Vải là loại trái cây thu hoạch đúng thời điểm mùa hè rất thơm ngọt và giàu dinh dưỡng, cung cấp đủ năng lượng để hoạt động trong một ngày dài.Tuy có rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe nhưng nếu ăn trái Vải quá nhiều có thể ảnh hưởng đến lượng Đường trong máu. Ảnh hưởng như thế nào và cách ăn sao cho phù hợp, hãy cùng đọc chi tiết bài viết nhé!

I. Tổng quan về cây Vải
Tên thường gọi | Cây vải |
Tên gọi khác | Lệ chi |
Tên khoa học | Litchi chinensis Sonn. |
Họ thực vật | Cây thuộc họ Bồ hòn – Sapindaceae |
Nguồn gốc xuất xứ | Cây Vải có nguồn gốc ở miền Nam Trung Quốc và Lệ Chi là cái tên được đặt cho cây ở nơi sinh ra nó. |
Phân bố | Từ quê hương của nó, cây vải được trồng khắp châu Á trải dài đến miền Nam Indonesia sang Philippin, Campuchia, Lào, Thái Lan, phía bắc Ấn Độ… Ở Việt Nam, cây được trồng rộng rãi khắp đất nước nhưng nhiều nhất vẫn là vựa vải ở các huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), huyện Thanh Hà (Hải Dương) |
Các giống vải ngon ở nước ta | Có rất nhiều giống vải ngon có thể kể đến như: Giống vải Thiều chín muộn được trồng nhiều nhất ở Hải Dương và Bắc Giang Giống vải lai chín sớm được trồng nhiều ở Hưng Yên, Quảng Ninh Giống vải U Hồng Giống vải lai không hạt… |
II. Đặc điểm của cây Vải
- Hình dáng bên ngoài: Vải là cây thân gỗ cứng chắc, cành ngang tán dài rộng. Vỏ cây màu nâu xám hoặc xám trắng.
- Kích thước: Cây vải ta tự lên bằng hạt có thể cao tới 15m, đối với cây trồng bằng cành chiết hoặc ghép thường có chiều cao thấp hơn khoảng 5 – 8m.
- Lá: Lá cây vải có hình lông chim mọc so le dài khoảng 20 – 25cm, có từ 2 – 8 lá chét thon dài ở hai bên và không có lá chét ở cuối cành. Các lộc và lá non mới mọc có màu đỏ đồng sau đó chuyển màu vàng sáng bóng rồi sau đó chuyển dần thành màu xanh lục, rồi xanh đậm cho tới khi lá già.
- Hoa: Hoa vải mọc thành chuỳ dài tới 30cm, hoa rất nhỏ màu trắng ánh xanh hoặc ánh vàng. Trên các cành có hoa phủ rất nhiều lông màu nâu nhạt, hoa vải thường không có cánh, ra hoa tháng 2 – 3 và được thu hoạch vào tháng 6 – 7 dương lịch.
- Quả: Quả vải là dạng quả hạch, có nhiều hình dạng khác nhau như: hình cầu, hình tim. Khi còn nhỏ, quả màu xanh lục, lép xẹp rồi chuyển màu đỏ vàng khi chớm chín và chuyển màu đỏ thẫm khi chín rộ.
Vỏ quả sần sùi, thô ráp, bên trong chứa lớp cùi thịt màu trắng bóng, mọng nước và trong cùng là hạt tròn, dẹt hơi dài màu đen bóng. Khi ăn có vị ngọt thanh hoặc hơi chua nhẹ lúc quả mới chớm chín và vị ngọt sắc khi chín rộ là lúc lượng đường tích tụ nhiều nhất.

III. Tác dụng của cây Vải
1. Giá trị dinh dưỡng của quả Vải
Quả vải có chứa nhiều dinh dưỡng rất tốt cần thiết để cung cấp cho cơ thể. Trong 100g cùi thịt của quả vải có chứa đến 66 kcal năng lượng, 87% vitamin C, hàm lượng đường cũng khá cao từ 15 – 16g, chất béo, chất đạm nhưng rất ít. Bên cạnh đó, còn chứa chất khoáng như: Canxi, Magiê, Photpho, Đồng chiếm tỉ lệ từ 1 – 4%.
Ngoài ra, trong quả vải còn chứa chất Rutin đóng vai trò như một flavonoid có tác dụng chống oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể phòng và chống ung thư và các bệnh mãn tính rất hiệu quả.

