Các loại cây có thể làm Bonsai được nhiều người lựa chọn

Hiện nay, cây bonsai đang là xu hướng chơi cây cảnh được nhiều người yêu thích bởi sự đa dạng về chủng loại, hình dáng, thế đừng của cây. Qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, từ những cây cảnh bình thường đã được biến hóa thành những sản phẩm nghệ thuật đẹp mắt và đầy tính thẩm mỹ.

I. Khái niệm về cây bonsai 

Cây bonsai là cây cảnh được trồng trong chậu, được cắt tỉa, uốn dáng theo cách đặc biệt mà vẫn mang đủ tất cả những ấn tượng thiên nhiên ban đầu và yếu tố thẩm mỹ.

Hiểu theo cách đơn giản, bonsai là chỉ một hay nhóm cây có trong thiên nhiên được tạo dáng, tạo thế và thu nhỏ lại để trồng trong chậu, khay,… bằng phương pháp riêng nhưng vẫn giữ nguyên được nét cổ kính và những đặc điểm vốn có.

II. Các loại cây có thể làm bonsai được nhiều ngưới lựa chọn

1. Cây si bonsai

Nằm trong bộ cây tứ linh phong thủy “Đa – Sung – Sanh – Si” với ý nghĩa mang lại những may mắn, vượng khí cho gia đình nên cây si bonsai được nhiều người yêu thích trồng trong nhà.

Cây si nổi bật với phần củ phình to và dáng cây đẹp, lạ nên bên cạnh việc trồng trong đất, nhiều người đang đổi sang phương pháp thủy canh để có thể phô bày được phần củ của cây si được nhiều và đẹp hơn.

2. Cây đa cảnh bonsai

Là loại cây gắn liền với hình ảnh làng quê Việt Nam, con người Việt Nam, cây đa xuất hiện rất nhiều trong các áng văn thơ, ca dao, tục ngữ hay các câu chuyện xưa,… Cây đa với ý nghĩa tượng trưng cho sức sống mãnh liệt, bền bỉ và sự trường thọ nên là loại cây cảnh không thể thiếu với nhiều gia đình ở nông thôn, cũng như những ngôi nhà phố xây dựng theo phong cách cổ xưa.

Cây đa vốn được biết đến với bộ rễ lớn nên khi áp dụng các kỹ thuật bonsai rất có lợi cho việc uốn rễ tạo dáng. Bên cạnh đó, việc thu nhỏ lá cây là rất quan trọng khi làm cây đa bonsai bởi cây đa tự nhiên có lá rất to, nếu giữ nguyên sẽ không thích hợp với tổng thể cây.

Vốn có sức sống mãnh liệt và sự dẻo dai nên khi lá cây đa đã già, người ta sẽ cắt tỉa hết và để trơ lại mỗi cuống. Sau đó không tưới nước và đợi lá non mọc lên. Chính nhờ việc thiếu nước mà lá cây sẽ tự nhỏ đi.

Vào mùa đông, bạn nên để cây đa vào trong nhà hoặc những nơi ấm áp vì chúng rất nhạy cảm với sự biến đổi nhiệt độ của môi trường sống, từ đó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.

3. Cây mai chiếu thủy

Mai chiếu thủy cũng là cây cảnh có thể làm bonsai nhờ cành nhánh của cây mảnh, dài và dễ uốn nắn.

Cây cho lá có hình giáo hoặc hình trái xoan, kích thước to nhỏ phụ thuộc nhiều vào giống cây và môi trường sống. Cuống lá thường rất ngắn, đôi khi gần như không có. Hoa của cây mai chiếu thủy có màu trắng, hoa nhỏ. Cành cây mọc có xu thế hướng xuống dưới nên hay được gọi là cây mai chiếu thủy.

Cây mai chiếu thủy bonsai thường có kích thước khá lớn nên người ta thường trồng hai bên cổng nhà, trước hiên, ngoài sân vườn hay đặt ở sảnh các công ty, nhà hàng, khách sạn,… để trang trí ngoại thất đều rất đẹp.

