Cây cà phê là cây công nghiệp chủ lực của khu vực miền Trung – Tây Nguyên, nơi có địa hình bằng phẳng và loại đất thích hợp là chất đất đỏ Bazan màu mỡ. Hiện nay cây cà phê đã được lai tạo ra nhiều giống mới, ra hoa quanh năm, năng suất cao và là mặt hàng nông sản xuất khẩu với số lượng lớn. Nước ta là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê, chủ yếu là cà phê vối.
I. Giới thiệu về cây Cà phê
Tên thường gọi: | Cây cà phê |
Tên tiếng anh: | Coffea tree |
Tên khoa học: | Coffea arabica L. |
Họ thực vật: | Họ Thiến Thảo (Rubiaceae), chi cà phê |
Nơi sống: | Cây cà phê thường mọc xen lẫn ở các khu rừng thưa hoặc mọc ở các khoảng trống trong rừng rậm |
Nguồn gốc xuất xứ: | Cây cà phê được du nhập vào nước ta vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 bởi một du khách người Pháp |
Phân bố: | Cà phê được trồng nhiều ở các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên như: Nghệ An, Quảng Trị, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đồng Nai, Bình Dương… |
Tuổi thọ: | Sống lâu năm khoảng 25 – 30 năm nếu chăm sóc đúng cách |
Màu sắc của hoa: | Hoa có màu trắng |
Gồm các loại cây: | Chi Cà phê bao gồm rất nhiều loại cây, có thể kể 3 loài đại diện như sau: Cà phê chè (Coffea arabica), đại diện cho khoảng 61% các sản phẩm Cà Phê trên thế giới Cà phê vối (Coffea canephora hay Coffea robusta), chiếm gần 39% các sản phẩm cà phê. Cà phê mít (Coffea excelsa) |
II. Đặc điểm của cây Cà phê
- Hình dáng bên ngoài: Cà phê là loại cây thân gỗ nhỏ, mọc thẳng đứng, thân cây hình trụ đôi khi có loại hình vuông. Vỏ màu trắng, ở các cây già vỏ thường xù xì và nhiều u bướu, tán lá xum xuê.
- Kích thước: Cây có thể cao từ 6 – 10m, để thuận tiện cho việc chăm sóc và thu hoạch các nhà vườn thường đốn chồi hãm chiều cao khoảng 3 – 5m.
- Cành: Cây cà phê thường phân thành nhiều cành thon dài, mọc ngang vòng quanh thân cây tạo cho cây có tán tròn xòe xum xuê.
- Rễ: Cà phê chủ yếu là rễ cọc đâm sâu xuống lòng đất để giúp cây bám chắc và nhiều rễ phụ bám nổi trên bề mặt có nhiệm vụ hút chất dinh dưỡng nuôi cây.
- Lá: Lá cà phê hình bầu dục đôi khi có hình oval, dày, cứng, mặt trên màu xanh thẫm, mặt dưới màu nhạt hơn. Đầu lá tròn đều, chóp lá hơi nhọn, dài khoảng 10 – 15cm, bề rộng khoảng 6 – 8cm, cuống ngắn chỉ khoảng 1cm, lá đơn mọc đối, mép lá hơi uốn lượn, gân lá nổi rõ.
- Hoa: Hoa cà phê thường ra tập trung ở kẽ lá thành từng chùm màu trắng, hoa thường mọc uốt từ đầu cành đến ngọn cành, có bao nhiêu kẽ lá là có bấy nhiêu chùm hoa. Mỗi hoa có 5 cánh mỏng, 5 nhị, tràng hoa hình ống cụt, hoa nở trong khoảng 3 – 4 ngày và thụ phấn chỉ vài ba giờ khi hoa còn đang bung cánh. Hoa cà phê là hoa lưỡng tính, có thể tự thụ phấn hoặc thụ phấn nhờ sâu bọ và gió, nhưng tự thụ phấn là chủ yếu.
- Quả: Quả cà phê sẽ hình thành ngay sau khi thụ phấn và phát triển sau 7 – 9 tháng. Quả có hình tròn hoặc hình bầu dục, láng bóng và thay đổi màu sắc liên tục trong quá trình hình thành. Khi còn non vỏ quả màu xanh rồi chuyển màu vàng, khi chín lại chuyển màu đỏ và khi đã chín nẫu vỏ quả có màu đen. Quả cà phê có chứa hai hạt hơi cong như quả đậu màu xám nằm áp sát nhau và được ngăn cách bởi một lớp màng mỏng. Đôi khi cũng có những quả lép chỉ có chứa một hạt. Hoa cà phê có thể ra quanh năm đồng nghĩa với việc trên cây có rất nhiều lứa quả có màu sắc khác nhau. Thời gian thu hoạch quả cà phê kéo dài khoảng bốn tháng tính từ tháng 10 đến tháng giêng âm lịch.
