Ngoài công dụng để trang trí, làm đẹp, một số loại hoa còn được dùng trong ẩm thực. Chúng có thể được sử dụng như rau củ quả, không chỉ giúp món ăn chính trở nên đẹp mắt hơn, mà còn là nguyên liệu chính trong nhiều công thức nấu ăn từ đơn giản tới phức tạp. Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
1. Hoa thiên lý
Hoa thiên lý là một thực phẩm bổ dưỡng và có công dụng chữa bệnh. Theo Đông y, hoa thiên lý là vị thuốc an thần, giúp trị chứng mất ngủ, bồi bổ sức khỏe, chống viêm, giải nhiệt, giảm đau mình mẩy, nhức xương cốt, phòng ngừa mẩn ngứa.
Bạn có thể xào hoa thiên lý với thịt bò hoặc lòng gà. Ngoài ra, hoa thiên lý cũng hợp với các món canh giò sống, canh thịt băm và canh cua. Khi chế biến các món ăn với hoa thiên lý, bạn tránh xào nấu hoa quá chín để tránh làm giảm các dưỡng chất của hoa và làm nhừ nát cánh hoa, giảm hương vị.
2. Hoa chuối
Hoa chuối là món ăn rất phổ biến và có từ lâu đời ở khắp mọi miền Tổ quốc. Hoa chuối hay được dùng để chế biến các món gỏi, nấu canh chua hoặc dùng làm rau ăn kèm bún bò cũng rất ngon.
Món nộm hoa chuối có lẽ là thân quen nhất với nhiều người. Tùy từng nơi mà món nộm này được gia giảm thêm thịt gà, thịt bò khô hay hải sản.
Nhiều người còn rán hoa chuối lên để dùng như một món chay. Trong hoa chuối chứa nhiều thành phần dinh dưỡng tốt cho sức khỏe và lợi tiểu.
3. Hoa Atiso
Đây là loại hoa đặc trưng của vùng đất Đà Lạt và vô cùng nổi tiếng vì vừa dùng làm trà uống, vừa dùng làm thực phẩm chế biến món ăn rất giàu dinh dưỡng. Không chỉ vậy, hoa atiso còn được dùng làm thuốc và rất tốt cho sức khỏe.
Atiso khá linh hoạt nên bạn có thể kết hợp nguyên liệu này vào nhiều món như canh atiso sườn non, bông atiso hầm chân giò hoặc xương ống, mứt atiso, chè atiso long nhãn hay làm trà atiso.
4. Hoa điên điển
Hoa điên điển được xem là một trong những đặc sản của miền sông nước Tây Nam Bộ. Hoa điên điển được dùng để chế biến nên rất nhiều món ăn ngon như bông điên điển nấu canh chua, điên điển nấu cá linh, nộm hoa điên điển hay hoa điên điển xào,…
5. Hoa bí
Hoa bí là món ăn dân dã, phổ biến khắp cả nước. Hoa bí có thể ăn được là hoa bí đực của cây bí rợ, không ra quả. Bông bí lớn, màu vàng tươi rất vui mắt. Bông bí được cắt chừa cuống dài, bó thành bó nhỏ đem ra chợ bán. Tuy nhiên vào mùa hè bông bí mới có nhiều.
Người miền Bắc thường luộc hoa bí vì có vị ngọt thanh, phần cuối bí có vị giòn dai, ăn rất thú vị. Món canh mùa hè cũng thường được nấu cùng với hoa bí, nêm thêm ít vị chua, cùng với thịt băm.
Riêng ở miền Nam, bông bí cũng như các loại bông khác như điên điển, bông so đũa làm thành món “lẩu hoa” đầy màu sắc và ngon miệng. Người miền Nam luộc bông bí chấm nước kho cá, kho thịt hay tương dầm ớt. Bông bí còn dùng để nấu canh, xào tỏi, xào thịt bò, xào nghêu…xào bông bí phải canh cho vừa chín mới còn giòn.
6. Hoa sen cạn
Hoa sen cạn được dùng trong nấu ăn vì có màu đẹp mắt và mùi hương đặc trưng. Cả lá và hoa của cây sen cạn đều có thể ăn trực tiếp hoặc nấu nướng. Chúng có mùi giống với hạt tiêu, hơi cay. Hoa sen cạn chứa nhiều chất chống viêm và chống oxy hóa.
Hoa sen cạn có hình phễu, có màu cam sáng, đỏ hoặc vàng. Vì thế, nhiều người sử dụng chúng để làm bánh ngọt, salad và trang trí bánh. Lá cây sen cạn trông giống với lá hoa loa kèn, có thể dùng để trộn salad hoặc món sốt pesto.
7. Hoa ban
Nếu hoa điên điển là đặc sản vùng sông nước thì hoa ban lại là đặc sản của vùng miền núi Tây Bắc nước ta. Hoa ban thường nở rộ vào độ tháng 3.
Không chỉ mang màu sắc tươi đẹp làm mê đắm du khách, hoa ban còn được dùng để chế biến thành những món ăn ngon khó cưỡng mà bất cứ thực khách nào đã từng thưởng thức đều khó lòng quên được như: hoa ban xào măng đắng, canh hoa ban, hoa ban nộm, hoa ban hầm móng giò, xào thịt lợn rừng, ban đồ,… rất hấp dẫn.
