Cây kinh giới rất gần gũi, quen thuộc với mỗi gia đình, từ xưa đến nay ông cha ta đã biết dùng lá cây để sắc uống mỗi khi bị cảm sốt. Rồi trong chế biến món ăn lá kinh giới cũng đóng vai trò quan trọng để tạo mùi thơm và tạo màu cho các món ăn thêm phần hấp dẫn.
I. Giới thiệu về cây Kinh giới
- Tên thường gọi: Cây kinh giới
- Tên gọi khác: Hồ kinh giới, thạch kinh giới, kinh giới tuệ…
- Tên khoa học: Elsholtzia cristata
- Họ thực vật: Lá cây thân thảo thuộc Họ Hoa môi (Lamiaceae).
- Nơi sống: Cây kinh giới mọc hoang chủ yếu ở các khu vực như đồi núi thấp và ẩm mát, bãi đất bỏ hoang, bờ sông suối hay trong rừng nơi thoáng nắng.
- Màu sắc của hoa: Hoa kinh giới có màu tím nhạt
- Thời gian nở hoa: Cây kinh giới ra hoa vào mùa hè đến hết mùa thu
- Bao gồm các loại cây: Cây kinh giới lá to và cây kinh giới lá nhỏ.

II. Đặc điểm của cây Kinh giới
- Hình dáng bên ngoài: Cây kinh giới là cây thân thảo, thân cây vuông có cạnh vuông, cây mọc thẳng phân nhiều cành nhánh nhỏ, thân lá có lông mịn.
- Kích thước: Cây cao từ 30 – 60cm.
- Lá: Lá cây kinh giới màu xanh lục, thuôn nhọn, mọc đối, mép lá có hình răng cưa, hai mặt lá đều có một lớp lông tơ mịn bao bọc.
- Hoa: Hoa kinh giới thường ra thành bông nhỏ và dài khoảng 5 – 5cm ở đầu các cành nhánh, chúng có màu tím nhạt. Khi hoa già phát triển thành các hạt nhỏ màu xám đen và bóng.
- Cành: Cành cây kinh giới lá nhỏ thường phân nhiều cành nhỏ nhắn tạo thành lùm cây rậm rạp. Còn cây lá to thì phân cành thưa hơn nhưng cả hai loại đều giòn dễ gãy.
III. Tác dụng của cây Kinh giới
1. Tác dụng trong ẩm thực
Lá kinh giới cùng với lá tía tô thường không thể thiếu khi dùng làm gia vị cho một số món ăn dân dã. Lá ban hoặc búp tươi thái nhỏ trộn với các món nộm thịt, nộm chay, nem, chả… đặc biệt là các món thịt thú rừng để khử mùi tanh và làm cho món ăn thêm màu sắc và hương vị hấp dẫn.
Lá kinh giới cũng được dùng kèm với các loại rau thơm khác để ăn sống, cuốn gỏi cá…làm gia vị cho các món bún, phở truyền thống.
2. Tác dụng chữa bệnh
Ngoài việc sử dụng trong ẩm thực, lá kinh giới còn là vị thuốc nam có công dụng chữa bệnh rất hiệu quả. Theo đông y, lá kinh giới có vị cay, the mát, tính ôn (ấm, nóng) nên được sử dụng để phát hãn (làm ra mồ hôi), ngăn không cho ngoại tà xâm nhập vào trong cơ thể.
Lá kinh giới già hoặc cả cây rửa sạch, phơi khô sắc uống khi bị cảm mạo phong hàn (cảm lạnh), đau khớp do lạnh và các bệnh dị ứng do lạnh: viêm mũi dị ứng, viêm xoang, hen phế quản. Khi dùng nên nên kết hợp với gừng tươi, lá tía tô, vỏ quế, ma hoàng..để tăng thêm hiệu quả chữa bệnh.
3. Tác dụng làm cảnh, trang trí
Cây kinh giới cũng được trồng chậu nhỏ để làm cảnh, trang trí cho những nơi có không gian nhỏ hẹp như: bếp ăn, cạnh cửa sổ, hành lang…tạo cho ngôi nhà có không gian xanh và luôn thoang thoảng hương thơm.
4. Tác dụng khác
Cây kinh giới có mùi thơm, cay có chứa hàm lượng nhỏ tinh dầu nên cũng được dùng để chiết xuất tinh dầu dùng được cho cả người lớn và trẻ em. Dùng để xoa khi trời trở lạnh hoặc để tắm rửa hàng ngày có tác dụng phòng chống mẩn ngứa, rôm sảy, làm sạch da ngăn ngừa mụn nhọt.

IV. Cách trồng và chăm sóc cây Kinh giới
1. Cách trồng cây
Cây kinh giới được nhân giống bằng gieo hạt, khi gieo hạt nảy mầm nhanh với tỷ lệ rất cao.
- Thời vụ trồng cây kinh giới
Cây kinh giới có thể trồng được quanh năm vì cây dễ thích nghi với nhiều kiểu thời tiết khác nhau. Thời điểm thích hợp nhất vẫn là mùa xuân, khi trồng cây nhanh bén rễ, khi gieo cũng nhanh nảy mầm.
- Chọn giống cây kinh giới
Hạt kinh giới được bày bán ở nhiều nơi nên lựa chọn nơi uy tín, đảm bảo hạt không bị mốc mọt. Hạt rất nhỏ nên có thể gieo luôn mà không cần ngâm nước vẫn nhanh nảy mầm chỉ cần tưới nước đủ ẩm cho luống gieo.
Cây con phải chọn cây khỏe, không bị dập nát thân và lá, bộ rễ màu trắng là cây khỏe mạnh.
- Đất trồng và cách trồng cây kinh giới
Cây kinh giới không kén chọn đất, chỉ cần đất ẩm là đủ. Khi gieo cần lên luống, vằm đất nhỏ, tơi nên rắc phân chuồng lên mặt luống để tạo độ tơi xốp cho đất.
Khi trồng cây con cũng phải rạch hàng thẳng để tiện chăm sóc hoặc bổ lỗ thẳng hàng, tưới đất cho đủ ẩm rồi rắc phân chuồng hoặc phân vi sinh xuống rạch rồi trộn đều với đất mới trồng. Nên bón lót phân chuồng để giúp cây kinh giới cứng cáp và tăng tuổi thọ cho cây.
2. Cách chăm sóc cây
Cần tưới nước mỗi ngày cho đất đủ ẩm giúp rễ cây phát triển nhanh. Khoảng 3 – 5 ngày đầu cây kinh giới con mới trồng thường bị héo do chưa bén rễ nên việc tưới tắm là rất cần thiết để đảm bảo cây con sống sót và sinh trưởng đồng đều.
Nếu muốn cây nhanh hồi phục có thể tưới các sản phẩm dinh dưỡng như: AH Thanh Hà, NovaGap để kích thích ra rễ và tăng sức đề kháng cho cây. Tưới theo chỉ dẫn trên bao bì, tưới nhắc lại lần 2 và 3 cách nhau 7 – 10 ngày khi cây kinh giới đã phát triển tốt.
Thường xuyên nhổ hoặc cào xới cỏ toàn bộ luống cây kinh giới để đất tơi xốp, sau khi xới duông cỏ cho sach đất và để lại trong gốc giúp giữ ẩm và tạo mùn cho đất khi cỏ thối mục.
Cây kinh giới thường bị một số loại côn trùng gây hại như: sâu xanh, bọ nhảy ăn lá làm lá thủng lỗ chỗ nên cây giảm tuổi thọ rồi chết. Hầu như loại côn trùng này chỉ ăn vào buổi đêm và sáng sớm nên việc phun diệt trừ là rất khó.
Cần phun thuốc diệt vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối, phun cách 3 – 5 ngày để diệt hết lứa sâu và làm ung trứng sâu. Loại thuốc có thể dùng là: Bestox, Pentax hoặc loại độc tố cao hơn là Monifos.
Cây kinh giới rất gần gũi và quen thuộc với mỗi gia đình Việt, nó không chỉ góp phần là phong phú thêm cho các ăn, làm cây cảnh cho người yêu cây thưởng thức mà còn góp phần làm tránh được những rủi ro về sức khỏe cho con người.