiêu hóa được dễ dàng mà không cần dùng thuốc.
Vitamin A cũng có một lượng nhỏ trong quả chà là, nó giúp đôi mắt luôn khỏe mạnh, tránh được các bệnh như: Khô mắt do thiếu vitamin A ở trẻ nhỏ. Sắt cũng có nhiều trong quả chà là chín rộ màu đỏ tím, cung cấp Folate cho phụ nữ chuẩn bị, đang mang thai và đang cho con bú. Vì vậy, phụ nữ mang thai nên ăn nhiều các món ăn từ quả chà là để phòng bệnh cho cả mẹ và con.
Quả chà là còn chứa các vitamin nhóm B và chất chống lão hóa, đây là dưỡng chất quan trọng giúp phòng ngừa ung thư, làm đẹp da và giúp giữ mãi tuổi thanh xuân ở phụ nữ.
- Tác dụng trong trang trí, làm cảnh
Ngoài những tác dụng về mặt y học như trên, cây chà là còn được trồng ở nhiều nơi như: Các khu vườn sinh thái, sân vườn biệt thự… vừa để làm cảnh và làm bóng mát.
Những tán lá xòe rộng đung đưa trong gió và những chùm quả vàng óng giúp tô điểm thêm cho khu vườn sinh động và đẹp mắt hơn. Đây là địa điểm du lịch miệt vườn, du khách vừa được ngắm cảnh, chụp ảnh kỷ niệm hơn nữa còn được thưởng thức hương vị của quả chà là tươi nữa.
- Tác dụng khác
Cây chà là hiện nay cũng đang được trồng rộng rãi trên cả nước để phục vụ cho nhu cầu về cây cảnh, cây ăn quả. Quả được dùng để chế biến thành nhiều món ăn vặt như: Chà là ngâm rượu (dùng cho nam giới), làm mứt chà là, chà là sấy khô, ăn tươi tráng miệng… Do vậy, quả chà là có giá thành khá cao từ đó đem lại niềm vui cũng như tạo nguồn thu nhập cao cho người trồng cây.

IV. Cách trồng và chăm sóc cây Chà là
1. Cách trồng cây
- Nhân giống và chọn giống
Cây chà là được nhân giống chủ yếu bằng hạt hoặc tách mầm cây con tự mọc dưới gốc quanh cây mẹ.
Chọn quả chà là giống từ cây mẹ khoẻ mạnh có tuổi thọ từ 8 – 15 năm, quả đem về cần sơ chế để lấy hạt rồi phơi khoảng 2 nắng rồi đóng gói bảo quản đợi đến mùa vụ gieo trồng là đem ươm. Hạt giống được chọn ươm phải là hạt chắc mẩy, không bị mốc, mối mọt mới đảm bảo lên mầm.
Chọn cây chà là giống có chiều cao khoảng 30 – 50cm, có 3 – 4 lá, cây khỏe mạnh không bị sâu hại, bộ rễ chùm màu trắng hoặc vàng nhạt mập mạp. Nên vứt bỏ cây có bộ rễ bị thâm đen là dấu hiệu của bệnh thối rễ.
- Đất trồng và cách trồng
Chà là có sức chống chịu hạn tốt, có thể trồng được trên nhiều loại đất khác nhau kể cả là loại đất nghèo dinh dưỡng và đất phèn, đất mặn. Nhưng cần phải có chế độ chăm sóc và khử trùng đất tích cực.
Nếu trồng trên đất đất bằng phẳng, cần đắp mô đất cao khoảng 30cm để tránh bị úng nước gây thối rễ cây. Trồng cây chà là với mật độ cây cách cây khoảng 5m, hàng cách hàng là 7m để thoáng dễ chăm sóc cây và ít bệnh hại hơn.
Đào hố trồng cây chà là có kích thước khoảng 30 x 30cm x 30cm, rắc vôi khử trùng đất khoảng 2 – 3 tháng rồi lót khoảng 0,5 – 1kg phân chuồng hoai mục để ủ với đất thêm chừng 6 tháng đến 1 năm mới tiến hành trồng.
Cách trồng: Xé túi bầu ươm, đặt cây chà là xuống hố đã ủ phân rồi giữ cho cây thẳng đứng, lấp đất và nén chặt xung quanh bầu để cây đứng vững. Chỉ lấp quá mặt bầu 2 – 3cm để tránh bệnh nghẹt rễ.
2. Cách chăm sóc cây
Sau khi trồng tưới nước luôn cho cây, cây còn non nớt nên chỉ tưới với lượng nhỏ, tưới mỗi ngày 1 lần vào buổi sáng hoặc chiều mát.
Sau khi trồng khoảng 20 ngày có thể tưới thêm phân bón rễ giúp ra rễ mới nhanh hơn, bộ rễ to khỏe sẽ hấp thu dinh dưỡng nhanh hơn.
Thường xuyên nhổ cỏ, vun đất vào gốc cây chà là tránh làm nổi bộ rễ tơ cây sẽ kém phát triển đồng thời nhổ bỏ những cây còi cọc và trồng thay thế bằng cây mới.
Khi lá gốc già úa nên cắt bỏ và tỉa gai ở phần cuống để tránh xảy ra tai nạn khi chăm sóc cây. Mỗi cây chỉ để lại khoảng 7 – 10 lá vừa thoáng cây vừa sạch bệnh.
Cây chà là khoảng 6 – 7 năm tuổi mới cho thu hoạch, khi cây ra hoa cần phun thuốc kích hoa cho hoa nở đồng loạt và tăng tỷ lệ tự thụ phấn, kết trái đồng loạt sẽ dễ chăm sóc hơn.
Khi hoa bung cánh cần phun thêm thuốc đậu quả tránh rụng quả non nhiều làm giảm năng suất nông sản.
Sau khi thu hoạch quả, cần tỉa bỏ lá già ở phần gốc, tỉa bỏ cuống đã thu hoạch quả và phun thuốc Nấm kèm với thuốc Siêu sạch bệnh để tăng sức đề kháng cho cây chuẩn bị vào mùa vụ mới.
Quả chà là cũng ít sâu bệnh xâm nhập nên không phải phun phóng nhiều để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khi đến với người tiêu dùng.
Quả chà là có chứa nhiều dinh dưỡng nên có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe con người. Biết được ưu thế này nhiều nhà vườn đã tăng số lượng cây trồng để phục vụ cho nhu cầu mua cây cảnh hoặc thu mua quả tươi trên thị trường. Từ đó đôi bên hỗ trợ nhau cùng phát triển, làm giàu cho quê hương, hơn nữa là đưa sản phẩm vươn ra thị trường thế giới.