I. Tổng quan về cây
- Tên thường gọi: Cây lưỡi hùm
- Tên gọi khác: Hổ vĩ mép vàng, Đuôi hổ mép vàng, Lưỡi cọp sọc
- Tên khoa học: Sansevieria trifasciata Prain
- Họ: Dracaenaceae
- Nơi sống: Cây lưỡi hùm có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới Châu Phi (Congo), hiện được trồng ở nhiều nơi, như Mỹ, Ấn Độ. Có tài liệu cho rằng, lưỡi hùm ở Việt Nam hiện nay có nguồn gốc từ Sri Lanca (Võ Văn Chi, 1997).
II. Đặc điểm của cây
- Cây thảo có thân rễ mọc ngang, cao 30 – 50 cm.
- Lá hình dải, dày, giẹp và cứng, gốc có bẹ to mọc ốp vào nhau, đầu thuôn dài thành mũi nhọn, mép nguyên có viền vàng, hai mặt có những vằn ngang màu sẫm nom như đuôi hổ.
- Cụm hoa mọc thẳng ở giữa túm lá thành chùm trên một cán dài 30 – 60 cm; hoa màu trắng hoặc lục nhạt; bao hoa có 6 phiến bằng nhau hàn liền ở phía dưới thành ống, lên trên xòe gập xuống khi nở; nhị 6, chỉ nhị mảnh.
- Quả mọng, hình cầu, khi chín màu vàng da cam.
- Mùa hoa : tháng 5; mùa quả: tháng 9.
III. Ý nghĩa và tác dụng của cây
- Nhân dân dùng lá non tươi cây lưỡi hùm làm thuốc chữa ho viêm họng, khản tiếng. Ngoài tác dụng trên, lá cây lưỡi hùm tươi rửa sạch hơ lửa cho héo, giã nát ép lấy nước, thấm vào bông quấn vào que tăm, bôi chữa viêm tai có mủ. Làm như vậy nhiều lần trong ngày.
- Ở Ấn Độ, thịt quả và dịch ép lá dùng bôi trị loét và mụn lở. Đốt lá và ngửi khói để chữa nhức đầu do sốt. Rễ được coi là thuốc bổ và kích thích.
- Ở Haiti, nước sắc lá hổ vĩ mép lá vàng uống trị thiếu máu. Ở Zaia, nhân dân một số địa phương uống một cốc nước hãm rễ, ngày 2 lần sáng và chiều, để gây sẩy thai. Có nơi còn dùng hổ vĩ mép lá vàng trị rắn cắn.
IV. Cách trồng và chăm sóc cây
- Cây lưỡi hùm là cây ưa sáng, chịu hạn tốt và có thể trồng được trên mọi loại đất. Cây có khả năng mọc chồi khỏe từ thân rễ.
- Cây trồng được 2 – 3 năm mới thấy có hoa. Tuy nhiên, hình thức tái sinh tự nhiên chủ yếu là cách đẻ nhánh con.