Trà hoa vàng là cây dược liệu quý hiếm, trong lá và hoa có chứa thành phần dinh dưỡng lớn nhất trong số các cây trong tự nhiên khác không có độc tố và tác dụng phụ. Có tác dụng bảo vệ cơ thể, nâng cao sức đề kháng, ngăn ngừa bệnh tật. Bởi vậy mà cây có giá trị kinh tế rất cao, ngoài giá trị dược lý, thì cây cũng rất ưa chuộng trồng để trang trí cho không gian thêm tươi mới hơn.

I. Giới thiệu về cây Trà hoa vàng
- Tên thường gọi: Cây trà hoa vàng
- Tên gọi khác: Kim hoa trà, chè hoa vàng
- Tên khoa học: Camellia chrysantha
- Họ thực vật: Cây thuộc họ Chè – Theaceae
- Nơi sống: Cây thường mọc hoang ở các vùng núi cao dưới tán rừng thưa từ miền Bắc trở vào đến miền Trung.
- Nguồn gốc, xuất xứ: Cây được tìm thấy ở Tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)
- Tuổi thọ: Cây trà hoa vàng thường sống rất lâu năm có thể sống trên trăm năm.
- Phân bố: Có rất nhiều nơi canh tác loại cây này nhưng Quảng Ninh vẫn là đất canh tác cho giá trị dược liệu cao nhất. Ngoài ra, cây còn được trồng ở các tỉnh: Nghệ An, Đồng Nai, Hà Nội (Ba Vì), Phú Thọ, Hòa Bình, Tuyên Quang, Yên Bái…
- Màu sắc của hoa: Đúng như tên gọi của nó, cây trà hoa vàng nở hoa màu vàng tươi.
- Thời gian nở hoa: Cây trà hoa vàng bắt đầu nở rải rác từ tháng 10 âm lịch năm trước đến tháng giêng hoặc tháng hai năm sau.
II. Đặc điểm của cây Trà hoa vàng
- Hình dáng bên ngoài: Trà hoa vàng là cây thân gỗ thường xanh quanh năm, thân thấp, nhiều cành nhánh, vỏ cây màu xám trắng và nhẵn.
- Kích thước: Cây cào từ 3 – 6m, cây cổ thụ có thể cao tới 7 – 8m.
- Lá: Lá to mọc xen kẽ hình mũi mác thuôn dài, mép là có khía răng cưa nhỏ, mặt trên của những lá già màu xanh đậm, sáng, bóng và nhẵn, mặt dưới màu nhạt hơn. Cuống và búp lá non có màu đỏ tía, người ta thường hái búp non này để sao khô hãm trà uống.
- Hoa: Hoa to,mọc đơn độc ở nách lá trên những đoạn cành non, đường kính khoảng 5 – 6cm, mỗi bông có từ 8 – 10 cánh, có 3 – 4 vòi nhị màu vàng tươi rất nổi bật.
- Quả: Chỉ những cây trà hoa vàng trưởng thành từ 5 – 6 năm trở lên mới sai nhiều quả. Quả màu xanh ở vỏ ngoài, bên trong là hạt có màu đen, khi quả già vỏ tự nứt rồi nảy mầm và rụng xuống đất.

III. Tác dụng của cây Trà Hoa Vàng
1. Thành phần hóa học
Theo các công trình nghiên cứu, phân tích cho thấy, trong lá và hoa của cây trà hoa vàng có chứa trên 400 thành phần hoá học, không có độc tính và tác dụng phụ gây hại cho cơ thể.
Trong đó, những thành phần quan trọng nhất là Saponin, hợp chất phenolic, các acid amin, axit folic, axit béo, protein, vitamin B1, B2, C, E… và rất nhiều các thành phần dinh dưỡng tự nhiên an toàn và rất tốt cho sức khỏe..
Bởi vậy, mà cây trà hoa vàng được thế giới mệnh danh là Thần dược, là Nữ hoàng của các loại trà, có thể nêu ra một số tác dụng chính của loài dược liệu quý hiếm như sau:
- Giảm mỡ máu, ngăn ngừa bệnh tim mạch
- Điều trị huyết áp cao, ổn định huyết áp, phòng ngừa nguy cơ đột quỵ
- Phòng ngừa ung thư rất hiệu quả
- Tăng cường chức năng giải độc cho gan
- Giúp hạ đường huyết, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường
- Hỗ trợ giảm cân
- Tăng sức đề kháng, bồi bổ cơ thể, phòng ngừa bệnh tật, kéo dài tuổi thọ…
- Giảm căng thẳng thần kinh

2. Tác dụng chữa bệnh
Bộ phận thường dùng của cây trà hoa vàng là lá và hoa. Theo Đông y,hai bộ phận này có vị đắng nhẹ, hơi chát và hơi ngọt, mùi thơm, tính bình, có tác dụng giải độc, tiêu viêm, sát trùng rất hiệu quả. Thường được dùng để chữa các chứng nóng trong như: Kiết lỵ, dùng lá tươi hoặc 20 – 30gam lá sấy khô sắc uống.
