Trong kho tàng dược liệu vô cùng phong phú của nước ta thì không thể không kể đến cây cỏ mực. Là loại cây mọc hoang, dễ tìm nhưng lại có công dụng chữa bệnh rất tốt và vô cùng lành tính. Bài viết sau đây sẽ giới thiệu đầy đủ thông tin, hướng dẫn sử dụng vị thuốc và cách chăm sóc cây thuốc này nhé.

I. Tổng quan về cây Cỏ Mực
- Tên thường gọi: Cỏ mực
- Tên gọi khác: Cỏ nhọ nồi, Hạ liên thảo, Mặc thảo
- Tên khoa học: Eclipta prostrata (L.), L. – Verbesina prostrata L, V. alla L.
- Họ thực vật: Cây thuộc họ Cúc – Asteraceae
- Nơi sống: Cây cỏ mực thường mọc hoang ở nơi ẩm mát như: bờ ruộng, bờ mương, vườn rau hoặc bãi cỏ ẩm mát.
- Tuổi thọ: Cây thường sống từ 1 – 2 năm rồi tự lụi dần.
II. Đặc điểm của cây Cỏ Mực
- Hình dáng bên ngoài: Cỏ mực là cây thân thảo nhỏ, mềm, thấp, mọc thẳng đứng hoặc mọc bò. Thân màu lục sẫm hoặc đỏ tía, phình lên ở những đoạn mấu, nhiều lông, khi vò nát thân lá ra có nước màu đen nên còn gọi là cây cỏ mực.
- Kích thước: Cây cao tung bình từ 20 – 40cm
- Lá: Lá cây cỏ mực mọc đố, có lông ở cả hai mặt lá, mép răng cưa rất nhỏ, dài 4 – 6 cm, rộng 5 -15mm.
- Hoa: Cụm hoa hình đầu màu trắng mọc ở kẽ lá hoặc ngọn của thân cây, gồm hoa cái ở ngoài và hoa lưỡng tính ở bên trong sát với thân cây..
- Quả: Quả cây cỏ mực là dạng quả bế có 3 cạnh, có cánh, hơi dẹt dài khoảng 2 – 3mm.

III. Tác dụng của cây Cỏ Mực
Theo sách y học dân gian xưa có ghi chép, cây cỏ mực có vị chua, ngọt, tính mát có tác dụng vào kinh can và kinh thận. Tác dụng chính là lương huyết, thanh can nhiệt, cầm máu và dưỡng thận âm, làm đen râu tóc.
Vị thuốc này có thể dùng liều cao gấp 10 lần so với chỉ định cũng không gây hại, có thể dùng đơn độc mà không cần kết hợp với các vị khác khi điều trị vẫn có kết quả tốt. Được dùng để chữa các chứng bệnh như sau:
- Thổ huyết và chảy máu cam: Cách dùng là giã nát cành và lá cây cỏ mực rồi vắt lấy nước uống để cầm máu.
- Trị chứng tiểu tiện ra máu: Dùng thân và lá cỏ mực kết hợp với lá mã đề giã nát, vắt lấy nước uống.
- Bọc lên vết đứt đang chảy máu: Giã một nắm lá cỏ mực từ 10 – 15g rửa sạch rồi đắp lên vết thương.
- Trị bệnh trĩ ra máu tươi: Dùng toàn thân cây từ rễ đến hoa của cây cỏ mực giã nát cho vào chén rượu khoảng 20 – 30ml lấy nước uống, phần cái để đắp lên vị trí ra máu.
- Ngoài ra, cây cỏ mực còn được dùng để chữa râu, tóc bạc sớm bằng cách nấu cao để lỏng để hòa với nước sôi hoặc rượu gạo. Uống mỗi ngày 2 lần vào sáng sớm hoặc buổi tối trước khi đi ngủ có tác dụng bổ thận, ích tinh huyết.
- Trị bệnh rong kinh ở phụ nữ: Có thể kết hợp với cây huyết dụ và trắc bách diệp để có kết quả tốt nhất.
- Tưa lưỡi cho trẻ: Cỏ mực tươi, lá hẹ giã nhỏ lấy nước hòa với mật ong, tưa 2 – 4 giờ một lần.