4. Cây ngũ gia bì

Ngũ gia bì vốn được nhiều người biết đến là loại cây cảnh có tác dụng chữa bệnh tuyệt vời, được đánh giá là loại thuốc quý thuộc dòng nhân sâm. Bên cạnh đó, đây cũng là loại cây cảnh đẹp và có ý nghĩa phong thủy tốt.

Lá của cây ngũ gia bì có dạng kép chân vịt, lá thuôn dài, mọc so le nhau và trên mỗi cành sẽ thường có 6 – 8 lá nhìn như chân chim. Lá cây có màu xanh tươi. Hoa ngũ gia bì có màu trắng, mọc thành chùm. Quả dạng hình cầu và có màu tím đậm, mọng nước khi đã chín.

Trong phong thủy, ngũ gia bì được xếp vào danh sách những cây có tác dụng thúc đẩy sự nghiệp, gắn kết gia đình, mang lại tiền tài, may mắn cho gia chủ nên được rất nhiều gia đình yêu thích. Bên cạnh đó, chúng lại còn có lợi cho sức khỏe nên càng được nhiều nghệ nhân và những tay chơi cây cảnh lâu năm dành sự quan tâm nhiều hơn.

Xem thêm:  Hoa Tam Giác Mạch là hoa gì có thể giúp giảm nghèo tại vùng cao Đông Bắc?

5. Cây nhất chi mai

Nhất chi mai là giống cây thân gỗ nên càng sống lâu, gốc cây sẽ càng xù xì và phình to mang nét cổ kính, cổ thụ vốn có. Cây được đánh giá là có vẻ đẹp đầy phong trần, dịu dàng và tinh tế.

Qua thời gian dài tìm hiểu và nghiên cứu, người ta đã biết sử dụng kỹ thuật bonsai để có thể giữ được tối đa vẻ đẹp tự nhiên của cây nhất chi mai, từ đó tạo nên nhiều cây cảnh bonsai không chỉ có dáng đẹp, thế độc lạ mà vẫn toát được khí tiết quân tử, ngoan cường vốn có của cây.

6. Cây linh sam

Cây linh sam còn có tên gọi khác là cây sam núi. Chúng được tìm thấy nhiều trong rừng núi. Đây là giống cây ưa ẩm, cũng mọc nhiều ở các thác nước, ven hồ,… Cây linh sam sống được ở cả trong râm cũng như ngoài nắng.

Trong phong thủy, cây linh sam được cho là có khả năng xua đi tà khí, loại bỏ điều không may, mang lại may mắn, tài lộc cho gia chủ nên được rất nhiều người ưa chuộng trồng làm cảnh trong nhà.

Cây mang dáng vẻ của người quân tử, đẹp từ hình dáng cho đến sắc hoa nên luôn nằm trong top những cây cảnh được nhiều nghệ nhận bonsai tìm kiếm và từ đó cho ra đời những chậu cây mang tính nghệ thuật rất cao.

Thân cây linh sam chắc khỏe, càng sống lâu càng đẹp, xù xì toát lên nét cổ kính. Cây chủ yếu cho nhiều lá nhỏ, thon dài và xanh tốt. Hoa của cây linh sam nhỏ, nhiều và thường mang sắc tím nổi bật. Đôi khi có cả hoa màu trắng nhưng không nhiều.

Cây linh sam có thể dùng để trang trí nội thất hay ngoại thất đều được bởi cây không quá lớn nên dễ dàng trong việc di chuyển qua lại. Bạn có thể đặt chậu cây linh sam trong góc nhà, cạnh bàn tiếp khác, trước hiên, ngoài sân vườn,… Cây linh sam cũng được nhiều khu biệt thự, nhà hàng hay công viên chọn trồng để trưng bày, tô điểm không gian.