III. Tác dụng của cây Cà phê
1. Tác dụng ẩm thực
Quả cà phê qua quá trình sơ chế phơi khô dưới nắng hoặc sấy rồi chọn lấy hạt. Hạt lại trải qua quá trình rang, xay được dùng làm đồ uống dưới nhiều dạng khác nhau như: Hãm bằng nước sôi từ bột cà phê rang hoặc pha trộn với một số phụ gia thực phẩm uống dưới dạng cà phê hòa tan.
Đó là thức uống rất quen thuộc đối với nhiều người nhất là những người lao động trí óc, giúp tinh thần họ sảng khoái, tỉnh táo, minh mẫn trong khi làm việc, giảm hoặc mất cảm giác buồn ngủ khi phải làm việc ca đêm.
2. Tác dụng chữa bệnh
Các bộ phận thường dùng là lá, quả tươi và hạt:
- Lá cà phê phơi khô sắc uống giúp tiêu hóa thức ăn rất tốt, giảm phù thũng do ứ muối và nước trong bệnh thận.
- Quả và hạt cà phê tươi có tác dụng giảm đau, giãn cơ trơn, hạ sốt, lợi tiểu.
- Hạt cà phê rang khô sắc nước uống có tác dụng tiêu mỡ, giải độc rượu và thuốc phiện khá tốt.
- Trong hạt cà phê có chứa hoạt chất Cafein, đây là chất kích thích vào hệ thần kinh trung ương, hệ tim mạch và hệ tiết niệu. Uống cà phê thường xuyên giúp tinh thần tỉnh táo, minh mẫn, lao động dẻo dai không biết mệt mỏi.
Tuy nhiên nếu sử dụng hoạt chất này quá liều trong thời gian dài lại xảy ra tác dụng phụ không mong muốn. Đó là cảm giác bồn chồn, vật vã, mất ngủ, lo lắng… Ở những người quen dùng cà phê thì những triệu chứng này thường nhẹ hơn, đối với những người chưa quen uống cà phê hoặc chưa từng uống có thể gây co giật toàn thân.
- Lưu ý: Chống chỉ định (không được dùng) cafein đối với những bệnh nhân mắc các bệnh về hệ tim mạch, bệnh đường tiêu hóa, các bệnh ung thư như: Suy tim (ở mọi giai đoạn), viêm loét dạ dày- hành tá tràng, các bệnh ung thư (gan, dạ dày, thực quản, đại tràng..)
Vì hoạt chất này có thể kích thích gây loạn nhịp tim, tăng huyết áp, làm niêm mạc ruột bị kích thích gây đau nhiều hơn. Và làm cản trở quá trình hấp thu thuốc khi đang trong thời gian điều trị bệnh.
IV. Cách trồng và chăm sóc cây Cà phê
1. Cách trồng cây
- Nhân giống và chọn giống
Cà phê được nhân giống bằng cách ươm hạt hoặc ghép cành. Phương pháp ghép cành là phổ biến nhất do sinh trưởng và cho thu hoạch nhanh.
Chọn cây giống cà phê ghép khỏe mạnh, cao khoảng 30 – 50cm, thân thẳng không bị biến dạng ở thân cây và bộ rễ, lá to xanh tốt.
- Đất trồng
Cây cà phê không cần trồng trên đất quá nhiều dinh dưỡng, tuy nhiên cũng không phải loại đất nào cũng trồng được cây cà phê. Cây thích hợp với chất đất Pheralit (đất đỏ vàng) và đất đỏ Bazan, ưu điểm của loại đất này là: Lớp vỏ đất phong hóa dày, đất thoáng khí và thoát nước tốt.
Vì chất đất này hơi nghèo dinh dưỡng so với đất phù sa ngọt nên nếu trồng cây cà phê phải luân canh bằng các cây trồng họ đậu trước sau đó mới canh tác cây cà phê. Nếu trồng trên đất đã canh tác cà phê thì phải cải tạo đất tích cực thì cây mới sinh trưởng và cho năng suất tốt.
- Kích thước và mật độ trồng
Cuốc hố trồng cây cà phê với kích thước như sau: Hố tròn hoặc vuông rộng 40cm x sâu 40cm, hàng cách hàng khoảng 7m, cây cách cây khoảng 5- 6m. Khu vực miền Trung Tây Nguyên thường hay gặp hạn hán, lượng mưa quanh năm ít nên khi trồng cây cà phê không cần phải đào rãnh thoát nước. Mà phải be bờ để hứng những giọt nước mưa tưới cây là điều rất cần thiết.
