Bất cứ một nơi nào dù là thành thị, nông thôn hay là các khu du lịch, bãi biển đều cần có cây xanh để giúp điều hòa không khí và làm đẹp cảnh quan môi trường. Cây có kích thước cao hay thấp đều có vị trí thích hợp riêng của nó, cây cau bụng cũng vậy. Tuy không mang màu sắc hấp dẫn nhưng với dáng vẻ cây đơn độc mà lại mang nét cao sang, cây lại thích hợp trồng ở những nơi có nhà cao tầng, không gian thông thoáng giống như bản tính của cây vậy.
I. Giới thiệu về cây Cau bụng

II. Đặc điểm của cây Cau bụng
- Hình dáng bên ngoài: Cây cau bụng là cây thân trụ vỏ màu xám trắng thường mọc đơn độc, thân thẳng, ở phần gốc thì thon gọn lên đến đoạn giữa phình to ra trông giống như “bụng bầu” và thu gọn dần trở lên ngọn. Trên thân cây có nhiều nốt sẹo nhìn hơi lồi lên nhưng sờ nhẵn vòng theo bề ngang thân cây.
- Kích thước: Cây cau bụng trưởng thành đạt chiều cao khoảng 15 – 20m, đường kính thân cây khoảng 20cm, riêng chỗ phình to đường kính khoảng 30 – 40cm.
- Lá: Lá của cây cau bụng dài khoảng 3 – 4m, lá cong rủ xuống tạo thành tán xòe rộng, lá có dạng kép lông chim màu xanh đậm. Mỗi đầu lá là một bẹ to ôm lấy thân cây, khi lá già úa thì bẹ bong ra khỏi thân cây và gập xuống rồi rụng đi khi lá khô thường để lại sẹo vòng tròn thân cây. Lá chỉ mọc tập trung ở trên ngọn, khi một lá già rụng đi cây lại mọc thêm lá non mới, cây thường xanh tốt quanh năm.
- Hoa: Hoa cau bụng là dạng hoa đơn tính mọc thành từng cụm từ kẽ các lá già. Các cụm hoa dài khoảng 50cm buông rủ xuống nhỏ li ti màu trắng rất đẹp mắt.
- Quả: Quả cau bụng có hình trứng hoặc hình bầu dục , kích cỡ khoảng chừng ngón chân cái của người trưởng thành. Khi quả non thường có màu xanh và chuyển màu vàng nâu khi quả chín.
- Rễ : Rễ cau bụng thuộc dạng rễ chùm, một phần ăn sâu xuống đất còn phần nổi lên mặt đất thường hóa gỗ.
III. Ý nghĩa và tác dụng của cây Cau bụng
1. Ý nghĩa phong thủy
Theo phong thủy, cây cau bụng có đoạn thân giữa phình to ra được ví như “chiếc bị đựng tiền”. Do đó, trồng cây trong nhà hoặc trong sân vườn thường mang ý nghĩa tượng trưng cho tiền bạc, vật chất luôn luôn đong đầy và sự nghiệp của gia chủ không ngừng thăng tiến.
2. Tác dụng
Cây cau bụng có thân thẳng đẹp, dáng cao vút, tán lá to dài xòe rộng thích hợp trồng để làm cây bóng mát và tô đẹp cho cảnh quan môi trường. Cây thích hợp trồng ở những nơi như: Dọc các lối đi trong bệnh viện, công viên, khuôn viên biệt thự, khu chung cư cao tầng…
Hơn nữa, cau bụng cũng là lựa chọn của các công trình đô thị như: Ven đường phố, dải phân cách đường giao thông, ven phố đi bộ hay ven đường dẫn vào khu trung tâm, tòa thị chính…Vừa giúp tạo sự nghiêm trang, tạo bóng mát, điều hòa không khí hút bụi bẩn trả lại cho môi trường không khí luôn trong lành.

IV. Cách trồng và chăm sóc cây Cau bụng
1. Cách trồng cây
- Nhân giống và chọn giống
Cây cau bụng có phương pháp nhân giống duy nhất là ươm từ hạt để tạo cây con.