Lá trà còn được dùng để đun nước rửa vết thương, rửa 2 – 3 lần trong ngày sẽ làm vết thương se khô và giảm sưng nề nhanh chóng.
3. Tác dụng khác
Ngoài những tác dụng tuyệt vời ở trên thì cây trà hoa vàng còn được trồng để làm cảnh bởi màu sắc tươi sáng và nổi bật trên nền lá xanh mướt của nó. Cây thường được trồng lẻ tẻ trong sân vườn của các hộ gia đình có diện tích đất rộng rãi.
Bên cạnh đó, cây trà hoa vàng đem lại nguồn giá trị kinh tế rất cao bởi các bộ phận đều có thể mang ra kinh doanh được. Búp trà và hoa trà là hai loại thức uống rất đắt đỏ từ 13 – 15 triệu VNĐ/ 1kg trà khô, búp trà và hoa tươi cũng có giá từ 1 – 2 triệu/ 1 kilôgam. Thân gốc kinh doanh cây cảnh, hạt thì nhân giống rồi ghép bán cây giống.
Ngoài ra, cây trà hoa vàng còn được trồng thành rừng phòng hộ có sự đồng lòng bảo vệ của Nhà nước và nhân dân. Để bảo vệ đất đai chống xói mòn, sạt lở đất và quan trọng nhất là điều hòa không khí, làm lá phổi xanh cho nhân loại.
IV. Cách trồng và chăm sóc cây Trà hoa vàng
1. Cách trồng
- Nhân giống
Cây trà hoa vàng được nhân giống bằng cách ươm hạt, chiết cành, ghép cành, giâm hom trong đó, giâm hom cách thông dụng nhất.
- Đất ươm
Việc chọn chất đất rất quan trọng với cây trà hoa vàng, nên chọn đất đồi hoặc đất ruộng, đất cát phù sa ven sông lấy bên dưới tầng đất mặt sâu khoảng 20cm.
Có thể sử dụng đất pha cát, đất thịt nhẹ tơi xốp để ươm cây trà hoa vàng, lấy về sàng đất để loại bỏ đất to, đá sỏi, rễ cây…rồi trộn bằng các chế phẩm sinh học để xử lý mầm bệnh trong đất sau đó che bạt ủ đống lại khoảng 2 – 3 tháng là có thể đóng bầu ươm được.
Khi đóng bầu ươm: dùng túi bầu tròn hoặc vuông kích thước từ 11- 18cm, xúc đất vào bầu lắc mạnh cho đất lấp hết phần góc của túi bầu. Xếp theo hàng dài, thẳng khoảng 5 – 6 hàng trên một luống để dễ tưới tắm, chăm sóc và dễ kiểm soát số lượng bầu cây.
- Chọn giống
Chọn cây trà hoa vàng để lấy hom giống có tuổi đời từ 7 – 10 năm, khỏe mạnh, không sâu bệnh, không nên chọn cành hom già hoặc non sẽ làm giảm tỷ lệ nảy ra rễ. Chọn cành hom bánh tẻ vừa hóa gỗ dài khoảng 7 – 10cm có từ 5 – 7 mắt lá rồi cắt ½ chiều dài của lá để giảm quá trình thoát hơi nước.
- Cách ươm
Sau khi đã chọn cành hom chất lượng, tiến hành ươm luôn, chỉ cần cắm cành trà hoa vàng vào chính giữa bầu, nén đất chặt vừa phải tránh để cấu trúc đât lỏng lẻo làm rễ cây không có độ tỳ bám. Sau đó, cắm cọc úp xuống hai mép luống thành hình vòng cung rồi dùng tấm nilon che phủ lại để thoáng hai đầu luống để cây trao đổi khí.
Trong thời gian ươm bầu khoảng 6 tháng không nên bỏ phân gì cả, chỉ tưới phun sương giữ ẩm cho bầu cây trà hoa vàng. Khoảng 3 – 4 tháng là có thể gỡ bỏ vật che để luống ươm thoáng mát. Đợi đến khi cành hom ra rễ, lá xanh tốt, chiều cao từ 25 – 40cm là đủ tiêu chuẩn xuất vườn mới chăm phân bón và phun xịt thuốc chống nấm bệnh cho cây con.