2. Tác dụng của quả Vải
- Tác dụng trong ẩm thực
Quả vải ngoài việc dùng để ăn tươi trực tiếp còn được dùng để chế biến kẹo, bánh, thạch, dùng để pha chế làm cocktail và một số đồ uống giải khát khác.
Ngoài ra, để bảo quản vải tươi cũng khá khó nên còn được sấy khô để bảo quản được lâu dài và tác dụng cũng hề thay đổi. Thậm chí còn có thêm nhiều công dụng hơn khi ăn tươi, quả vải sấy khô có công dụng như sau:
- Vải sấy khô dùng để ngâm rượu
- Để làm đồ ăn vặt
- Để nấu chè
- Để làm thuốc
- Tác dụng chữa bệnh
Theo y học hiện đại, trong cùi thịt quả vải có chứa nhiều năng lượng và nguồn vitamin C dồi dào, chất khoáng và có chứa chất chống oxy hóa nên có tác dụng:
- Tăng cường hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng và bệnh mãn tính rất hiệu quả.
- Cung cấp nước cho cơ thể
- Ngăn ngừa ung thư
- Giảm tình trạng co rút cơ bắp (chuột rút)
- Giảm tình trạng táo bón
- Làm đẹp da
- Giảm nguy cơ đột quỵ….
Theo đông y, cùi vải có vị ngọt hoặc hơi chua khi chưa chín, tính nóng, không có độc tính. Có tác dụng tán hàn, chữa sưng đau khớp (thoát vị). Đặc biệt là vải sấy khô ngâm rượu có tác dụng bảo vệ tim mạch, giảm viêm đau, làm thư giãn tinh thần, chữa yếu sinh lý, mộng tinh, di tinh ở nam giới.
Vải sấy khô còn có tác dụng ích tâm, sinh can, bổ huyết, bổ tỳ thường dùng cho phụ nữ sau khi sinh và người già thể trạng yếu. Nên dùng cùi vải sắc uống mỗi ngày để giúp trí óc minh mẫn, dễ ngủ và giữ đẹp nhan sắc.
Quả vải tươi có tính ấm nóng nên khi ăn quá nhiều sẽ làm khô môi và có thể gây nhiệt miệng, đau răng, lợi, mụn nhọt. Do đó, cần ăn vải một cách điều độ, chỉ khoang 5 – 10 quả mỗi ngày đối với người lớn, không nên ăn vào lúc bụng đang đói và ăn quá no.
Lượng đường trong cùi vải rất cao nên khi ăn quá nhiều sẽ làm lượng đường vào máu vượt quá mức chuyển hóa của gan, dễ làm tăng lượng đường trong máu gây ra bệnh tiểu đường. Nên người mắc bệnh Đái tháo đường không nên ăn vải, nhãn cũng như tất cả đồ ngọt.
IV. Cách trồng và chăm sóc cây Vải
1. Cách trồng
- Nhân giống
Cây vải được nhân giống bằng hạt, chiết cành hoặc ghép. Tuy nhiên, trồng vải bằng hạt thì không còn áp dụng để trồng lấy quả nữa vì cây lâu cho trái, năng suất không cao nên chỉ ươm trồng để lấy gốc ghép. Có thể tự chiết cành để trồng hoặc ghép hoặc có thể mua cây ghép có bán tại trại giống thường đảm bảo tiêu chuẩn hơn.
- Đất trồng
Cây vải sinh trưởng tốt trên nhiều loại đất như đất đỏ, đất thịt nâu đen, đất cát pha, đất phù sa.. Yếu tố quan trọng nhất của đất trồng là phải thoát nước tốt, tầng canh tác dày. Cây trồng được quanh năm, ở miền Bắc nên tránh trồng vào mùa đông bởi kém sinh trưởng.
Hố trồng vải cũng được đào với kích thước như các loại cây trồng khác, đối với đất bằng phẳng thì nên đào rãnh lên luống cao bởi cây vải thường ưa đất khô ráo. Kích thước hố 30 x 30 x 30cm, cây cách cây là 6 – 7m, hàng cách hàng là 5 – 6m.
Sau khi đào hố nên rắc vôi để khử chua đất rồi để ải khoảng một tháng mới lót phân chuồng hoai mục lại tiếp tục để ải mục phân thêm một tháng sau đó mới trồng..