8. Bông so đũa
Cây so đũa hoặc mọc hoang, hoặc được trồng nhiều ở các vùng bờ quanh ruộng của đồng bằng sông Cửu Long. Bông so đũa mọc ở trên cao, kết thành từng chùm, có 2 màu: trắng và tím. Bông so đũa có vị nhân nhẫn đắng, nhưng ngọt hậu. Đầu tháng 10 âm lịch trở đi, cây so đũa đồng loạt ra hoa, cùng lúc với mùa cá linh để có món ăn nức tiếng là cá linh nấu canh chua bông so đũa.
Cũng gần giống với điên điển, bông so đũa được hái xuống, rửa sạch. Bông so đũa khá “mong manh”, vì vậy, khi nấu hay xào, kho, cũng chỉ cho vào một lúc, vài phút rồi bỏ ra thì mới giữ được vì giòn giòn của hoa.
Các món ăn được làm từ hoa so đũa đều rất tốt cho sức khỏe. Thông thường hoa so đũa có thể dùng ăn kèm lẩu mắm hoặc hấp với cá lóc, nấu canh chua với cá rô,… đều rất ngon miệng và hấp dẫn.
9. Hoa hồng
Hoa hồng được mệnh danh là chúa tể của các loài hoa với vẻ đẹp kiêu sa, lộng lẫy nhưng đây là một loại hoa ăn được cũng như là thành phần của nhiều bài thuốc. Theo y học cổ truyền, hoa hồng là một dược liệu có thể giúp điều hòa kinh nguyệt, chữa bệnh viêm da, mụn nhọt, đau bụng.
Ngoài ra, hoa hồng còn giúp hỗ trợ giảm cân và có công dụng an thần, giảm căng thẳng. Cánh hoa hồng cũng có chứa nguồn vitamin C và các dưỡng chất dồi dào giúp hỗ trợ tiêu hóa, mát gan, giải độc.
Nụ hoa hồng có thể được phơi và sấy khô để pha trà. Cánh hoa hồng tươi hoặc sấy khô rồi nghiền nhỏ thành bột thì có thể dùng trang trí bánh ngọt hoặc làm bánh để tạo màu sắc và hương vị độc đáo, hấp dẫn.
10. Hoa cúc
Hoa cúc là một loại hoa quen thuộc với người Việt. Loại hoa này không chỉ được trồng để trang trí cho không gian sống mà còn là một loại hoa ăn được với nhiều hoạt chất có lợi với sức khỏe.
Hoa cúc thường dùng để ướp trà và pha trà. Trà hoa cúc có hương vị thanh nhã, thư thái giúp trị các bệnh về tiêu hóa, mất ngủ, giảm viêm hiệu quả. Tuy nhiên, bạn nên tránh sử dụng nếu bị dị ứng với các loại hoa họ cúc.
11. Hoa rau sam
Tuy là một loài cây dân dã, rau sam lại có nhiều công dụng trong y học và ẩm thực. Đây là một loài thực vật mọng nước, lá cây dày và chắc, hoa nhỏ và có màu vàng.
Cả lá và hoa rau sam đều ăn được, có thể được ăn sống hoặc nấu chín, dùng trong các món salad hoặc ăn kèm với bánh mì hay bánh sandwich. Chúng có thể được hấp hoặc áp chảo với các loại rau xanh khác để thêm vào các món canh, súp, hoặc dùng làm món rau ăn kèm món chính.
12. Hoa oải hương
Nếu các loài hoa trên đều khá quen thuộc với ẩm thực Việt thì hoa oải hương lại xuất hiện nhiều trong các món Âu, kể cả món ăn ngọt và món ăn mặn. Người ta dùng hoa oải hương để làm thành phần bổ sung cho bánh quy, mứt hoặc thạch. Ngoài ra còn dùng để pha các loại nước xốt để ăn kèm thịt vịt, thịt gà hoặc thịt cừu.
13. Hoa sen
Có thể nói, các món ăn, thức uống được chế biến từ hoa sen đều mang được nét văn hóa đặc trưng của nền ẩm thực dân tộc Việt. Hầu hết các bộ phận của cây sen đều có thể dùng làm thực phẩm để ăn và uống. Chẳng hạn như: hạt sen, nhụy sen, tim sen, củ sen hay ngó sen đều rất tốt cho sức khỏe.
Riêng hoa sen thì có sẵn vị ngọt, lại lành tính, từng là nguyên liệu cho món vịt hấp hoa sen thuộc hàng cao lương mĩ vị chốn cung đình. Ngoài ra còn có thể kể thêm rất nhiều món ăn ngon từ hoa sen như: cơm sen, nộm sen hay chè sen,… rất nổi tiếng và được yêu thích. Tất cả các món ăn đều rất thơm ngon và bổ dưỡng.
14. Hoa hẹ
Hoa hẹ phổ biến ở trong miền nam với tác dụng vừa để trang trí, vừa làm món xào với hương vị hấp dẫn. Hoa hẹ có màu trắng, món ăn ngon và dễ chế biến nhất hoa hẹ nấu đậu phụ, thêm ít thịt nạc băm, ăn mát và giải nhiệt trong ngày nóng bức.
Hi vọng với những thông tin về các loại hoa ăn được kể ở trên của chúng tôi sẽ giúp các bạn có thêm những thông tin hữu ích, cũng như góp phần làm phong phú thêm kiến thức về ẩm thực của các bạn trong tương lai nhé.