Bạch Hạc là cây mọc hoang rất dễ tìm thấy và nhận biết ở các vùng nông thôn và miền núi phía Bắc, là một vị thuốc mà dân gian thường dùng để chữa bệnh mang lại hiệu quả cao. Cùng tìm hiểu thông tin tổng quan, đặc điểm và công dụng, cách trồng, chăm sóc dưới đây nhé.

I. Giới thiệu về cây Bạch Hạc
- Tên thường gọi: Cây Bạch Hạc
- Tên gọi khác: Cây Kiến Cò, cây Lác
- Tên khoa học: Rhinacanthus nasutus (L.) Kurz.
- Họ thực vật: Thuộc họ Ô rô (Acanthaceae)
- Tên tiếng anh: Jasmine Snake, Dainty
- Nơi sống: Cây mọc dại ở những lùm bụi ẩm dưới tán rừng thưa và mọc nhiều trên các bãi đất trống ở vùng nông thôn, đồi núi thấp.
- Nguồn gốc xuất xứ: Bạch hạc có nguồn gốc ở vùng Nam Á (Ấn Độ, Sri Lanka)
- Phân bố: Cây được tìm thấy ở nhiều nước thuộc châu Á, như: Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Philippin, đảo Java của Indonesia và một số nước nhiệt đới Châu Phi và đảo Madagascar.
- Màu sắc của hoa: Màu trắng
- Thời gian nở hoa: Cây ra hoa quanh năm nhưng mùa vụ chính là vào tháng 7 – 8
II. Đặc điểm của cây Bạch Hạc
- Hình dáng bên ngoài: Bạch hạc là cây thân gỗ nhỏ, mọc thành bụi, tán lá rậm rạp, thân phân chia rất nhiều cành nhánh nhỏ, thân non có lông mịn bao bọc.
- Kích thước: Chiều cao khoảng 1 – 1,5m hoặc cao hơn
- Lá: Lá đơn, mọc đối hình bầu dục thuôn dài, chóp nhọn, chiều dài khoảng 5 – 10cm, rộng 3 – 5 cm, màu xanh đậm, có cuống, mặt trên lá thường nhẵn, mặt dưới có lông mịn.
- Hoa: Hoa bạch hạc có màu trắng hơi điểm hồng, kết thành chùm trên một cuống chung mọc ra từ kẽ lá, đầu cành.
- Quả: Quả bạch hạc là dạng quả nang, nhỏ, dài, có lông.
- Rễ: Khi nhổ cây bạch hạc lên, rễ tươi có màu đỏ, lớp vỏ ngoài dễ bong tróc, có mùi hăng nhẹ, vị ngọt, bộ phận này thường dùng để làm thuốc chữa bệnh.