- Cách trồng
Khi trồng cây vải phải đảo đều phân với đất và đào lỗ nhỏ chính giữa hố phù hợp với kích thước bầu cây, đặt cây con vào hố, dùng tay lấp đất và ấn chặt đất xung quanh bầu cây để tạo độ chắc cho bầu tránh lung lay.

2. Chăm sóc
- Nước tưới
Sau khi trồng cần tưới đủ nước cho cây vải nhất là khi trồng cây vào ngày nắng hoặc mùa khô. Khi nắng gắt phải che chắn cho cây con hợp lý, tưới nhiều nước khi cây đang sinh trưởng mạnh, khi trái đang lớn và lúc quả sắp chín để tạo độ mọng nước cho cùi vải.
- Làm cỏ
Xới cỏ, phủ cỏ khô, phân xanh vào xung quanh gốc cây để tránh cỏ dại. Mỗi năm nên làm cỏ khoảng 4 – 5 lần, xới sạch toàn bộ diện tích bằng cào một lần trong năm, nếu không có thể phát cỏ bằng máy.
- Cắt tỉa
Thường xuyên cắt bỏ những cành tăm, cành kém chất lượng, cành sâu bệnh, cành khuất tán, chồi trong thân kém ánh sáng để tạo độ thông thoáng cho cây tránh sâu bệnh xâm nhập.
- Bón phân
Bón phân hữu cơ vi sinh hoặc phân NPK mỗi năm từ 3 – 4 lần vào thời điểm trước khi ra hoa khoảng 1 tháng, sau khi đậu quả, khi quả đang lớn và trước khi thu hoach 1 tháng. Nên bón các loại phân NPK bón thúc có tỷ lệ cân đối như Đầu trâu 13 – 13 – 13, vào thời điểm nuôi quả nên bón loại 15 – 15 – 15 và bổ sung thêm kali và yếu tố vi lượng để tạo độ bóng mượt cho quả và độ ngọt của cùi.
Đối với cây vải có độ tuổi từ 8 – 10 năm nên bón khoảng 1 – 2kg phân NPK/ 1 lần, bón khoảng 3 lần trong năm và bổ sung thêm phân chuồng hoai mục để tạo độ phì nhiêu cho đất.
- Phòng trừ sâu bệnh
Cây Vải thường bị một số loại côn trùng hại cây như sau:
- Rệp hại hoa, lộc và sâu đục cuống quả: dùng thuốc Reasgant 3.6 hoặc mạnh hơn là Monofos pha theo nồng độ hướng dẫn trên bao bì. Phun vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát tránh phun vào lúc nắng gắt làm héo rụng hoa.
- Bọ xít nâu: dùng Faxtax, Besttox phun kết hợp để trị bọ xít.
- Sâu đục thân, cành: dùng xilanh hút thuốc Monifos đậm đặc bơm thẳng vào lỗ sâu đục nơi có nhiều mùn gỗ đùn ra. Đối với cành bị sâu đục thường bị héo hoặc đã khô lá thì bẻ cành tìm bắt sâu.
- Ngài chích hút quả: khi chuẩn bị chín, ngài thường châm vào quả tạo nên lỗ đen và rỉ nước rồi tự rụng. Có thể dùng biện pháp thủ công để lùa bắt bướm ngài, dùng lưới để bẫy hoặc dùng thuốc phun. Nếu phun phải cách ly trước khi thu hoạch từ 10 – 15 ngày để an toàn cho người sử dụng.
- Nhện lông nhung: dùng thuốc sinh học Sạch nhện hoặc Vua trừ nhện phun theo hướng dẫn trên bao bì.
Các loại bệnh hại trên cây Vải:
- Bệnh Sương mai (mốc sương): cắt tỉa cành bị sâu bệnh và tiêu hủy bằng cách đốt cháy mầm bệnh. Dùng thuốc gốc Đồng Oxyclorua 0,3% hoặc Đồng Boocđô 1% phun toàn bộ thân cây.
- Bệnh Thán thư: do nấm gây ra làm khô lá, đốm lá, có thể dùng Nấm Fovathane, Mancozeb để phun 2 – 3 lần đến khi sạch bệnh. Hai loại thuốc này cũng được dùng để trị bệnh Sương mai.
Quả vải có giá trị dinh dưỡng cao, rất tốt cho sức khỏe nên được mọi lứa tuổi yêu thích. Nhưng phải ăn có chừng mực không nên ăn quá nhiều và trong thời gian dài làm tăng lượng đường trong máu, gây biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng.