Các loại Cây Thủy Sinh đẹp dễ trồng dễ chăm sóc nhất

Cây thủy sinh là những cây có thể sống và phát triển trong môi trường nước, gồm cả nước mặn và nước ngọt. Có loài sống hoàn toàn dưới dước, có loài sống một phần hay có cây thích ứng với môi trường ẩm ướt như ở dưới bùn.

Sự phát triển và phân bố của cây thủy sinh phụ thuộc vào sự dao động sóng nước, chu kỳ lũ, độ sâu, độ mặn, chất dinh dưỡng,…

Vậy đối với người mới trồng để không bị làm khó trong vấn đề nên chọn loại cây nào thì bài viết dưới đây chúng tôi xin giới thiệu các loại cây thủy sinh dễ trồng.

I. Các loại cây thủy sinh dễ trồng

1. Rong đuôi chồn

Rong đuôi chồn có tên khoa học là Egeria Densa, là loại cây thủy sinh rất phổ biến. Chúng đặc biệt dễ sống, sinh trưởng và phát triển rất nhanh nên có thể sẽ chiếm nhiều diện tích bể trồng, vì vậy khi trồng, bạn cần thường xuyên cắt tỉa để cây không bị mọc quá lớn và rậm nhé.

Rong đuôi chồn không đòi hỏi chăm sóc quá nhiều cũng như không cần nhiều chất dinh dưỡng. Khi trồng không cần phải cắm chúng xuống nền hay buộc cố định mà chỉ cần thả chúng trôi tự do trong nước là được.

2. Cây rong la hán xanh

Rong la hán xanh là cây thủy sinh được rất nhiều người yêu thích và chọn trồng trong các bình thủy tinh hay chậu để trưng bày trang trí trong nhà rất đẹp.

Đây là loại cây vừa dễ trồng vừa phát triển rất nhanh nếu được cung cấp đủ nước. Tuy nhiên khi trồng cần bạn chú ý việc cắt tỉa để cây luôn giữ được vẻ đẹp nhất.

3. Cây thủy sinh trân châu

Thủy sinh trân châu là cây thủy sinh được dân chơi cây thủy sinh đặc biệt yêu thích bởi chúng vừa dễ sống, không kén nền mà lại phát triển rất nhanh.

Loài cây này có màu xanh tươi vô cùng đẹp mắt, cây không cần phải chăm sóc nhiều và có tốc độ lân rất nhanh nên khi trồng trong bể, chúng sẽ mang đến một không gian xanh mát vô cùng bắt mắt.

Điểm duy nhất cần chú ý khi trồng cây thủy sinh trân châu là chúng cần sống ở nguồn nước sạch. Cây có thể sống và phát triển ở những môi trường nước khác nhau rất tốt, chỉ cần bạn thường xuyên thay nước rể bể để hạn chế tối đa sự xuất hiện của rêu hại. Việc thay nước cũng giúp cây luôn đủ dinh dưỡng để phát triển tốt hơn.

4. Cây hồng môn

Hồng môn là cây cảnh có thể trồng trong đất cũng như trồng thủy canh đều được. Với màu lá lạ, đẹp mắt cùng hình dáng cây phong phú, cây hồng môn chắc chắn sẽ là điểm nhấn phù hợp cho ngôi nhà của bạn.

Khi được trồng trong chậu hay bình thủy tinh, hồng môn càng toát lên vẻ đẹp của nó. Đồng thời đây còn là loại cây cảnh biểu trưng cho sự thanh cao, trong sạch nên được nhiều người yêu thích.

5. Cây thịnh vượng

Nếu bạn đang tìm kiếm một loại cây cảnh thủy sinh dễ trồng có thể trồng trong phòng điều hòa thì có thể tham khảo cây thịnh vượng. Chúng là cây ưa bóng rất được yêu thích những năm gần đây.

Cây thịnh vượng có thân thẳng, cành màu trắng ngà, lá có màu xanh pha hồng lạ mắt và được đánh giá là rất dễ trồng.

Đây là loại cây mang ý nghĩa phong thủy tốt, tượng trưng cho sự giàu sang, tiền tài, phát triển nên được rất nhiều người ưa chuộng đặt trên bàn làm việc, trong văn phòng để trang trí, làm đẹp.

6. Cỏ thìa

Cỏ thìa là cây khá dễ trồng, dễ chăm sóc. Chúng có chiều cao chỉ từ 5 – 15cm. Khi được trồng ở những vị trí ít nắng, cây sẽ tập trung phát triển chiều cao. Nếu bạn muốn cỏ thìa phát triển cành nhánh tốt thì hãy đặt chậu cây ở những nơi có nhiều ánh nắng nhé. Cây cỏ thìa cần có phân nền đầy đủ để cây có thể sinh trưởng tốt do cây có bộ rễ rất phát triển.

Dù là giống cây thủy sinh nhưng cây cỏ thìa lại phát triển ở dưới nước kém hơn khi trồng trên cạn. Vì thế khi mua cỏ thìa bạn hãy chọn những cây đã lớn, lá dài, tránh mua cây mới bởi chúng sẽ dễ chết khi bị ngâm nước đột ngột.

7. Cây dương xỉ Java

Dương xỉ Java là cây thủy sinh thuộc họ dương xỉ, chúng có thân hơi cứng và sống trong môi trường nước lơ lửng không chạm đất.

Cây dương xỉ Java được đánh giá là có dáng đẹp và mang tính thẩm mỹ cao. Chúng là loại cây ưa bóng mát nên có thể trồng trong nhà mà vẫn phát triển tốt được.

8. Cây xương cá

Cái tên cây xương cá được gọi xuất phát từ hình dạng tán lá được xếp như hình xương cá của loại cây này. Đây là loại cây thủy sinh mọc thẳng và được nhiều người đánh giá là cây không chỉ đẹp mà còn rất độc đáo.

Cây xương cá còn là cây thủy sinh rất dễ sống, chúng không cần đất nền và khí CO2. Hãy đặt cây ở nơi mát mẻ và có ánh sáng tốt là cây có thể sinh trưởng và phát triển rất nhanh.

9. Cây thủy cúc

Thủy cúc là cây thủy sinh ưa sáng nhiều và cần được trồng ở hồ thủy sinh có nhiều dinh dưỡng. Cây sẽ cho lá có màu xanh đẹp và lớn tốt hơn nếu bạn có điều kiện bổ sung thêm CO2 cho bể trồng.

Đây cũng là cây thủy sinh rất dễ trồng và chúng được trồng nhiều ở những hồ thủy sinh bị thừa dinh dưỡng nhờ khả năng hấp thụ tốt cùng sự phát triển mạnh mẽ của mình.

Nhiều người chơi thủy sinh đặc biệt yêu thích loại cây này bởi chúng không mất nhiều thời gian chăm sóc mà còn có vẻ ngoài đẹp mắt, mềm mại tạo nên không gian xanh mát cho hồ các thêm đẹp hơn.

Cây thủy cúc rất thích hợp với người bắt đầu tìm hiểu và chơi thủy sinh hay những người đang phân vân chưa lựa chọn được cây thủy sinh phù hợp, dễ trồng cho bể cá cảnh của gia đình mình. Với những bể cá ban đầu mới được tạo, người ta thường dùng nền trộn, do đó dẫn tới việc dư dinh dưỡng và họ cũng sẽ dùng thủy cúc trồng cùng để loại bỏ bớt dưỡng chất ở bể.

10. Cây trầu bà

Trong danh sách cây thủy sinh dễ trồng nên thử không thể nào thiếu cái tên cây trầu bà được. Cây trầu bà được bán rất nhiều ở các cửa hàng cây cảnh, cùng với đó là sự đa dạng về chủng loại cho bạn lựa chọn.

Cây còn có thể trồng được cả ở trong đất và thủy sinh nên khi mua từ ngoài về, bạn chỉ cần rửa sạch đất ở rễ, rồi chọn một chiếc bình phù hợp đổ nước sạch và cắm cây vào là được

Cây trầu đa dù đa dạng từ kích thước cho đến màu sắc nhưng tất cả đều là cây ưa bóng râm và đều có thể trồng thủy sinh. Cây không chỉ đẹp mà còn mang ý nghĩa phong thủy tốt, cây đem lại may mắn, công danh cho gia chủ và gia đình, đặc biệt thích hợp với người mệnh Hỏa và mệnh Thổ.

Ngoài khả năng làm đẹp cảnh quan, trầu bà còn có khả năng hấp thụ các loại khí độc phát sinh từ các thiết bị điện tử, một số chất thường có trong nhà mới sơn, gỗ dán tường hay quần áo mới.

11. Cây lan ý

Lan ý là cây cho hoa rất đẹp, vừa có thể trồng trong nước, lại vừa không đòi hỏi phải chăm sóc nhiều nên rất được lòng nhiều người cây thủy sinh.

Không chỉ đẹp và dùng để trang trí nội thất, cây lan ý còn có khả năng thanh lọc không khí rất hiệu quả nhờ việc chúng có thể trung hòa các chất gây hại thải ra từ các thiết bị điện tử như formaldehyde, trichloroethylene và acetone.

12. Cây ngũ gia bì

Ngũ gia bì là cây có thể trồng thủy sinh mà nhiều người yêu thích bởi chúng có nhiều công dụng khác nhau.

Bên cạnh việc dùng để trang trí vì cây ngũ gia bì có thể giúp thu hút tài lộc, gia tăng vận khí, chúng còn được trồng với mục đích đuổi muỗi và côn trùng. Không chỉ vậy, loại cây này còn có khả năng hấp thụ các chất độc hại thải ra từ máy tình rất hiệu quả, từ đó đem lại bầu không khí trong lành hơn.

13. Bèo Nhật

Bèo Nhật là cây thủy sinh phát triển rất nhanh và dễ, chúng thích hợp sống ở môi trường nước tĩnh như các hồ thủy sinh. Nếu muốn cây phát triển lá tốt và đẹp thì hãy đặt chúng ở nơi mà có độ ẩm cao và nhiều ánh sáng nhé.