- Cách trồng cây trà hoa vàng trong chậu cảnh
Cây trà hoa vàng rất thích hợp trồng trong chậu để làm cảnh bởi tán lá đẹp, màu sắc hoa rất ưa nhìn. Để có chậu hoa đẹp nên sử dụng chậu có kích thước phù hợp với cây, có thể sử dụng những viên sỏi đen hoặc trắng để rải lên mặt chậu để trang trí cho đẹp mắt.
Trước tiên cho xốp miếng nhỏ xuống đáy để thoáng khí phần đáy chậu và thoát nước nhanh. Xúc đất đã qua xử lý ở phần đất ươm bầu và trộn thêm phân chuồng hoai mục đảo đều múc vào 1/2 chậu. Đặt bầu cây trà hoa vàng xuống và lấp thêm đất chỉ để qua mặt bầu khoảng 2 – 3cm để không bị nghẹt rễ.
2. Cách chăm sóc
- Nước tưới
Sau khi trồng phải tưới nước cho cây trà hoa vàng thường xuyên, mùa hè nên tưới mỗi ngày 1 lần cho đến khi cây hồi phục và ra lộc đầu tiên . Mùa mưa tưới hạn chế hoặc không tưới, mùa đông hanh khô, sương muối phải tưới ngày 2 lần để rửa
- Nhiệt độ và ánh sáng
Cây trà hoa vàng thường ưa sống dưới tán cây to ẩm mát, sinh trưởng tốt trong khoảng nhiệt độ 25-30 độ C. Vào những ngày nắng gắt, có thể sử dụng hệ thống phun sương để tưới nước giữ ẩm cho cây và che nắng bằng lưới đen để hạn chế ánh nắng chiếu nếu không sẽ bị cháy lá.
- Phân bón
Trong năm đầu sau khi trồng, cứ 3 tháng tưới một lần bằng các loại phân bón rễ dạng bột. Pha tưới vào gốc để kích thích bộ rễ đẻ nhiều, hấp thụ được tối đa dinh dưỡng giúp cây phát triển nhanh.
Ở vùng nông thôn thường hay nuôi gia súc, gia cầm, lượng phân này thường ủ trong bể Bioga, có thể tận dụng loại phân này để pha loãng tưới cho cây trà hoa vàng cũng rất tốt.
Nếu muốn kéo dài tuổi thọ của cây thì nên bón toàn bộ bằng phân chuồng hoai mục. Có thể gom xác chết các loại động vật như: lợn, gà, cá… đào bể sâu để ủ men vi sinh khoảng 6 tháng cho phân hủy hết chất hữu cơ rồi mới bón cho cây trà hoa vàng.
Nếu không có nguồn phân này có thể mua sẵn phân gà phân bò tại các trang trại để ủ làm phân bón. Hoặc có thể mua phân gà khô ép viên dạng phân giun hoặc dạng bột như: phân gà Nhật, bón rất tốt cho cây trồng.
Nên hạn chế tối đa sử dụng phân vô cơ bởi sẽ làm chất lượng dược liệu kém thậm chí làm chết keo đất, đất nhanh bạc màu.
- Phòng trừ sâu bệnh
Cây trà hoa vàng thường bị một số loài côn trùng hại như sau: Sâu đục thân, sâu róm, bọ xít và sâu cuốn lá hại búp và lá non.
Để phòng trừ có thể dùng các biện pháp thủ công như:
– Dùng tay bắt sâu, cắt tỉa cành bị sâu đục, ngắt bỏ lá bị xoăn.
– Cào xới sạch cỏ xung quanh gốc cây trà hoa vàng, không để gốc rậm cỏ và những lá cây rụng phải gạt bỏ sạch.
– Trồng xen kẽ các cây che bóng mát và giữ ẩm cho đất, tạo điều kiện cho sinh vật có lợi phát triển như loài giun.
– Nếu dùng các biện pháp trên mà không có hiệu quả mới dùng đến thuốc BVTV, nên dùng thuốc dòng sinh học và thảo mộc tự pha chế. Để giữ an toàn vệ sinh thực phẩm cho cây trà hoa vàng thì khi phun thuốc BVTV xong phải cách ly trước khi thu hoạch ít nhất là 30 ngày.
Trà hoa vàng là cây có rất nhiều tác dụng còn được gọi là thần chữa bách bệnh bởi những thành phần hóa học có trong nó rất đa dạng. Để trồng và chăm sóc cây không phải là việc dễ dàng mà cần phải nắm vững kỹ thuật từ khâu chọn giống đến chăm sóc phải thật tỉ mỉ mới có thể cho sản lượng cao và chất lượng tốt nhất.