Cây hoa nhài (lá lớn) còn được biết đến là cây dược liệu có giá thành và cho sản lượng khá cao, cao hơn rất nhiều so với các loại cây lương thực và rau màu khác. Cây cho thu hoạch quanh năm nhưng mùa chính vụ là mùa hè thu hàng năm.
I. Giới thiệu về cây Hoa nhài
- Tên thường gọi: Cây hoa nhài
- Tên gọi khác: Cây hoa lài
- Tên khoa học: Jasminum sambac Ait
- Họ thực vật: Cây thuộc họ Oleaceae (lài)
- Tên tiếng anh: Arabian Jasmine
- Nguồn gốc xuất xứ: Cây hoa nhài có xuất xứ từ khu vực Ấn Độ và Ả Rập
- Nơi sống: Cây thường mọc ở các vùng bằng phẳng, đồi núi thấp
- Phân bố: Cây nhài hiện nay được trồng khá phổ biến ở các vùng nông thôn và thành thị ở nước để làm cảnh, làm cây dược liệu.
- Tuổi thọ: Sống lâu năm
- Màu sắc của hoa: Hoa có màu trắng
- Thời gian nở hoa: Hoa nhài nở rải rác quanh năm nhưng mùa hoa chính vụ là từ tháng 5 – 9 hàng năm
- Bao gồm các loại cây:
- Cây hoa nhài thân đứng (có ít hoa là cây dược liệu)
- Cây nhài thân leo bám (lài hoa nhỏ và sai nhiều hoa là cây cảnh).
- Hiện nay trên thị trường có khá nhiều loại hoa nhài lai đó là: Hoa nhài đơn, hoa nhài kép, hoa nhài Tây đổi màu, hoa nhài màu hồng.

II. Đặc điểm của cây Hoa nhài
- Hình dáng bên ngoài: Cây hoa nhài là cây thân gỗ dạng bụi nhỏ, có cả dạng cây thân leo bám vào những cây khác hoặc tường rào để làm điểm tựa. Đối với cây hoa nhài leo, thân cây thường dài và có thể uốn xoắn tạo nhiều kiểu dáng đẹp và có thể mọc lan ra rất rộng nếu có vị trí rộng rãi.
- Kích thước: Cây hoa nhài bụi có chiều cao khoảng 50 -100cm.
- Lá: Lá cây hoa nhài là dạng lá đơn có hình bầu dục, dài, mọc cách màu xanh đậm và bóng mỡ ở cả hai mặt lá. Mép lá nguyên và hơi nhọn về phần chóp lá, phần đầu lá là cuống nhỏ và ngắn chỉ chừng 1cm. .
- Hoa: Những chùm nụ hoa nhài màu trắng như tuyết được mọc đua ra trên những ngọn cành phô ra vẻ đẹp tinh khiết. Mỗi chùm hoa chứa khoảng từ 4 – 10 bông mang nhiều kích thước khác nhau, hoa có mùi thơm nồng, khi hoa ngả màu vàng nhạt là hoa sắp tàn. Thời gian thu hoạch hoa nhài vào khoảng tháng 5 – 9 và chỉ hái những nụ hoa chưa nở vào lúc nắng từ 8 giờ đến 14 giờ trong ngày. Qua khoảng thời gian này là hoa nở, giá trị sử dụng thường kém hơn so với nụ.
- Cành: Cây hoa nhài chủ yếu phân cành nhánh nhỏ và nhiều nên tạo tán tròn xum xuê rất đẹp mắt thích hợp làm cây cảnh.
- Quả: Cây hoa nhài thường ít đậu quả bởi những lứa hoa đều đã được thu hoạch.
III. Ý nghĩa và tác dụng của cây Hoa nhài
1. Ý nghĩa
Màu trắng tinh khiết của hoa nhài là biểu tượng cho tình bạn trong sáng, tình yêu vĩnh cửu, hơn nữa còn còn thể hiện sự tôn kính, tôn thờ đối với những người đã khuất. Điều đó lý giải cho việc những bông hoa trắng thường được cài trên ngực áo, hoa nhài cũng không nằm ngoại lệ đó.
Về mặt phong thủy, trưng cây hoa nhài trong nhà tại các vị trí trang trọng ở hướng Đông nơi mặt trời mọc thì công việc của gia chủ sẽ khởi đầu thuận lợi, may mắn, đầu xuôi đuôi lọt, gia đình hòa thuận, êm ấm.
2. Tác dụng
- Tác dụng trong trang trí, làm cảnh
Cây hoa nhài có bộ tán rất đẹp và khỏe mạnh nên có thể trồng làm cây nội thất hoặc ngoại thất đều được. Đối với chậu cây hoa nhài thân đứng, lá bóng xanh mướt nên chưng ở phòng khách, bếp ăn để khử mùi hoặc hai bên hiên nhà, hành lang.
Các quán cà phê, nhà hàng ăn uống ven bờ sông cũng thường lựa chọn cây hoa nhài thân leo để trồng ở cửa quán tạo thành vòm cổng rất đẹp mắt. Đêm đêm hoa nhài tỏa mùi hương rất sảng khoái, dễ chịu, đây không chỉ là nơi ăn uống mà còn là nơi tập chung những người yêu thích loài hoa này.
- Tác dụng chữa bệnh
Cây hoa nhài được sử dụng rất phổ biến trong Đông y, cây có vị ngọt cay, tính mát thường dùng để thanh nhiệt táo thấp (chữa các bệnh do lạnh gây ra), hầu hết các bộ phận của cây đều có công dụng chữa bệnh rất hiệu quả.
