Cây Ban Trắng

Từ bao đời nay, cây ban trắng được coi là biểu tượng, là linh hồn của mảnh đất và con người Tây Bắc. Cây mang lại giá trị về mặt vật chất và tinh thần rất lớn cho con người nơi đây, để đáp lại điều đó, hàng năm người dân thường tổ chức lễ hội Hoa Ban vào tháng hai (âm lịch). Để quảng bá nét đẹp văn hóa và con người, từ đó thu hút khách du lịch trong nước và ngoài nước đến thăm.

I. Giới thiệu về cây Ban trắng

Tên thường gọi:Cây ban trắng
Tên gọi khác:Cây móng bò sọc, hoa ban
Tên khoa học:Bauhinia variegata
Họ thực vật:Là một loài thực vật có hoa trong họ đậu (Fabaceae)
Nguồn gốc xuất sứ:Cây có nguồn gốc ở khu vực châu  Á. Cây sinh trưởng thích hợp ở vùng đất có loại hình khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa
Nơi sống:Cây ban trắng thường mọc tự nhiên ở các khu rừng nhiệt đới, ven bìa rừng, quanh làng bản 
Phân bố:Cây ban trắng mọc nhiều ở các nước như: Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Myanma…Ở Việt Nam cây mọc tự nhiên rất nhiều ở khu vực Tây Bắc như: Tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình…Hiện nay cây cũng được trồng ở các làng hoa, phố đi bộ ở Hà Nội
Tuổi thọ:Là cây sống lâu năm
Màu sắc của hoa:Hoa có màu trắng, hoa tỏa hương thơm dịu
Thời gian nở hoa:Hoa ban trắng nở rộ vào mùa xuân bắt đầu nở từ tháng giêng kéo dài đến tháng ba âm lịch.
Bao gồm các loại cây:Cây hoa ban trắng, cây hoa ban đỏ và cây hoa ban tím
Cây hoa ban trắng
Hoa ban trắng nở rộ vào mùa xuân bắt đầu nở từ tháng giêng kéo dài đến tháng ba âm lịch.

I. Đặc điểm của cây Ban trắng

  • Hình dáng bên ngoài: Cây ban trắng là cây thân gỗ vừa, tán lá rộng xòe xum xuê, ở cây già vỏ cây xù xì màu nâu đen.
  • Kích thước: Cây ban trắng trưởng thành có chiều cao 12 – 15m, đường kính thân cây khoảng 20 – 30cm. 
  • Cành: Thân và cành cây khi non có màu xám, nhẵn và nhiều lông mịn, khi trưởng thành vỏ cây chuyển màu nâu đậm, xù xì.
  • Lá: Lá ban trắng to, bản rộng, dài khoảng 10 – 12cm, bề rộng khoảng 8 – 10cm. Lá hình tim, chóp hơi nhọn, đầu lá khuyết sâu, mọc so le, cuống lá hơi dài. Mặt trên lá màu xanh đậm, không có lông,  mặt dưới lông thưa thớt hơn.
  • Hoa: Hoa ban trắng dạng cụm hình chùy ngắn, mọc ra từ kẽ lá hoặc đầu cành. Hoa to có 5 cánh màu trắng, đường kính khoảng 10 – 12cm, khi nở rộ cánh hoa xòe ra trắng muốt đẹp như tranh vẽ. 
  • Quả: Quả ban trắng là dạng quả đậu dài 10 – 15cm, dẹt, nhẵn bên trong chứa 5 – 7 hạt tròn, dẹt.

III. Ý nghĩa và tác dụng của cây Ban trắng

1. Ý nghĩa

Theo truyền thuyết của người Mường, cây ban trắng là hiện thân của nàng Ban – là một thiếu nữ dân tộc Thái. Truyện kể rằng, nàng Ban đã yêu chàng Khôm say đắm, tha thiết đã cùng thề non hẹn biển sẽ sống mãi bên nhau. 

Nhưng  vì chàng Khôm con nhà nghèo nên không được cha mẹ nàng chấp thuận và ép duyên nàng với chàng trai khác giàu có, nàng không ưng thuận bèn chạy trốn vào rừng sâu. 

Nàng chạy mãi cũng thấm mệt và chết trong rừng, về sau chính nơi nàng nằm xuống đã mọc cây gỗ nở hoa trắng, mùi thơm dịu, người dân gọi là cây ban trắng.

Từ đó sự tích hoa Ban luôn được lưu truyền qua các thế hệ của người dân tộc Thái. Và để tưởng nhớ nàng, hàng năm dân làng đã tổ chức lễ hội Hoa Ban vào tháng hai (tháng nàng Ban chết cũng trùng vào tháng cây ban nở hoa) hàng năm. 

Qua câu chuyện, chúng ta hiểu rằng cây ban trắng thể hiện tình yêu trong trắng, thủy chung, son sắt một lòng, một dạ không thay đổi và có thể đem cái ra để chứng minh cho tình yêu đó. 

Cây ban trắng mang ý nghĩa đẹp là vậy, do đó trồng cây trong khuôn viên nhà sẽ luôn mang lại cho gia chủ tâm hồn trong sáng, biết trân trọng hơn giá trị của những người xung quanh mình và yêu thiên nhiên hơn.

2. Tác dụng

  • Tác dụng trang trí, làm cảnh

Cứ mỗi độ xuân về, hoa ban nở rộ điểm trắng cả núi rừng Tây Bắc cùng với con người nơi đây luôn thân thiện, hiền hòa, mến khách. Đó là điểm nhấn thu hút được đông đảo lượng khách du lịch từ mọi miền đất nước và khách du lịch nước ngoài, dừng chân chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn vẻ đẹp tinh khiết của loài hoa này.