7. Cây phong lá đỏ

Những năm gần đây, cây phong lá đỏ đang là lựa chọn chơi cây của nhiều người, nhiều gia đình. Cây nổi bật với những chiếc lá mang sắc cam đỏ rực rỡ vào mỗi mùa lá rụng. Chính màu sắc ấy được nhiều người yêu thích bởi chúng tượng trưng cho may mắn, tiền tài, cũng như sẽ giúp tô điểm cho không gian thêm sự ấm áp, tinh tế.

Khi trồng cây phong lá đỏ bonsai, bạn cần chú ý tưới nước cho cây mỗi ngày, cây cần được trồng trên nền đất thoát nước tốt. Cây thích hợp trồng ở nơi râm mát, tránh ánh nắng trực tiếp bởi sẽ dễ làm chết lá.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên cắt tỉa lá, chồi cho cây thường xuyên để cây được đẹp hơn, gọn gàng hơn nhưng cần rất cẩn thận và nắm chắc kỹ thuật. Sau 2 – 3 năm trồng cần thay chậu mới một lần để giúp cây phát triển rễ được tốt hơn.

Cây phong lá đỏ đẹp từ thân, cành cho đến lá nên có thể tạo ra nhiều thế bonsai độc đáo, đẹp mắt. Tuy nhiên loại cây này dễ bị ve nhện và rệp tấn công vào mùa xuân, do đó bạn cần đặc biệt chú ý, quan sát để kịp thời phát hiện xử lý. Có thể bắt rệp bằng tay hoặc dùng thuốc xịt nhé.

8. Cây hoa giấy 

Cây hoa giấy không còn xa lạ với người Việt Nam. Hình ảnh những giàn hoa giấy rực rỡ che nắng trên các mái hiên, cổng nhà rất dễ nhận thấy trên các nẻo đường từ phố đến nông thôn.

Ngày nay, bên cạnh cây hoa giấy kích thước lớn, người ta còn ưa chuộng hoa giấy bonsai với những gốc cây nhiều dáng và kích thước khác nhau. Từ đó đem đến vẻ đẹp mới đầy độc đáo cho loại cây này cũng như cho không gian trồng.

Một chậu cây hoa giấy bonsai cùng sắc hồng, tím, chắc chắn sẽ khiến ngôi nhà của bạn thêm lung linh và thêm phần sang trọng.

9. Cây đỗ quyên

Cây đỗ quyên bonsai cũng là lựa chọn của nhiều gia đình bởi cây không chỉ cho hoa đẹp mà màu sắc còn bắt mắt. Người ta thường trồng chậu đặt làm cảnh ngoài sân, trước cửa hay đặt bên cạnh bàn tiếp khách đều rất đẹp.

Đỗ quyên có lá nhỏ, hẹp, phần đầu lá hẹp và mọc cách. Hoa của chúng có nhiều dạng khác nhau như hình chuông, hình ống hoặc hình phễu. Cánh hoa có loại đơn và loại kép, đa dạng màu sắc như hồng, tím, trắng, đỏ,… và hoa mang hương thơm.

Bộ rễ của cây đỗ quyên rất phát triển, chúng không chịu được úng hoặc hạn quá lâu vì sẽ khiến cây không thể phát triển, vàng lá và hoa bị héo rũ, do đó khi trồng cây phải chú ý đến thời tiết và nền đất để tưới nước hợp lý.

Xem thêm:  Hoa Păng Xê

10. Cây mai vàng

Bên cạnh những cây mai vàng kích thước lớn dùng để trang trí ngoài sân, trước hiên nhà, ngày nay người ta còn ưa chuộng những chậu cây mai vàng bonsai có thể dùng để làm cảnh bên bàn trà tiếp khách, hay góc phòng.

Cây mai vàng ngoài việc để trang trí bởi cây đẹp, hoa rực rỡ còn mang lại nhiều may mắn, tiền tài, tài lộc cho gia chủ nên càng được yêu thích nhiều hơn. Khi trồng, bạn chỉ cần chú ý thoát nước cho cây tốt và bón phân thường xuyên để cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển khỏe mạnh là được.

