Sưa là loại thực vật rừng quý hiếm đem lại giá trị kinh tế rất cao nên thường bị các đối tượng lâm tặc khai phá nhiều, gây tình trạng chảy máu rừng nghiêm trọng. Đây cũng là loài được ghi trong sách đỏ của nước ta cấm khai thác và cần được gây trồng và bảo vệ.
I. Giới thiệu về cây Sưa
Tên thường gọi: | Cây sưa |
Tên gọi khác: | Cây sưa Bắc Bộ, trắc thối, huê mộc vàng |
Tên khoa học: | Dalbergia tonkinensis |
Họ thực vật: | Là cây thuộc họ Đậu (Fabaceae) |
Tuổi thọ: | Sống lâu năm |
Nơi sống: | Cây sưa được tìm thấy trong rừng nhiệt đới ẩm gió mùa |
Phân bố: | Chủ yếu phân bố tại đảo Hải Nam, Trung Quốc, Lào, Campuchia. Ở Việt Nam cây có nhiều ở các tỉnh như: Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Nội (vườn bách thảo), Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Đồng Nai… |
Màu sắc của hoa: | Cây có hoa màu trắng |
Thời gian nở hoa: | Hoa nở vào tháng 3 – 4 |
Gồm các loại cây: | Có hai loài sưa chính là: Sưa trắng: Sưa trắng cho hoa đẹp, quả to, đốt gỗ không có mùi Sưa đỏ: Sưa đỏ giống sưa trắng kết quả thành từng chùm, khi đốt gỗ có mùi thối. Đây là loại sưa quý hiếm có giá trị kinh tế cao thường bị khai thác nhiều |
II. Đặc điểm của cây Sưa
- Hình dáng bên ngoài: Cây sưa là cây gỗ to, tán thưa, thân cây màu vàng nhạt hoặc xám trắng.
- Kích thước: Cây sưa cổ thụ có thể cao tới 15 – 30m, đường kính khoảng 40 – 60cm. Đối với cây trồng với mục đích kinh doanh chừng 15 năm cho thu hoạch thì cao khoảng 10 – 20m.
- Lá: Lá sưa thuộc dạng lá kép lông chim lẻ một lần, có khoảng 9 – 15 lá chét mọc cách đính trên cuống chính. Lá chét hình trái xoan chóp nhọn đôi khi hơi tù, dài khoảng 4 – 8cm, rộng khoảng 2 – 4cm mép lá nguyên. Cuống lá không có lông, lá xanh đậm thường thay lá vào mùa đông.
- Cành: Cây sưa thường phân cành ít, cành nhỏ, khẳng khiu, tán lá thưa. Cành non màu xanh rồi chuyển màu xám và có những đốm trắng xen kẽ ở những cành già.
- Hoa: Hoa sưa thường mọc theo cụm có hình chùy, mọc ra ở nách lá hoặc ở ngọn cành. Hoa có màu trắng, mùi thơm dịu, hoa nở từ tháng 3 – 4 âm lịch.
- Quả: Quả sưa giống hình dạng quả bồ kết có hình trứng thuôn dài khoảng 5 – 7cm, dẹp, bề rộng khoảng 1 – 1,5cm. Khi non quả sưa màu xanh, khi quả già chín có màu đen và tự nứt khi quả khô giòn, thu hoạch quả vào tháng 11 đến tháng giêng.
III. Ý nghĩa và tác dụng của cây Sưa
1. Ý nghĩa
Trong các triều đại vua chúa trước đây ở Trung Quốc, thì chỉ có những quan lại có công lao lớn đối với đất nước, được phong chức tước mới được ban thưởng các vật dụng làm từ loại gỗ sưa này. Theo quan niệm của họ, các đồ vật đó sẽ làm nâng cao vị thế, uy tín cho chủ nhân và không ngừng thăng quan tiến chức.
2. Tác dụng
Với màu hoa trắng tinh khôi và hương thơm nồng nàn, quyến rũ của hoa sưa đã làm say đắm biết bao tâm hồn yêu mến loài hoa này. Cây sưa thích hợp trồng để làm bóng mát, tạo cảnh quan đô thị, công viên hay các khu du lịch sinh thái.
Gỗ sưa có phần lõi mịn thớ, cứng, có nhiều vân xoắn đẹp uốn lượn hoặc loang lổ như mặt quỷ. Nếu đặt dưới ánh sáng đèn các vân gỗ ánh lên các màu sắc đỏ tím rất đẹp mắt. Thích hợp để đóng đồ nội thất như: Sàn gỗ, lọ lục bình, giường tủ, kệ ti vi.. có giá thành rất cao.
Ngoài ra, có thể trồng thành rừng cây sưa do người dân trồng và có sự quản lý của nhà nước, trước hết để phủ xanh đồi núi trọc, sau là khai thác gỗ đem lại nguồn thu nhập cho nông dân.