Cũng từ đó đem lại nguồn thu nhập không chỉ về kinh tế mà còn giúp giới thiệu và quảng bá về lễ hội, những nét văn hóa, đời sống tinh thần của người dân nơi đây. 

Ngoài rừng ban tự nhiên, cây ban trắng còn được trồng ở nhiều khu du lịch sinh thái ở vùng đồng bằng, trồng ở ven phố đi bộ, ven các con đường hoa, công viên… Tạo cho khung cảnh thành phố cũng tràn ngập sắc trắng không thua kém gì rừng hoa ban khi nở rộ. 

  • Tác dụng chữa bệnh

Ở Ấn Độ, người dân thường dùng vỏ tươi của cây ban trắng để đun nước rửa các vết thương hở ngoài da, đun đặc tắm để rửa vết lở loét do các bệnh viêm nhiễm, lở loét ở  ngoài da.

Mầm, chồi, lá phơi khô sắc uống chữa bệnh đường tiêu hoa như: Tiêu chảy, kiết lỵ, dùng tẩy giun cũng khá hiệu quả.

Rễ cây ban trắng sao khô sắc uống chữa chướng bụng, đầy hơi, chậm tiêu.

  • Tác dụng khác

Hoa ban có vị ngọt thanh, người Tây Bắc thường dùng để chế biến thành các món ăn lạ và rất ngon miệng. Thường dùng để nấu canh hoặc trần tái để làm nộm.

Hoa ban cũng thích hợp dùng để thờ cúng bàn thờ tổ tiên hoặc thờ thần linh. 

Gỗ cây ban trắng thuộc loại gỗ tạp nên chỉ dùng trong xây dựng hoặc làm củi đun.

Tìm hiểu về cây hoa ban trắng
Trồng cây hoa ban trắng mang lại cho gia chủ tâm hồn trong sáng, trân trọng những người yêu thương mình và yêu thiên nhiên hơn.

IV. Cách trồng và chăm sóc cây Ban trắng

1. Cách trồng cây

Cây ban trắng được nhân giống bằng cách chiết cành và gieo hạt.  Là cây dễ trồng, sinh trưởng và phát triển nhanh, tuy là cây mọc tự nhiên nhưng sức chống chịu sâu bệnh rất tốt và dễ chăm sóc. Dưới đây là giới thiệu về  phương pháp nhân giống cây ban trắng bằng hạt.

  • Chọn giống

Chọn quả ban trắng đã già khô trên cây mẹ khoảng trên 10 năm tuổi, quả đem về cần phơi khô tách vỏ lấy hạt. Hạt phơi khoảng hai nắng rồi đem ngâm bằng nước sạch khoảng 24 giờ sau đó vớt ráo,  cho vào miếng vải ủ khoảng 2 – 3 ngày hạt nứt trắng là đem gieo. 

  • Đất gieo

Nếu gieo hạt ban trắng với quy mô nhiều nên gieo ở bãi đất trống, trước tiên cần phát dọn cỏ sạch sẽ, cày bừa nhỏ  tơi đất . Nếu đất bằng phẳng phải lên luống cẩn thận, luống cao 20cm, rộng 1m, luống cách luống là 30cm. 

Rắc phân chuồng hoai mục có thể là phân bò, phân gà tùy ý rồi vằm đều với đất, xoa phẳng mặt luống và tưới ẩm cho đất. Nếu không có phân chuồng có thể dùng phân vi sinh để lót trước khi gieo. 

  • Cách gieo

Gieo hạt cây ban trắng phải đều tay không thưa và không dày quá, không gieo lúc đang có gió sẽ làm hạt dồn lên nhau. Gieo thưa khoảng 10 – 20cm một hạt giống, sau khi gieo phủ lớp rơm rạ hoặc dùng lưới đen che phủ mặt luống để tránh mưa, nắng cho luống đất. Sau 5 ngày nên gỡ vật che phủ ra để hạt nảy mầm. 

2. Cách chăm sóc

Sau khi gieo hạt cây ban trắng để giúp đất được ẩm lâu nên tưới nước thêm lần nữa, những ngày sau đó tưới liên tục mỗi ngày một lần đến khi hạt nảy mầm. 

Kiểm tra thường xuyên luống đất gieo cây ban trắng, nếu có côn trùng cần phun thuốc diệt kịp thời, sau khoảng 5 – 7 ngày gỡ bỏ vật che chắn ra để hạt nảy mầm.

Khi mầm cây ban trắng cao khoảng 10cm cần pha phân vi lượng tưới lên cả lá và gốc để mầm khỏe và kháng sâu bệnh tốt.

Khi mầm cao khoảng 30 – 50cm là tỉa những cây đủ tiêu chuẩn đem trồng nơi đất mới, đồng thời nhổ bỏ những cây ban trắng kém chất lượng, còi cọc, cây bị tổn thương, trầy xước. 

Trước khi nhổ toàn bộ số cây ban trắng đem trồng nên phun thuốc Nấm với nồng độ nhẹ để phòng bệnh ghẻ lá, thối rũ cây con.

Cây hoa ban trắng là cây hoa đẹp đem lại nhiều nguồn lợi về kinh tế, văn hóa, du lịch cho vùng đất này. Ngoài ra, hoa ban còn là nét ẩm thực truyền thống, nếu bạn có ý định đến vùng đất Tây Bắc, hãy một lần thưởng thức hương vị hoa ban qua các món ăn nhé.

5/5 - (5 bình chọn)