Sau khi đào hố, rắc vôi bột xuống hố đảo đều với đất để khử trùng rồi lấp đất ủ trong vòng một năm. Sau đó dùng phân chuồng hoai mục (phân dê, phân bò, phân gà) để bón lót, mỗi hố lót khoảng 0,5 – 1kg phân hoặc trộn thêm 0,5 kg phân hữu cơ sinh học, tiếp tục ủ thêm trong vòng 2 – 3 tháng sau đó tiến hành trồng.
- Kỹ thuật trồng
Trồng cây cà phê vào đầu mùa mưa hoặc trồng sau cơn mưa là tốt nhất vì đất mềm, rễ bén nhanh.
Cuốc hố nhỏ phù hợp với kích thước bầu cây trên hố đã ủ phân từ trước. Xé túi bầu nhẹ nhàng rồi đặt xuống hố, lấp đất và nén chặt xung quanh bầu, chỉ vùi đất quá mặt bầu khoảng 2- 3cm. Cắm cọc và cố định cây lại để tránh mưa gió làm đổ cây con.
sau khi trồng, tưới nước luôn cho cây và lấy rơm rạ hoặc cỏ khô vùi xung quanh gốc để giữ ẩm cho cây.
2. Cách chăm sóc cây
Miền Trung – Tây Nguyên là vùng hay xảy ra khô hạn nên bà con nông dân cần phải có biện pháp tích trữ nước mưa để tưới sao cho hợp lý. Cà phê là cây cần nhiều nước nên mỗi ngày tưới hai lần vào lúc sáng sớm và chiều mát, tưới liên tục trong những ngày nắng.
Sau khi trồng khoảng 10 – 15 ngày có thể pha phân hữu cơ vi lượng tưới vào gốc cây, tưới định kỳ hai lần cách nhau khoảng 10 ngày.
Thường xuyên xới cỏ gốc vừa tránh cỏ dại vừa làm đất tơi xốp, nếu cây bị kém hoặc chết do nắng cần trồng dặm ngay khi có mưa để kịp lứa và dễ chăm sóc. Cỏ sau khi cào xới kéo vun vào gốc để giữ ẩm và tận dụng để làm phân bón cho cây.
Có thể trồng xen vào vườn cà phê khi cây còn nhỏ chưa có tán bằng các loại cây như: Đỗ tương (đậu nành), đỗ xanh, đỗ đen, lạc (đậu phộng). Để tận dụng cây sau khi thu hoạch để làm phân bón cho cà phê và giúp cải tạo đất, đây là nguồn đạm tự nhiên rất tốt cho cây trồng.
Phân bón: Tùy theo lứa tuổi của cây mà có chế độ bón phân khác nhau, cây nhỏ tuổi bình quân mỗi năm bón ít nhất hai lần một lần phân NPK và một lần phân chuồng. Đối với lứa cây 3 – 4 tuổi trở lên đã bói quả, cần bón thêm nhiều loại phân và chia thành nhiều đợt. Bón vào các thời kỳ chuẩn bị ra hoa, bắt đầu kết quả, bón thúc khi quả đang lớn và bón khi quả đang lớn.
Sau khi thu hoạch quả, tỉa cành, phun thuốc và bón phân cho cây chuẩn bị vào vụ mới.
Các loại bệnh hại cây cà phê: Nếu không chăm sóc tốt, cây sẽ kém phát triển và mang theo nguy cơ nhiễm một số bệnh hại như sau:
- Bệnh thán thư (khô quả, khô cành)
- Bệnh gỉ sắt
- Bệnh thối cổ rễ
- Bệnh nấm hồng
- Bệnh thối nứt thân
- Bệnh thối rễ tơ
- Bệnh vàng rụng lá: Có thể do sâu đục thân, rệp sáp, nhện đỏ hại thân, rễ và lá nặng nên nên tình trạng rụng lá hàng loạt.
Tất cả các bệnh này đều do bào tử nấm gây hại, một phần cũng do mưa kéo dài. Để trị tận gốc chỉ có thể dùng các thuốc dòng hóa học trị Nấm (Mancozeb, Tyman… các thuốc gốc đồng) và dùng kèm với Anvil 5SC của hãng Syngenta để tăng sức đề kháng cho cây trồng.
Ngoài ra, cũng có thể dùng Nấm Trichoderma bón gốc để phòng trừ nấm bệnh.
Cây cà phê là cây lâu năm có giá trị kinh tế cao và thường bị nhiều loại nấm bệnh xâm nhập nên rất khó chăm sóc. Để cây được tồn tại và cho thu hoạch lâu dài, bà con nên tìm hiểu kỹ và áp dụng những thông tin chia sẻ trong bài viết này nhé.