IV. Cách trồng và chăm sóc cây Sưa
1. Cách trồng cây
- Cách nhân giống và chọn giống
Cây sưa được nhân giống bằng phương pháp gieo hạt. Thu hái những quả sưa đã chín khô vỏ màu đen. Chọn hái những quả của cây mẹ có thân thẳng đẹp, không bị sâu hại, độ tuổi từ 10 tuổi trở lên.
Sau khi thu hái quả sưa cần được phân loại và tiến hành ủ ngay. Ủ theo từng đống nhỏ để tiện đảo đống, khoảng cách giữa các ống là 30cm và không ủ cao quá 30cm, dùng bạt mỏng che phủ lên đống quả. Cứ mỗi ngày đảo lại một hoặc hai lần tránh nhiệt độ cao làm thối quả.
Thời gian ủ quả sưa từ 2- 3 ngày để vỏ quả mềm đều, dễ tách hạt, sau khi hết thời gian ủ nên phơi dưới nắng mặt trời để vỏ nứt. Sau đó sàng sảy hết những hạt lép, thối không đủ điều kiện nảy mầm rồi tiếp tục phơi hạt khoảng 2 nắng là đem hạt ngâm nước.
Nên ngâm hạt của cây sưa khoảng 24 tiếng mới vớt ráo. Sau khi vớt ráo có thể tưới thuốc kích thích nảy mầm để hạt nảy mầm nhanh và đều hơn, rồi cho hạt vào ủ trong vải mềm hoặc bao tải mỏng.
Thời gian ủ trong bao tải khoảng 2 ngày nếu là mùa hè và 3 – 4 ngày nếu là mùa đông cần tưới nước ấm lên hạt 1 lần mỗi ngày. Mùa hè nên ủ thoáng cho hạt , khoảng 4 – 5 ngày hạt nứt nanh là đem gieo.
- Đất trồng
Đất gieo hạt hoặc đất trồng cây sưa nên chọn đất có tầng canh tác dày, màu mỡ, tơi xốp, không lấy đất ở nơi đã phun thuốc trừ cỏ. Nếu gieo với số lượng ít thì nên gieo trong bầu, nếu gieo theo quy mô lớn với mục đích kinh doanh nên gieo ngoài bãi đất trống rồi rào chắn xung quanh cẩn thận.
Nếu gieo hạt sưa trong bầu, cần sử dụng túi bầu nilon cho đất vào nửa bầu sau đó cho phân vi sinh hoặc phân chuồng ủ ải vào giữa và trên cùng là lớp đất thịt mỏng. Dùng ngón tay ấn xuống đất tạo thành lỗ nhỏ để nhét hạt giống vào bầu đất rồi vùi đất lại.
Nếu gieo hạt sưa ngoài đất nên cày bừa tơi đất rồi lên luống cao khoảng 30cm, rắc phân chuồng mục để lót trước khi gieo hạt. Rạch từng luống nhỏ rồi đặt từng hạt, mỗi hạt cách nhau khoảng 20cm, hàng cách hàng rộng khoảng 20cm, luống cách luống khoảng 40cm để đi lại chăm sóc. Khi đã bỏ hạt xong dùng cào gạt đất vùi các luống hạt lại đợi hạt nảy mầm.
2. Cách chăm sóc cây sưa
Sau khi gieo hạt sưa nên tưới cho túi bầu và các luống gieo hạt luôn để giữ ẩm cho đất, nếu nắng khô nên tưới mỗi ngày 1 lần, nếu mưa quá to phải khơi rãnh thoát nước tránh úng nước gây thối hạt.
Khi mầm hạt sưa nhú khỏi mặt đất nên theo dõi thường xuyên, nếu có sâu bọ ăn mầm phải phun kịp thời tránh bị phá hoại hàng loạt. Thuốc thường dùng là Reagant 3.6 pha theo nồng độ hướng dẫn trên bao bì. Đây là dòng thuốc sinh học nên rất an toàn không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây con.
Khi cây sưa con đạt chiều cao khoảng 10 – 20cm, cần cào xới cỏ tránh cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng. Rồi bón thúc đợt một bằng phân vi lượng phun lên lá để cây tăng trưởng nhanh.
Làm cỏ kết hợp nhổ tỉa bớt những cây kém, còi cọc để cho luống cây thoáng mát tránh sâu bệnh xâm nhập.
Cây sưa là cây gỗ quý được chế tạo ra nhiều món đồ vật có giá trị kinh tế rất cao nên hiện nay cây sưa đang bị săn lùng khai thác ráo riết. Số lượng cây sưa trong rừng nguyên sinh đã cạn kiệt. Vì vậy chúng ta hãy chung tay góp sức nhỏ bé của mình vào công cuộc trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng bằng cách nhân giống và trồng loại cây này nhé.