III. Tác dụng của cây Bạch Hạc
1. Tác dụng chữa bệnh
Bộ phận của cây bạch hạc thường dùng chủ yếu là rễ, thân lá cũng được dùng nhưng ít hơn bởi dược tính kém hơn.
Khi phân tích toàn cây bạch hạc thấy có các hoạt chất sau: lá và hoa chứa flavonoid, hợp chất phenol, tanin, rễ cây chứa Naphthoquinone là Rhinacanthin A và B. Qua nghiên cứu dược tính cho thấy, các hoạt chất này có tính kháng khuẩn, kháng nấm, có tác dụng diệt các loài ve, bọ ký sinh trên cơ thể vật nuôi chư chó, trâu rất tốt.
Ngoài ra, cây bạch hạc còn có công dụng làm hạ huyết áp, chữa viêm dây thần kinh tọa, thấp khớp và ngăn ngừa hình thành tế bào ung thư rất hiệu quả.
Theo đông y, rễ cây bạch hạc có vị ngọt mát, tính bình, mùi hắc nhẹ có tác dụng giảm ho, bổ phế, chủ trị các bệnh ở kinh Phế (phổi) và ngoài da (viêm da, lở ngứa, Eczema, hắc lào, lang ben..)
2. Tác dụng trang trí, làm cảnh
Vì cây có hoa màu trắng đẹp giống như những chú hạc đang cất cánh nên cây còn được gọi với cái tên là bạch hạc. Cây rất được ưa chuộng trồng làm cảnh, trang trí ngoại thất, sân vườn của nhà ở, khách sạn, trường học, bệnh viện… để tô điểm cho không gian thêm sinh động và , mang lại vẻ đẹp thanh bình, yên tĩnh.
Bên cạnh đó, trồng cây bạch hạc trong khuôn viên nhà ở cũng giúp thanh lọc không khí, mang đến một không gian trong lành, xanh, sạch, đẹp, giảm ô nhiễm hơn.
IV. Cách trồng và chăm sóc cây Bạch Hạc
1. Cách trồng cây
Cây Bạch hạc không kén chọn đất, chịu hạn và sâu bệnh tốt, được nhân giống bằng cách tách mầm và giâm cành, cách gieo hạt thường không mấy khi dùng.
Khi chọn giống cây bạch hạc cần chọn khóm cây mẹ khỏe mạnh, không sâu bệnh, chọn cành bánh tẻ to chừng ngón tay cái hoặc ngón trỏ của người trưởng thành. Sau đó cắt từng đoạn dài khoảng 20cm để giâm.
Có thể giâm cành bạch hạc trong bầu PE hoặc các loại xô, chậu đã qua sử dụng, cho hỗn hợp đất đã trộn với phân ủ hoai vào dụng cụ ươm rồi xếp theo hàng để thuận tiện cho việc chăm tưới.
Trước khi ươm cần sắp xếp lại các đoạn hom giống sao cho đúng chiều gốc và ngọn rồi nhúng đoạn gốc vào dung dịch kích rễ để khoảng 10 – 15 phút, để ráo rồi cắm xuống xô chậu đất đã đóng sẵn.
Khi cành bạch hạc ươm giống đã hồi phục và ra mầm khỏe mạnh, cây đạt chiều cao khoảng 50cm là đem trồng nơi đất mới.
Nếu trồng làm cây dược liệu thì hố trồng phải cần theo kích thước, kích thước trồng hợp lý nhất là: cây cách cây và hàng cách hàng là 50 – 60cm bởi khóm cây thường sinh trưởng nhanh và thân khá cao.
Đất trồng cây bạch hạc cũng phải được cuốc tơi, lót phân cẩn thận để cây có đà phát triển mạnh nhất.
Khi trồng nên nhấc cả bầu ươm xuống hố để không làm hỏng bộ rễ chùm.

2. Cách chăm sóc cây
Tưới nước cho cây bạch hạc thường xuyên mỗi ngày 1 – 2 lần để tạo độ ẩm trong khóm cây và xung quanh giúp cây có đủ nước để phát triển tốt. Vào mùa hè, khi nhiệt độ tăng cao và mùa đông khi trời hanh khô không nên để cây bị khô héo.
Bón phân theo định kỳ cứ 2 – 3 tháng bón 1 lần giúp bổ sung các chất dinh dưỡng cho cây bạch hạc khi đang trong quá trình phát triển. Có thể dùng phân hữu cơ vi sinh dạng bột hoặc dạng viên tùy ý, sau khi bón nên vun đất để tránh bốc hơi khi nắng và rửa trôi khi mưa to.
Cắt tỉa cho cây bạch hạc giúp thông thoáng khóm cây tránh sâu bệnh và giúp cung cấp đủ ánh sáng tự nhiên. Không chỉ cắt tỉa dọn gốc mà cắt ngọn để hãm chiều cao cũng là việc cần làm tiện cho việc chăm sóc, phun tưới.
Nếu phần lá gốc của cây bạch hạc có biểu hiện vàng úa và thối hàng loạt, có thể luống đất quá ẩm. Cần khơi rãnh nếu bị đọng nước đồng thời ngắt bỏ lá vàng trên cây và lá rụng tránh để thối là môi trường sinh sôi cho nấm mốc gây bệnh.
Khi có sâu hại cần bắt sâu bằng tay khi còn có số lượng ít, nếu nhiều sâu và diện tích trồng cây bạch hạc rộng thì phải can thiệp bằng thuốc hóa học hoặc sinh học mới diệt được sâu và trứng sâu. Dùng các thuốc nội hấp khi phun giúp loang trải nhanh trên bề mặt lá và thân để diệt hết mầm bệnh.
Cây bạch hạc là cây mọc hoang nên rất dễ trồng, dễ sống, dễ chăm sóc và dễ tiêu thụ bởi cây là vị thuốc quý được sử dụng để kết hợp chữa bệnh. Cây có tuổi thọ lâu dài và thu hái được quanh năm, không mất quá nhiều chi phí về giống và chăm sóc. Hiện nay cây được nhân giống rộng rãi trên khắp cả nước và cho sản lượng khá cao khi thu hoạch.