Mặc dù rất dễ trồng như cây Bèo Nhật hiếm khi ra hoa, nhưng được biết hoa của chúng rất đẹp. Không chỉ vậy, loài cây này còn có tác dụng loại bỏ những chất độc hại, dư thừa trong môi trường.

14. Cây vảy ốc

Cây vảy ốc có hình dáng rất đẹp mắt và thu hút nên được dùng nhiều để làm triển lãm trong các cuộc thi hay các buổi chia sẻ hồ thủy sinh.

Cây vảy ốc rất dễ sống, không đòi hỏi nhiều chất dinh dưỡng cũng như không cần phải chăm sóc quá cầu kỳ mà vẫn phát triển tốt.

15. Cây lưỡi mèo

Lưỡi mèo cũng là cây được trồng nhiều trong các hồ thủy sinh nhờ khả năng hấp thụ CO2 tốt, đem lại màu xanh mát, đẹp mắt cho không gian trồng.

Bên cạnh đó, chúng còn đặc biệt dễ trồng, dễ chăm sóc và có tác dụng hút bụi bẩn, dinh dưỡng thừa và thức ăn thừa vô cùng hiệu quả, từ đó luôn giữ cho hồ thủy sinh sạch sẽ.

16. Cây thường xuân

Thường xuân là cây rất dễ trồng, bạn chỉ cần đặt cây vào trong bình nước là chúng có thể sống được. Thường xuân cho cành lá mềm mại, xanh tốt và mọc rủ nên một chậu thường xuân đặt trên bàn hay cửa sổ,… sẽ giúp không gian thêm nổi bật và bắt mắt hơn đó.

Không những thế, thường xuân còn có khả năng hấp thu rất tốt một loại chất là nguyên nhân gây ung thư và khó thở – formaldehyde.

II. Phân loại và lợi ích của cây thủy sinh

Cây thủy sinh thường được phân làm hai loại là: Cây thủy sinh để bàn hoặc trong nhà và Cây thủy sinh trồng bể cá. Và dù là loại nào, cây thủy sinh cũng sẽ giúp không gian trồng luôn xanh tươi, mát mẻ, trong lành hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, chúng sẽ giúp tạo nên hệ sinh thái thêm đa dạng và thu hút hơn.

1. Cây thùy sinh để bàn hoặc trong nhà

Gồm:

  • Cây hồng môn
  • Cây thịnh vượng
  • Cây trầu bà
  • Cây lan ý
  • Cây thường xuân
  • Cây ngũ gia bì

Lợi ích:

  • Cây thủy sinh để bàn không chỉ giúp tô điểm, làm đẹp cho không gian mà chúng còn rất tốt cho sức khỏe của người trồng. Nhiều cây thủy sinh có khả năng hấp thụ và loại bỏ các khí độc hại được thải ra từ các thiết bị điện tử, máy móc, nhà vệ sinh, sơn tường,… rất hiệu quả. Chúng giúp bầu không khí luôn trong lành, sạch sẽ, đồng thời giúp tinh thần con người luôn thư thái, thoải mái và giải tỏa áp lực sau ngày dài mệt mỏi.
  • Nhiều cây thủy sinh có ý nghĩa phong thủy tốt, giúp thu hút tài lộc, đem lại may mắn, vượng khí và sự thành công trong cuộc sống và sự nghiệp cho người trồng.
  • Nhờ chiều cao không quá lớn, cây thủy sinh còn giúp tiết kiệm không gian, diện tích cho văn phòng và nhà ở của bạn.

2. Cây thủy sinh trồng trong bể cá

Gồm:

  • Cây rong đuôi chồn
  • Cây rong la hán xanh
  • Cây thủy sinh trân châu
  • Cây thủy cúc
  • Cây dương xỉ Java
  • Cỏ thìa
  • Cây xương cá
  • Cây lưỡi mèo
  • Cây vảy ốc
  • Cây bèo Nhật

Lợi ích:

  • Cây thủy sinh trồng trong bể cá giúp cho hệ sinh thái thêm đa đang, tạo không gian xanh đẹp. Chúng giúp bổ sung một khoảng trống ở bề mặt giúp các vi khuẩn có lợi được phát triển tốt hơn. Đồng thời cung cấp khả năng lọc bể một cách tự nhiên.
  • Cây thủy sinh còn có khả năng hấp thụ và loại bỏ những chất dinh dưỡng thừa, thức ăn thừa, các chất bụi bẩn, độc hại có trong bể để tạo môi trường khỏe mạnh, sạch sẽ cho cá phát triển khỏe mạnh. Vì thế mà người nuôi cũng tiết kiệm được công sức và thời gian dọn bể cá hơn.
  • Cây thủy sinh còn giúp hấp thu lượng carbon dioxide (CO2) mà cá thải ra và cung cấp khí oxy tự nhiên.
5/5 - (2 bình chọn)