11. Cây hoa sứ

Cây hoa sứ là loại cây cảnh được nhiều nghệ nhân, người chơi cây lâu năm yêu thích để tạo bonsai vì chúng không chỉ cho hoa nhiều màu sắc đẹp như trắng, đỏ, hồng, mà còn nở to và có hương thơm, nhất là vào buổi tối. Khi trồng, người ta thường đặt chúng trên ban công, sân thượng, trước nhà để tạo điểm nhấn cho không gian.

Hoa sứ là loại cây không đòi hỏi nhiều nước cũng không hề kén đất nên chúng được xếp vào danh sách các cây cảnh bonsai dễ trồng. Mỗi năm, cây nở hoa rất nhiều, mỗi bông thường có từ 5 – 7 cánh.

Người ta thích cây hoa sứ không chỉ vì hoa mà còn vì rễ của chúng. Rễ cây hoa sứ rất đẹp, thường sau 1 -2 năm trồng sẽ được tiến hành uốn rễ theo thế mong muốn.

Nhiều người đặc biệt thích hoa sứ cho hoa đúng dịp tết để trưng bày trang trí thêm cho ngôi nhà của mình. Do đó, các thợ trồng cần cắt cành cho cây từ tháng 7 âm, khi đó cây sẽ cho hoa vào đúng độ tết đến xuân về.

12. Cây đinh lăng

Đinh lăng không chỉ là nguồn thuốc quý trong Đông y với công dụng chữa bệnh tuyệt vời mà còn được yêu thích trồng trong nhà với những chậu cây bonsai có dáng đẹp mắt.

Bên cạnh đó, trong phong thủy, cây đinh lăng còn mang ý nghĩa tốt đẹp như xua đi tà khí, mang đến nguồn năng lượng tốt đẹp, tài lộc, vượng khí cho gia chủ. Chính bởi vậy, đinh lăng là cây cảnh bonsai được nhiều người lựa chọn hiện nay.

13. Cây bông trang đỏ

Cây bông trang đỏ hay còn được biết đến là cây mẫu đơn ta vừa là cây có tác dụng làm thuốc chữa bệnh, vừa là cây cảnh có thể làm bonsai trang trí nhà cửa, nhà hàng, các công trình công cộng,… bởi hoa đẹp, mang sắc đỏ hoặc vàng đầy rực rỡ.

Cây bông trang đỏ có thể trồng được ở cả những nơi râm mát và có ánh nắng mặt trời, tuy nhiên chúng sẽ cho nhiều hoa hơn khi được trồng ngoài nắng. Bên cạnh đó, cây còn có khả năng chịu đất xấu, khô cằn rất tốt.

14. Cây lộc vừng bonsai

Cây lộc vừng vốn đã là loại cây cảnh đẹp được nhiều người yêu thích. Bên cạnh đó, chúng lại mang ý nghĩa tốt đẹp như đem đến nhiều may mắn, tài lộc cho gia chủ nên càng được săn đón nhiều hơn.

Vốn là giống cây to, có kích thước lớn nên nếu không có gian đủ rộng sẽ rất khó trồng loại cây này. Chính vì thế là cây lộc vừng bonsai đã ra đời, qua bàn tay của các nghệ nhân, chúng vẫn giữ nguyên được những nét đẹp tự nhiên mà lại có kích thước nhỏ hơn, có thể trưng bày trong nhà.

Mỗi năm đến độ ra hoa, cây sẽ nở những bông hoa đỏ theo dải dài rủ xuống vô cùng đẹp mắt và nổi bật, khiến không gian tăng thêm tính thẩm mỹ và sự sang trọng. Đây cũng là cây cảnh có thể dùng làm quà bởi ý nghĩa và vẻ đẹp mà chúng mang lại.