Cần chọn những quả cau già màu vàng nâu ở trên cây mẹ khỏe mạnh, không sâu bệnh. Quả đem về phơi khô xé vỏ rồi đem ngâm trong nước sạch khoảng 24 giờ rồi vớt ráo, sau đó ủ bằng vải hoặc bao tải mềm để nơi kín và mát mẻ.
Ủ trong khoảng vài ngày cho đến khi hạt nứt nanh là đem gieo. Cần loại bỏ hạt không nảy mầm ngay từ đầu để đỡ tốn công gieo.
Để cây giống mập mạp chắc khỏe, trước khi gieo cần pha thuốc kích thích nảy mầm để cho hạt giống lên mầm tuyệt đối.
- Đất gieo và cách gieo
Nếu không có bãi đất rộng rãi, có thể tận dụng các vật dụng đã hỏng trong nhà như: Xô, chậu, khay, bô đục lỗ thủng thoát nước …để ươm hạt cau bụng. Đất dùng để ươm là chất đất thịt mềm + tro trấu + trấu mục hoặc xơ dừa mục. Tùy theo vật dụng to hay nhỏ mà gieo với số lượng hạt khác nhau, trung bình cứ mỗi hạt cách nhau khoảng 15cm.
Nếu ươm hạt cau bụng trong bầu nhỏ có đường kính chỉ bằng 10cm, thì cũng dùng hỗn hợp đất như trên bỏ đầy vào bầu rồi nhét mỗi bầu 1 hạt giống. Sau khi ươm bỏ bầu vào nơi có bóng mát nhưng phải đảm bảo có ánh sáng rọi để hạt nảy mầm.
Nếu gieo hạt cau bụng trên bãi đất rộng: Cần phải cày bừa, lên luống cao khoảng 20cm, rộng 1,5m, khoảng cách giữa các luống là 30cm. Rắc phân chuồng hoai mục lên mặt luống và vằm đều với đất, rạch theo hàng thẳng mỗi hàng cách nhau khoảng 10 – 15cm/1 hạt. Đặt hết hạt xuống rạch và lấp đất kín lại, dùng lưới đen che mặt luống lại để giữ ẩm.
2. Cách chăm sóc cây
Sau khi ươm hạt cau bụng, cần tưới nước luôn để giữ ẩm cho cây, tưới ít nhất mỗi ngày 2 lần đối với những ngày nắng khô. Thời điểm tưới thích hợp nhất là vào buổi sáng sớm và lúc chiều mát, tưới đều đặn đến khi mầm nhú lên khỏi mặt đất.
Sau khi mầm nhú lên thì gỡ bỏ hết các vật che chắn để đủ ánh sáng cho mầm lá quang hợp. Kết hợp nhổ cỏ dại để tránh cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng.
Nếu muốn mầm cây to khỏe phải có cách chăm sóc ngay từ những ngày đầu, có thể pha phân vi lượng tưới vào gốc cây với lượng nhỏ để bộ rễ chắc khỏe, mầm ra nhanh và nhiều.
Bón phân định kỳ mỗi năm ít nhất 2 lần phân NPK và 1 lần phân chuồng, bón ít một và vùi đất sau mỗi lần bón để tránh bị rửa trôi.
Trước khi đem trồng nơi đất mới, cần phun thuốc đặc trị bệnh nấm để phòng bệnh thối nhũn cây con và diệt các loại sâu hại lá, búp non. Cây cau bụng sinh trưởng chậm nên phải tầm 6 tháng hoặc 1 năm mới có thể đem trồng hoặc xuất bán.
Trên đây là tổng hợp thông tin về cây cau bụng, loại cây sống đơn độc, lại ít sâu bệnh nên rất dễ trồng và chăm sóc. Nếu bạn đã nắm chắc kỹ thuật ươm trồng trong tay thì còn chần chừ gì nữa, hãy tự tay ươm cho mình loại cây yêu thích này nhé.