Rễ cây hoa nhài có vị cay, có độc tính nhẹ dùng làm thuốc an thần, giúp dễ ngủ. Rễ ngâm rượu dùng xoa bóp lên vết bầm tím do đòn đau, té ngã.
Lá cây hoa nhài tươi lam trong ống tre lấy nước uống dùng để chữa đau bụng tiêu chảy, sốt ở cả người lớn và trẻ nhỏ.
Hoa nhài tươi hoặc khô dùng để chữa mụn nhọt, ngứa lở loét, rôm sảy.
- Tác dụng khác
Nụ hoa nhài khô được dùng trong nghệ thuật tẩm ướp trà xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế khá cao cho người trồng cây.
Hương thơm nồng nàn khó quên của hoa nhài còn được dùng trong công nghệ sản xuất nước hoa, mỹ phẩm, sữa và xà phòng tắm.
Ngoài ra, hoa nhài còn được chiết xuất tinh dầu giúp an thần, giảm căng thẳng thần kinh rất tốt, tạo cảm giác thoải mái và lạc quan.

IV. Cách trồng và chăm sóc cây Hoa Nhài
1. Cách trồng cây
- Cách nhân giống và chọn giống hoa nhài
Cây hoa nhài được nhân giống bằng phương pháp giâm cành, ghép cành và chiết cành. Cần chọn những cây khỏe mạnh, không sâu bệnh hại, không bị vàng lá do thiếu dinh dưỡng để chiết, ghép hoặc lấy cành để giâm.
Nên thực hiện các biện pháp nhân giống hoa nhài từ tháng 1 – 7 trong năm, tránh mùa lạnh và tránh ngày mưa.
- Đất trồng
Cây hoa nhài không kén chọn đất chỉ cần đất ẩm và tơi xốp không bị ngập lụt là được.
Nếu là đất bằng phẳng, cần lên luống (băng) cẩn thận để trồng, mỗi luống rộng khoảng 2 – 3m, rãnh mương rộng khoảng 30 – 50cm để tiện chăm sóc và thu hái. Mật độ trồng hàng cách hàng là 50 – 60cm, cây cách cây là 30 – 40cm đối với cây hoa nhài dược liệu.
Đất trồng cây hoa nhài phải được cày bừa kỹ làm tơi xốp đất, dùng máy rạch hố trồng nếu trồng với quy mô nhiều. Trước khi trồng nên lót phân chuồng ủ ải cho mỗi cây khoảng 0,5kg để tạo độ phì nhiêu cho đất. Nếu không có phân chuồng có thể lót bằng phân vi sinh giúp cây trồng cứng cáp và cải tạo đất nếu đã qua canh tác cây trồng khác.
- Kỹ thuật trồng
Xé bỏ túi bọc bầu tránh làm đứt bộ rễ cây hoa nhài rồi đặt xuống hố trồng, trộn đều phân với đất, vùi lấp đất không quá mặt bầu 3cm tránh làm nghẹt rễ cây.
Sau khi trồng, tưới nước đẫm cho cây hoa nhài luôn được tươi mát, nếu nắng nóng cần có biện pháp che chắn nắng cho cây. Những ngày sau đó tưới ít nhất mỗi ngày một lần đều đặn cho đến khi cây bén rễ và ra chồi non.
2. Cách chăm sóc
Sau khi trồng khoảng 7 – 10 ngày, tưới phân bón rễ hoặc phân vi lượng có đầy đủ dinh dưỡng nhất cho cây hoa nhài con mới trồng. Tưới kép (hai lần) cách nhau khoảng 5 – 7 ngày giúp cây nhanh bén rễ.
Khi cây hoa nhài ra khoảng 2 – 3 lần chồi, bón thêm phân NPK và kali để cây cứng cáp không bị đổ ngã.
Khi cây trưởng thành chuẩn bị ra hoa, cần bón thêm đạm và phun Siêu Lân giúp cho cây phân bố nụ đồng đều, nụ to đạt kích cỡ chuẩn của thương lái thu mua.
Sau mỗi đợt thu hoạch hoa nhài cần vặt bỏ lá già vàng úa và lá vàng do sâu bệnh gây hại. Kết hợp làm cỏ, cào xới cho tơi đất và bón thêm một lần phân chuồng mỗi năm.
Nếu muốn hoa nhài ra trái vụ nhiều, nên để đất khô không tưới, bón phân Văn Điển để kích ra hoa nhiều và đồng loạt. Sau đó, bón các loại phân cao cấp giúp tăng năng suất cây trồng.
Một số sâu bệnh hại cây: Cây hoa nhài là cây có hoa thơm nên thu hút nhiều côn trùng đến đậu, chúng vừa giúp thụ phấn đồng thời cũng là con dao hai lưỡi mang lại sâu bệnh hại cây.
Để phòng bệnh cho cây nên theo dõi vườn hoa nhài thường xuyên để phát hiện kịp thời sâu bệnh không. Khi có sâu hại nên bắt sâu bằng tay, không nên phun thuốc làm ảnh hưởng đến chất lượng dược liệu.
Cây hoa nhài vừa là cây làm cảnh, làm dược liệu có hiệu quả rất tốt khi sử dụng, cây cũng khá gần gũi với chúng ta. Nếu có diện tích đất đai rộng nên khuyến khích canh tác loại cây này giúp mang lại lợi nhuận cao hơn cho nông dân.