Việc trồng lộc vừng khá đơn giản. Người ta có thể nhân giống bằng cách giao quả hoặc chiết cành đều được. Khi chăm sóc, bạn không cần phải tưới nhiều nước quá bởi dễ khiến cây bị úng và chết.

15. Cây quất bonsai

Ngày nay, bên cạnh cây quất kích thước to để trưng ngày tết hay trồng trong sân vườn, nhiều người còn ưa chuộng những chậu cây quất bonsai với kích thước nhỏ vì có thể trưng bày trong nhà.

Khi trồng quất bonsai, bạn cần thường xuyên tưới nước cho cây để chúng không bị khô hạn, dẫn đến héo lá, cây chậm phát triển.

Cây quất được đánh giá là giống cây khó tạo dáng, chỉ những người có kỹ năng và am hiểu về về nghệ thuật bonsai mới có thể tạo nên được những dáng cây đẹp và thu hút người nhìn.

16. Cây nguyệt quế

Nguyệt quế cũng là cây cảnh được nhiều người lựa chọn chơi cây bonsai hiện nay. Chúng có thân nhẵn, thuộc loại thân gỗ và thích nghi tốt với điều kiện khí hậu của Việt Nam.

Cây nguyệt quế có lá mọc xen kẽ, hoa trắng có hương thơm. Cây ưa ẩm nên khi trồng sẽ cần tưới nước mỗi ngày, không được để đất bị khô.

Nếu muốn trồng cây nguyệt quế bonsai thì bạn cần chú ý cắt tỉa cành lá mỗi tháng một lần để cây luôn giữ được dáng đẹp. Bên cạnh đó, cũng cần phải thường xuyên quan sát tình trạng cây bởi chúng dễ bị sâu phá hoại lá tấn công.

Xem thêm:  Cây Mắc Mật

III. Kỹ thuật làm cây bonsai và cách chăm sóc 

1. Kỹ thuật làm cây bonsai

  • Các dụng cụ uốn cây, cành cơ bản
    • Kéo cắt tỉa
    • Dây uốn: Người ta thường dùng dây đồng hoặc dây kẽm vì giá thành rẻ và khá dễ mua tại các hàng cây cảnh. Bạn cần chú ý không dùng dây sắt bởi chúng rất dễ bị gỉ sét khi gặp nhựa cây, từ đó làm chết cây.
  • Thời điểm uốn cây

Cuối tháng 7 hoặc cuối mùa hè là thời điểm thích hợp để uốn cành cho cây vì khi đó cây đang vào giai đoạn cho chồi mới, phát triển mạnh. Cần tránh uốn cây lúc thân cành chưa thu nhựa hoặc lá vẫn còn non.

  • Cách tạo dáng cây

Đầu tiên, chúng ta cần xác định hình dáng để tạo cây. Có 4 dáng cơ bản để tạo cây như: dáng trực, dáng huyền, dáng nghiêng, dáng hoành.

Với những cây có bộ rễ lớn, người trồng muốn để lộ phần rễ trên bề mặt chậu thì lúc trồng cần dùng dây buộc cố định lại ở trên rồi sau đó tiến hành uốn cành nhánh sau.

Giữ rễ chính ở trên mặt đất, các phần rễ còn không quan trọng thì cắt bỏ để tập trung dinh dưỡng nuôi rễ chính phát triển. Người ta sẽ dùng kẽm giữ chặt một đầu của rễ, sau đó uốn dần các phần rễ khác xung quanh xong mới lấp đất lại.

Tiếp đó sẽ uốn đến thân cây, đến các cành chính và những cành xung quanh theo chiều từ gốc đến ngọn. Cần uốn theo thứ tự cành lớn trước rồi mới đến các cành nhỏ.

Trước khi tạo dáng cây, cần quấn dây theo hình mong muốn trước và cố định chắc chắn một đầu dây vào mâm. Chú ý không quấn quá lỏng hoặc quá chặt.