IV. Cách trồng và chăm sóc cây Cỏ Mực
1. Cách trồng cây Cỏ Mực
Cây cỏ mực là cây mọc hoang ở nhiều nơi chủ yếu là vùng nông thôn, miền núi nên rất dễ trồng, dễ sống, không tốn công chăm sóc mà vẫn sinh trưởng rất tốt.
Cây được nhân giống bằng phương pháp gieo hạt từ những bông hoa đã già, rụng cánh chỉ còn trơ lại phần đài hoa, đó là nơi chứa hạt.
Hạt cây cỏ mực sau khi được thu hoạch, phải phơi khô bảo quản kín để sang đầu xuân mới gieo. Có thể gieo trong chậu, gieo bầu hoặc gieo trên luống đất khi đủ điều kiện chiều cao khoảng 10cm là đánh cây con đi trồng được.
Đất gieo và cách gieo: Phải làm đất gieo thật nhỏ mịn, lên luống cao 15 – 20cm, rộng 1m, lót phân chuồng ủ hoai lên mặt luống rồi đảo đều sau đó rắc hạt lên luống. Rắc thưa để hạt không bị dồn lên nhau khi mọc mầm sẽ chồng lên nhau làm cây sinh trưởng kém.
Sau khi lên mầm mà cây còi cọc có thể tưới thêm bằng các loại phân bón dạng bột pha kích rễ. Nếu không có thì tận dụng các loại nước phân Bioga từ lợn, gà, trâu, bò đã được xử lý hoặc nước giải người để pha với nước sạch hoặc nước vo gạo với tỉ lệ: nước giải 1 lít pha với nước vo gạo 3 lít tưới 3 – 5 ngày 1 lần.
Cách trồng cây dược liệu: Cần phải trồng theo hàng lối để tiện chăm sóc và phun phóng, khơi rãnh mương sâu 30cm nếu trồng trên ruộng nước. Nếu trồng đồi đất khô thì trồng với khoảng cách hẹp hơn bởi đất đồi sẽ kém làm cây sinh trưởng chậm hơn.

2. Cách chăm sóc cây Cỏ Mực
- Tưới nước thường xuyên bởi cây cỏ mực thường ưa ẩm, tưới mỗi ngày một lần, những ngày sau tưới thưa hơn hoặc tưới khi thấy đất có dấu hiệu khô có vết nứt.
- Nhổ cỏ quanh gốc để tránh cạnh tranh dinh dưỡng của cây cỏ mực, vừa làm cỏ vừa kết hợp bón phân rồi vun đất để tránh bốc hơi khi nắng và rửa trôi khi mưa to.
- Bón phân đúng loại và đúng liều lượng tránh làm ngộ độc phân bón làm chết cây, có thể bón phân hữu cơ vi sinh để an toàn cho hệ sinh vật trong đất và tăng độ mùn trong đất.
- Ngoài ra, phân chuồng hoai mục cũng là loại phân được ưa chuộng nhất bởi có chứa đầy đủ các loại dinh dưỡng như: đạm, khoáng, vi lượng… cho cây trồng.
Cây cỏ mực có vị ngọt mát nên rất hay bị sâu và côn trùng hại cây, nếu có số lượng ít thì dùng biện pháp thủ công để bắt sâu, hạn chế tối đa sử dụng thuốc BVTV vào cây dược liệu.
Cây cỏ mực là loại dược thảo rất quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho chúng ta, tuy là cây cỏ nhỏ bé nhưng công dụng lại rất lớn lao và chưa thể nghiên cứu hết được về nó. Từ những công dụng tuyệt vời đó, ta nên lưu lại để dùng khi cần thiết nhé.