Mỗi loại, mỗi cành cây đều có đặc điểm mềm dẻo khác nhau, nhất là đối với những cành chúng ta có ý muốn bẻ ngược lên thì phải thật cẩn thận, mỗi ngày bạn chỉ nên uốn ở mức nhất định để cây quen dần. Nếu muốn quấn thêm vài vòng để chắc chắn hơn thì nên quấn sát dây đã quấn trước, không nên quấn chồng lên nhau.

Chúng ta sẽ bắt đầu tháo dây khi dây đã ăn vào vỏ cây được khoảng ⅓ đường kính và nên tháo từ ngọn trở về gốc. Không nên tháo dây quá muộn vì dễ để lại vết hằn trên cây quá sâu, sau này khó mà khắc phục được.

Sau khi uốn, hãy thường xuyên cắt tỉa ngọn và phần rìa để duy trì được hình dáng cây luôn đẹp như ban đầu định hình. Đặc biệt là vào thời điểm cây phát triển, càng cần chú ý tỉa bỏ bớt phần thừa để cây tập trung dinh dưỡng phát triển phần chính tốt hơn.

2. Cách chăm sóc

Để đảm bảo cây bonsai phát triển tốt và luôn khỏe mạnh để giúp ngôi nhà của bạn luôn sinh động, có điểm nhấn, bạn cần bảo đảm các yếu tố sau:

  • Ánh sáng

Hãy đặt cây ở những nơi có đầy đủ ánh sáng chiếu vào như ban công, sân thượng, cửa sổ, giếng trời,… Tuy nhiên hãy tránh ánh nắng quá gắt ở những thời điểm 11h30 – 14h30 mỗi ngày. Bạn có thể dùng chai phun sương để tưới cây, tránh tưới quá nhiều gây úng và thối rễ.

  • Thay chậu

Khoảng 2 năm/lần bạn nên thay chậu để tạo đất mới và cung cấp chất dinh dưỡng cho cây. Mỗi lần thay chậu thì nên cắt tỉa bớt rễ để đảm bảo độ thoáng và thoát nước tốt. Thời gian thay chậu tốt nhất là vào mùa xuân hoặc thu.

  • Cắt tỉa cây

Cắt tỉa và uốn nắn cây thường xuyên để giúp cây luôn giữ được dáng đẹp và theo ý muốn. Mùa xuân là thời điểm tốt nhất để cắt tỉa cây vì đây cũng là lúc cây bắt đầu phát triển mạnh.

  • Diệt trừ sâu bệnh

Cần thường xuyên quan sát các dấu hiệu lạ xuất hiện trên bộ phận cây. Vì trong môi trường ẩm ướt sâu bọ và côn trùng rất dễ phát triển gây hại cho cây.

  • Bón phân cho cây

Thường xuyên quan sát tình trạng lá cây sẽ cho bạn biết tình trạng dinh dưỡng trong đất. Lá màu vàng, kém xanh tươi là do cây thiếu sắt. Còn nếu có nhiều đốm vàng, cam hay nâu thì trong đất có quá nhiều kali. Dựa trên những đặc điểm trên để kịp thời điều chỉnh lượng phân bón hợp lý.

  • Vệ sinh cây

Trồng cây trong nhà nên rất nhiều người thường chủ quan và không chú ý đến việc vệ sinh cho cây. Tuy nhiên việc vệ sinh lá cây, thân cây thường xuyên không chỉ giúp cây không bị rêu, nấm mốc mà còn giúp không gian luôn sạch sẽ và thoáng mát hơn rất nhiều. Bạn chỉ cần dùng khăn mềm đã thấm nước lau nhẹ nhàng là được.

5/5 - (2 bình chọn)
Về Dương Giang

Với tình yêu và kinh nghiệm, sự hiểu biết trong lĩnh vực cây cảnh, cây xanh, làm vườn...Mình hi vọng sẽ cùng bạn xây nên những khu vườn diệu kỳ, cây cối phát triển khỏe mạnh.

Viết một bình luận